Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngNếu nổ súng, chiến lược chiếm Biển Đông của TQ sẽ ra...

Nếu nổ súng, chiến lược chiếm Biển Đông của TQ sẽ ra sao?

Khoảng 30 năm trở lại đây, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên nóng bỏng, bắt đầu bằng hành động xâm lược của Trung Quốc chiếm các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các nước có chủ quyền lãnh hải trực tiếp trên Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Philippines đều bị Trung Quốc đe dọa và lấn chiếm.

Tại các hội nghị quốc tế và khu vực cũng như các cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, âm mưu lấn chiếm chủ quyền biển đảo của Trung Quốc đều được đưa ra bàn cãi. Song, lấy thế nước lớn và tiềm lực quốc phòng hùng hậu, Trung Quốc đều đơn phương phủ nhận những hoạt động phi pháp của mình.

Cùng đánh bắt hải sản trên vùng biển chung hoặc vùng lãnh hải chồng lấn, phía Trung Quốc lấy thế áp đảo, dùng vũ lực tấn công, xua đuổi tàu cá của các nước khác. Nhiều vụ cướp bóc tài sản, phá hỏng hoặc bắn chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam do lính Trung Quốc gây ra trên biển. Tuy vậy, Việt Nam cũng như các nước khác chỉ lên tiếng phản đối theo đường ngoại giao. Thậm chí không dám nói rõ là tàu Trung Quốc tấn công mà chỉ dùng cụm từ nghe rất khó chịu là “tàu lạ”. Chính sự phản ứng yếu ớt đó đã khiến Trung Quốc ngày càng hung hăng lấn tới. Bởi mục tiêu lâu dài và cuối cùng của Trung Quốc là xâm chiếm toàn bộ biển Đông. Điều đó đã được thể hiện bằng lời nói của các quan chức cấp cao Trung Quốc tại nhiều diễn đàn, bằng hành động trắng trợn hằng ngày trên biển Đông.

Các nước trong khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc đều mong muốn được sự ủng hộ của thế giới, đưa vấn đề biển Đông mang tầm quốc tế. Tuy vậy, một số nước, trong đó có cả những nước lớn chỉ mới nói chứ chưa làm gì hiệu quả để ngăn chặn âm mưu thôn tính biển Đông của Trung Quốc. Vì thế, có ý kiến đã mạnh dạn nêu ra rằng, nếu có nổ súng thì có thể vô hiệu hóa hành động ngang ngược của Trung Quốc. Bởi thực tế xưa nay cho thấy, kẻ làm càn khi thấy đối phương nhu nhược thì thường lấn tới. Nếu đối phương đoàn kết lại, đáp trả mạnh mẽ bằng hành động cứng rắn thì kẻ làm càn sẽ phải lùi bước.

Vậy các nước trong khu vực đã làm gì thay cho lời lên án chung chung lâu nay?

Các động thái gần đây trên Biển Đông cho thấy các nước trong khu vực đã trở nên cứng rắn hơn đối với hoạt động bành trướng của Trung Quốc, và khả năng chiến thuật lấn biển của Trung Quốc sẽ kém hiệu quả.

Tháng 3 vừa qua, cảnh sát biển Argentina đã làm điều mà ít quốc gia dám làm khi đối mặt với tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm: Họ đã bắn tàu cá Trung Quốc (theo tờ New York Post). Cảnh sát biển Argentina đã giải cứu bốn thủy thủ từ con tàu Trung Quốc bị bắn chìm, 24 người còn lại được một tàu đánh cá Trung Quốc gần đó vớt lên.

Chính quyền Trung Quốc tỏ ra phẫn nộ trước vụ việc này nhưng Argentina không lùi bước. Và với hành động này, Argentina đã tạo nên một tiền lệ mà các quốc gia khác có thể làm theo khi đối mặt với thái độ hiếu chiến của Trung Quốc trong các tranh chấp hàng hải.

Như vậy thấy rõ rằng, Argentina đã thẳng thừng trừng phạt tàu cá Trung Quốc khi xâm phạm lãnh hải của họ. Họ không cần phải nói “tàu lạ” xâm phạm, không cần gửi công hàm phản đối theo đường ngoại giao.

Indonesia đã sớm kế tiếp tiền lệ này với một hành động cứng rắn trước sự xâm phạm của Trung Quốc. Chính quyền Indonesia đã bắt giữ một ngư dân Trung Quốc vào ngày 19-3 trên biển Natuna, gần quần đảo Natuna của Indonesia và lai dắt tàu cá Trung Quốc để đưa về đất liền. Tuy nhiên, sau đó một tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đã xông vào giải cứu chiếc tàu cá khỏi tàu của Indonesia (theo tin từ hãng tin Jakarta Post).

Không có gì bất thường khi chính quyền Indonesia bắt giữ các ngư dân nước ngoài đánh bắt trộm trong vùng biển của nước này, nhưng việc tàu cảnh sát biển của Trung Quốc can thiệp vào vụ bắt giữ đã khiến Indonesia vượt quá giới hạn chịu đựng.

Chính quyền Trung Quốc có thể đã vô tình kéo Indonesia vào cuộc xung đột biển Đông, điều mà Indonesia vốn ít quan tâm cho đến khi xảy ra sự việc trên.

Rồi tiếp đó, Indonesia đã có những phản ứng kịp thời. Ngày 31-3, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho biết: họ sẽ triển khai các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo trên quần đảo Natuna, gần nơi xảy ra vụ can thiệp của tàu cảnh sát biển Trung Quốc với mục đích là để canh gác vùng viển khỏi các đối tượng mà ông gọi là “kẻ trộm” (theo tin từ Bloomberg).

