Vượt cả Nhật Bản, Trung Quốc hiện đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay.
Tăng tốc đầu tư
Ít ngày trước, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Greenwich Management Limited (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology – Trung Quốc) để triển khai xây dựng Nhà máy Innovation Precision tại VSIP Nghệ An.
Với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Innovation Precision Việt Nam dự kiến nhanh chóng xây dựng nhà máy chuyên sản xuất hợp kim nhôm cho ngành sản xuất điện tử tiêu dùng, năng lượng xanh… để có thể đưa vào hoạt động từ tháng 10/2024. Theo ông Thôi Quốc Xương, Trợ lý đặc biệt Chủ tịch Tập đoàn Shandong, đây là dự án đầu tiên mà Shandong đầu tư ngoài Trung Quốc.
Trước đó, nhân chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn
Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy. Cũng vẫn là Nghệ An được các nhà đầu tư Trung Quốc lựa chọn làm địa điểm dừng chân.
Với tổng vốn đầu tư 293 triệu USD, Runergy sự kiến sản xuất các loại linh kiện điện tử, bán dẫn, như thanh silic, tấm đĩa bán dẫn… tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I. Theo kế hoạch, Dự án sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2025.
Trong khi đó, thông tin cho biết, sau 3 năm gia nhập thị trường Việt Nam, nhà sản xuất xe máy điện của Trung Quốc là Yadea vừa ghi nhận dấu mốc quan trọng: xuất xưởng chiếc xe thứ 100.000 tại nhà máy ở Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Cùng với đó, kế hoạch mở rộng sản xuất, khởi công xây dựng nhà máy mới với quy mô 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Hưng vào cuối năm nay cũng được Yadea công bố. Yadea thậm chí còn có kế hoạch mở một trung tâm R&D ở Bắc Giang.
Đây là ba trong số hàng trăm dự án đã được nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam thời gian gần đây, đánh dấu sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ, nhất là kể từ sau khi nền kinh tế này chính thức mở cửa trở lại sau một thời gian dài áp dụng biện pháp Zero-Covid.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 2,33 tỷ USD. Vượt cả Nhật Bản, Trung Quốc đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam. Thậm chí, nếu xét về số lượng dự án mới, thì Trung Quốc xếp hạng nhất, với 325 dự án.
Thực tế, kể từ sau căng thẳng Mỹ – Trung nổ ra, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Bất chấp Covid-19, Trung Quốc vẫn đăng ký đầu tư không ít vào Việt Nam và luôn đứng ở vị trí thứ 3, thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Năm 2020, vốn đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỷ USD, năm 2021 là 2,92 tỷ USD, năm 2022 là 2,5 tỷ USD và nay, sau 7 tháng, con số đã xấp xỉ mức đạt được của cả năm của những năm trước đó.
Tính lũy kế, Trung Quốc vẫn đứng hàng thứ 6, với trên 25,5 tỷ USD. Tuy vậy, thứ hạng này đã được cải thiện đáng kể, sau khi vốn đầu tư từ Trung Quốc gia tăng mạnh những năm gần đây.
Hứa hẹn những dự án lớn
Không chỉ dừng lại ở đó, chắc chắn, sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư lớn nữa từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Trong chuyến công du Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo hàng loạt tập đoàn lớn của Trung Quốc, như Texhong, Runergy, Energy China, TCL…
Một điểm chung là, lãnh đạo các tập đoàn đều đánh giá cao và tin tưởng vào sự phát triển năng động của Việt Nam; đồng thời cho biết, đang sản xuất – kinh doanh hiệu quả và mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trên một số lĩnh vực, như năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, bến cảng thủy nội địa, sản xuất ô tô, nghiên cứu – phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam…
Đánh giá cao điều này, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các dự án hạ tầng chiến lược, như đường sắt, đường bộ cao tốc…
Các thông tin gần đây cho thấy, mối quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc với thị trường Việt Nam là có thật. Hai nhà sản xuất pin và hệ thống lưu trữ năng lượng hàng đầu của Trung Quốc đã lên kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng mới và mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Trong đó, Xiamen Hithium Energy Storage Technology có thể đầu tư một nhà máy 900 triệu USD tại Hải Dương, còn Growatt New Energy mở rộng nhà máy ở Hải Phòng, với quy mô khoảng 300 triệu USD.
Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương vừa tới gặp quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy để chia sẻ kế hoạch tìm kiếm cơ hội đầu tư ở tỉnh này.
Thông tin trên Tờ South China Morning Post gần đây cho biết, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam và điều này xuất phát từ việc nhiều khách hàng Mỹ thúc giục họ phải chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng hậu Covid-19 đang mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Tuy vậy, khi dòng đầu tư từ Trung Quốc đổ nhiều vào Việt Nam, bắt đầu có những lo lắng. Chuyện này đã được nhắc đến từ năm 2019, liên quan đến mối lo doanh nghiệp Trung Quốc chọn đầu tư vào Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ hàng hóa. Chưa kể, còn là các quan ngại liên quan đến công nghệ lạc hậu hay ô nhiễm môi trường…
“Các nhà đầu tư Trung Quốc có xu hướng thiết lập cơ sở mới ngoài Trung Quốc để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và tận dụng các lợi thế về cam kết thương mại của nước chủ nhà”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Điều này rõ ràng mang tới nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhưng nỗi lo về việc lẩn tránh xuất xứ hàng hóa không phải là không có. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các mặt hàng gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam. 37 công ty thuộc diện này, sau khi phía Mỹ phát hiện một số sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc hoặc nước thứ ba và được lắp ráp tại Việt Nam.
“Chúng tôi mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hiệu quả, bền vững và ưu tiên chất lượng, công nghệ và bảo vệ môi trường”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói như vậy khi tham dự Diễn đàn Hợp tác đầu tư – thương mại Việt – Trung.
Đấy chính là thông điệp quan trọng trong kêu gọi, lựa chọn đầu tư từ Trung Quốc nói riêng và từ đầu tư nước ngoài nói chung.
T.P