Chùa Phổ Minh tọa lạc ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP. Nam Định có tháp Phổ Minh – công trình kiến trúc cổ độc đáo lớn nhất, nguyên vẹn nhất ở Việt Nam.
Khuôn viên chùa lưu giữ bảo vật tháp Phổ Minh tượng trưng một thời Hào khí Đông A nhà Trần. Chùa được xây dựng từ thời Lý, và mở rộng vào năm 1262 dưới thời nhà Trần.
Tháp Phổ Minh là một công trình kiến trúc độc đáo thời nhà Trần được bảo tồn khá nguyên vẹn, dựng năm 1305.
Tháp xây dựng ngay trước khu nhà bái đường nằm theo trục Bắc – Nam. Tháp cao tổng cộng 19,51m gồm một kiệu bát cống và 13 tầng. Tháp được xây trên một sân nhỏ hình vuông, mỗi chiều là 8,6m và nằm thấp hơn so với mặt đất 0,45m. Tầng nào cũng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái… Trên cùng cây tháp là một hình khối có dáng một đóa hoa sen chưa nở bằng đất nung già.
Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn 5 m. Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời nhà Trần. Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng.
Xung quanh khuôn viên của chùa tháp Phổ Minh được trồng rất nhiều cây, tạo không gian thoáng mát, yên bình. Bà Lê Thị Ngần (Quảng Ninh) cho biết: “Tôi biết đến Tháp Phổ Minh là một trong ba cây tháp xây từ thời Trần được lưu giữ đến tận bây giờ. Tôi đã từng đến tháp Huệ Quang (Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh) và tháp Bỉnh Sơn (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) nhưng tháp Phổ Minh là ngọn tháp tôi ấn tượng hơn bởi thiết kế bề thế thể hiện sự công phu về cả tính mỹ thuật, kỹ thuật”.
Điều đáng tiếc xảy ra vào những năm đầu thế kỷ 20, cây tháp mang một “tấm áo” mới bằng vật liệu xi măng làm mất đi những hoa văn trên gạch. Năm 2012 chùa Phổ Minh đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
T.P