Trung Quốc tuyên bố sẽ trấn áp mạnh tay hành vi gian lận viễn thông ở nước ngoài và xử lý nghiêm những kẻ đồng phạm trong nước.
Trong phiên họp toàn thể cuối tuần trước, Ủy ban Chính trị và pháp luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh, cần xử lý mạnh tay các hoạt động vi phạm pháp luật và tội phạm như lừa đảo qua mạng và viễn thông ở nước ngoài theo quy định của pháp luật, truy quét những kẻ đồng phạm trong nước, bảo vệ lợi ích của người dân.
Hội nghị cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, không ngừng nâng cao nhận thức và năng lực của người dân trong việc nhận biết và ngăn chặn lừa đảo qua mạng và viễn thông.
Tuyên bố trên được Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh chủ đề lừa đảo viễn thông đang thu hút sự quan tâm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội sau khi phóng viên của Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hà Nam (HNTV) nước này thâm nhập vào hang ổ của bọn tội phạm, thực hiện một cuộc điều tra bí mật kéo dài 120 ngày nhằm vạch trần thực trạng vượt biên trái phép và lừa đảo viễn thông ở Myanmar mới đây.
Cuộc điều tra đã gây tiếng vang trong dư luận, đặc biệt là các thành viên gia đình nạn nhân bị mắc kẹt ở Myanmar, cũng như thu hút sự chú ý của các cơ quan hữu quan ở nhiều địa phương, như Quảng Tây, Tứ Xuyên và Quý Châu. Tính đến 25/7, nhóm phóng viên đã nhận được hơn 1.200 lời cầu cứu liên quan đến nội dung bị mắc kẹt ở Myanmar. Nhờ các thông tin của cuộc điều tra, 6 người phần lớn ở độ tuổi thanh thiếu niên đã được giải cứu và đưa về Trung Quốc với gia đình.
Những năm gần đây, cờ bạc trực tuyến và lừa đảo viễn thông ở Myanmar đã gây ra hàng loạt vấn đề xã hội nghiêm trọng ở Trung Quốc, cùng các loại tội phạm như giết người, bắt cóc, buôn người và vượt biên trái phép.
Trấn áp các hoạt động tội phạm như gian lận viễn thông và đánh bạc trực tuyến là một trong những chủ đề được trao đổi thường xuyên giữa Trung Quốc và Myanmar. Mới đây, hôm 25/7, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Trần Hải trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Than Swe đã đề nghị phối hợp trấn áp loại tội phạm này, nhằm xóa sổ các ổ nhóm lừa đảo viễn thông, giải cứu những người Trung Quốc bị mắc kẹt, đưa các thế lực và tổ chức tội phạm ra trước công lý.
Ngoài Myanmar, các vụ việc tương tự cũng được báo cáo ở các quốc gia khác như Sri Lanka và Thái Lan. Trong thông cáo báo chí hồi đầu tháng 4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka cho biết đã giải cứu thành công 13 công dân nước này bị bán sang đây, bị cắt đứt liên lạc với gia đình và bên ngoài, đồng thời bị ép tham gia các hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo viễn thông và đánh bạc qua mạng.
Theo Tân Hoa xã, trong năm 2022, lực lượng công an Trung Quốc đã xử lý 464.000 vụ việc, bắt giữ 351 đối tượng chủ chốt và trùm các băng nhóm tội phạm liên quan đến lừa đảo viễn thông.
T.P