Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐiều ít biết về cảnh sát mạng của một số quốc gia...

Điều ít biết về cảnh sát mạng của một số quốc gia trên thế giới

Lực lượng cảnh sát mạng giữ một vị trí cực kỳ quan trọng trong bảo đảm an ninh, an toàn mạng, góp phần giữ gìn chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh hiện nay.
Sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng mang lại nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho mọi lĩnh vực đời sống xã hội của các quốc gia.

Ảnh minh hoạ.

Trên thực tế, các cuộc tấn công mạng, tội phạm mạng đã và đang ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, gây thiệt lại rất lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp. Tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, lừa đảo trực tuyến, nhiễu loạn thông tin đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng.

Các chính phủ ở một số quốc gia trên thế giới đã tổ chức lực lượng cảnh sát mạng nhằm chống lại tội phạm mạng, cũng như tuyên truyền, giám sát, kiểm duyệt và điều khiển ý kiến cộng đồng trực tuyến.

Tại Trung Quốc, từ năm 2013, nước này đã sử dụng 2 triệu nhân viên để theo dõi việc sử dụng Internet của người dân.

Hai triệu “cảnh sát mạng” là một phần đội quân của chính quyền trong nỗ lực ngăn chặn những bất ổn xã hội. Nhiều năm qua, lực lượng này đã triệt phá các nhóm tội phạm mạng, như sử dụng phần mềm độc hại qua mặt hệ thống xác thực của một nền tảng trực tuyến để đánh cắp các thông tin liên quan tới các cuộc hẹn khám bệnh và bán những dữ liệu này để thu lợi nhuận; phát hiện các vụ vi phạm tài chính trên mạng, bao gồm các nền tảng thanh toán bất hợp pháp để phục vụ hành vi rửa tiền.

Ngoài ra, cảnh sát mạng Trung Quốc cũng ngăn chặn nhiều trường hợp có ý định tự tử. Trung Quốc cũng đã sử dụng cảnh sát ảo kiểm tra an ninh mạng. Các cảnh sát ảo sẽ xuất hiện trên màn hình máy tính cá nhân mỗi 30 phút để nhắc nhở người sử dụng về an ninh mạng.

Tại Australia, sau các vụ tấn công mạng đầy nguy hiểm xảy ra ở Australia, trong đó có Công ty bảo hiểm sức khỏe Medibank và một số công ty viễn thông, chính phủ nước này đã quyết định thành lập một lực lượng cảnh sát mạng để tìm kiếm tin tặc.

Theo hãng tin Reuters, ngày 12/11/2022, Australia đã chính thức hóa quan hệ đối tác lâu dài giữa Cảnh sát Liên bang Australia và Ban Giám đốc Tín hiệu Australia (cơ quan kiểm soát liên lạc điện tử từ nước ngoài) để thực hiện “chính sách cứng rắn mới” đối với tội phạm mạng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Australia Clare O’Neil cho biết, có khoảng 100 sĩ quan “hoạt động thường trực chống lại các tổ chức tội phạm mạng”. Theo bà O’Neil, lực lượng đặc nhiệm sẽ truy lùng những kẻ gian chịu trách nhiệm cho những tội ác độc hại này.

Tại Đức, Bộ phận tội phạm mạng (Division Cyber- crime) hay còn gọi là CC, chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ phối hợp trong lĩnh vực trấn áp tội phạm mạng; cung cấp thông tin, công cụ và hoạt động như một trung tâm hợp tác quốc tế tại Cục cảnh sát hình sự Liên bang Đức (Bundeskriminalamt BKA). Đây là bộ phận không thể thiếu của kiến trúc an ninh mạng ở Đức và là một trong những đơn vị hàng đầu thế giới đối phó với lĩnh vực tội phạm này. Trọng tâm của Bộ phận CC là trấn áp tội phạm mạng theo nghĩa hẹp hơn, bao gồm các hành vi vi phạm nhằm vào Internet, các mạng dữ liệu khác, hệ thống công nghệ thông tin hoặc dữ liệu của chúng.

