Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNATO đang mắc kẹt ở Ukraine nhưng có tính toán gì ở...

NATO đang mắc kẹt ở Ukraine nhưng có tính toán gì ở châu Á?

NATO tính mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản, gia tăng ảnh hưởng ở châu Á dù phải dồn lực cho Ukraine chống lại Nga.

Nhiều ý kiến cho rằng, xung đột Nga – Ukraine tiếp diễn, chưa có hồi kết là do các nước phương Tây, trong đó NATO liên tục viện trợ quân sự, bơm tài chính cho Kiev. Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng nói xung đột quân sự ở Ukraine sẽ kết thúc ngay khi Mỹ và đồng minh ngừng hỗ trợ cho Kiev.

Trên thực tế, nếu NATO không cung cấp khí tài cho Ukraine, Kiev sẽ khó có thể cầm cự được đến thời điểm này. Mặc dù nhiều lần tuyên bố không phải là một bên trong xung đột, thế nhưng, với những gì đã hỗ trợ cho Kiev thời gian qua, NATO cho thấy liên minh quân sự này đóng vai trò tiên quyết đối với xung đột Nga – Ukraine.

NATO sa lầy ở Ukraine?

Cần nhớ rằng, NATO mở rộng về phía đông châu Âu là một trong những lý do Nga phát động chiến dịch quân sự ơ Ukraine. Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, sự mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa hiện hữu và viễn cảnh Ukraine gia nhập liên minh quân sự của phương Tây là “hành vi thù địch”. Ông từng nhấn mạnh quan điểm “Ukraine không chỉ là quốc gia láng giềng, mà là một phần không thể thiếu đối với lịch sử, văn hóa và tinh thần của Nga”.
Cuối năm 2021, Nga công bố loạt đề xuất an ninh với phương Tây, trong đó yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moskva cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập quân sự tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh thuộc NATO thẳng thừng từ chối những đề xuất an ninh mà Nga cho là “cốt lõi”, chỉ đồng ý thảo luận một số vấn đề như kiểm soát tên lửa tại châu Âu. Theo chính sách mở cửa của NATO, bất cứ quốc gia châu Âu nào sẵn sàng thực hiện những cam kết và nghĩa vụ thành viên đều được hoan nghênh gia nhập liên minh và Thuỵ Điển là thành viên mới nhất tham gia liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.

Để bảo vệ lập trường của mình, NATO tích cực hỗ trợ khí tài, trao đổi thông tin tình báo, tham vấn quân sự cho Ukraine đối phó với Nga. Bởi NATO hiểu rằng, nếu không hỗ trợ Ukraine, đảm bảo cho nước này có lợi thế trong xung đột hiện nay, đó sẽ là mối nguy, đe doạ đến an ninh cũng như vị thế của NATO.

Do đó, NATO tìm mọi cách để hỗ trợ Kiev, thậm chí không muốn đóng băng xung đột ở Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng xung đột đang diễn ra giữa Ukraine và Nga không nên dừng lại ở giai đoạn hiện tại mà phải tìm ra một giải pháp công bằng.

Hồi tháng 4, ông Stoltenberg cho biết NATO đã hỗ trợ hơn 165 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Ông nhấn mạnh các nước NATO đã huấn luyện hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine và đang cung cấp “thêm máy bay phản lực, xe tăng và xe bọc thép” cho Ukraine khi nước này tiến hành chiến dịch phản công.

Dồn lực cho Kiev, kho vũ khí của NATO “trống rỗng”. Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho rằng NATO cần có một ngành công nghiệp “mạnh mẽ hơn” để bổ sung kho vũ khí và đạn dược cạn kiệt sau một năm cung cấp cho Kiev.

Tờ Wall Street Journal từng cho biết, các kho dự trữ đạn pháo 155 mm của Mỹ ở mức thấp. Trong khi đó, Telegraph đưa tin, ngành công nghiệp quân sự Anh có thể mất tới hai năm để bắt đầu lại việc sản xuất các loại vũ khí theo chủng loại cũ, trong khi việc thiết kế và chuyển giao một tên lửa mới có thể mất tới 10 năm.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ chỉ ra rằng quân đội Mỹ “không có được sự chuẩn bị để chiến đấu hoặc hỗ trợ một cuộc xung đột kéo dài”, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng “có quy mô phù hợp với tốc độ sản xuất thời bình”. Việc mở rộng năng lực sản xuất sẽ mất nhiều năm.

Khó khăn bủa vây, song NATO khó lòng dứt tay, để mặc Ukraine một mình đối phó Nga. Liên minh quân sự này dù không dám phớt lờ cảnh báo từ Nga, rút ngắn quy trình kết Ukraine song vẫn tuyên bố mạnh mẽ, cam kết tiếp tục viện trợ lâu dài cho Kiev.

Cũng không quá khó hiểu trước quyết định của NATO. Liên minh quân sự này rõ ràng không muốn một cuộc chiến trực diện với Moskva. Nếu điều đó xảy ra sẽ là thảm hoạ, không bên nào được lợi cho một kịch bản như vậy.

NATO không thể mạo hiểm, vượt quá “lằn ranh đỏ” của Moskva, mà sẽ phải cân nhắc, tính toán thời điểm, đưa ra lộ trình cụ thể cho việc kết nạp Ukraine. Tại Hội nghị thượng đỉnh mới đây, tuyên bố chung của các thành viên NATO cũng rất chung chung: “Tương lai của Ukraine là ở NATO. Chúng tôi sẽ đưa ra lời mời Ukraine tham gia liên minh khi các thành viên đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”.

Lãnh đạo Mỹ và NATO từng tuyên bố, sẽ xem xét kết nạp Ukraine sau khi xung đột kết thúc. Tuy nhiên, theo giới phân tích, lời hứa hẹn như vậy có thể phản tác dụng, bởi điều đó sẽ cho Nga lý do để không bao giờ kết thúc xung đột.

“Điều này sẽ dập tắt hy vọng mong manh về một giải pháp chính trị nếu lực lượng Ukraine không thể đẩy lùi quân Nga khỏi lãnh thổ. Và nó cũng có nguy cơ củng cố lập luận của Tổng thống Vladimir Putin rằng phương Tây đã kích động cuộc chiến bằng cách mở đường cho Ukraine nhằm làm suy yếu Nga”, Stephen Collinson, nhà phân tích kỳ cựu của CNN nhận định.

Ý đồ của NATO

Hôm 13/6, tờ Nikkei Aisia đưa tin, NATO đang lên kế hoạch mở văn phòng châu Á đầu tiên tại Nhật Bản. Ban đầu, quyết định lập văn phòng này được cho sẽ thông qua tại Hội nghị thượng đình NATO tại Litva vừa qua. Song trước nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có phản đối từ Pháp, NATO trì hoãn kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản, tiếp tục thảo luận và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối năm 2023.
NATO được cho sẽ sử dụng cơ sở này không chỉ như một trung tâm hợp tác với Nhật Bản, mà cả với Australia, Hàn Quốc và New Zealand – những quốc gia thuộc nhóm đối tác châu Á – Thái Bình Dương (AP4) của NATO.

Đáng chú ý, năm nay là năm thứ hai liên tiếp các nguyên thủ quốc gia từ Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc được mời dự Hội nghị thượng đỉnh của NATO. Điều đó cho thấy NATO coi trọng các nước này trong ý đồ, tham vọng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực.

Bên cạnh đó, NATO giờ đây cũng nhận ra rằng, an ninh của các thành viên không thể được đảm bảo bằng cách dồn lực ở thế giới phương Tây và các vấn đề cụ thể. NATO cần gia tăng tầm bao quát, phòng ngừa các rủi ro, nguy cơ đối với liên minh này từ khác khu vực khác, trong đó có châu Á – Thái Bình Dương.

Một số phân tích cho hay, việc NATO thiết lập văn phòng liên lạc tại Nhật Bản thực ra là bước đi để liên minh này “vươn vòi bạch tuộc”, gia tăng ảnh hưởng, đồng thời kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực. Một số lãnh đạo NATO coi việc đối phó với Trung Quốc là điều rất quan trọng để đảm bảo an ninh, nhất là trong các lĩnh vực an ninh mới như chiến tranh mạng và thông tin.

NATO từng tuyên bố, mặc dù Nga là “mối đe dọa đáng kể nhất” của liên minh quân sự này nhưng Trung Quốc hiện vẫn đặt ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh NATO. Thông cáo chung Hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây nhấn mạnh, các tham vọng và chính sách của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh và các giá trị của NATO, đồng thời bày tỏ lo ngại về quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga.

Ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề châu Á, Đại học Temple, Nhật Bản cho biết: “Nhật Bản muốn chứng tỏ rằng nước này đang đóng góp tích cực cho an ninh toàn cầu và… Văn phòng liên lạc mới của NATO ở Tokyo là cách để nhắc châu Âu về các mối đe dọa vẫn hiện hữu ở khu vực này”.

“Đối với NATO, cùng với Triều Tiên, Trung Quốc là một mối lo ngại và lớn nhất là Nga. Vì vậy, việc lập văn phòng liên lạc ở Tokyo là cách để chính thức thiết lập mối liên kết vững chắc hơn với Nhật Bản – đồng minh quan trọng nhất ngoài NATO của Mỹ”, ông Robert Dujarric cho hay.

Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tham vọng tìm kiếm bành trướng và sự di chuyển về phía Đông của NATO ở châu Á – Thái Bình Dương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương không hoan nghênh kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản.

“Châu Á là mỏ neo cho hòa bình và ổn định, là miền đất hứa cho hợp tác và phát triển, không phải là sàn đấu để cạnh tranh địa chính trị”, bà Mao Ninh nói, cảnh báo Nhật Bản nên hết sức thận trọng về vấn đề an ninh quân sự.

Theo giới chuyên gia, đây là bước đi đúng hướng của Nhật Bản, song không có khả năng Tokyo gia nhập NATO sau quyết định này. Hồi tháng 5, Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản không có kế hoạch gia nhập NATO với tư cách là thành viên hoặc quốc gia bán thành viên.

“Đây là bước phát triển rất quan trọng và tích cực đối với Nhật Bản, vốn lo ngại sâu sắc rằng trong trường hợp Trung Quốc gây hấn trong khu vực, các nước châu Âu sẽ không hỗ trợ Nhật Bản và Mỹ”, giáo sư Toshimitsu Shigemura của Đại học Waseda ở Tokyo cho biết.

Đề cập đến lý do của việc mở văn phòng đại diện của NATO tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết: “Nhật Bản đang thảo luận về vấn đề đặt văn phòng đại diện của NATO kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, thế giới đã trở nên bất ổn hơn. Chiến sự Nga – Ukraine không chỉ giới hạn trong vấn đề của Đông Âu, mà đang ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ở Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao sự hợp tác giữa chúng tôi ở Đông Á đang trở nên ngày càng quan trọng”.

Ông Yoshimasa Hayashi nói thêm rằng Nhật Bản sẽ không phải là thành viên của NATO, nhưng động thái này sẽ gửi một thông điệp rằng các đối tác châu Á – Thái Bình Dương đang nỗ lực “tham gia một cách ổn định” với khối này.

Có thể thấy, xung đột Nga – Ukraine đã gây ra làn sóng chấn động khắp châu Âu, dẫn đến những sự thay đổi địa chính trị trên toàn cầu. Cụ thể, Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ vị trí trung lập và tìm kiếm sự bảo vệ từ NATO, trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần hơn với các đối tác phương Tây của họ, đồng thời thể hiện một mặt trận thống nhất trong việc chống lại các mối đe dọa được nhận thấy ở trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới