Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBayon không bí ẩn

Bayon không bí ẩn

Sự thực dụng của Chính phủ Campuchia hiện tại khiến xứ xở của Bayon với những ngọn tháp cao vút, chạm khắc thành 4 khuôn mặt nhìn bốn hướng như chẳng còn bí ẩn, vô hình như trăn trở của thi sĩ Chế Lan Viên: “Anh là tháp Bayon bốn mặt/Giấu đi ba, còn lại đấy là anh…”

Ông Manet, dẫu là thủ tướng, vẫn là “đứa con ngoan” của ông Hun Sen trong quan hệ với Trung Quốc.

Quốc hội Campuchia dự kiến sẽ họp vào ngày 22/8 để bỏ phiếu phê chuẩn nội các chính phủ mới. Thành viên nội các, nhất là những vị trí trọng yếu, có thay đổi gì không so với dự đoán của dư luận, còn phải chờ, nhưng chân thủ tướng của ông Manet coi như được khẳng định. Ngày 7/8, Quốc vương Norodom Sihamoni đã ký Sắc lệnh Hoàng gia bổ nhiệm ông Hun Manet kế nhiệm ông Hun Sen làm thủ tướng.

Phê chuẩn của Quốc hội là thủ tục quan trọng cuối cùng. Về lý thuyết, bất ngờ nhất: Quốc hội không phê chuẩn ghế Thủ tướng của “thái tử” nhà ông Hun Sen có thể xảy ra, nhưng trong thực thế, đó là điều không thể.

Không thể vì ở đất nước Chùa Tháp này, Quốc vương được tôn kính vô cùng. Không điều hành đất nước, nhưng ông có vị trí đặc biệt trong mỗi người dân. Thế nên, việc “không vâng lời” đồng nghĩa với phạm thượng với bệ hạ. Thứ nữa, Đảng cầm quyền CPP của ông Hun Sen chiếm hầu hết ghế trong Quốc hội khóa VII, là sự bảo đảm tuyệt đối cho việc ông Manet chính thức kế nhiệm chiếc ghế quyền lực mà cha mình – ông Hun Sen – đã chễm chệ trên đó trong suốt 38 năm, kể từ năm 1985.

Một trong những câu hỏi nhiều người đưa ra lúc này, là “thời của ông Manet”, “gió Đông có thổi bạt gió Tây”? Một cách ví von thôi: “gió Đông” là hàm ý chỉ Trung Quốc; còn “gió Tây” là hàm ý chỉ Mỹ và phương Tây. Nghĩa là, câu hỏi đặt trọng tâm vào đường hướng đối ngoại của “xứ sở chùa tháp”.

Một câu hỏi thực tế. Lâu nay, trong đường lối đối ngoại, Campuchia của thời do ông Hun Sen làm Thủ tướng nghiêng về Trung Quốc. Và Phnom Penh không hề che giấu điều đó.

Vậy thì ai, cái gì khiến Campuchia thân thiết với ông bạn láng giềng phương Bắc đến vậy? Câu trả lời là: tiền! Tiền là nền tảng tạo nên “mối quan hệ ngoại giao tuyệt vời” Campuchia – Trung Quốc – khẩu ngữ mà các quan chức cả Bắc Kinh và Phnom Penh hay nói.

Từ nhiều năm nay, quan hệ với Bắc Kinh được Phnom Penh coi là quan trọng nhất. Hai nước đã trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2010. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia. Riêng lĩnh vực năng lượng, Bắc Kinh đầu tư tới hơn 7,5 tỷ USD trong các dự án thủy điện và 4 tỷ USD trong các nhà máy điện than. Xây dựng đặc khu kinh tế thành phố cảng Sihanoukville, cũng các nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) đầu năm 2023 tổ chức thành công, phần nhiều dựa vào viện trợ của Trung Quốc, trong đó, có sân vận động quốc gia Morodok Techno, sức chứa tới 60 nghìn người. Trước nữa, trong đại dịch COVID-19, Campuchia là một trong những quốc gia được Trung Quốc ưu ái viện trợ vaccine sớm nhiều nhất…

