Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển ĐôngVấn đề Biển Đông và những phức tạp trên thựa địa

Vấn đề Biển Đông và những phức tạp trên thựa địa

Biển Đông hiện đang là một vùng biển nóng nhất trên thế giới, sức nóng của nó không phải là do biến đổi khí hậu gây ra mà chính là những tranh chấp giữa các quốc gia liên quan cùng sự can thiệp của các siêu cường trên thế giới. Hiện nay thực trạng Biển Đông như thế nào? có bao nhiêu quốc gia đang có tranh chấp trên vùng biển này?

Vị trí chiến lược của Biển Đông

Biển Đông là biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, gồm các vịnh lớn và giàu tài nguyên như Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan, được bao bọc bởi 10 quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Hiện nay Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn là điểm nóng của cả châu Á – Thái Bình Dương vì hai lý do:

Thứ nhất, Biển Đông nằm trên tuyến đường hàng hải huyết mạch nằm trong số 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, Châu Âu với Châu Á khu vực Trung Đông về Đông Á và Đông Nam Á. Trong khu vực Đông Nam Á nói riêng có khoảng hơn 500 cảng biển, trong đó có hai cảng thương mại và loại lớn và hiện đại hàng đầu thế giới là cảng Singapore của quốc đảo Singapore và cảng Victoria của Hồng Kông, Trung Quốc và hai cảng quân sự.

Cảng Cam Ranh của Việt Nam và cảng Subic của Philippines quan trọng nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương ở trung tâm khu vực Biển Đông, được bao bọc bởi những dãy núi cao. Việc một lượng lớn tàu quân sự có thể ra vào cùng lúc ở hai cảng này cho phép nó chi phối gần như toàn bộ Biển Đông.

Theo thống kê hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông mang theo hàng nghìn tỷ USD giá trị thương mại mỗi năm. Chính vì vậy mà vùng biển này có hai điểm trọng yếu:

Điểm trọng yếu thứ nhất: Eo biển Malacca nằm giữa đảo Sumatra của Indonesia và bán đảo Malaysia. Vị trí này vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hóa của các nước Đông Nam Á và Đông Á đều phải đi qua đây nếu muốn đến với Ấn Độ, Trung Đông, Châu Phi, châu Âu và ngược lại. Ba eo biển thuộc chủ quyền của Indonesia là Sunda, Blombok và Makascha sẽ đóng vai trò dự phòng trong tình huống eo biển Malacca ngừng hoạt động. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì hàng hóa giữa Ấn Độ Dương sang Đông Nam Á và Đông Nam Á sẽ chịu cước phí cao hơn vì quãng đường dài hơn.

– Điểm trọng yếu thứ hai: Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vùng biển của hai quần đảo này là một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển nhất trên thế giới. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể dùng để kiểm soát các tuyến hàng hải qua lại Biển Đông và dùng cho mục đích quân sự như là đặt trạm radar, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân, trạm tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền… Các nhà chiến lược phương Tây đã cho rằng: quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa thì sẽ không chế được cả Biển Đông.

Thứ hai, Biển Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng. Biển Đông có nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản đa dạng với trữ lượng lớn, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu khí. Theo các ước tính Biển Đông được coi là một trong năm trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới với giá trị ước tính là hàng chục nghìn tỷ USD.

Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney – Saba, Sarawak, Mã Lai – Thổ Chu, Nam Côn Sơn, Cửu Long, sông Hồng…. còn theo các chuyên gia Nga khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam còn chứa đựng nguồn tài nguyên băng cháy. Trữ lượng của nguồn tài nguyên này được cho là ngang hàng với trữ lượng dầu khí trên Biển Đông. Đây cũng được xem là nguồn nguyên liệu thay thế trong tương lai. Với các lợi thế về nguồn tài nguyên và địa chính trị chiến lược quan trọng như vậy nên từ lâu Biển Đông đã trở thành địa bàn tranh chấp giữa nhiều bên.

Những tranh chấp trên Biển Đông

Các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa các quốc gia trong khu vực bắt đầu diễn ra từ sau thế chiến thứ 2. Tuy nhiên là cho đến nay vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 các tranh chấp này vẫn chưa được giải quyết và đang ngày càng bị đẩy lên có nguy cơ cao hình thành các cuộc xung đột quân sự.

Các sự kiện đáng chú ý và gây quan ngại sâu sắc trong quan hệ quốc tế tại Biển Đông có thể kể đến như:

– Năm 2009 Trung Quốc đệ trình Liên hợp quốc yêu sách đòi “đường chín đoạn” đơn phương tuyên bố chủ quyền khoảng 75% diện tích mặt nước của Biển Đông và bao trùm lên được cơ sở và vùng lãnh hải của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.

– Năm 2014 Trung Quốc tiếp tục gây sóng gió trong một thời gian với sự kiện đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên cửa vịnh Bắc Bộ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

– Từ các năm 2014, 2015, 2016 Trung Quốc tiến hành bồi đắp và xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam nhằm quân sự hóa và tiến tới âm mưu thành lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

– Ngoài Trung Quốc thì Hoa Kỳ cũng là nhân tố gia tăng căng thẳng trên iBiển Đông, khi họ triển kha các hoạt động tự do hàng hải. Năm 2017 Hoa Kỳ đã 4 lần tiến hành các hoạt động với danh nghĩa này, trong đó có những lần Hoa Kỳ tiến vào phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Sự hiện diện của Hoa Kỳ vừa kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc, vừa khiến cho Trung Quốc phải tìm cách đối phó với Hoa Kỳ.

– Sau phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế, năm 2016 PCA cũng có hiện tượng một số nước trong và ngoài khu vực đã lợi dụng phán quyết để đơn phương gia tăng hành động xâm lấn phi pháp và chủ trương yêu sách đơn phương. Indonesia từ năm 2017, đã đặt tên một phần Biển Đông thành biển Bắc Natuna nhằm khẳng định chủ quyền của nước này trên Biển Đông, động thái được cho là nhằm chống lại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

Tuyên bố và yêu sách của các nước ở Biển Đông

Những vấn đề có liên quan đến các tranh chấp và mâu thuẫn lợi ích tại khu vực Biển Đông là vô cùng phức tạp. Hiện nay toàn bộ 10 quốc gia và một lãnh thổ trong khu vực đều đưa ra một loạt các tuyên bố và yêu sách của mình đối với vùng biển này.

Những tuyên bố của Việt Nam

Đầu tiên, cần xác định đường cơ sở của Việt Nam, theo đó đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam sẽ bắt đầu từ điểm tiếp giáp không của hai đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia nằm giữa Biển Đông trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Chu và đảo Poulo Wai đến đảo Cồn Cỏ. Điều này đã bám rất sát với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và tập quán quốc tế.

Từ đường cơ sở này Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý với những tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông. Những tuyên bố của Việt Nam có thể chia làm hai nhóm: thứ nhất là tuyên bố chủ quyền lãnh thổ với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thứ hai là tuyên bố đối với các vùng biển tạo ra từ đất liền Việt Nam.

Cụ thể Việt Nam tuyên bố chủ quyền với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tức khoảng 370,4km tính từ đường cơ sở và thềm lục địa mở rộng 350 hải lý ở hai phần của Biển Đông theo đúng quy định của công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

Mặc dù chính phủ Việt Nam vẫn chưa công bố hải đồ và bản kê tọa độ địa lý của các đảo cũng như vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng theo các thông tin phổ biến thì vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km².

Yêu sách của Trung Quốc

Mặc dù tất cả các quốc gia trong khu vực đều có sự tranh chấp chủ quyền lẫn nhau, nhưng tác nhân chính gây ra những bất ổn hiện nay chính là sự bành trướng của Trung Quốc khi muốn độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. “Đường 9 đoạn” hay còn được gọi là “đường lưỡi bò” là tên gọi dùng để chỉ khu lãnh hải phi lý tại Biển Đông mà Trung Hoa Dân Quốc, và sau này là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền. Ban đầu nó là đường 11 đoạn và xuất hiện công khai lần đầu vào 02/1948 trong phụ lục bản đồ vị trí các đảo Nam Hải của bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc do cục phân vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành.

