Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSự im lặng của Trump với vụ Triều Tiên thử tên lửa

Sự im lặng của Trump với vụ Triều Tiên thử tên lửa

Trump lên tiếng lúc này, có thể làm “lộ bài” trước Trung Nam Hải vốn đang rất nóng lòng muốn biết chính sách của ông với châu Á – Thái Bình Dương.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên khiến dư luận đặc biệt chú
ý vì chính sách theo đuổi vũ khí hạt nhân, ảnh: breaking991.com

The New York Times hôm nay 13/2 có bài bình luận, phản ứng của Tổng thống Donald Trump đối với vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên hôm Chủ Nhật 12/2 là một sự kiềm chế đáng ngạc nhiên.

Để làm nổi bật sự “kiềm chế đáng ngạc nhiên” của tân chủ nhân Nhà Trắng, The New York Times nhắc lại khẳng định của ông Donald Trump trên Twitter khi ông Kim Jong-un tuyên bố đầu năm 2017 rằng:

Bình Nhưỡng đang ở “giai đoạn cuối” của việc phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Động thái được giới quan sát tin rằng, rõ ràng ông Kim Jong-un muốn gây áp lực với tân Tổng thống Mỹ. 

Ông Trump đáp lại trên Twitter: “nó sẽ không xảy ra!”

Tuy nhiên, 6 tuần sau đó, khi Bình Nhưỡng “ngang ngược” phóng tên lửa xuống biển, ông Trump giờ đã là Tổng thống đã phản ứng kiềm chế một cách đáng ngạc nhiên, The New York Times viết.

Xuất hiện trước ống kính báo chí khá muộn vào tối thứ Bảy ở Florida với bạn chơi golf – Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Donald Trump chỉ đọc một tuyên bố với 23 điểm cam kết Mỹ hỗ trợ Nhật Bản mà không nhắc gì tới CHDCND Triều Tiên.

Ngoài sự im lặng của ông Donald Trump, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn cho đến nay vẫn chưa lên tiếng.

Phản ứng này trái ngược hoàn toàn với việc ông Donald Trump chỉ đạo Cố vấn An ninh quốc gia công khai cảnh cáo Tehran về vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

Donald Trump không có chiến lược nào đối phó với CHDCND Triều Tiên?

The New York Times dẫn lời một học giả về châu Á từ Viện Brookings, Jeffrey A. Bader bình luận:

“Tôi cho rằng họ (chính quyền Donald Trump) không có một chiến lược nào. Vì vậy Trump mới im lặng một cách đáng ngạc nhiên khi Abe ở bên cạnh.

Nhưng điều đó không thể kéo dài. Trong một số thời điểm anh cần phải trình bày rõ chiến lược của mình”.

Tờ báo lưu ý, CHDCND Triều Tiên đã thách thức ông Barack Obama ngay đầu nhiệm kỳ bằng một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất chỉ 4 tháng sau khi ông nhậm chức.

Hệ quả là ông Obama đã duy trì chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ, thay vì cố gắng tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng như 2 người tiền nhiệm, Bill Clinton và George W Bush.

Ông Obama đã tập trung vào biện pháp thắt chặt lệnh trừng phạt quốc tế và củng cố liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc.

Còn với ông Donald Trump, 3 tuần đã trôi qua và họ vẫn đang cố gắng xác định chính sách đối ngoại, đặc biệt là CHDCND Triều Tiên đã không được chính quyền mới quan tâm đúng mức.

Ngoại trưởng Rex Tillerson thậm chí còn không có một cố vấn hay cấp phó nào đáng tin cậy về vấn đề này.

Reuters ngày 13/2 bình luận, Tổng thống Donald Trump có một vài lựa chọn khả dĩ để đối phó với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên tùy chọn nào cũng có hạn chế.

Hai tùy chọn được xem xét bao gồm tăng các biện pháp thực hiện lệnh trừng phạt hay gây áp lực lên Trung Quốc để Bắc Kinh kiềm chế Bình Nhưỡng dường như không có sự khác biệt đáng kể với chính quyền tiền nhiệm, Barack Obama.

Tùy chọn thứ 3 theo Riki Ellison, người đứng đầu một tập đoàn công nghiệp vũ khí nói với Reuters, Trump vẫn phải tiếp tục lựa chọn mà Obama đã “bỏ móng”: nhanh chóng tăng cường phòng thủ tên lửa ở cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản.

Những “bất ngờ hợp lý” trong phản ứng của Donald Trump với Bình Nhưỡng

“Bất ngờ” đầu tiên là sự im lặng của ông Donald Trump trước động thái CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa đúng lúc ông và Thủ tướng Nhật Bản đang đi chơi golf sau những tuyên bố nồng ấm, tái cam kết quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật.

Nói là “bất ngờ” vì sự im lặng này khác hẳn với khẳng định công khai của ông Trump trên Twitter 6 tuần trước. Nhưng nó “hợp lý” ở chỗ, lúc này ông đã là chủ nhân Nhà Trắng, chứ không còn là Tổng thống đắc cử.

“Hỏa lực mồm” có thể được vị Tổng thống doanh nhân này sử dụng khi nó gây hiệu quả chú ý từ dư luận, nhưng khi cần thì sự im lặng cũng được ông sử dụng như là một thứ vũ khí chính trị.

Bởi mục tiêu của vụ thử tên lửa mà Bình Nhưỡng thực hiện, phần lớn giới quan sát tin rằng CHDCND Triều Tiên muốn “đo” phản ứng của tân Tổng thống Mỹ.

Còn theo người viết, không chỉ Bình Nhưỡng, mà ngay cả Bắc Kinh cũng muốn thăm dò chính sách, thái độ của Trump với Đông Bắc Á qua vụ việc này.

Chính sự im lặng của Trump, Rex Tillerson hay Michael Flynn sẽ hóa giải nước cờ ném đá dò đường của Bình Nhưỡng, và cũng có thể là của cả Bắc Kinh.

Sự “bất ngờ hợp lý” thứ hai, theo cá nhân người viết là sự thay đổi chiến thuật của chủ nhân Nhà Trắng trong các vấn đề địa chính trị quốc tế, trước các đối thủ và đối tác khác nhau.

Ông Donald Trump sẵn sàng sử dụng “hỏa lực miệng” bất cứ lúc nào, nhưng cũng biết “im lặng đúng lúc”, với đúng đối thủ.

Những phản ứng của chính quyền mới tại Hoa Kỳ với các vụ việc có cùng tính chất như vụ thử nghiệm tên lửa của Iran và CHDNCD Triều Tiên cho thấy những ưu tiên khác nhau của Nhà Trắng trong chính sách đối ngoại.

Khi Donand Trump đã thừa nhận Trung Quốc đã, đang và sẽ “không làm hết trách nhiệm” trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng theo đuổi giấc mộng hạt nhân, hiệu quả từ các nghị quyết và lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc bị hạn chế, thì ông tìm một cách tiếp cận khác người tiền nhiệm là điều rất có thể xảy ra.

Vấn đề là nó sẽ xảy ra lúc nào và như thế nào, cần có thêm thời gian theo dõi.

Tuy nhiên theo cá nhân người viết, sự im lặng của Trump với động thái quân sự từ Bình Nhưỡng cho thấy, Trump không bất ngờ với trò chơi này của CHDCND Triều Tiên.

Đây không phải lần đầu tiên, cũng không phải vụ thử vũ khí chiến lược “lợi hại nhất” của Bình Nhưỡng. Nó có thể được các cơ quan tham mưu của Nhà Trắng dự đoán trước.

Trump lên tiếng lúc này, có thể làm “lộ bài” trước Trung Nam Hải vốn đang rất nóng lòng muốn biết chính sách của ông với châu Á – Thái Bình Dương.

Bộc lộ quan điểm muốn đàm phán với ông Kim Jong-un lúc này cũng có thể khiến 2 đồng minh Nhật – Hàn lo sợ, kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc có thể bị trì hoãn, trong khi không tạo được áp lực và thế thượng phong trên bàn thương lượng với Bình Nhưỡng.

RELATED ARTICLES

Tin mới