Khối ASEAN là cộng đồng các quốc gia ven biển. Trong số 9 thành viên tiếp giáp biển, 8 nước của khối tiếp giáp Biển Đông. Các vấn đề liên quan đến biển, nhất là vấn đề Biển Đông, vì thế luôn là một trong các mối quan tâm hàng đầu của khối.
Trong năm 2012 vừa qua, Biển Đông nóng lên đặc biệt do các hành động lấn lướt của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó khối đã ứng xử thế nào? Có đạt được kết quả gì mới không? Bài viết sau đây thử lý giải các câu hỏi đó.
Một số thành viên ASEAN bị Trung Quốc khủng bố mạnh hơn
Đã từ lâu Trung Quốc thi hành chính sách xé lẻ khối ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Trước hết họ nhắm vào Việt Nam vì khuất phục được Việt Nam thì Philipines, sau đó là Malaysia, Indonesia và cuối cùng Brunei sẽ đầu hàng Trung Quốc. Lúc đó, dù muốn hay không, các nước ASEAN này buộc phải xẻ một phần vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình cho Trung Quốc.
Để đạt được điều đó, trong những năm trước, Trung Quốc đã bất chấp các quy định của Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển triển khai các hành động vi phạm chủ quyển biển, đảo của Việt Nam và Philipines. Năm 2009 họ chính thức đưa ra Liên hợp quốc yêu sách đường 9 đoạn phi lý. Năm 2011 cho tàu hải giám cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 trong phạm vi thềm lục địa Việt Nam.
Ảnh minh họa: Internet.
Vào năm 2012, trong khi cả thế giới long trọng kỷ niệm lần thứ 30 ngày ra đời của Công ước Luật biển quốc tế 1982 và khối ASEAN kỷ niệm 10 năm ngày ký Tuyên bố giữa khối này và Trung Quốc về cách ứng xử ở Biển Đông (thường được gọi là DOC năm 2002) thì Trung Quốc đẩy mạnh các hành động khủng bố một cách quyết liệt hơn đối với Việt Nam và Philipines. Trong tháng 2-3/2012, Trung Quốc điên cuồng cho binh lính cướp bóc tài sản, ngư cụ tàu bè của ngư dân Việt Nam đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa. Thậm chí lãnh đạo Trung Quốc cho phép các lực lượng chức năng tống tiền trắng trợn: gia đình ngư dân Việt Nam nộp tiền thì Trung Quốc thả tàu và ngư dân, không nộp tiền thì Trung Quốc lấy tàu cá. Tháng 4/2004, Trung Quốc cho ngư dân vào đánh cá trái phép trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philipines. Sau đó họ cho hàng chục tàu chiến đến khu vực này để đe dọa Philipines trong hơn một tháng, đồng thời đơn phương ngừng nhập chuối gây thiệt hại kinh tế của Philipines. Tháng 6/2012, Trung Quốc ngang nhiên mời công ty nước ngoài thăm dò dầu khí trong khu vực khoảng 160.000km2 thuộc thềm lục địa, công bố quyết định cái gọi là thành phố Tam Sa bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và các đảo thuộc Philipines. Từ tháng 7 đến tháng 11/2012 họ triển khai một loạt các biện pháp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa như mở tua du lịch, lập quân đồn trú, bầu cử các cấp chính quyền, in hình lưỡi bò vào hộ chiếu, thông qua Điều lệ biên phòng Hải Nam v.v…Tháng 12.2012, Trung Quốc lại dùng thủ đoạn cho ngư dân vào phá cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 trong thềm lục địa Việt Nam ở khu vực mphía Nam đảo Cồn Cỏ. Chưa bao giờ Trung Quốc triển khai các hoạt động chống Việt Nam và Philipines quyết liệt và ráo riết như vậy. Song hành với đó là mạng lưới truyền thông Trung Quốc, đi đầu là Nhân Dân Nhật Báo, Hoàn Cầu ra sức nhồi nhét vào tâm trí nguời dân Trung Quốc về một nước Việt Nam tham lam cướp đoạt của cải của Trung Quốc. Dư luận có cảm giác rằng Việt Nam và Philippines đã không còn là các nước láng giềng của Trung Quốc nữa. Họ đã trở thành các quốc gia thù địch trong mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trung Quốc đã thực sự nâng việc khủng bố đối với Việt Nam và Philippines thành quốc sách.
Trung Quốc gây áp lực nhằm chia rẽ và can thiệp công việc nội bộ của ASEAN mạnh mẽ hơn
Những năm trước đây, Trung Quốc cũng đã từng gây áp lực với ASEAN để khối này không thảo luận vấn đề Biển Đông. Năm 2010 khi Việt Nam làm Chủ tịch của khối, họ đã ráo riết đòi Việt Nam không nêu vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị liên quan. Tương tự, năm 2011 họ cũng gây áp lực với Indonesia. Hai lần đó Trung Quốc thất bại nặng nề. Vị đại sứ của họ bị rút về nước. Các nước ASEAN và cả các nước khác lên tiếng đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ UNCLOS 1982, DOC 2002. Tại các Hội nghị, Hội thảo quốc tế kể cả những Hội thảo tổ chức ở Bắc Kinh, Hải Nam, học giả các nước chỉ trích, phê phán yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, nêu rõ những hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Ban lãnh đạo Trung Quốc hết sức cay cú.
Năm 2012, họ tăng cường gây áp lực và dùng viện trợ kinh tế để mua chuộc Cambodia khi nước này làm Chủ tịch của khối. Ngay trước các Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị của ASEAN với các đối tác, lãnh đạo các cấp của Trung Quốc lần lượt bay đến Nôngpênh với các gói quà viện trợ. Cực chẳng đã, Cambodia đã hy sinh lợi ích của ASEAN để chiều lòng Trung Quốc. Việc Cambodia phát ngôn thay cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đi ngược lại lập trường của khối ASEAN dẫn đến sự cố AMM 45 không ra được Tuyên bố chung như thường lệ. Trong năm 2012, Trung Quốc tiếp tục tìm cách ngăn cản khối ASEAN nêu vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế như Hội nghị Ngoại trưởng và Hội nghị cấp cao Phong trào không liên kết. Thậm chí khi ASEAN thảo luận với Liên hợp quốc về Nghị quyết hợp tác giữa hai tổ chức này, Trung Quốc cũng gây áp lực để loại bỏ ý kiến của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Nhiều nước ASEAN, trừ Cambodia, tức giận và bất bình với Trung Quốc vì khối ASEAN không hề đề nghị đưa vào các văn kiện đó những từ ngữa chỉ trích Trung Quốc hoặc đề cập cụ thể ý kiến của Việt Nam, Philipines mà chỉ khẳng định nguyên tắc chung của khối đã từng nêu trong Tuyên bố năm 1992.
ASEAN vẫn kiên định trong vấn đề Biển Đông
Nếu chỉ nhìn vào Hội nghị AMM 45 thì có thể nói năm 2012 Trung Quốc đã đạt được điều họ muốn. Nhưng nhìn toàn bộ bức tranh năm 2012 thì thấy rằng thành công của Trung Quốc chỉ mang tính tạhm thời, thiếu nền tảng bản đảm sự ôrn định. Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi. Bât chấp mọi toan tính, thủ đoạn của Trung Quốc, khối ẤEAN vẫn kiên trì và quyết tâm theo đuổi chủ trương Biển Đông của mình và họ đạt được nhiều thành quả ngoạn mục.
Một là, việc Cambodia cản trở phá Hội nghị Ngoại trưỏng ASEAN theo lệnh của Trung Quốc là một cú sốc lớn đối với cả thế giới. Cú vấp ngã vô tiền khoáng hậu đó đã giúp khối ASEAN tỉnh táo hơn, hiểu rõ hơn bản chất của Trung Quốc. Khối đã gượng dậy. Đáp trả lại, chỉ sau một tuần, khối ASEAN đã ra một Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN liên quan vấn đề Biển Đông. Đây lại là cú sốc mà Trung Quốc không ngờ tới. Bởi vì kể từ sau Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông năm 1992, vấn đề Biển Đông chưa được đưa vào một Tuyên bố riêng nào nữa.
Hai là, trong năm 2012, Trung Quốc tìm mọi cách cản trở nỗ lực của khối ASEAN xây dựng Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Họ chắc mẩm với con bài Cambodia họ sẽ ngăn được ASEAN. Ngược với mong đợi của Trung Quốc, tháng 7/2012 SOM các nước ASEAN đã hoàn thành dự thảo COC và các Ngoại trưởng ASEAN đã thông qua dự thảo này. ASEAN kiên định với mục đích ký kết COC và cuối năm 2012 Trung Quốc đã phải cử các viên chức cấp cao ngồi lại với các Trưởng SOM ASEAN để bàn về COC. Chắc chắn phải qua nhiều vòng trao đổi mới có thể đạt được COC. Nhưng việc Trung Quốc chấp nhận thảo luận về văn kiện này là thắng lợi của khối ASEAN. Hơn nữa, nhờ ASEAN quyết tâm thúc đẩy nên lãnh đạo của ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố nhân kỷ niệm 10 năm DOC ra đời. Kết quả này rất đáng lưu ý vì văn bản DOC năm 2002 chỉ do cấp Thứ trưởng Ngoại giao ký, còn Tuyên bố năm 2012 do các Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của khối ASEAN và Trung Quốc ký. Trong Tuyên bố này, lãnh đạo Trung Quốc đã phải cam kết tuân thủ các quy định của DOC năm 2002 và đồng ý giao các Bộ và các ngành thực hiện văn kiện này.
Ba là, khối ASEAN cũng giành được thắng lợi khác trên trường quốc tế. Cả Hội nghị cấp Ngoại trưởng và Hội nghị cấp cao Phong trào không liên kết trong năm 2012 đã tiếp tục đề cập vấn đề Biển Đông như ASEAN chủ trương. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, nhiều Hội nghị, Hội thảo quốc tế tiếp tục được tổ chức tại Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Mỹ, Pháp, v.v… Các nước ASEAN tiếp tục triển khai các hoạt động khai thác các vùng biển của họ. Mặc dù bị Trung Quốc cản trở nhưng tháng 6/2012, Quốc hội Việt Nam vẫn thông qua Luật Biển Việt Nam; hải quân Việt Nam tiếp tục đón hàng chục tàu chiến của Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, v.v…đến thăm.
Lời kết: Năm con Rồng 2012 qủa thực là một năm đầy khó khăn và sóng gió đối với khối ASEAN. Thách thức nhiều và cũng có vấp ngã. Nhưng cái chủ đạo vẫn là khối ASEAN đã trưởng thành hơn, một phần cũng là nhờ chính sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Những gì khối ASEAN đã làm và đạt được trong năm 2012 đem lại niềm tin rằng trong năm con Rắn 2013 và những năm tới khối ASEAN sẽ tiếp tục đạt được điều mà nhân dân của 10 nước thành viên mong đợi. Đó là đoàn kết hơn, kiên định hơn và quyết tâm hơn trong nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, vì công lý và luật pháp quốc tế, vì lợi ích chính đáng của ASEAN ở Biển Đông.