Các hệ thống pháo được cho là vũ khí nguy hiểm và hiệu quả của Ukraine nhằm đối phó với các cuộc tấn công của Nga. Đây là lý do khiến quân đội Ukraine nỗ lực tích hợp hàng chục loại đạn pháo của phương Tây vào kho vũ khí có từ thời Liên Xô của họ. Nhưng chúng lại đang tạo ra cơn ác mộng về hậu cần đối với nước này.
Sự đa dạng về chủng loại pháo trong kho vũ khí của Ukraine
Việc các quân đội hiện đại – đặc biệt là quân đội của các nước đang phát triển, sử dụng nhiều loại vũ khí tiếp nhận từ các quốc gia khác không phải là điều mới lạ. Nhưng sự đa dạng về chủng loại vũ khí mà Ukraine đã và đang triển khai, trong đó có lựu pháo phương Tây cung cấp đã khiến các chuyên gia kinh ngạc.
Trong báo cáo đánh giá về pháo binh Ukraine dành cho Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), ông Patrick Hinton – một chỉ huy của quân đội Anh cho biết: “Hầu hết các quốc gia có 2 hoặc 3 loại lựu pháo khác nhau trong lực lượng bộ binh. Nhưng riêng Ukraine có 14 hệ thống pháo”. Chỉ riêng việc kiểm đếm số lượng lựu pháo do Ukraine sử dụng đã là một thách thức.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ước tính, Ukraine ít nhất 352 khẩu pháo 155 mm trong kho vũ khí. Trong số này có 13 khẩu lựu pháo 155 mm do nước ngoài sản xuất được 15 quốc gia tặng hoặc đồng tài trợ tính đến tháng 1/2023. Theo CSIS, con số thực tế có thể cao hơn do một số quốc gia không tiết lộ số lượng hệ thống pháo mà họ chuyển giao.
Kho pháo kéo 155mm của Ukraine có ít nhất 4 loại, gồm lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất, pháo AS90 do Anh chế tạo, pháo TRF1 do Pháp sản xuất và pháo FH-70 do Anh-Đức-Italy hợp tác phát triển.
Đối với pháo tự hành bọc thép 155mm, Ukraine đã nhận được 3 biến thể của pháo M109 do Mỹ sản xuất cùng với pháo PzH 2000 của Đức, Krab của Ba Lan và Zuzana2 của Slovakia. Ngoài ra, Kiev đã tiếp nhận pháo Caesar 155mm gắn trên xe tải của Pháp. Litva cũng cung cấp cho nước này loại pháo kéo M101 cũ do Mỹ sản xuất được chế tạo vào năm 1941.
Ngoài những vũ khí do phương Tây chế tạo, quân đội Ukraine có một dàn pháo từ thời Liên xô, gồm pháo tự hành S7 203 mm, pháo tự hành 2S3, 2S5, 2S19 và pháo tự hành M-77 152 mm do Séc sản xuất; cũng như nhiều khẩu 122 mm khác.
Cơn ác mộng về hậu cần với Ukraine
Theo các chuyên gia quân sự, chỉ riêng việc tìm kiếm loại đạn dược phù hợp các hệ thống pháo này đã là một thách thức lớn. Những hệ thống pháo có từ thời Liên Xô của Ukraine bắn đạn 152 mm tiêu chuẩn của Nga. Đây là loại đạn rất khó tìm. Trong khi đó pháo do Mỹ và châu Âu cung cấp sử dụng đạn cỡ 155mm tiêu chuẩn NATO – loại đạn mà nhiều nước phương Tây đang phải nỗ lực rất nhiều để gia tăng việc sản xuất.
Nòng pháo cũng bị hao mòn theo thời gian, đặc biệt là khi được sử dụng với cường độ cao trên chiến trường. Một vấn đề khác là nhiều đơn vị pháo binh của Ukraine vẫn chưa quen vận hành những loại hệ thống pháo mới tiếp nhận từ phương Tây.
“Các khóa đào tạo cấp tốc ở nước ngoài dành cho binh sỹ Ukraine sẽ giúp họ nâng cao kinh nghiệm chiến đấu và biết cách sử dụng vũ khí mới, nhưng việc làm chủ kỹ năng bảo trì, bảo dưỡng để các hệ thống pháo đắt đỏ đạt tuổi thọ hoạt động tối đa lại khá hạn chế. Chưa kể rất khó tìm kiếm linh kiện sửa chữa hoặc các hệ thống thay thế do quá trình sản xuất diễn ra chậm chạp”, phân tích của RUSI lưu ý.
Theo phân tích của Đại úy Anh Patrick Hinton, về mặt lý thuyết, nòng pháo có thể bắn từ 1.500 đến 2.500 viên đạn trước khi được thay thế, song điều này rất khó thực hiện. “Anh không thể sản xuất nòng pháo cỡ 155mm và có rất ít nhà sản xuất ở châu Âu có khả năng thực hiện công việc đó”.
Mỹ đã thiết lập các đường dây nóng hỗ trợ quân đội Ukraine sử dụng vũ khí mới trong chiến đấu, nhưng không thể giải quyết được các vấn đề hậu cần và bảo trì. Một số chuyên gia cho rằng, ngay cả khi phương Tây có kho dự trữ đạn dược dồi dào thì việc cung ứng đạn dược liên lục cho 1.500 khẩu lựu pháo của Ukraine vẫn là thách thức lớn.Trong Thế chiến thứ nhất, các khẩu pháo lớn được ví như nguồn tiêu thụ đạn dược khổng lồ. Việc vận chuyển những quả đạn cỡ lớn và cồng kềnh đi qua các tuyến đường đông đúc hay địa hình hiểm trở trong điều kiện thời tiết xấu hoặc xuyên qua các đợt mưa bom bão đạn của đối phương là cơn ác mộng đối với bất cứ quân đội nào. Những cuộc tiến công nhanh chóng – như chiến dịch phản công của Ukraine vào năm 2022, cũng có thể khó thực hiện do thách thức trong vận chuyển đạn dược.Chưa kể, nhiều loại pháo tự hành của Ukraine cần các bộ phận thay thế và linh kiện điện tử riêng biệt vì chúng được tiếp nhận từ nhiều nguồn khác nhau. Đây có lẽ là vấn đề hóc búa nhất đối với kho dự trữ đạn pháo đa quốc gia của Ukraine. Càng sử dụng nhiều loại lựu pháo do nước ngoài sản xuất, Ukraine càng phải phụ thuộc vào nhiều chuỗi cung ứng. Mỗi chuỗi cung ứng lại phụ thuộc vào từng quá trình sản xuất, vận chuyển và nền tảng chính trị khác nhau. Những vấn đề này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của Kiev.
T.P