Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ "khóa van" sông Mekong bằng đập ở thượng nguồn

TQ “khóa van” sông Mekong bằng đập ở thượng nguồn

Mùa hè năm 2019, sông Mê Kông đã ghi nhận mức khô hạn kỷ lục trong vòng 100 năm. Một nghiên cứu công bố gần đây cho thấy, lý do không phải do biến đổi khí hậu.

Sông Mekong đoạn chảy qua lãnh thổ Thái Lan. Sông chết, kéo theo hệ sinh thái dòng sông chết.

Tháng giêng năm nay, khi hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á – Hồ Tonle Sap – rút nước ra sông Mê Kông, những người dân trong vùng cho biết, sản lượng thủy sản mà họ đánh được chỉ bằng khoảng 10% đến 20% so với mọi năm. “Không có cá, rất rất ít. Tôi chưa thấy năm nào như thế này”, ngư dân 75 tuổi Pang Ping nói với Science News.

Thường được mọi người Việt Nam biết đến với tên gọi Biển Hồ, Hồ Tonle Sap nằm chắn giữa Siem Reap và Phnom Penh. Mỗi năm đổi dòng 2 lần, hồ là nguồn sống chủ yếu cho khoảng 3 triệu dân trong vùng. Những người này không chỉ phụ thuộc vào ngành ngư nghiệp trị giá khoảng 2 tỷ đô la Mỹ, mà còn dựa vào nước trong hồ dâng cao để ngập các cánh đồng lúa.

Năm 2019, Hồ Tonle Sap đã phải chờ đến tận tháng 8 mới nhận được nước chảy ngược dòng, thay vì tháng 6. Thời gian giữ nước cũng chỉ kéo dài 6 tuần, thay vì 5 đến 6 tháng như thường lệ. Kết quả là một vùng hồ nông nước ấm, thiếu oxy và chất dinh dưỡng sống đã phá hủy sự sinh tồn của cá trong vùng.

Hồ Tonle Sap không phải là nơi duy nhất bị ảnh hưởng do những biến đổi dị thường của sông Mê Kông. Được biết đến như Người Mẹ Nước, tại Lào và Thái Lan, sông Mê Kông chảy từ cao nguyên Tây Tạng do phía Trung Quốc kiểm soát, chảy vào Biển Đông qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Mỗi năm, những người nông dân ở lưu vực sông Mê Kông – vựa gạo lớn nhất của châu Á – sản xuất lượng gạo đủ để nuôi sống 300 triệu người. Lưu vực này cũng tự hào là nơi có nghề đánh cá nước ngọt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 20% đến 25% sản lượng đánh bắt trên toàn cầu.

Việt Nam cũng đã phải đối mặt với tình trạng hạn và xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên hơn và kéo dài trên vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Chưa có một nghiên cứu nào có thể đánh giá được đầy đủ về dòng chảy của sông Mê Kông cho tới tận gần đây. Các nhà nghiên cứu quốc tế đã không thể tiếp cận được với các nguồn dữ liệu đáng tin cậy về dòng chảy ở vùng thượng nguồn sông Mê Kông – nhánh sông mà Trung Quốc được gọi là Sông Lan Thương.

Điều đó đã thay đổi vào tháng 4 vừa qua. Trung Quốc vẫn liệt các dữ liệu về quản lý nước thuộc vào bí mật quốc gia.

Nghiên cứu của công ty Eyes on Earth dựa trên việc phân tích hình ảnh vệ tinh từ năm 1992 đến năm 2019 và dữ liệu mực nước hàng ngày tại trạm Chiang Sen của Thái Lan, trạm đo cao nhất trên sông Mê Kông bên ngoài Trung Quốc. Nghiên cứu đã áp dụng các thuật toán để biến các quan trắc vi sóng thành chỉ số độ ẩm trong đất. Bằng cách này, các nhà nghiên cứu có thể đánh giá được dòng chảy tự nhiên tại thượng nguồn sông Mê Kông.

Ông Alan Basist, giám đốc công ty Eyes on Earth, cho biết: “Dữ liệu vệ tinh thực sự cho chúng ta thấy đầu nguồn sông Mê Kông, cao nguyên Thanh Tạng, có nguồn nước dồi dào. Nhưng các quốc gia hạ nguồn Mê Kông như Campuchia, Thái Lan, v.v… đều đối mặt với áp lực thiếu nước rất lớn”.

Vào năm 2019, hạ lưu sông Mê Kông đã ghi nhận khô hạn kỷ lục, với mực mức thấp nhất trong 100 năm. Những lòng sông trơ đáy khô cằn vẫn còn ám ảnh những người quan tâm đến dòng sông này.

Trung tâm Stimson đã minh họa lại các dữ liệu của nghiên cứu bằng biểu đồ để chỉ ra rằng trong suốt 6 tháng từ tháng 4 -11/ 2019, các đập ở thượng lưu đã giữ lại một lượng nước kỷ lục, nhiều hơn bất cứ năm nào trước đó. Trong hình, đường màu vàng chỉ mực nước thực tế. Đường màu xanh chỉ mực nước được kỳ vọng. Các phần tô màu đậm để chỉ lượng nước đã bị giữ lại bởi các con đập phía bên trong biên giới Trung Quốc.

Tháng 8/2019, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Bangkok, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói với các quốc gia láng giềng rằng: “Mặc dù Trung Quốc cũng gặp phải khó khăn do hạn hán, họ đã thể hiện sự hợp tác bằng cách xả nước để giúp người dân các nước khác ở hạ lưu sông Mê Kông”. Dữ liệu của Eyes on Earth cho thấy thượng lưu sông Mê Kông trên lãnh thổ Trung Quốc đã đón nhận lượng mưa và băng tan cao hơn bình thường suốt từ tháng 3 năm ngoái.

Brian Eyler, đồng tác giả cuốn “Những ngày cuối cùng của sông Mê Kông vĩ đại”, đã bình luận trong bài viết đăng trên FP rằng: “Nếu không phải các con đập của Trung Quốc đã thay đổi dòng chảy từ thượng lưu xuống hạ lưu sẽ có đủ nước ở dòng chính ở cùng mức hay cao hơn mức thông thường trên toàn vùng biên giới Thái Lan và Lào”.

Trung Quốc bắt đầu xây dựng con đập đầu tiên trên sông Mê Kông vào những năm 1990. Tại Trung Quốc, sông Mekong chạy qua các thung lũng chật hẹp, do đó ngoài phát triển thủy điện thì không có giá trị thủy lợi nào khác. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ này, khi nhiều nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất thân là các kỹ sư, thì việc đẩy nhanh kế hoạch xây dựng đập nước mới bắt đầu.

Hiện nay, dọc con sông ở miền Tây Nam Trung Quốc này đã có 11 đập nước chính. Đáng kể nhất là đập Loạn Chất Độ hoàn thành năm 2012, có sức chứa 27 tỷ mét khối nước. Trước đó, năm 2009, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động đập Tiểu Loan, có sức chứa 15 tỷ mét khối nước. Tính tổng cộng 11 đập nước này trên sông Lan Thương có sức chứa hơn 47 tỷ m3 nước, còn số này bằng 5 lần sức chứa của Hồ Thủy điện Hòa Bình.

Tài liệu mà ông Ellen Ba Basic và cộng sự công bố cho thấy: cho đến tận năm 2012, lưu lượng tự nhiên ở thượng nguồn sông Mê Kông về cơ bản phù hợp với mực nước ở trạm Chiang Sên ở Thái Lan. Mặc dù có việc giữ và xả nước, nhưng mức chênh lệch là không đáng kể. Mức chênh lệch chỉ thay đổi thực sự kể từ khi đập Loạn Chất Độ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2012. Là đập lớn nhất trong các đập ở thượng lưu, đập Loạn Chất Độ có sức chứa 27 tỷ m3 nước, bằng gần 3 lần Hồ Thủy điện Hòa Bình.

Đặc biệt trong mùa mưa năm ngoái, hai khu vực thượng nguồn và hạ nguồn Mê Kông đã có hai số phận khác nhau. Mức nước ở thượng nguồn Mê Công cao hơn rất nhiều so với mực nước bình quân, trong khi các quốc gia hạ nguồn phải chịu ảnh hưởng hạn hán nặng nề. Một bộ phận sông ngòi hoàn toàn khô kiệt, lần đầu tiên trong các ghi chép hiện đại có được tại trạm Chia Ansen. Nguồn nước lên hàng năm đã không về.

Nghiên cứu của Eyes On Earth còn chỉ ra rằng: nhiều lần việc giữ nhiều nước trong mùa mưa năm trước thường đi kèm với việc xả nhiều nước trong mùa khô năm sau. Việc này đã diễn ra vào năm 2002, 2012 và 2014. Các cộng đồng ở tỉnh Chiang Rai của Thái Lan từ lâu đã lên tiếng thể hiện về việc nước sông dâng cao bất thường. Đôi lúc, mực nước tăng lên vài mét chỉ trong một đêm, ngập các ruộng cạnh sông, quấn đi gia súc và nông cụ, gây thiệt hại hàng triệu đô la cho các cộng đồng địa phương.

Quần thể sinh thái ở hạ lưu cũng bị ảnh hưởng. Sau mỗi lần lũ đến, chu kỳ sống của các loài cá và chim di trú phụ thuộc nhiều vào chu kỳ tự nhiên của nước lên. Khi Trung Quốc xuất hiện hạn hán có tính mùa vụ, năm nước hạ nguồn Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam đều sẽ bị ảnh hưởng. Khi lượng nước ở khu vực lãnh thổ Trung Quốc quá dư thừa, lưu vực sông Mê Kông cũng theo đó mà xảy ra lũ lụt.

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu xây các đập đầu tiên, giới quan sát đã nghi ngại về việc Bắc Kinh sẽ sử dụng quyền mở và đóng van ở thượng nguồn sông Mê Kông để làm mặc cả chính trị với các nước ở hạ nguồn. Giảng viên kiêm chuyên gia sông Mê Kông của Đại học Mahasarakham ở miền Đông Thái Lan, ông Chainarong Sretthachau, cho biết: “Mỗi lần Trung Quốc xả nước từ đập trữ nước đều có ý đồ chính trị. Họ xây dựng đập nước thì nói là vì giúp đỡ chúng ta, nhưng trên thực tế là gây phiền phức cho các quốc gia hạ nguồn. Sau đó, họ yêu cầu chúng ta phải cảm kích họ”.

Mặc dù Trung Quốc bắt đầu phát triển thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông, nhưng nước này lại từ chối tham gia vào một Ủy ban quản lý sông Mê Kông do Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Lào cùng thành lập. Trong một bản báo cáo điều tra do Ủy ban này công bố, các nhà khoa học cảnh báo: Nhiều đập nước ở thượng nguồn Mê Kông có thể chặn 97% lượng phù sa chảy vào các cửa sông ở Việt Nam.

Con sông này sẽ chết, ông Liquat Roi, nhà đồng sáng lập tổ chức bảo tồn Chiang Khong Thái Lan tuyên bố. Ngược lại, Bắc Kinh lại sáng lập cơ chế hợp tác Lan Thương Mê Kông của chính họ và cung cấp tiền để xây một tòa nhà sang trọng ở Campuchia cho tổ chức này. Nhà phê bình lên án, thỏa thuận mà Trung Quốc tài trợ này không phải là để bảo vệ nguồn nước, mà là sự ngụy biện cho các hành động sai trái ở sông Mê Kông của Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới