Chính phủ Kyrgyzstan đã ký thỏa thuận với các công ty Trung Quốc để xây dựng 4 nhà máy thủy điện với giá trị đầu tư từ 2,4-3 tỉ USD.
Thỏa thuận này liên quan đến dự án thủy điện Kazarman – dự án đã được thảo luận từ năm 2011, trang Asia-Plus dẫn lại các phương tiện truyền thông Kyrgyzstan cho hay.
Thủ tướng Kyrgyzstan Akylbek Japarov lưu ý, đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử nước này.
Thỏa thuận được ký kết bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Issyk-Kul 2023 lần thứ 7, được tổ chức vào ngày 27.7 vừa qua.
Các nhà đầu tư và thực hiện dự án là một tập đoàn gồm các công ty lớn nhất Trung Quốc: PowerChina Northwest Engineering, Green Gold Energy (GGE) và China Railway 20th Bureau Group (CR20G).
Kế hoạch là xây dựng 4 đập thủy điện trên sông Naryn gần làng Kazarman ở vùng núi Jalal-Abad, miền trung Kyrgyzstan.
Những dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2030 và sẽ có công suất lắp đặt là 1.160 MW.
Khi hoàn thành, nó sẽ bao gồm 4 nhà máy thủy điện: Ala-Buga, Kara-Bulung-1, Kara-Bulung-2 và Toguz-Toro.
Ngày 1.8, sắc lệnh của Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng kéo dài 3 năm đã có hiệu lực – tờ The Diplomat đưa tin.
Theo sắc lệnh, chính phủ coi các biện pháp khẩn cấp là cần thiết để “đưa Kyrgyzstan thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến những thách thức về khí hậu, lượng nước chảy vào lưu vực sông Naryn thấp, và tình trạng thiếu công suất phát điện trong bối cảnh mức tiêu thụ năng lượng tăng nhanh”.
Trong nhiều năm, Kyrgyzstan đã phải vật lộn để duy trì nguồn cung năng lượng đầy đủ, đặc biệt là trong mùa đông.
Trong mùa hè, các cơ sở thủy điện của Kyrgyzstan nhìn chung có khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, điều đó có thể không đúng.
Bộ trưởng Năng lượng Kyrgyzstan Taalaybek Ibraev đã đề xuất tình trạng khẩn cấp năng lượng kéo dài 3 năm vào cuối tháng 7 do tình trạng thiếu điện. Ông Ibraev cho biết, lượng điện thiếu hụt ở Kyrgyzstan trong năm 2023 sẽ lên tới 3 tỉ kWh; đến năm 2026 có thể lên tới 5-6 tỉ kWh.
Nhà máy thủy điện tại hồ chứa Toktogul của Kyrgyzstan tạo ra khoảng 40% sản lượng điện của nước này. Nhưng mỗi năm càng ngày càng ít nước trong hồ chứa. Vào tháng 7.2020, hồ chứa có khoảng 13,7 tỉ mét khối nước trong tổng dung tích 19 tỉ mét khối. Nhưng tính đến tháng 7.2023, con số đó đã giảm xuống còn 10,68 tỉ mét khối.
Khi công bố dự án thủy điện Kazarman ký với nước láng giềng Trung Quốc, Tổng thống Japarov nói rằng trong những năm tới, “chúng tôi sẽ không chỉ bù đắp cho sự thiếu hụt sản lượng điện, mà còn tự tin sẽ kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi năm bằng cách xuất khẩu điện”.
Dự án Kazarman không phải là một ý tưởng mới lạ; trong những năm qua đã có một loạt dự án thủy điện được đề xuất dọc theo sông Naryn. Một rào cản lớn luôn là vấn đề tài chính, chưa kể đến lợi nhuận giảm dần từ các con sông của Kyrgyzstan.
Các ý kiến hiện tại cho thấy, ngay cả khi dự án được động thổ vào năm tới, thì nó cũng sẽ không hoạt động trước năm 2030.
Một dự án năng lượng mặt trời ở Issyk-Kul dự kiến bắt đầu xây dựng vào năm tới và hoàn thành vào năm 2025. Dự án này đã được ký kết trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Japarov tới Trung Quốc nhân hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á vào tháng 5 vừa qua.
Giám đốc điều hành của CR20G – công ty đứng sau dự án này – cho biết, khi dự án quang điện 1.000 megawatt khi hoàn thành sẽ cung cấp 17% sản lượng điện của Kyrgyzstan.
T.P