Sunday, January 12, 2025
Trang chủĐiểm tinMôi trường sinh thái ở Biển Đông đang bị hủy hoại nghiêm...

Môi trường sinh thái ở Biển Đông đang bị hủy hoại nghiêm trọng

Thời gian qua, các hoạt động cải tạo đảo, đá phi pháp của Trung cộng ở Biển Đông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái ở khu vực.

Hoạt động cải tạo đảo, đá phi pháp của Trung cộng

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Philippines và Mỹ nhiều lần cáo buộc, chỉ trích hoạt động cải tạo phi pháp của Trung cộng ở quần đảo Trường Sa gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái. Đại sứ Philippines Irene Susan Natividad tại Liên hợp quốc tuyên bố hoạt động cải tạo bãi, đá của Trung cộng đang hủy diệt đa dạng sinh học ở Biển Đông. Các công trình xây dựng phi pháp của Trung cộng ít nhất phá hủy 300 rạn san hô, làm thiệt hại kinh tế Philippines hàng trăm triệu USD/năm. Việc hủy hoại môi trường sinh thái còn gây ra hậu quả lâu dài cho người dân các nước, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hải sản trong khu vực.

Tháng 6/2015, Philippines đã tổ chức Hội thảo “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển và bảo vệ môi trường ở Biển Đông” tại New York, Mỹ. Hội thảo đã chỉ ra rằng, quá trình cải tạo phi pháp các bãi, đá ở Trường Sa của Trung cộng đã gây tác hại đến hệ sinh thái các đá Gạc Ma, Ken Nan, Vành Khăn, Châu Viên, Ga Ven, Chữ Thập. Trung cộng đã bồi đắp tối thiểu 800ha trên Biển Đông, nhiều rạn san hô trăm năm tuổi đã bị phá hủy nghiêm trọng, khó có khả năng phục hồi.

Nhiều chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới cũng bày tỏ quan ngại về các hành động phá hoại môi trường sinh thái của Trung cộng, cho rằng hành động của Trung cộng không chỉ làm ảnh hưởng môi trường sinh thái mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước về đa dạng sinh học, Công ước về thương mại quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp. Nhìn chung, giới chuyên gia cho rằng việc Trung cộng tiến hành hút cát, bồi đắp và mở rộng phi pháp các đảo đá và bãi ngầm đang chiếm đóng ở Trường Sa đã phá vỡ môi trường sinh thái đa dạng ở Biển Đông, nhất là các cấu trúc hệ san hô. Nếu xảy ra xung đột giữa Trung cộng với các nước tranh chấp sẽ gây ra một thảm họa về môi trường, tự do hàng hải, đe dọa hệ sinh thái ở Biển Đông và phương hại đến ngư dân đánh bắt cá trong khu vực. Tình trạng môi trường sinh thái ở Biển Đông đang bị hủy hoại nghiêm trọng sẽ còn tiếp tục kéo dài, gây ảnh hưởng trước mắt và lâu dài về kinh tế, sinh thái và bảo tồn đại dương. Để tìm cách cứu môi trường sinh thái ở Biển Đông, Giáo sư John McManus, Giám đốc phụ trách chuyên ngành sinh vật học hải dương và nghề cá thuộc Đại học Miami đề xuất xây dựng “Công viên Hòa bình Biển” ở quần đảo Trường Sa, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không cải tạo các đảo, đá với quy mô lớn nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học ở Biển Đông.

Tuy cộng đồng quốc tế liên tục phản đối các hành động phi pháp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái, song Trung cộng vẫn tiến hành các hoạt động cải tạo đảo, đá phi pháp ở Biển Đông và tìm cách bao biện cho hành vi sai trái của mình. Cục Hải dương quốc gia Trung cộng đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận khoa học, đánh giá tác động, ảnh hưởng của quá trình cải tạo đảo, đá phi pháp ở Biển Đông, ngang nhiên cho rằng các hoạt động này không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ở Trường Sa. Trung cộng ngụy biện việc quy hoạch, thiết kế, thi công cải tạo đảo, đá ở Trường Sa được tiến hành đồng bộ, đảm bảo mục tiêu phạm vi ảnh hưởng nhỏ nhất, thời gian thi công ngắn nhất, ít gây ảnh hưởng và hệ sinh thái có khả năng tự khôi phục nhanh chóng. Các công trình cải tạo phi pháp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái, tác động đến môi trường sinh thái chỉ là tạm thời, có thể kiểm soát. Trong quá trình thi công Trung cộng đã tránh khoảng thời gian sinh sản của cá, nước và rác thải trong quá trình sinh hoạt, thi công trên các bãi, đá được tập kết và xử lý tập trung, các tàu hút cát đều tương đối mới, đảm bảo không xảy ra sự cố về tràn dầu. Ngoài ra, Trung cộng cũng tìm cách bao biện khi cho rằng nước này luôn chú trọng công tác phục hồi và bảo vệ các bãi san hô. Số lượng các bãi san hô giảm chủ yếu là do con người khai thác quá mức, không phải do yếu tố môi trường gây ra.

Để tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và người dân trong nước trước các hoạt động phi pháp gây ảnh hưởng môi trường sinh thái ở Biển Đông, Trung cộng đã tích cực sử dụng công cụ truyền thông đại chúng để tuyên truyền hoạt động cải tạo đảo, đá không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tìm cách phản bác lại ý kiến chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Nhiều trang mạng Trung cộng đưa tin về các hội thảo khoa học do Cục Hải dương quốc gia Trung cộng tổ chức nhằm thảo luận, đánh giá về tác động môi trường sinh thái ở Trường Sa; Các tỉnh ven biển của Trung cộng đồng loạt tiến hành các hoạt động điều tra về môi trường sinh thái; Tòa án của cái gọi là “thành phố Tam Sa” lần đầu xét xử ngư dân Trung cộng mua bán, vận chuyển rùa biển… Những hành động trên cho thấy, Trung cộng đang tìm cách chứng minh quyết tâm “bảo vệ” môi trường sinh thái ở Biển Đông.

Các hoạt động cải tạo đảo, đá phi pháp của Trung cộng không những vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực Biển Đông mà còn đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển và ảnh hưởng cuộc sống của ngư dân Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới