Khủng hoảng năng lượng khiến đà tăng lạm phát của Hungary đang ở mức nhanh nhất Liên minh châu Âu (EU), cộng với mối quan hệ từ lâu đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với khối này đã khiến Hungary trở nên gần gũi với Nga hơn bao giờ hết.
Loay hoay đối phó “bão lạm phát”
Lạm phát ở Hungary hiện được xếp hạng cao nhất trong các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Theo dữ liệu do Văn phòng Thống kê Trung ương Hungary vừa công bố, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 7 ở mức 17,6%.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá thực phẩm ở Hungary đã tăng 23,1%. Trong đó, một số sản phẩm tăng mạnh như sữa tăng 29,5%, cà phê tăng 28,8%, bánh mì tăng 26,7%… Giá các loại đồ uống có cồn và thuốc lá cũng tăng trung bình trên 15%.
Trong khi đó, mức tăng giá điện (26%), khí đốt và các nhiên liệu khác cũng được ghi nhận ở mức cao nhất trong 12 tháng qua.
Theo ông Peter Virovacz, nhà phân tích của ngân hàng ING, cuộc khủng hoảng năng lượng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lạm phát cao gần đây vì Hungary là nước nhập khẩu năng lượng, phụ thuộc rất lớn từ các nguồn nguyên liệu bên ngoài, đặc biệt là Nga.
Ngoài ra, cùng với diễn biến thời tiết khắc nghiệt, năng suất công nghiệp hạn chế, sự suy yếu của đồng nội tệ và hiệu ứng mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 đã khiến lạm phát Hungary ở mức cao nhất ở châu Âu.
Mặc dù lạm phát trong tháng qua vẫn còn ở mức hai con số, tuy nhiên giới chức Hungary cho biết các biện pháp của chính phủ đã đạt kết quả rõ rệt khi lạm phát đã giảm so với các tháng trước đó (19,9%).
Hungary lạc quan rằng nước này đang bước vào thời kỳ “giảm lạm phát” nhờ các biện pháp phù hợp của chính phủ như việc giám sát giá cả trực tuyến.
Mối quan hệ ngày càng rạn nứt với EU
Mối quan hệ giữa Hungary và EU đã “cơm không lành, canh không ngọt” từ lâu. Dù gia nhập EU từ năm 2004, cho tới nay quốc gia này vẫn chưa phát triển đến mức EU kỳ vọng. Năm 2021, nước này đóng góp 1,7 tỷ euro (1,86 tỷ USD) cho ngân sách EU, trong khi nhận lại 6 tỷ euro (6,5 tỷ USD) từ ngân sách này.
Dưới thời Thủ tướng Viktor Orban, Hungary lại càng bị EU chỉ trích vì xa rời các chuẩn mực dân chủ của khối với các cáo buộc về việc phá bỏ các thể chế dân chủ, kiểm soát các phương tiện truyền thông và vi phạm các quyền của thiểu số tôn giáo hoặc sắc tộc.
Thủ tướng Orban nhiều năm qua đã liên tục chống lại cái mà ông gọi là “sự áp đặt” từ Washington và Brussels đối với chính sách của Hungary.
Mới đây, căng thẳng tiếp tục gia tăng khi EU giữ lại khoản trợ cấp trị giá khoảng 30 tỷ USD cho Hungary do các quan chức ở Brussels phản đối chính sách chống nhập cư cứng rắn của Thủ tướng Orban và cáo buộc chính quyền của ông đàn áp quyền độc lập tư pháp, quyền tự do truyền thông.
Ông Orban cho tới nay đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng rời khỏi EU dù ông nhiều lần thể hiện quan điểm trái ngược với khối này. Các cuộc thăm dò được thực hiện kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 cũng đã liên tục ghi nhận sự ủng hộ cao của công chúng đối với việc ở lại khối.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát gần đây của Eurobarometer, tỷ lệ người dân Hungary có thiện cảm với liên minh đã sụt giảm, chỉ còn 39%.
Duy trì quan hệ hữu hảo với Nga
Hungary là một trong những đồng minh châu Âu cuối cùng của Nga. Năm 2022, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất loại bỏ dần các loại năng lượng từ Nga, nhằm đưa châu Âu thoát khỏi phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch của Moscow, Hungary đã lập tức tuyên bố không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với xuất khẩu năng lượng của Nga.
Khi EU tung ra loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào lĩnh vực năng lượng Nga, Hungary đã vận động mạnh mẽ ở EU để được miễn trừ khỏi bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với khí đốt, dầu mỏ hoặc nhiên liệu hạt nhân của Nga, đồng thời đe dọa sử dụng quyền phủ quyết.
Thủ tướng Orban cũng được đánh giá là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 quốc gia thành viên EU. Bất chấp sức ép từ phương Tây, ông Orban vẫn từ chối thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Orban đã vận động hành lang mạnh mẽ chống lại các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moscow, cho rằng chúng đã dẫn đến giá năng lượng tăng vọt đang gây tổn hại cho các nền kinh tế châu Âu nhiều hơn là Nga.
Theo Al Jazeera, Hungary phụ thuộc rất nhiều vào dầu và khí đốt của Nga. Đề xuất tẩy chay dầu Nga của EU chẳng khác nào “một quả bom nguyên tử ném xuống nền kinh tế, phá hủy nguồn cung cấp năng lượng ổn định” của Hungary. Đó là lý do Budapest khó chấp nhận các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga của EU.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Tamas Menzer cho hay trong tổng khối lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm ở Hungary, 85% là khí đốt của Nga. Lượng khí đốt này không thể được bổ sung trong tương lai gần. Tức là không có khí đốt của Nga, Hungary sẽ bị đóng băng, các căn hộ sẽ không có hệ thống sưởi, ngành công nghiệp sẽ ngừng hoạt động, việc làm sẽ bị mất.
Ông Menzer nhấn mạnh thêm rằng “khí đốt của Nga đảm bảo nguồn cung và an ninh năng lượng” cho Hungary nên hiện chưa thể thay thế.
Chính phủ Nga mới đây cũng đã phê duyệt khoản cho vay 10 tỷ euro (10,2 tỷ USD) để Hungary xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Paks, hay còn được gọi là dự án Paks-II.
Theo sắc lệnh, khoản cho vay nói trên không bị đánh thuế và sẽ được thanh toán mà không có “hoa hồng, hạn chế, khấu trừ, miễn trừ hoặc khấu trừ bồi thường”. Đây là một thỏa thuận gây tranh cãi tại EU, được cho là tạo ảnh hưởng của Moscow đối với nguồn cung cấp năng lượng của một quốc gia EU.
Hồi tháng 4, Hungary đã gia hạn thỏa thuận với Nga về nguồn cung khí đốt bổ sung và nhất trí về cơ chế thanh toán ưu đãi cho khối lượng nhiên liệu chính nhận được từ Tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga.
Theo đó, hai bên đã thống nhất rằng Hungary sẽ có thể được phép “trả chậm khoản tiền cao hơn giới hạn đã được xác định trong trường hợp giá khí đốt tăng đáng kể”.
Thỏa thuận được xem là rất quan trọng đối với những nỗ lực liên tiếp của Hungary trong việc nhập khẩu khí đốt và dầu từ Nga sau khi Thủ tướng Orban giành được quyền miễn trừ khỏi lệnh cấm của EU đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu thô.
Theo các nhà quan sát, quan điểm khác biệt của Hungary với đại đa số các nước EU đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc liệu đã đến lúc EU cần tìm ra giải pháp để tránh những cản trở có nguy cơ làm suy yếu sự thống nhất và các chính sách an ninh của khối hay chưa.
T.P