Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBÁO ĐẢNG TRUNG QUỐC TUYÊN TRUYỀN QUỐC SÁCH CHỐNG VIỆT NAM

BÁO ĐẢNG TRUNG QUỐC TUYÊN TRUYỀN QUỐC SÁCH CHỐNG VIỆT NAM

Ngày 30/11/2012, Bắc Kinh dùng tàu cá cắt cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam trong phạm vi thềm lục địa Việt Nam. Để biện hộ cho việc làm sai trái đó, ngày 5/12/2012 thời báo Hoàn Cầu phụ san của tờ Nhân Dân Nhật Báo cho đăng bài nhan đề “Phải làm gia tăng độ rủi ro cho việc khai thác dầu khí của Việt Nam bên trong đường 9 đoạn”, trong đó vu cáo Việt Nam “không phải khai thác dầu mà là ăn cắp dầu”, “ Việt Nam ăn cắp đã thành nghiện” và “Việt Nam thường xuyên trông chờ vào áp lực của cộng đồng quốc tế buộc Trung Quốc phải rút lui”.

Đồng thời, theo chỉ đạo của Bắc Kinh trong cùng ngày đó tờ báo này đặt câu hỏi “Việt Nam ăn cắp dầu có phải là rắc rối lớn ở Nam Hải không?” để thăm dò ý kiến bạn đọc và trích đăng ý kiến “ cần phải đánh cho Việt Nam dập đầu”.

Ven Biển đông có 9 quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Cambodia, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và Singapore. Singapore là quốc đảo nhỏ, nằm lọt giữa một loạt đảo của Indonesia và Malaysia. Diện tích các vùng biển của nước này rất ít (chủ yếu là lãnh hải 12 hải lý), nên không có điều kiện khai thác dầu khí. Singapore chủ yếu tham gia khai thác dầu khí trong vùng biển các nước láng giềng. Tám nước ven Biển Đông còn lại, kể cả Trung Quốc, đều phân lô, thăm dò và khai thác dầu khí trong thềm lục địa của mình. Cambodia cũng phân lô và mời các công ty dầu khí nước ngoài thăm dò, khai thác dầu khí trong thềm lục địa của họ, Malaysia cũng vậy. Philippines cũng vậy. Trung Quốc cũng thăm dò, khai thác dầu khí trong thềm lục địa 200 hải lý của Trung Quốc. Chưa bao giờ Bắc Kinh nói các nước đó ăn cắp dầu. Việt Nam phân lô, thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Việc làm của Việt Nam cũng tương tự việc làm của các nước láng giềng khác. Khai thác tài nguyên trong vùng biển của mình là ăn cắp thì Trung Quốc cũng chính là kẻ ăn cắp.

alt

Về bản chất, chủ nghĩa bành trướngTrung Quốc là kẻ cướp. Nhà Hán, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh đã nhiều lần đưa quân xâm lược Việt Nam và cướp không ít đất đai của Việt Nam. Dưới thời cộng sản, Bắc Kinh cũng đã 4 lần dùng vũ lực xâm lược Việt Nam. Năm 1956 Bắc Kinh cho quân chiếm các đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1974 Bắc Kinh cho quân chiếm các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1979 Bắc Kinh cho 30 vạn quân xâm lược các tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Năm 1988 Bắc Kinh lại dùng vũ lực chiếm một số bãi đá san hô của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Đó là ăn cướp và xâm lược.

Bắc Kinh cho rằng “Việt Nam trông chờ vào áp lực của cộng đồng quốc tế buộc Trung Quốc phải rút lui” và kích động tư tưởng “ đánh cho Việt Nam dập đầu”. Mộng tưởng rất sai lầm và hão huyền. Người Việt Nam rất quý trọng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Người Việt Nam tin rằng cộng đồng quốc tế luôn đứng về phía Việt Nam vì dân tộc yêu chuộng hoà bình, muốn hoà thuận với láng giềng. Nhưng từ bao đời nay, người Việt Nam đã xác định rõ không bạn bè nào có thể làm thay cho Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trung Quốc là nước lớn. Việt Nam là nước nhỏ. Vì thế, đã nhiều lần Trung Quốc cho quân xâm lược Việt Nam. Người Việt Nam đã tự mình chiến đấu. Người Việt Nam không trông chờ áp lực quốc tế để bọn xâm lược rút khỏi Việt Nam. Tổn thất về người về của là có, nhưng lần nào cũng vậy quân xâm lược phương Bắc phải cuốn gói nhục nhã. Nhân Dân Nhật Báo và Hoàn Cầu cần cho người đến gò Đống Đa ở Hà Nội để ôn lại lịch sử. Còn nhớ, năm 1979 Bắc Kinh cho quân đánh vào các tỉnh biên giới của Việt Nam với hy vọng Việt Nam sẽ rút quân chủ lực khỏi Cambodia và chế độ diệt chủng Khme Đỏ sẽ được cứu thoát. Mưu đồ của Bắc Kinh bị phá sản: quân Việt Nam vẫn ở lại Cambodia tiếp tục truy kích, tiêu diệt chế độ Khme Đỏ và Bắc Kinh phải rút quân khỏi các tỉnh biên giới Việt Nam.

Năm ngoái, tờ Hoàn Cầu cũng dùng thủ đoạn thăm dò dư luận, nhồi nhét và kích động tâm lý chống Việt Nam. Lần này Bắc Kinh lại một lần nữa sử dụng thủ đoạn này để khuyến khích, kích động người dân. Một hòn đá nhắm hai đích. Một, với thủ đoạn này Bắc Kinh mưu đồ che đậy những việc làm sai trái xấu xa của họ ở Biển Đông. Hai, Bắc Kinh cho rằng sẽ lừa bị được nhân dân Trung Quốc và như vậy sẽ lái tâm lý bất bình và căm phẫn với nạn tham nhũng đang nảy nở ở các cấp chính quyền Trung Quốc hiện hay. Dù với động cơ gì đi nữa, thủ đoạn xấu xa đó của Bắc Kinh đối với Việt Nam hoàn toàn không chấp nhận được. Nhân Dân Nhật Báo và tờ Hoàn Cầu là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc. Mỗi câu, mỗi từ của các tờ báo này đều được Ban lãnh đạo duyệt công phu. Nếu không được Ban lãnh đạo Trung Quốc, chắc chắn bọn bồi bút của tờ Hoàn Cầu không dám công khai tuyên truyền Việt Nam là “kẻ ăn cắp” và kích động tư tưởng “đánh cho Việt Nam dập đầu”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thề thốt họ luôn luôn xuất phát từ tầm cao chiến lược, vì đại cục quan hệ hai nước, phấn đấu tăng cường tình hữu nghị với Việt Nam theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt. Bằng việc chỉ đạo các tờ báo Đảng làm những việc xấu xa nói trên, Bắc Kinh càng cho thế giới thấy rõ chính sách chống Việt Nam của họ. Hà Nội phải lên tiếng với Bắc Kinh. Nhẫn nại là tốt, nhưng phải có giới hạn. Trong những vụ việc thế này, các báo, đài trong nước cần vạch trần quốc sách chống Việt Nam của Bắc Kinh để dư luận biết rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới