Trung Quốc đang tăng cường sử dụng “Chiến lược vùng xám” ở Biển Đông. Công cụ ở đây chính là các lực lượng như: hải quân, hải cảnh, hải giám, hải tuần mà nước này xây dựng nhiều năm qua, nhằm mục tiêu đẩy mạnh tranh chấp ở Biển Đông biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp với mục tiêu cuối cùng là độc chiếm Biển Đông.
Vậy lực lượng này nguy hiểm tới mức nào? Thủ đoạn của chúng là gì? Làm thế nào để biết đâu là dân quân? đâu là hải cảnh để đối phó?
Cuối năm 2016, sau khi cơ bản hoàn thành xây dựng trái phép các tiền đồn tại các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm từ xây dựng củng cố các điểm đảo sang việc khẳng định quyền kiểm soát trên bề mặt biển tại Biển Đông. Một thành tố quan trọng trong việc chuyển dịch này là sự phát triển của lực lượng dân quân biển. Lực lượng này vẻ bề ngoài là hoạt động đánh bắt cá thương mại nhưng trên thực tế lại hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật và quân đội Trung Quốc, để phục vụ các mục tiêu chính trị của Bắc Kinh trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Dân quân biển của Trung Quốc được thành lập từ năm 1985. Kể từ đó ngoài nhiệm vụ đánh bắt cá ở Biển Đông lực lượng này còn có vai trò quan trọng trong việc giúp Trung Quốc khẳng định các tuyên bố chủ quyền trong “Đường chín đoạn”. Việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân đánh bắt cá ở Biển Đông lần đầu tiên được nhận rõ trong chiến dịch đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ chế độ Sài Gòn vào năm 1974, những chiếc tàu đánh cá dân sự trên danh nghĩa này là tiền thân của lực lượng dân quân biển được chuyên nghiệp hóa của Trung Quốc ngày nay.
Sau khi lực lượng dân quân biển được thành lập tại thị trấn Đảo Môn trên đảo Hải Nam, đã thực hiện chuyến đi đầu tiên gồm 5 thuyền đánh cá đến bãi cạn Scarborough ngoài khơi bờ biển Luzon của Philippines. Cũng năm 1985, Bắc Kinh đã cung cấp tiền cho 5 chiếc thuyền khác từ Hải Nam xuống đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về hoạt động đánh bắt của Trung Quốc ở quần đảo này kể từ trước cuộc chiến tranh thế giới thứ hai với mục đích lâu dài là củng cố các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, giới chức Trung Quốc trong những năm 80 đã đẩy mạnh thúc dục các thuyền đánh cá phải duy trì sự hiện diện rõ ràng quanh các đảo trên Biển Đông và đẩy mạnh khẩu hiệu “Phát triển Trường Sa – ngư nghiệp đi đầu”.
Năm 1988, Trung Quốc đã thành lập các căn cứ đầu tiên ở quần đảo Trường Sa, Tổng công ty Ngư nghiệp Bắc Hải – Quảng Tây thuộc sở hữu nhà nước đã cử bốn tàu lưới kéo đến khảo sát các ngư trường xung quanh quần đảo, các tàu này đã tiến hành đánh bắt thủy hải sản ở phía Tây Trường Sa trên các bãi ngập nước mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Năm 1991, những tàu này di chuyển về phía nam để hoạt động trên thềm Sunda trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, Trung Quốc gọi khu vực này là Ngư trường phía Tây Nam. Ngày nay, đây vẫn là khu vực được coi là tuyến đầu trong hoạt động đánh bắt cá được trợ cấp của chính phủ Trung Quốc.
Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC của Mỹ, những động thái nêu trên đều có sự chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc. Ngày 25/5/2011, tàu khảo sát Bình Minh 2 của Việt Nam đang hoạt động ở vịnh Bắc Bộ, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã bị nhiều tàu cá của Trung Quốc bao vây và cắt đứt dây cáp thăm dò, mánh khóe này tương tự như các tàu đánh cá của Trung Quốc sử dụng để nhằm vào tàu Viking 2. Ngày 30/11/2012, khi tàu Bình Minh 2 đang di chuyển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ chuẩn bị khảo sát, các tàu cá Trung Quốc tiếp tục bao vây quấy rối và cắt đứt cáp địa chấn của tàu Bình Minh 2. Đặc biệt khi căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines quanh bãi cạn Scarborough bùng phát thành một cuộc khủng hoảng toàn diện, lực lượng dân quân biển Trung Quốc lại trở thành trung tâm của các hành động đối đầu.
Tháng 4/2012, hải quân Philippines đã phát hiện 8 tàu đánh cá của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, Philippines đã cử tàu hải quân để xua đuổi nhưng các tàu đánh cá Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cứu nạn và hai tàu chấp pháp của nước này đã có mặt để gây ra tình trạng đối đầu kéo dài nhiều tháng giữa hai bên. Kết quả cuối cùng Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough. Trong suốt quá trình diễn ra cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh đã triển khai 8 tàu chấp pháp và hàng chục tàu đánh cá đến hiện trường, theo các dữ liệu phân tích những tàu đánh cá này là thành viên của lực lượng dân quân biển Đảo Môn.
Tháng 5/2014, Việt Nam phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 và nhiều tàu hỗ trợ đi vào khu vực cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý. Ngay lập tức, Việt Nam đã điều động 6 tàu chấp pháp để ngăn chặn giàn khoan hoạt động, nhưng Trung Quốc đã đáp trả bằng việc tổ chức một tổ hợp bao gồm 40 tàu thuộc hải quân, cảnh sát biển và các tàu dân binh để bảo vệ giàn khoan. Họ lập đội hình theo các vòng đồng tâm, đặt các tàu hải quân gần nhất với giàn khoan và lực lượng dân quân ở vòng ngoài cùng, sẵn sàng va chạm các tàu Việt Nam. Sự kiện trên không xảy ra nổ súng nhưng có rất nhiều hành động bạo lực từ phía Trung Quốc gồm những vụ đâm va có chủ đích, và sử dụng vòi nước cao áp.
Đến giữa tháng 5/2014, Trung Quốc có 130 tàu tại hiện trường trong khi Việt Nam chỉ có 60 tàu, lực lượng trên biển của Việt Nam không những bị áp đảo về số lượng mà còn là áp đảo cả về chất lượng. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc lớn hơn và được trang bị tiên tiến hơn các tàu của Việt Nam, đặc biệt các tàu dân quân của Trung Quốc tham gia vào cuộc đối đầu này đều là các tàu lớn vỏ thép nên hoàn toàn áp đảo các tàu cá bằng gỗ của Việt Nam, trong vụ việc này một tàu đánh cá của Việt Nam đã bị tàu dân quân biển Trung Quốc đâm chìm.
Cùng thời điểm xảy ra sự cố giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc còn gia tăng về quy mô xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trong đó, đá Chữ Thập, đá Ruby, đá Vành Khăn là ba căn cứ mới và lớn nhất, mỗi căn cứ này đều có đường băng dài 3.000 m và các công trình kết cấu hạ tầng quân sự kiên cố đến ngày đã hoàn thành trở thành điểm tựa vững chắc để lực lượng dân quân biển Trung Quốc hoạt động bám biển. Nghiên cứu viễn thám của CSIS vào năm 2018 cho biết, các tàu đánh cá của Trung Quốc với phần lớn là dân quân biển đã trở thành đội tàu lớn nhất hoạt động ở quần đảo Trường Sa.
Nghiên cứu của Viện CSIS khẳng định, từ đầu năm 2018 đến nay, có khoảng 300 tàu dân quân biển Trung Quốc hoạt động thường xuyên ở quần đảo Trường Sa. Như vậy, rõ ràng lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã được phát triển cả về quy mô và lực lượng, đây là minh chứng về việc Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng dân quân biển ở Biển Đông.
Theo các cơ quan nghiên cứu quốc tế, phần lớn các tàu đánh cá Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông không hoạt động với mục đích thương mại, mà là công cụ được chính phủ Trung Quốc trợ cấp sử dụng để thực hiện các mục tiêu chính trị của nước này. Theo đó có 5 loại trợ cấp cho các tàu đánh cá tham gia lực lượng dân quân biển bao gồm:
- Trợ giá nhiên liệu cho tàu đánh cá ở vùng biển Trường Sa. Năm 2015, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch thực hiện chính sách trợ giá 50% giá nhiên liệu cho các tàu đánh cá hoạt động trong vùng biển đặc biệt. Theo đó, khi các tàu đánh cá hoạt động ở Biển Đông bao gồm cả Trường Sa, sẽ được trợ giá nhiên liệu với mức giá đặc biệt này. Các tàu vỏ thép đánh bắt ở vùng biển này có tải trọng 200 tấn trở lên, và có chiều dài hơn 35m sẽ được miễn phí nhiên liệu vì được coi là tàu đánh cá xương sống ở Trường Sa.
- Trợ cấp đóng tàu đánh cá ở Trường Sa. Năm 2014, tỉnh Hải Nam đã tiếp nhận 200 tàu đánh cá lớn để đưa vào lực lượng dân quân biển, kế hoạch này nhằm giúp chuyển đổi các tàu đánh cá thông thường thành tàu dân quân biển mở rộng lực lượng này. Năm 2016, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Nam và các cơ quan liên quan đã ban hành kế hoạch 5 năm lần thứ 13, về việc xây dựng lực lượng dân quân biển. Theo kế hoạch, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Nam quản lý và sử dụng các tàu đánh cá của lực lượng dân quân biển vào nhiệm vụ quân sự, do đó tất cả các tàu đánh cá đều có thể được chuyển đổi thành tàu dân quân biển.
- Trợ cấp đóng tàu đánh cá cho lực lượng dân quân biển chuyên nghiệp. Tàu đánh cá của lực lượng dân quân biển chuyên nghiệp là những tàu được thiết kế xây dựng cải tạo đặc biệt, và hoạt động bằng kinh phí dành riêng cho các nhiệm vụ của dân quân biển, đây là khoản ngân sách đặc biệt để đóng tàu cho lực lượng dân quân biển chuyên nghiệp. Nguồn kinh phí này được quyết định vào năm 2014, ngay sau chuyến thăm lực lượng dân quân biển ở Đảo Môn của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó năm 2015, tỉnh Hải Nam đã xuất cấp hơn 40 triệu nhân dân tệ tương đương với 6,19 triệu USD, để đóng 4 tàu đánh cá trọng tải lớn cho lực lượng dân quân biển Đảo Môn. Đến nay, tỉnh Hải Nam đã trợ cấp đóng mới và cải tạo 186 tàu sân quân viện chuyên nghiệp, với kinh phí khoảng 1,86 tỷ nhân dân tệ tương đương với 288 triệu USD.
- Trợ giáo thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị an toàn. Từ năm 2015 đến năm 2019, chính phủ Trung Quốc đã cung cấp các khoản ngân sách đặc biệt để giúp chính quyền các địa phương lắp đặt, nâng cấp các thiết bị thông tin liên lạc cho các tàu đánh cá trên biển. Chương trình này đã lắp đặt hoặc nâng cấp cho các tàu đánh cá cỡ vừa và lớn từ 12m trở lên các bộ đàm sóng cực ngắn bộ đàm DHC-VHF, bộ đàm sóng ngắn, thiết bị RIs, thiết bị đầu cuối bắt đầu, hệ thống định vị toàn cầu và trao đổi tin nhắn văn bản hai chiều của Trung Quốc, điện thoại vệ tinh hàng hải, đèn hiệu vệ tinh và các thiết bị đầu cuối cần thiết khác để giúp cho việc theo dõi quản lý hoạt động của các tàu đánh cá, các tàu cỡ vừa và lớn còn được trang bị thêm xuồng cứu sinh và các thiết bị an toàn khác.
- Trợ cấp tuyển dụng cứu chiến binh. Tháng 8 năm 2020, Bộ Giao thông vận tải của Bộ Cựu chiến binh Trung Quốc đã phát động sáng kiến mang tên “Chương trình Sóng Nước”. Một chương trình huấn luyện nghề bao gồm: chính phủ + trường đại học và cao đẳng + doanh nghiệp + cựu chiến binh, để đào tạo thuyền viên và sắp xếp việc làm sau đó cho các cựu chiến binh, sáng kiến khuyến khích các ngư dân địa phương tham gia lực lượng dân quân biển. Trong đó ưu tiên đối với các cựu quân nhân, thông thường các công dân có độ tuổi từ 18 đến 35 hoặc 45 đối với những người có kỹ năng đặc biệt. Về chế độ tiền lương, thủy thủ được trả 13.000 USD/năm, thuyền trưởng là hơn 25.000 USD/năm.
Các cường quốc muốn ngăn chặn hành vi áp bức trên biển thường chỉ được trang bị lực lượng Hải quân cơ bản, không thể triển khai chống lại các tàu tự xưng là tàu đánh cá vì không khả dụ mà còn làm tăng nguy cơ xung đột. Do đó, với mục tiêu góp phần ngăn chặn hành vi độc đoán, giảm nguy cơ xung đột ở các vùng biển tranh chấp, tài liệu này muốn làm sáng tỏ tính mập mờ và trốn tránh trách nhiệm của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Về mặt hành động trên thực địa, xin nhắc lại rằng, đừng hỏi vì sao đối phó với các tàu dân quân, tàu khảo sát Trung Quốc, Việt Nam lại dùng kiểm ngư, cảnh sát biển, tàu đánh cá. Đó là cách mà Việt Nam khiến Trung Quốc không đạt được mục tiêu, không có cái cớ để leo thang xung đột. Bên cạnh đó, trong những năm qua, Việt Nam đã khẩn trương xây dựng, đưa vào biên chế hàng chục tàu bè các loại, tổ chức hàng loạt hải đội dân quân thường trực, là nhằm đối phó hiệu quả hơn với các hoạt động của tàu đánh cá dân binh Trung Quốc.
T.P