Các nhiệm vụ của Bộ phận CC bao gồm: điều tra tội phạm hoạt động trong không gian mạng và phá bỏ các mạng lưới và cấu trúc tội phạm tấn công mạng; thu thập, xử lý và phân tích thông tin liên quan làm cơ sở cho các cuộc điều tra do lực lượng cảnh sát tiến hành trong môi trường mạng; truy tố các cuộc tấn công mạng vào các tổ chức Liên bang và các cơ sở hạ tầng quan trọng; tư vấn cho quản lý của BKA về các vấn đề chính sách tội phạm liên quan đến tội phạm mạng; đóng góp tích cực vào việc phát triển các quy định pháp luật có liên quan. Trên thực tế, cảnh sát mạng ở Đức đã đánh sập mạng tội phạm “lớn nhất thế giới” với 17 triệu khách hàng và hơn 19.000 tài khoản buôn bán ma túy bất hợp pháp đã được đăng ký trên Hydra vào tháng 4/2022.

Ngày 18/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất Đạo luật Đoàn kết mạng của EU, nhằm tăng cường đoàn kết ở cấp liên minh để phát hiện, chuẩn bị và ứng phó tốt hơn trước các sự cố an ninh mạng quy mô lớn, bằng cách tạo ra một “khiên bảo mật không gian mạng” tại châu Âu và một cơ chế ứng phó khẩn cấp mạng toàn diện.

Theo kế hoạch, khiên bảo mật không gian mạng châu Âu được tạo thành từ các trung tâm điều hành an ninh quốc gia và xuyên biên giới trên toàn lãnh thổ EU. Khối sẽ thành lập 6 hoặc 7 trung tâm điều hành an ninh mạng, 3 trong số đó sẽ được triển khai trong năm 2023. Các trung tâm này sẽ được trang bị siêu máy tính và hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), trải khắp các quốc gia châu Âu và sẽ hoạt động cộng sinh để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng trong tương lai.

Tại Mỹ, năm 2017, Sarah Brayne, Giáo sư Xã hội học Trường Đại học Texas ở Austin đã dày công thực hiện một dự án về những công nghệ hiện đại mà cảnh sát Mỹ sử dụng trong cuộc chiến chống tội phạm.

Cảnh sát sử dụng hệ thống dữ liệu lớn (big data) để giám sát an ninh. Theo đó, thông tin cơ bản của một người như tên tuổi, giới tính, chỗ ở, nơi làm việc được nhập vào hệ thống dữ liệu, cảnh sát có thể nhận được cảnh báo tự động về người này qua điện thoại di động. Ví dụ, ô tô của một người nào đó bị phát hiện đi vào một khu vực cụ thể, biển số xe, thời gian, địa điểm của chiếc ô tô sẽ được chụp lại và gửi vào hệ thống. Cảnh sát Mỹ còn sử dụng công nghệ camera hành trình sử dụng trí thông minh nhân tạo nhằm xác định người hay xe cộ, vũ khí.

Tại Nga, kết quả một cuộc khảo sát được công bố ở Nga cho thấy có trên 50% người dùng Internet tại đây từng là nạn nhân của tội phạm mạng. Đáng báo động là số lượng tội phạm mạng ở Nga năm 2020 đã tăng 30 lần trong 3 năm.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nga Igor Zubov cho rằng, Nga sẽ sớm có cảnh sát mạng để kiểm soát các hành vị lừa đảo hay đe dọa trên mạng, xử lý kịp thời những yêu cầu của công dân, bởi Nga chưa làm được công tác mang tính hệ thống để chống giả mạo số điện thoại, chống các cuộc tấn công mạng xã hội, quản lý văn hóa mạng và ngăn chặn trang web đen. Hiện ở Cục “K” của Bộ Nội vụ Nga đang tham gia vào cuộc chiến chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với một phần chức năng là chống tin tặc và sự lây lan các phần mềm độc hại, lừa đảo trên mạng hay các vi phạm khác trong lĩnh vực công nghệ.

Như vậy, cảnh sát mạng của một số quốc gia được thành lập nhằm ngăn chặn những nội dung có tính chất đe dọa đến an ninh chính trị, đạo đức xã hội; quét sạch những thông tin có ảnh hưởng xấu đối với công dân mạng và làm đảo lộn trật tự xã hội. Cảnh sát mạng có thể xuất hiện ở mọi nơi trên môi trường mạng nhằm phát hiện các cuộc tấn công mạng, tội phạm mạng, lừa đảo, cờ bạc, gian lận, mê tín dị đoan… Ngoài ra, công dân mạng cũng có thể báo cáo những hoạt động bất hợp pháp với cảnh sát mạng mà họ phát hiện trên mạng thông qua sự kết nối với Trung tâm Kiểm soát Internet.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới