Là người giàu kinh nghiệm, ông Vương Nghị được coi là “lựa chọn an toàn nhất” để chèo lái con tàu ngoại giao Trung Quốc sau khi ông Tần Cương bị miễn nhiệm.
Quốc hội Trung Quốc ngày 25/7 bất ngờ thông báo miễn nhiệm ông Tần Cương chỉ sau 7 tháng đảm nhiệm cương vị ngoại trưởng. Giới chức Trung Quốc chưa đưa ra lý do cho quyết định miễn nhiệm này, nhưng ông Tần Cương, người vận hành bộ máy ngoại giao trong các hoạt động hàng ngày, mất chức trong bối cảnh ngành đối ngoại Trung Quốc bước vào giai đoạn rất nhạy cảm.
Trung Quốc đang trong những bước đầu tiên trong quá trình làm “tan băng” quan hệ với Mỹ sau thời gian dài căng thẳng vì nhiều vấn đề. Sau loạt chuyến thăm gần đây của quan chức cấp cao Mỹ tới Trung Quốc, hai bên nhiều khả năng đang chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden bên lề hội nghị APEC ở San Francisco vào tháng 11.
Theo giới quan sát, điều đó buộc Trung Quốc phải nhanh chóng lựa chọn một “thuyền trưởng” mới cho con tàu ngoại giao. Trọng trách đó đã được giao cho ông Vương Nghị, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, người từng nhiều năm giữ chức ngoại trưởng.
Động thái “thay tướng” này cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc ưu tiên sự cấp bách trong bổ nhiệm nhân sự thay thế ông Tần để ổn định tình hình, thay vì bồi dưỡng, lựa chọn người kế nhiệm. Trước đó, một gương mặt nhận được nhiều chú ý tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc là ông Triệu Lập Kiên, 50 tuổi, người có phong cách “ngoại giao chiến lang” rất giống với ông Tần.
Ông Triệu Lập Kiên từng là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2020, nổi tiếng với những phát biểu cứng rắn và quyết liệt trong các cuộc họp báo. Ông được điều chuyển làm Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao từ đầu năm nay.
Theo Orange Wang, nhà phân tích của SCMP, lựa chọn ông Vương, người đã đảm nhận vai trò ngoại trưởng suốt 10 năm trước khi được bầu vào Bộ Chính trị vào năm ngoái, phù hợp hơn với chiến lược bổ nhiệm nhân sự của Trung Quốc trong thời kỳ có nhiều thách thức.
Trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, bộ trưởng y tế Trung Quốc lúc đó là ông Trương Văn Khang bị cách chức sau những lời chỉ trích nặng nề về cách ứng phó đại dịch. Trung Quốc đã cử “bà đầm thép” Ngô Nghi, lúc đó là phó thủ tướng và ủy viên Bộ Chính trị, đảm nhiệm vị trí này thay thế ông Trương.
Gần đây hơn, năm 2012, phó thủ tướng Trương Đức Giang được cử đến Trùng Khánh đảm nhận vị trí bí thư thành ủy sau khi Bạc Hy Lai “ngã ngựa” với tội danh tham nhũng và lạm quyền.
Li Tao, phó giáo sư về hành chính công tại Đại học Macau, cho rằng quyết định để ông Vương Nghị lãnh đạo Bộ Ngoại giao thay Tần Cương có thể theo tiền lệ trên.
Chen Gang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á ở Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng ông Vương được ví như một “lính cứu hỏa” được giới lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng giao phó trọng trách giữa khủng hoảng, khi động thái miễn nhiệm ông Tần có thể gây ra nhiều xáo trộn với ngành đối ngoại đất nước.
Sự trở lại của ông Vương Nghị diễn ra khi Bắc Kinh đang nỗ lực tái khởi động ngoại giao sau ba năm áp hạn chế ngăn Covid-19 và cải thiện mối quan hệ với phương Tây.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang có kế hoạch gặp ít nhất 5 lãnh đạo nước ngoài khi Đại hội Thể thao Đại học Thế giới diễn ra Thành Đô. Ông cũng dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh khối BRICS ở Nam Phi vào tháng 8, hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ vào tháng 9, cũng như tổ chức hội nghị thượng đỉnh Sáng kiến Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh vào tháng 10.
Tất cả những hoạt động này đều cần Ngoại trưởng đảm nhận công việc chuẩn bị, theo giới quan sát.
Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết ông Vương là “lựa chọn tốt và an toàn nhất” trong một năm bận rộn với cơ quan ngoại giao của Trung Quốc.
“Không ai có thể hoài nghi năng lực của ông ấy. Khi Trung Quốc có nhiều nhiệm vụ ngoại giao quan trọng trong gần nửa năm còn lại, Bắc Kinh sẽ muốn một người đáng tin cậy, ổn định và có thẩm quyền để đảm nhận chức vụ này”, chuyên gia này nói.
Zhang Dong, phó giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, có chung nhận định. “Sự trở lại của ông Vương được mong đợi mang lại ổn định cho Bộ Ngoại giao và đảm bảo rằng họ sẽ chuẩn bị tốt cho những công việc quan trọng sắp tới”, Zhang nói.
Ông Vương lần đầu đảm nhận vị trí ngoại trưởng cách đây một thập kỷ, ngay sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, và đồng hành cùng lãnh đạo Trung Quốc suốt hai nhiệm kỳ.
Cha vợ của ông Vương là trợ lý của cố lãnh đạo Chu Ân Lai. Ông Chu là người nổi tiếng với châm ngôn “nhân viên ngoại giao là Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong trang phục dân sự”, thông điệp mà ông Vương dường như đã thấm nhuần.
“Chu Ân Lai sẽ luôn là hình mẫu cho các nhà ngoại giao. Một đội quân dân sự không chỉ cần duy trì nghiêm ngặt kỷ luật và tuân theo mệnh lệnh, mà còn cần phục vụ nhân dân như PLA”, ông Vương phát biểu trước các nhân viên mới của Bộ Ngoại giao năm 2013.
Khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường các hoạt động cứng rắn nhằm ứng phó Trung Quốc và phát động chiến tranh thương mại, Bộ Ngoại giao dưới thời ông Vương đã đáp trả bằng chính sách “ngoại giao chiến lang”.
Đối với ông Vương, thách thức hiện nay là khôi phục uy tín cho ngoại giao Trung Quốc, trong khi phải giải quyết nhiều công việc quan trọng mà không có sự hỗ trợ từ ông Tần Cương.
Tuy nhiên, với nhiều quan chức nước ngoài, việc Trung Quốc bổ nhiệm ông Vương vào ghế Ngoại trưởng được đánh giá là một thông điệp tích cực. “Ông ấy giàu kinh nghiệm và rất chuyên nghiệp”, John McKinnon, người từng hai lần đảm nhận vai trò đại sứ New Zealand tại Trung Quốc, nói.
T.P