Năm 2012, cùng với diễn biến tình hình phức tạp trên Biển Đông, tại Việt Nam đã có một số hội thảo trong nước và quốc tế, các cuộc hội thảo này đã mang lại nhiều ý nghĩa cả về phương diện yếu tố pháp lý và lịch sử.
Thêm một lần nữa vấn đề chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông được các học giả khẳng định là tất yếu.
1- Hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” (từ ngày 19 – 21/11/2012, tại Tp. Hồ Chí Minh) do Học viện Ngoại giao phối hợp Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Tham dự hội thảo có trên 200 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có 102 đại biểu quốc tế đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ, Trung Quốc, Úc, EU, Đài Loan, ASEAN…), đại diện các cơ quan ngoại giao của các nước Úc, Mỹ, Đức, Canada, Anh, Nga, Inđônexia, Malaysia… tại Việt Nam. Hội thảo gồm 09 phiên, mỗi phiên có 3-5 tham luận và một số tranh luận giữa các học giả; tổng cộng có 37 tham luận và 107 ý kiến của các học giả tại Hội thảo.
Phiên 1: Chủ đề “Biển Đông trong sự dịch chuyển: Địa chính trị”, các ý kiến tham luận tập trung đánh giá tầm quan trọng, giá trị chiến lược của khu vực Biển Đông, nhất là về giao thông hàng hải; đề nghị các bên tranh chấp cần nhận thức phù hợp lợi ích quốc gia của mình với các nước liên quan, tránh tính toán sai lầm chiến lược; kêu gọi chính sách thiện chí hơn, tuân thủ luật pháp quốc tế, nâng cao nhận thức dư luận; tránh quân sự hóa các tranh chấp, hạn chế không để chạy đua vũ trang ở Biển Đông, cần minh bạch hơn việc hiện đại hóa quân sự; khuyến khích “liên minh đa phương” giữa các nước trong và ngoài khu vực (đề xuất của đại biểu Mỹ, Philippines)…
Phiên 2: Chủ đề “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông”, đa số các tham luận đánh giá Biển Đông đang trở thành tâm điểm đáng chú ý của các nước trong và ngoài khu vực, Mỹ đang “chuyển trục” từ Châu Âu sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc thực thi yêu sách đòi chủ quyền phi lý theo “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò); tình hình Biển Đông phức tạp do TQ thực hiện chính sách cứng rắn, xác định vấn đề Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, tiến hành nhiều hoạt động quân sự, dân sự kiểm soát Biển Đông gây bất ổn định khu vực.
Đại biểu Trung Quốc cho rằng “đây không phải là diễn đàn để nói xấu Trung Quốc”, tiếp tục đổ lỗi tình hình phức tạp ở Biển Đông là do Mỹ, VN và Philipines gây ra buộc Trung Quốc phải hành động. Giải thích rằng trong chiến lược của các nước có những tính toán sai lầm và Trung Quốc cũng vậy. Trung Quốc có nhiều vấn đề quan tâm trong phát triển các vùng miền, nội địa và ven biển, trong đó Trung Quốc xác định vấn đề Biển Đông là một trong nhiều vấn đề thuộc nhóm “lợi ích quốc gia” cần phải giải quyết; bước đi của Trung Quốc coi trọng quan hệ song phương với các nước liên quan; hiện nay cách nhìn nhận về vấn đề tự do hàng hải giữa Mỹ và Trung Quốc đang có sự khác nhau, Mỹ đang lấy cớ để can dự vào Biển Đông… Đại biểu Đài Loan đánh giá tình hình Biển Đông phức tạp, từ tháng 6/2012 phía Trung Quốc đã tiến hành một loạt hoạt động như cho lập “TP Tam Sa”, tổ chức mở thầu 09 lô dầu khí…
Phiên 3: Chủ đề “Chính trị nội bộ và những chính sách đối ngoại ở Biển Đông” các đại biểu tập trung nêu và thảo luận về vai trò của các nhóm lợi ích quốc gia, cơ chế hoạch định và thực thi chính sách. Cho rằng đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, hiện nay các quốc gia liên quan Biển Đông đang hoạt động không đồng nhất, trong đó chính sách từ phía Trung Quốc và các nước liên quan làm cho tình hình Biển Đông phức tạp, có những thời điểm Chính phủ các nước không kiểm soát được tình hình Biển Đông.
Phiên 4: Chủ đề “Quân sự hóa và những hệ lụy”, đa số các ý kiến đánh giá sự phát triển quân đội của Trung Quốc hiện nay là “bất bình thường”, không minh bạch, nhất là đầu tư cho lực lượng hải quân; trong bối cảnh các nước liên quan đều gia tăng hiện đại hóa quân sự, làm cho tình hình Biển Đông phức tạp hơn. Việc các quốc gia liên quan tranh chấp trực tiếp tại Biển Đông tăng cường hiện đại hóa quân sự, đã tác động xấu đến việc giải quyết tranh chấp và hạn chế sự phát triển kinh tế ở mỗi nước.
Phiên 5: Chủ đề “Lợi ích và chính sách của các bên ngoài khu vực Biển Đông”, đại biểu các nước Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, đánh giá vấn đề Biển Đông là một trong những nội dung quan trọng của căng thẳng Trung – Mỹ; vấn đề Biển Đông ngoài tranh chấp chủ quyền, còn liên quan đến lợi ích của nhiều nước như vấn đề tự do hàng hải, khai thác tài nguyên… EU, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan ủng hộ giải pháp đa phương; Ấn độ có thể đóng vai trò trung gian giải quyết tranh chấp; EU sẽ không đứng ngoài mà sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông; Hàn Quốc có vai trò cường quốc “tầm trung” trong giải quyết xung đột khu vực; Nga có vai trò lịch sử quan trọng trong giữ gìn ổn định và hòa bình khu vực Biển Đông, hiện Nga đã thành một cường quốc, đóng vai trò tích cực trong giải quyết tranh chấp khu vực nên mong muốn cùng Việt Nam, Trung Quốc xây dựng và phát triển đối tác chiến lược toàn diện giải quyết xung đột.
Phiên 6: Chủ đề “Biển Đông trong quan hệ Mỹ – ASEAN – Trung Quốc” các tham luận tập trung đánh giá những diễn biến quan hệ gần đây, tác động hòa bình, an ninh khu vực và cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan, Mỹ và Trung Quốc đều tính toán chiến lược đối với khu vực Biển Đông, trong khi Mỹ lợi dụng vấn đề an toàn hàng hải để thực hiện chiến lược “quay trục” về Châu Á, Trung Quốc muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực; các nước ASEAN đang là mục tiêu tranh thủ của cả Mỹ và Trung Quốc. Trong khi nội bộ ASEAN đang có sự mâu thuẫn, bất đồng chủ yếu do Trung Quốc tác động, nhất là đối với Campuchia.
Đại biểu Trung Quốc cho rằng Chính phủ Trung Quốc cam kết ủng hộ ASEAN trong xây dựng và ký kết COC với Trung Quốc, nhưng hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp; cho rằng Bộ quy tắc COC không phải là hệ thống thể chế, mà chỉ là khuôn khổ để thương lượng các vấn đề trong tương lai; lên án Mỹ can dự Biển Đông; các nước trong khu vực đang có sự điều chỉnh chiến lược, coi trọng phối hợp quản lý tranh chấp, kiềm chế hành vi và tin tưởng tình hình sẽ được kiểm soát, cùng hợp tác.
Phiên 7: Chủ đề “Khía cạnh pháp lý của vấn đề Biển Đông” tập trung phân tích các điều khoản quy định trong Công ước Luật Biển liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982) và yêu sách lịch sử của các bên; chế độ pháp lý của Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), “các hình thái địa chất” ở Biển Đông. Đa số cho rằng yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đưa ra không có cơ sở pháp lý và gây quan ngại cho các quốc gia liên quan; Đề nghị Trung Quốc cần giải thích rõ và nên từ bỏ yêu sách này nhằm đảm bảo việc tuân thủ thực thi UNCLOS 1982, đồng thời thể hiện Trung Quốc là nước lớn cần có trách nhiệm trong khu vực.
Phiên 8: Chủ đề “Hợp tác Biển Đông: Nhìn từ quá khứ và hướng tới tương lai” các đại biểu tập trung đánh giá về hợp tác song phương và đa phương; hợp tác an ninh biển phi truyền thống; phát triển chung; kinh nghiệm quốc tế. Đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN để giải quyết tranh chấp; trong bối cảnh tranh chấp ngày càng phức tạp, khuyến khích các bên nâng cao nhận thức hợp tác, quan tâm lợi ích các nước bên ngoài, lợi ích thủy sản, hải sản để cùng duy trì môi trường hợp tác ở Biển Đông.
Phiên 9: Chủ đề “Giải quyết tranh chấp, quản lý xung đột và các phương thức hướng tới giải pháp”, các tham luận đều cho rằng việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực sẽ không thể giải quyết được tranh chấp, cần thúc đẩy đàm phán hòa bình, vai trò ASEAN là nhân tố quan trọng thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Các bên liên quan cần tuân thủ thực thi Tuyên bố DOC; khẩn trương xây dựng, ký kết Bộ Quy tắc COC, tăng cường xây dựng lòng tin giữa các bên.
2- Hội thảo quốc tế Việt Nam Học lần 4 với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững” (từ ngày 26 – 28/11/2012, tại Hà Nội) do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức. Tham dự có trên 1.100 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có gần 250 đại biểu quốc tế đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nga, ASEAN…); đã có khoảng 800 tham luận (trong đó có 600 tham luận của các học giả trong nước và 200 tham luận của các học giả quốc tế). Hội thảo tập trung thảo luận các lĩnh vực liên quan đến hội nhập và phát triển bền vững trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực… Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho các nhà Việt Nam Học trên toàn thế giới trình bày những kết quả nghiên cứu của mình và giao lưu, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức khoa học từ việc tập hợp các ý tưởng hội nhập và phát triển bền vững Việt Nam trong giai đoạn mới. Thông qua Hội thảo, các học giả trong và ngoài nước đề xuất các ý kiến về quan điểm và chính sách phát triển và hội nhập Việt Nam theo tinh thần “Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững”…
Giáo sư Phan Huy Lê (Việt Nam) và Giáo sư Motoo Furuta (Nhật Bản). Ảnh: Vnexpress.net.
Vấn đề Biển Đông được đề cập tại hai tiểu ban (tiểu ban 13 và tiểu ban 14 trong số 15 tiểu ban) của Hội thảo: Các học giả đề cập vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tuyên bố về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Khẳng định việc thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã được các vua triều Nguyễn thực hiện từ nửa đầu thế kỷ 19 (đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ biển đảo, cắm bia chủ quyền, lập miếu thờ, trồng cây…). Theo góc độ Luật Quốc tế, khẳng định Việt Nam đủ căn cứ pháp lý về khoa học, lịch sử chứng minh chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đủ căn cứ bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Giáo sư Franckx (Đại học Vrije Brussels, Bỉ) cho rằng các thuật ngữ “vùng nước liền kề”, “vùng nước liên quan” trong công hàm của Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp quốc năm 2009 có kèm bản đồ “đường lưỡi bò” là không phổ biến và không được sử dụng trong Luật biển của Liên Hợp quốc. Do đó có thể thấy quan điểm của Trung Quốc liên quan đến bản chất của yêu sách đối với vùng nước ở Biển Đông là rất mơ hồ.
Về quan hệ của các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông, Giáo sư Vladimir Kotolov (Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học Saintpeterburg, Nga) cho rằng, xung đột trên Biển Đông tạo điều kiện để Trung Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc chơi địa chính trị và “Việt Nam tồn tại giữa búa và đe”. Trong đó, Mỹ tăng cường quan hệ với Việt Nam nhằm ngăn chặn sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực. Phó Giáo sư Trần Khánh (Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện KHXH Việt Nam) cho rằng, vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông là rất quan trọng, tuy nhiên các nước trong khối đang đối mặt với nguy cơ mất đoàn kết, thống nhất (thể hiện qua AMM-45, vụ bãi cạn Scabrough…).
Trong bối cảnh Mỹ buộc phải “vây chặt” Trung Quốc và việc Trung Quốc cố gắng muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này sẽ dẫn đến “chiến tranh lạnh”, đối đầu giữa hai thế lực liên minh quân sự, tuy nhiên sẽ không nguy hiểm như giai đoạn trước. Việt Nam – Trung Quốc đàm phán thành công phân định Vịnh Bắc bộ đã xóa được 2 đoạn trong “đường lưỡi bò” (từ 11 đoạn xuống còn 9 đoạn như hiện nay), sẽ gợi mở cho Việt Nam trong việc đàm phán giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Về việc Trung Quốc in bản đồ “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu, bên lề Hội thảo, nhiều học giả đánh giá là hành động “sai lầm và thiếu hiểu biết” của Trung Quốc. TS Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason, Mỹ) cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc là bằng mọi cách để buộc các bên liên quan liên tục trong tình trạng phải đối phó và áp dụng cách thức đặt nguyên tắc trước, giải quyết sau. Hộ chiếu in bản đồ “đường lưỡi bò” là vô giá trị, nhưng nếu các quốc gia khác không phản đối, Trung Quốc hoàn toàn có thể nói bản đồ này đã được chấp nhận. Giáo sư Carl Thayer (chuyên gia Đông Nam Á, ĐH New South Wales – Australia) cho rằng, hành động phát hành hộ chiếu có in bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là một sự khiêu khích, việc làm này có thể khiến Trung Quốc bị cô lập, Trung Quốc nên rút lại mẫu hộ chiếu mới bởi vì hộ chiếu là một vật trung lập, dùng để khích lệ các mối quan hệ kinh tế, con người nhưng Trung Quốc lại dùng nó để đưa ra một tuyên bố chính trị. Giáo sư Cốc Nguyên Dương (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) thừa nhận việc in bản đồ “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu mới ảnh hưởng tới việc đi lại của công dân Trung Quốc.
3- Hội thảo khoa học quốc gia về Biển Đông với chủ đề: “Hợp tác Biển Đông – Lịch sử và triển vọng” (từ ngày 12 – 13/12/2012, tại Đà Nẵng) do trường Học viện Chính trị – Hành chính khu vực III chủ trì phối hợp với trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức. Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Biển Đông đến từ các trường đại học trên cả nước, đại diện cơ quan chính quyền huyện đảo Hoàng Sa. Hội thảo có 55 tham luận được trình bày tại hai tiểu ban:
Tiểu ban 1 với chủ đề: “Biển Đông – Những vấn đề lịch sử”. Các tham luận trong tiểu ban tập trung làm rõ quá trình xác lập, thực thi chủ quyền và khai thác nguồn lợi biển qua các triều đại phong kiến Việt Nam; giới thiệu một số tư liệu và bản đồ cổ phương Tây liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tầm nhìn hướng biển của nhà nước phong kiến Việt Nam và các hoạt động phòng thủ biển, hoạt động của các hải đội Hoàng Sa trong lịch sử.
Tiểu ban 2 với chủ đề: “Hợp tác Biển Đông – Thực trạng và triển vọng”. Các tham luận đánh giá cao vị trí chiến lược của Biển Đông đối với Việt Nam và các nước trên thế giới; bản chất sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông; vai trò và triển vọng của các nước như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông; quá trình quản lý và khai thác Biển Đông của Nhà nước Việt Nam hiện đại; vấn đề “học thuật hóa” Biển Đông của Việt Nam; việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông.
Tại hội thảo, các học giả đánh giá bản chất tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc là vấn đề xác lập quyền lực và mục đích bành trướng bá quyền. Việc hợp thức hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với chính quyền huyện đảo Hoàng Sa được thảo luận và đưa ra 02 phương án: (1) Sáp nhập huyện đảo Hoàng Sa vào một địa phương đất liền của Đà Nẵng (như trong thời Pháp thuộc, Hoàng Sa thuộc xã An Hòa, nay là phường Bắc Mỹ An, Đà Nẵng) để có cơ sở pháp lý về cư dân, chính quyền, vấn đề hỗ trợ ngư dân…; (2) Sáp nhập huyện đảo Hoàng Sa vào huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi để tiếp nối truyền thống lịch sử dân tộc trong việc khẳng định và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
4- Kết luận, các hội thảo khoa học quốc tế và trong nước về Biển Đông là hoạt động rất thành công của Việt Nam, đa số các phát biểu đánh giá tình hình tranh chấp Biển Đông phức tạp do hoạt động thực thi yêu sách đòi chủ quyền theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông còn phức tạp và lâu dài, các bên cần kiềm chế tình hình, giải quyết xung đột trên cơ sở đàm phán hòa bình, tuân thủ luật pháp Quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982, tôn trọng thực thi Tuyên bố DOC; khẳng định vai trò của ASEAN là rất quan trọng, sớm xây dựng, thông qua Bộ Quy tắc COC nhằm tạo cơ chế pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp… Ngoại trừ Trung Quốc và số ít học giả đề xuất giải quyết tranh chấp “song phương” giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, đa số các học giả cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết đa phương có sự tham gia của nhiều bên liên quan, kể cả những nước trực tiếp tham gia tranh chấp, những nước trong khu vực và các nước có lợi ích liên quan…
Tại Hội thảo, các học giả Trung Quốc chủ yếu xoa dịu dư luận, đổ lỗi phức tạp ở Biển Đông là do các nước liên quan đơn phương hành động, chỉ trích Mỹ can dự vấn đề Biển Đông, tuyên truyền vận động “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Đáng chú ý quan điểm học giả Trung Quốc và Đài Loan không thống nhất trong vấn đề “đường 9 đoạn”, phía Trung Quốc tránh nêu và bình luận về vấn đề này, trong khi Đài Loan giải thích “Đài Loan không có đường 09 đoạn mà là 11 đoạn” và đòi được tham gia là một bên tranh chấp, Đài Loan không phản đối quốc tế hóa Biển Đông, cho rằng Mỹ có vai trò dẫn dắt các nước trong khu vực để tìm kiếm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp… Hội thảo Biển Đông năm 2012 mở hướng khoa học tích cực cho các hội thảo những năm tiếp theo.