Chưa dừng lại ở động thái đó, Indonesia còn tuyên bố rằng, nước này sẽ triển khai hệ thống phòng không đối với quần đảo Natuna, cùng với bốn đơn vị đặc biệt phụ trách hệ thống phòng không Oerlikon Skyshield do Đức sản xuất (theo IHS Jane, một hãng tin của Anh chuyên đưa các tin tức quân sự).

Rồi ngày 5-4, trong một buổi diễn tập quân sự, ​​Indonesia đã phá hủy 23 tàu cá nước ngoài mà họ bắt giữ vì đánh bắt trộm. Buổi diễn tập này không phải là điều hiếm thấy đối với Indonesia, nhưng thời điểm của buổi diễn tập đã thu hút sự chú ý.

Về phía Việt Nam, sau cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Indonesia, Việt Nam đã có một phản ứng mà cũng là lần đầu tiên đối với hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Đó là ngày 31-3 vừa qua, cảnh sát biển của Việt Nam đã bắt giữ một tàu tiếp nhiên liệu của Trung Quốc khi chiếc tàu này xâm phạm bất hợp pháp lãnh hải của Việt Nam.

Theo Hãng tin Nikkei ngày 3-4, vụ việc này là “một động thái hiếm hoi của chính quyền Việt Nam đối với một tàu lớn của Trung Quốc”. Thuyền trưởng tàu Trung Quốc được cho rằng đã thừa nhận hành vi xâm phạm của ông này và nói rằng, tàu của ông này đang chở nhiên liệu cho các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trong lãnh hải Việt Nam.

Phản ứng nói trên của Việt Nam cho thấy dũng khí đã được nâng lên một cấp độ mới về phản kháng lại hoạt động xâm lấn của Trung Quốc .

Hãng tin Nikkei đã đưa ra một nhận định đáng quan tâm rằng: Nếu thật sự các nước trong khu vực đã hình thành một cách tiếp cận không khoan nhượng để phản ứng lại Trung Quốc thì điều này có thể sẽ kết liễu chiến lược hiện nay của Trung Quốc trong việc chiếm giữ lãnh thổ ở Biển Đông.

Tìm ra thế yếu của Trung Quốc

Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có hai chiến lược để xâm chiếm Biển Đông – một là xoay quanh hoạt động tuyên truyền và hai là xoay quanh hoạt động quân sự.

Hoạt động tuyên truyền của ĐCSTQ hiện nay là chiến tranh pháp lý, chiến tranh tâm lý và chiến tranh truyền thông. Về cơ bản, Trung Quốc sẽ cáo buộc các nước khác xâm lấn lãnh hải và liên tục nhắc lại những tuyên bố cho rằng, họ có chủ quyền hợp pháp đối với khu vực tranh chấp. Nhưng mọi lý lẽ của Trung Quốc đều ngụy biện cho những hành vi phạm pháp luật của họ.

Về mặt quân sự, ĐCSTQ đang sử dụng cái mà các tướng lĩnh Trung Quốc gọi là “chiến lược cải bắp”, trong đó họ bao phủ khu vực tranh chấp theo từng lớp, từng lớp. Trong chiến lược này, đầu tiên ĐCSTQ cử đi các tàu đánh cá, rồi dùng phao đánh dấu vùng lãnh thổ đánh bắt cá, tiếp đó họ xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho các hoạt động quân sự và rồi họ tạo một vành đai phòng thủ để bảo vệ khu vực đó khỏi các tàu nước ngoài. Theo chiến lược này, sự việc cứ diễn ra dần dần với vẻ như như ôn hòa nhất có thể. Khi các nước láng giềng nhận ra thì đã quá muộn.

Nhưng nếu hệ thống tuyên truyền thất bại thì lĩnh vực hàng hải sẽ bị rơi mất tấm mặt nạ về tính hợp pháp và tình huống lộ ra là họ xâm lược lãnh thổ của nước khác.

Điều trớ trêu là khi ĐCSTQ cố gắng chiếm giữ Biển Đông, họ đã vô tình khiến các quốc gia khác trong khu vực tạo thành một liên minh chống Trung Quốc.

Những sự việc gần đây cho thấy chiến lược của Trung Quốc có thể sẽ không còn hiệu quả. Các nước tranh chấp với Trung Quốc không còn giữ thái độ quá mềm mỏng. Và nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới, tình cảnh có thể sẽ trở nên căng thẳng.

Nhìn lại những động thái mới nhất xảy ra trên biển Đông vừa qua, các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam cần sớm điều chỉnh cách hành xử của mình trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc. “Mềm nắn, rắn buông”, nếu cứ mãi hành xử theo lối ôn hòa, hữu nghị lâu nay thì càng dung túng cho Trung Quốc lấn tới.

Argentina đã nổ súng vào tàu cá Trung Quốc, liệu từ nay tàu cá Trung Quốc có còn bén mảng đến đánh bắt trộm hải sản nữa không? Chắc chắn là sẽ phải tránh xa, nể sợ. Indonesia bắn chìm hàng loạt tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải của họ, chẳng có nước nào làm gì được họ ngoài phản đối qua đường ngoại giao. Như vậy sẽ chẳng còn tàu cá nước nào dám bén mảng xâm phạm nữa.

Một tiền lệ đã được mở ra. Hãy hành động như Argentina hoặc chí ít cũng như Indonesia mới phải!

RELATED ARTICLES

Tin mới