Về quân sự, Campuchia được coi là tẩy chay Mỹ để ưu ái cho Trung Quốc xây dựng, biến quân cảng Ream của nước này thành bàn đạp giúp họ mở rộng ảnh hưởng và hiện diện quân sự ra thế giới…

Thực tế cho thấy, Phnom Penh, trong bất kỳ trường hợp nào cũng ủng hộ Bắc Kinh, nhất là trong các vấn đề nhạy cảm và phức tạp trong khu vực. Vấn đề Biển Đông chẳng hạn, trong các nước ASEAN, kể cả Lào, cũng chẳng thể tận tụy được với Trung Quốc như Campuchia. Dư luận sao thể quên Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 đã không thể ra được tuyên bố chung chỉ vì Campuchia, với tư cách chủ nhà, không muốn từ Biển Đông xuất hiện trong văn bản tuyên bố. Họ khăng khăng điều đó trong khi, với ASEAN, đây là vấn đề đáng quan ngại nhất thời điểm đó.

Trở lại chuyện Đông hay Tây trong đường lối đối ngoại của Phnom Penh khi ông Manet làm thủ tướng. Không phải không có người cho rằng, là người “tây học”, lại học tại học viện West Point danh giá của Mỹ , vị nguyên thủ được coi là trẻ này sẽ cách tân tới mức bẻ ngoặt đường lối đối ngoại của cha mình để xích lại gần hơn với Mỹ. Đó cũng chính là điều Bắc Kinh nghe ngóng và lo ngại. Nếu thật thế, Bắc Kinh sẽ mất đi một đồng minh tận tụy trong âm mưu độc chiếm Biển Đông; mất một bàn đạp để mở rộng ảnh hưởng ra thế giới. Và còn nhiều nhiều cái mất nữa chưa thể lường hết.

Tuy nhiên, vẻ như sự lo ngại của Trung Nam Hải là thừa. Ngược với dự đoná trên, đa số giới phân tích nghiêng về khả năng Campuchia sẽ vẫn thân thiết với Trung Quốc. Căn cứ của nhận định này là: dù không còn làm thủ tướng, ông Hun Sen chẳng vì thế mà mất vai trò, vị thế. Ông vẫn là Chủ tịch của CPP cầm quyền – một lãnh tụ thực sự kia mà! Ông Hun Sen càng chẳng phải không còn “bảo” được người con mà ông chăm bẵm. Chăm tới mức, chỉ khi biết chắc CPP thắng lợi, ông mới tuyên bố từ giã chức vụ để “truyền ngôi” cho người con trai mà ông yêu chiều và kỳ vọng.

Thế nên, dù có là thủ tướng, ông Manet, ngoài việc là đảng viên của CPP có phận sự và trách nhiệm trung thành với đường lối quan điểm của đảng này – một đảng mà chính ông, trong quá trình vận động tranh cử, đã oang oang hô hào, khẳng định rằng: “Lịch sử cho thấy chỉ có CPP mới có khả năng mang lại an toàn và hòa bình cho Campuchia”, còn phải chứng tỏ mình là một “đứa con ngoan” chứ không phải “đứa con hư” của người bố, cũng là người tiền nhiệm không chỉ đáng kính mà còn rất mực đáng yêu nữa. Và tất nhiên, như thế, về đối ngoại, tân Thủ tưởng Manet sao có thể thoát Trung để ngả về phương Tây cho được?

Hay ví von cách khác, những pho tượng ở Đền Bayon hàng nghìn năm qua dẫu có là 4 mặt, thì Campuchia trong thời của Thủ tướng Manet, họ vẫn chỉ một lòng hướng mặt về Bắc Kinh trong đường lối đối ngoại mà thôi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới