Các cường quốc quân sự như Nga, Mỹ hay mới nổi lên gần đây như Trung Quốc đều sở hữu rất nhiều vũ khí hiện đại, một trong những cái tên các bạn nghe thấy khá nhiều đó là tên lửa siêu thanh. Nó được cho là một trong những loại vũ khí phi hạt nhân nguy hiểm bậc nhất và cũng là nỗi sợ của tàu sân bay. Vậy thì tại sao tên lửa siêu thanh lại nguy hiểm? Tên lửa siêu thanh là gì?
Thường thì khi nói đến tên lửa người ta sẽ bị ấn tượng với những quả tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, những quả tên lửa này to như hai cái xe bus nối vào nhau nặng đến cả trăm tấn, có thể bắn xa tới 20.000 km, mang nhiều đầu đạn hạt nhân với sức tàn phá là vô cùng khủng khiếp.
Mặc dù là gã khổng lồ với sức mạnh ghê gớm, nhưng thực tế là chưa quả tên lửa đạn đạo liên lục địa nào được mang ra để sử dụng. Bởi vì nó thường mang đầu đạn hạt nhân mà tấn công đối phương bằng đầu đạn hạt nhân thì khác gì khơi mào một cuộc chiến hủy diệt trái đất. Duy nhất trên thế giới có mình nước Mỹ từng sử dụng vũ khí hạt nhân, đó là khi họ là nước duy nhất có vũ khí hạt nhân nên không sợ bị phản công.
Thế còn nếu dùng tên lửa đạn đạo liên lục địa chỉ để mang thuốc nổ thông thường tấn công đối phương thì quá là lãng phí giống như bạn lái xe tăng đi bắn đạn cao su vậy, có thừa tiền mới làm như thế. Thế nên, nước Nga đã tiên phong trong việc phát triển một loại vũ khí mới thay vì sử dụng sức mạnh hạt nhân làm trọng tâm thì họ lại sử dụng vận tốc làm lợi thế, họ đã cho ra đời cái gọi là tên lửa siêu thanh.
Định nghĩa của tên lửa siêu thanh thì rất đơn giản: Tên lửa siêu thanh là tên lửa có tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh từ 5 lần trở lên, thường ký hiệu là Mach 5 trở lên. Có thể các bạn sẽ thấy tên lửa đạn đạo liên lục địa có tốc độ rất cao, ở thời điểm nhanh nhất nó có thể đạt đến tốc độ Mach 25. Như vậy, phải chăng tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng là tên lửa siêu thanh? Thực ra đúng là tên lửa đạn đạo liên lục địa đã đạt được tốc độ siêu thanh nhưng thường thì khi nhắc đến tên lửa siêu thanh người ta thường nói đến tên lửa nhỏ, chứ không có ý định nói đến tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Vậy tên lửa siêu thanh có gì đặc biệt mà trở thành nỗi sợ của các tàu sân bay? Đầu tiên là tên lửa siêu thanh rất khó bị đánh chặn. Thậm chí, nhiều chuyên gia quân sự có nói rằng nó được mệnh danh là không thể bị đánh chặn. Tại sao lại không thể đánh chặn? Các hệ thống đánh chặn tên lửa hiện đại ngày nay như Patriot của Mỹ đã được sản xuất từ khi tên lửa siêu thanh của Nga còn chưa ra đời. Vì thế, nên về lý thuyết nó không được phát triển để chống lại tên lửa siêu thanh.
Nhiều bạn sẽ thắc mắc rằng: Chẳng phải Patriot sinh ra để đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa hay sao? Mà tên lửa đạn đạo thì có tốc độ siêu thanh rồi, vậy có vài tên lửa siêu thanh khác của Nga cũng phải bị Patriot đánh trận mới đúng chứ? Thì chúng ta cần phải làm rõ chỗ này.
Thứ nhất là tên lửa đạn đạo dù nó nhanh đến mấy nó vẫn bay theo một quỹ đạo đã được định sẵn, thế nên hệ thống Patriot có thể xác định được quỹ đạo và có thể điều khiển tên lửa của nó bay vào để đánh chặn. Tuy nhiên, tên lửa siêu thanh của Nga lại được trang bị thêm hệ thống định vị vệ tinh kết hợp với camera, radar và hệ thống điều hướng nhờ những cái này mà nó có khả năng đặc biệt, đó là bay theo quỹ đạo không ổn định mà thay đổi quỹ đạo liên tục, đảo hướng lung tung nhưng cuối cùng vẫn nhắm trúng mục tiêu, vì đảo hướng khi bay nên các hệ thống phòng thủ tên lửa không thể nào đoán được hành trình của nó, vì không đoán được, thì không thể nào mà đánh chặn được. Ngoài ra, theo các nhà vật lý, thì khi bay với tốc độ siêu thanh không khí xung quanh tên lửa xây thành một lớp plasma. Cái lớp plasma này lại có tính chất là triệt tiêu sóng điện từ mà radar của các hệ thống phòng thủ tên lửa lại dùng sóng điện từ để tìm kiếm vị trí của tên lửa, nên khi sóng bị triệt tiêu thì tên lửa sẽ vô hình trước hệ thống phòng thủ. Như vậy, nó vừa đảo hướng lại vừa vô hình trước radar, nên mới được mệnh danh là không thể bị đánh chặn.
Nhưng đó là trên lý thuyết và thực tế mọi thứ có hoạt động hoàn hảo như vậy hay không? Chúng ta cần nhiều bằng chứng cụ thể và một trong số đó là trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, phía Nga đã sử dụng rất nhiều tên lửa siêu thanh loại Kinzhal. Đây là mẫu tên lửa siêu thanh phổ biến nhất của Nga có tầm hoạt động 3.000 km, tốc độ ít nhất là Mach 5 và có thể đạt được tốc độ tối đa lên tới Mach 10. Nó dài 7m, nặng từ 3 – 4,8 tấn, mang đầu đạn 500kg thuốc nổ thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân 500kt. Tất nhiên là khi bắn vào Ukraina thì chỉ được gắn đầu đạn thông thường thôi, giá mỗi quả tên lửa là 80 tỷ.
Quay lại cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã phóng rất nhiều 80 tỷ vào Ukraina khiến Ukraine tổn thất nặng nề bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot hiện đại mà Mỹ cung cấp. Nhưng cái chúng ta quan tâm là Ukraina và Mỹ đã tuyên bố đồng thời đưa ra bằng chứng rằng Ukraine đã dùng Patriot bắn hạ tên lửa siêu thanh của Nga, điều này gây ra cuộc tranh cãi vì tên lửa siêu thanh vốn được mệnh danh là không thể bị đánh chặn mà tại sao Ukraine lại bắn chặn được? Thì Nga nói rằng: Đừng có tin ông Ukraine, tên lửa siêu thanh làm sao bị bắn hạ, mấy cái mảnh vỡ mà Ukraina cho là tên lửa bị bắn hạ thì trông chúng giống cái vỏ của quả bom xuyên bê tông hơn, đến giờ cũng chưa biết là bên nào mới đúng. Hiện nay Nga đang sở hữu 3 mẫu tên lửa siêu thanh gồm Kinzhal, Avangard và Zircon trong khi Mỹ nói rằng: Họ đã thử nghiệm thành công nhưng không công khai mẫu nào. Trung Quốc cũng thử nghiệm thành công một mẫu.
Trước giờ, chiến lược của Mỹ là phủ quân khắp thế giới để bất kỳ nơi nào bị tấn công là họ luôn có căn cứ gần đó để phản công. Chỗ nào không đặt căn cứ thì họ có hạm đội tàu sân bay để kéo đến nhưng vấn đề bây giờ là: Tàu sân bay và các tàu hộ tống, tàu tên lửa dù được trang bị radar hiện đại nhưng liệu nó có chống được tên lửa siêu thanh hay không? Nếu không thì nó chỉ như gã khổng lồ chậm chạp là mục tiêu cho tên lửa lao vào. Thực tế là chưa có tàu sân bay nào bị tấn công nên chúng ta không thực sự biết tàu sân bay có thể chống được tên lửa siêu thanh hay không. Mong rằng trong tương lai cũng không cần thiết phải có câu trả lời vì chiến tranh như vậy là quá đủ rồi, mất mát quá nhiều rồi.
T.P