Do thời điểm đó thì Trung Hoa Dân Quốc không có khả năng đo lường các đảo, vì thế mà họ đã vẽ đường này qua điểm trung tuyến giữa các điểm nhô ra nhất của các hòn đảo và địa hình của đất liền xung quanh, không hề có các tọa độ địa lý cụ thể và một thời in bản đồ thì đường 11 đoạn này lại càng khác nhau. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi thành lập vào năm 1949 vẫn xác định cương vực trên Biển Đông theo đường 11 đoạn của Trung Hoa Dân Quốc.

Đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong Vịnh Bắc Bộ trở thành “đường 9 đoạn” với tổng cộng 28 điểm. Điểm cực nam là bãi cạn James với hệ thống trên thì khoảng 75% diện tích Biển Đông, bao gồm cả phần lãnh hải tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của một số nước ASEAN cùng các quần đảo bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong suốt một thời gian dài, mặc dù cho xuất bản bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò”, nhưng cả chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lẫn chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức gì về nó. Chính vì vậy, những yêu sách chủ quyền phi lý của Đài Loan hiện nay cũng gần tương tự như Trung Quốc.

Năm 1993, chính phủ Đài Loan công bố Nam Hải chính sách cương lĩnh cho rằng “đường 9 đoạn” phân định ra vùng nước lịch sử, nhưng đến năm 2003 Tổng thống Đài Loan là Trần Thủy Biển đã bác bỏ chính sách này. Trung Quốc thì ngay từ năm 1992, quốc gia này đã ban hành luật lãnh hải và vùng tiếp giáp thiết lập lãnh hải kéo dài 12 hải lý từ bờ biển. Năm 1998 phía Bắc Kinh đã thông qua luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa quy định vùng đặc quyền kinh tế là 200 hải lý.

Các yêu sách hàng hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên Biển Đông bao gồm 4 loại yêu sách:

Yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển

Trung Quốc yêu sách chủ quyền phi lý đối với hơn 100 thực thể ở Biển Đông vốn chìm dưới mặt biển và nằm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào. Những yêu sách như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, các “thực thể chìm” không phải là đối tượng của một yêu sách chủ quyền hợp pháp hoặc không có khả năng tạo ra các vùng biển như vùng lãnh hải.

Yêu sách về đường cơ sở thẳng

Trung Quốc đã vẽ hoặc khẳng định quyền được vẽ các “đường cơ sở thẳng” bao quanh các đảo vùng nước và các thực thể chìm trong các vùng không gian đại dương rộng lớn ở Biển Đông. Tuy nhiên không có nhóm nào trong số các nhóm đảo mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông đáp ứng được các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng các đường cơ sở thẳng theo công ước. Ngoài ra, cũng không có một quy chế tập quán quốc tế đặc biệt nào ủng hộ quan điểm của Trung Quốc rằng nước này có thể xác định được cơ sở thẳng bao quanh các nhóm đảo.

Yêu sách các vùng biển

Trung Quốc khẳng định các yêu sách chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên một việc coi mỗi nhóm đảo trên Biển Đông mà nước này yêu sách chủ quyền phi lý là một thực thể đơn nhất. Điều này không được luật pháp quốc tế cho phép phạm vi của các vùng biển phải được đo từ các đường cơ sở được thiết lập hợp pháp, thường là ngấn nước thủy triều thấp dọc theo bờ biển trong các vùng biển có yếu sách chủ quyền của mình Trung Quốc cũng đưa ra nhiều yêu sách về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các quyền lịch sử

Trung Quốc khẳng định có các quyền lịch sử ở Biển Đông, không có bất kỳ diễn giải cụ thể nào về bản chất của các “quyền lịch sử”. Nói tóm gọn lại thì ngoài việc thiết lập đường cơ sở ở đại lục và đảo Nam Hải, thì năm 1996, Trung Quốc còn thiết lập trái phép đường cơ sở bao gồm 29 điểm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đối với bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì quốc gia này chưa công bố điểm cơ sở mà vẫn áp dụng theo yêu sách “ đường 9 đoạn”, đồng thời chiếm đóng trái phép bãi cạn Scarborough và 7 thực thể khác ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, là: Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập, Đá Gaven, Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, Đá Vành Khăn và Đá Subi. Đài Loan cũng chiếm đóng Đảo Ba Bình và được cho là chiếm đóng cả Bãi Bàn Than. Đây là một điều hết sức phi lý và vi phạm nghiêm trọng công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Đây cũng là nguồn cơn cho những mâu thuẫn của Trung Quốc với các nước ASEAN trong đó có Việt Nam khi “đường 9 đoạn” ăn sâu vào cả lãnh hải và vùng quyền kinh tế của một số nước như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines, cũng như ôm trọn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Yêu sách của Philippines trên Biển Đông

Hiện nay những yêu sách của Philippines xoay quanh bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, là nếu xét theo yếu tố lịch sử thì Philippines vốn là nước không có quyền gì đối với quần đảo Trường Sa. Theo Hiệp định Paris ký năm 1898 giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha, thì Tây Ban Nha giao Philippines cho Hoa Kỳ đã xác định phạm vi của đảo Philippines trên bản đồ kèm theo, hiệp định này không bao gồm bất kỳ một phần nào của quần đảo Trường Sa.

Từ năm 1951, Philippines bắt đầu chuẩn bị dự luật để nhảy vào tranh chấp Bãi Cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa. Hiện nay yêu sách của Philippines được chia ra làm 2 phần.

1. Yêu sách bãi cạn Scarborough

Đây là khu vực tranh chấp 2 bên là Philippines và Trung Quốc bao gồm cả Đài Loan. Về phía Trung Quốc, nước này tuyên bố bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền của mình thông qua các nguyên tắc khám phá các vùng lãnh thổ mới. Bắc Kinh cũng lấy dẫn chứng về một cuộc khảo sát các vùng biển xung quanh lãnh thổ Trung Hoa dưới thời nhà Nguyên và viện dẫn điều kiện của Hiệp ước Paris ký năm 1898 giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ để chống lại Philippines. Còn phía Philippines tuyên bố rằng cơ sở và quyền tài phán của nước này đối với bãi cạn Scarborough không bị ràng buộc bởi Hiệp ước Paris.

Nói cách khác thì Hiệp ước Paris không quan trọng và không ảnh hưởng đến những tuyên bố của Philippines. Nước này cũng đã chỉ ra rằng nếu như Bắc Kinh có chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough, vậy tại sao nước này không phản đối các cuộc thám hiểm của hải quân Tây Ban Nha và Hoàng gia Anh khi họ khảo sát và tiến hành các hoạt động cứu hộ trên bãi cạn Scarborough vào những năm 1800 hoặc gần nhất là năm 1913 khi một tàu tuần duyên Hoa Kỳ đã cứu một tàu Thụy Điển mắc cạn trên bãi cạn này. Vì vậy chủ quyền của Trung Quốc trên bãi cạn này là không có căn cứ. Mặc dù năm 2016 Tòa trọng tài Quốc tế đã có những kết quả giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough nhưng phía Trung Quốc vẫn có những động thái cứng rắn đối với khu vực này.

2. Yêu sách ở Kalayaan (quần đảo Trường Sa)

Đây là một vùng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc bao gồm cả Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia. Từ năm 1951 phía Philippines luôn cho rằng quần đảo Spratly (tức quần đảo Trường Sa) phải thuộc về Philippines vì nó nằm ở gần Philippines. Từ năm 1971 đến năm 1978, Philippines cho quân đội ra chiếm đóng một số đảo ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Đến đầu năm 1979 Philippines công bố sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký vào 11/6/1978 coi toàn bộ quần đảo Trường Sa trừ đảo Trường Sa Lớn là lãnh thổ Philippines và đặt tên cho quần đảo này là Kalayaan. Ngoài ra Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố rằng họ coi Bãi Cỏ Mây là một phần không thể tách rời của Philippines.

Như vậy, hiện nay phía Philippines có yêu sách đối với bãi cạn Scarborough cùng Trung Quốc, và yêu sách đối với quần đảo Trường Sa cùng với Việt Nam, Trung Quốc và cả Đài Loan, Brunei và Malaysia. Đồng thời chiếm đóng trái phép 10 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là Đảo Bến Lạc, Đảo Bình Nguyên, Đảo Loại Ta, Đọc Song Từ Đông, Đảo Thị Tứ, Đảo Vĩnh Viễn, Bãi An Nhơn, Đá Cá Nhám, Đá Công Đo và Bãi Cỏ Mây.

Yêu sách của Malaysia

Malaysia công bố bản đồ về thềm lục địa vào 21/12/1979 và yêu sách chủ quyền đối với tất cả các đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Malaysia, trong đó có cả những yêu sách về các đảo tại phía Nam của đảo Trường Sa. Cụ thể thì Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với hơn 10 đảo san hô vòng ở quần đảo Trường Sa khi nước này cho rằng tất cả đều nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý (khoảng 370,4 km). Đồng thời Malaysia chiếm đóng trái phép 7 đảo đá san hô là Bãi Thám Hiểm, Đá Én Ca, Đá Kỳ Vân, Đá Kiệu Ngựa, Đá Suối Cát, Đá Hoa Lau và Đá Sắc Nốt. Ba đảo đá còn lại do Việt Nam và Philippines đóng giữ là Đảo An Bang, Đá Tốc Tan và Đá Công Đo. Hơn nữa chính phủ Malaysia dường như đã nhượng lại yêu sách của mình đối với thực thể thứ 11 đó là Đá Louisa trong một thỏa thuận song phương với Brunei vào năm 2009 để phân định ranh giới trên biển hai quốc gia.

Tuy nhiên, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa. Mặc dù Việt Nam không công bố danh sách cụ thể các thực thể trong quần đảo nhưng trong một bài viết trên cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam vào 24/5/2017 Ban dân nguyện đã đăng tải trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ hai Quốc Hội khóa 14 như sau: “Từ thế kỷ XVII đến nay, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được Nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền một cách liên tục và hoà bình. Pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hoà bình… Theo đó, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Như vậy, đảo đá này thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vị trí của nó nằm cách bờ biển Brunei 193 km về phía Tây Bắc, cách Đá Sác Lốt 76km về phía Tây Nam. Đây là một rạn san hô hình tứ giác với chiều dài khoảng 2,2km, chiều rộng khoảng 1,1km, thỉnh thoảng có một số tảng đá nổi trên bề mặt. Hiện nay khu vực nằm ở cửa Vịnh Thái Lan vẫn tồn tại vùng chồng lấn 3 bên giữa Việt Nam, Thái Lan và Malaysia cùng với đó là Việt Nam và Malaysia cũng đang tồn tại một vùng chống lấn vùng thềm lục địa rộng 2.800 km2.

Yêu sách của Brunei

Brunei được cho là quốc gia im hơi lặng tiếng nhất trong khu vực Đông Nam Á khi nói về vấn đề Biển Đông. Nhìn trên bản đồ ta có thể thấy đường bờ biển hướng về phía Bắc của Brunei kéo dài khoảng 160km dọc theo Biển Đông bao gồm cả Vịnh Brunei, Brunei đã ký Công ước Luật biển năm 1982 vào 12/5/1984 đến 11/5/1996 nước này phê chuẩn Công ước Luật biển và đồng ý chịu sự ràng buộc của công ước này.

Có rất ít thông tin về việc thực hiện các yêu sách hàng hải của Brunei. Thậm chí cho đến nay Brunei đã không công khai phản đối “đường 9 đoạn” hay phản đối những yêu sách nào của Malaysia. Tuy nhiên, bản đồ do Brunei xuất bản năm 1988 thể hiện rằng thềm lục địa mở rộng 350 hải lý của nước này bao trùm cả Đá Louisa, Bãi Vũng Mây và Bãi Chim Biển. Đòi hỏi của Brunei được nhận xét là không phù hợp với Luật biển năm 1982, do thềm lục địa của nước này bị máng Biển Đông – Palawan làm gián đoạn sự kéo dài tự nhiên.

Thực tế cho thấy Đá Louisa là một phần của quần đảo Trường Sa của Việt Nam, còn Bãi Vũng Mây và Bãi Chim Biển thì nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Đồng thời khu vực biển này đã được Việt Nam sử dụng và khai thác đặc quyền kinh tế một cách ổn định từ lâu, chứ không phải bây giờ mới có mới xuất hiện tuyên bố chủ quyền, càng không phải khu vực đang có tranh chấp trên biển, Việt Nam cũng tuyên bố không gán ghép các bãi ngầm này vào quần đảo Trường Sa đồng thời bác bỏ sự gán ghép này của một số bên trong tranh chấp.

Tranh chấp và phân chia Biển Đông giữa Indonesia và Việt Nam

Năm 1969, Indonesia đưa ra tuyên bố về nguyên tắc phân định biển dựa theo đường trung tuyến tính từ đường cơ sở của đảo Indonesia và đường cơ sở của các quốc gia liên quan sau khi đàm phán phân tích biển không thành công với Việt Nam Cộng hòa. Năm 1978 Indonesia nối lại đàm phán với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, dựa vào đặc điểm có một rãnh sâu tại đáy biển gần Đảo Pulau Laut của Indonesia, Việt Nam đã đưa ra lời đề nghị về ranh giới thềm lục địa nằm giữa đường trung tuyến xác định theo đường cơ sở và rãnh sâu gần Đảo Pulau Laut.

Sau 25 năm đàm phán, vào 26/6/2003, chính phủ hai nước Việt Nam và Indonesia đã ký Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa tại vùng biển chồng lấn. Hiệp định có hiệu lực từ 29/05/2007, trong điều 1 của hiệp định có quy định: “Đường ranh giới thềm lục địa tại vùng chồng lấn được xác định bằng các đoạn thẳng nối tuần tự 5 điểm bao gồm: điểm đầu tiên là điểm 20 cách Hòn Sao của Việt Nam 271.7 km về phía Tây Nam và các Pulau Laut của Indonesia 309,3km về phía Tây Bắc; tiếp đến điểm 20 được nối với điểm H nằm cách điểm 20, 70,32 km về phía Đông, nằm cách điểm H không xa là điểm H1 hai điểm này chỉ cách nhau 8km. Nằm check lên một chút là điểm A4, điểm A4 nằm cách điểm H1 khoảng 22,1km và cuối cùng là điểm X1 đây là điểm nằm xa nhất trong 5 điểm, điểm X1 cách điểm A4 khoảng 310 km và khoảng cách từ điểm 20 đến điểm X1 là hơn 411,6 km. Điểm X1 nằm cách Hòn Tài Lớn thuộc Côn Đảo Việt Nam 366,7 km về phía Đông Nam và cách Đảo Pulau Laut của Indonesia 228,5km về phía Đông Bắc. Như vậy, đường phân định ranh giới thềm lục địa tại vùng chồng lấn giữa Indonesia và Việt Nam đã được vạch ra.

Sau đó năm 2010 hai nước đã đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế. Do những bất đồng nên năm 2022 hai quốc gia với tuyên bố đàm phán thành công phân định vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, giữa hai nước vẫn có một số bất đồng khi triển khai cuối năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Joko Widodo mới cùng thông báo rằng Việt Nam và Indonesia đã hoàn tất phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai nước sau 12 năm nỗ lực. Từ năm 2010 đến nay, hai nước đã có hàng chục vòng đàm phán liên quan đến các tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông, do mới đàm phán thành công nên hiện nay hai nước vẫn chưa công bố các hiệp định mà hai bên đã ký với nhau.

Như vậy, đến nay Việt Nam đã đàm phán giải quyết phân định ranh giới vùng biển và vùng khai thác chung với một số nước trong khu vực có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn lên nhau. Đó là vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Campuchia, giữa Việt Nam và Thái Lan, giữa Việt Nam và Malaysia trong Vịnh Thái Lan và với Indonesia ở Nam Biển Đông.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới