Mặc dù cả tháng nay qua các kênh ngoại giao, Trung Quôc liên tục phản đối và đe dọa nếu lãnh đạo Đài Loan thăm Mỹ, thế nhưng chuyến thăm không chính thức vẫn cứ diễn ra.
Trên đường kinh lý, hôm 13/8, Phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã không ngần ngại khi dừng chân tại New York, Mỹ, trước khi đến Paraguay để tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Santiago Pena.
Bắc Kinh lập tức phản ứng mạnh mẽ và đe dọa sẽ có những “biện pháp cứng rắn”. Lý do đưa ra là, động thái này của Mỹ và Đài Loan là vi phạm nguyên tắc “Một nước Trung Hoa duy nhất”.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc nêu rõ: Bắc Kinh “phản đối mạnh mẽ mọi hình thức tiếp xúc chính thức giữa Hoa Kỳ và Đài Loan và kiên quyết phản đối việc những người ly khai đấu tranh cho độc lập của Đài Loan có thể đặt chân đến Mỹ”. Thông cáo của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, “sẽ có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Trước đó Phủ Tổng thống Đài Loan đã phát đi đoạn video có cảnh ông Lại Thanh Đức đến một khách sạn ở New York. Trên mạng xã hội X (tên cũ là Twitter), nhà lãnh đạo Đài Loan – thuộc Đảng ủng hộ độc lập – còn viết rằng, đã được nhiều đại diện của Viện Mỹ ở Đài Loan (một hình thức tòa đại sứ Mỹ) đón tiếp.
Câu hỏi đặt ra với chính quyền Bắc Kinh là: Đây có phải một sự “thông đồng” giữa Washington và Đài Bắc, “cho phép ông Lại Thanh Đức thực hiện những hoạt động chính trị tại Mỹ với lý do quá cảnh” ?
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định: “Chính những nỗ lực dựa dẫm vào Mỹ để tìm kiếm độc lập của Đài Loan và thái độ khăng khăng của Mỹ dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến căng thẳng tại eo biển Đài Loan”.
Lại Thanh Đức là nhân vật quan trọng đến mức nào mà Bắc Kinh cho đây là một “kẻ gây rối”? Xin thưa, ông này là ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử vào đầu năm 2024 của Đài Loan. Ông Lại viết trên Twitter: “Rất vui khi đến Big Apple, biểu tượng của tự do, dân chủ và cơ hội”.
Đây không phải lần đầu các nhà lãnh đạo Đài Loan cố tình chọc tức chính quyền Bắc Kinh. Tháng 8 năm 2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là Nancy Pelosi thăm Đài Loan. Trung Quốc phản ứng gay gắt bằng cách tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn chưa từng có quanh hòn đảo. Sau đó, Quân đội Trung Quốc tiếp tục tập trận lớn quanh hòn đảo hồi tháng 4/2023, khi Tổng thống Thái Anh Văn quá cảnh ở Mỹ và gặp đương kim Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy.
Bắc Kinh nhiều lần lên lên án sự mập mờ của Mỹ và sự xích lại gần Washington của Đài Bắc vì âm mưu li khai. Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen ở Mỹ hôm 19/7, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Tạ Phong, tuyên bố: “Đài Loan là Đài Loan của Trung Quốc”. Ông Tạ nói, Trung Quốc muốn thống nhất trong hòa bình, nhưng những người chủ trương ly khai ở Đài Loan vẫn đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ.
Lúc đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ nhấn mạnh: “Bây giờ ưu tiên của chúng tôi là ngăn chặn ông Lại Thanh Đức đến thăm Mỹ”.
Thế nhưng, Bắc Kinh không có cách gì ngăn cản được. Giới lãnh đạo Đài Loan từ Thái Anh Văn đến Lại Thanh Đức đều tuyên bố: Chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của hòn đảo!
Về phía Mỹ, Nhà Trắng cho rằng, không có lý do gì để Trung Quốc thực hiện hành động “khiêu khích” nhằm đáp trả chuyến quá cảnh của ông Lại Thanh Đức tại Mỹ. Washington giải thích những chuyến quá cảnh như vậy đã diễn ra trong nhiều năm và là chuyện bình thường. Lãnh đạo Đài Loan hoàn toàn có quyền thăm Mỹ và bất cứ quốc gia nào, tùy thuộc sự đón tiếp của các quốc gia.
Mỹ luôn thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc”, nhưng vẫn giữ chính sách không chính thức về “sự mơ hồ chiến lược” của họ đối với Đài Loan, cũng như về chủ quyền của hòn đảo 23,5 triệu dân.
Washington vẫn duy trì quan hệ ngoại giao không chính thức với Đài Bắc. Quốc hội Mỹ có vai trò là trụ cột chính của mối quan hệ không chính thức đó với các phái đoàn gồm các nhà lập pháp đến thăm hòn đảo. Washington cũng lớn tiếng phản đối bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào để giải quyết vấn đề Đài Loan.
Đáp lại, Trung Quốc chỉ còn cách cảnh báo “những hậu quả xấu mà Mỹ phải gánh chịu”.
Dư luận thế giới quan tâm đến mối quan hệ “tam giác Mỹ – Trung – Đài” cho rằng, chuyến dừng chân ở New York của Ứng cử viên Tổng thống Đài Loan sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên căng thẳng Mỹ – Trung vốn đã chực chờ bùng phát trong những năm qua.
Rất cay cú trước sự “ngang bướng” của Đài Bắc, đồng thời biết rất rõ âm mưu của Washington là tiếp tục thực hiện sự “mơ hồ chiến lược”, nhưng chẳng phải riêng lần này, Bắc Kinh chưa nghĩ ra cách nào khả dĩ ngăn được sự có mặt của lãnh dạo Đài Loan trên đất Mỹ. Đành phải tuyên bố cứng rắn vậy thôi, chứ làm sao mà “theo dõi” được những thứ mờ mờ ảo ảo?
H.Đ