Loài người từ xưa tới nay vẫn coi cái ăn, cái mặc là quan trọng nhất của đời sống.
Khoa học – kỹ thuật và công nghệ phát triển đã tác động trực tiếp làm cho nông nghiệp phát triển. Máy móc, công nghệ sinh học làm cho năng suất, sản phẩm nông nghiệp dồi dào. Nhưng thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết vẫn là thứ quyết định đối với nông nghiệp. Châu Phi dù có cố gắng nhưng thời tiết và thổ nhưỡng đã làm cho lục địa này vẫn đói triền miên.
Những nước phát triển hàng đầu thế giới vẫn luôn đi bằng hai chân cả công nghiệp lẫn nông nghiệp điển hình như Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật Bản. Một số nước còn lấy nông nghiệp làm chủ đạo, sản phẩm nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu làm cho họ thịnh vượng như Đan Mạch, Hà Lan, New Zealand.
Sản phẩm công nghiệp dù có hiện đại, phong phú đến đâu, xét về toàn cầu cũng không thể giúp con người thoát khỏi cái đói. Trẻ em nhiều nước suy dinh dưỡng trầm trọng không phải vì không có trò chơi điện tử mà là do thiếu lương thực thực phẩm.
Trung Quốc với hàng tỷ dân đã phải trải qua nạn đói trầm trọng khi hô hào làm công nghiệp, bằng cách nhà nhà làm gang thép vào những năm 60 của thế kỷ XX.
Ngày nay loài người đang đứng trước nguy cơ của biến đổi khí hậu và chiến tranh làm cho nông nghiệp đình trệ, cái đói lại mang tính toàn cầu.
Đặc biệt năm nay thiên tai liên tục xảy ra ở nhiều vùng, nhiều nước cộng với cuộc chiến ở Ukraine, đất nước có nền sản phẩm nông nghiệp dồi dào cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhiều nước bị đình trệ. Một số nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc đã phải ra lệnh cấm xuất khẩu lương thực nhằm giữ cái bụng khỏi đói của dân họ.
Trung Quốc sau thời gian bùng nổ sản xuất công nghiệp và đô thị hóa đã khiến diện tích canh tác bị thu hẹp, đồng thời làm tăng phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu trong những thập kỷ qua. ¾ lượng đậu nành mà nước này tiêu thụ phải nhập từ Mỹ và Brazil. Nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong 10 năm tăng từ 1% lên 7%.
Vì vậy Trung Quốc đã và đang chuẩn bị tình huống xấu nhất khi không thể mua được ngũ cốc từ nước ngoài bằng việc tăng diện tích canh tác. Trung Quốc quyết tâm duy trì 120 triệu ha đất canh tác để đảm bảo nguồn cung trong nước. Từ năm 2021 Trung Quốc đã thu hồi hơn 170.000 ha đất để canh tác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải chỉ thị: “Trung Quốc phải đủ khả năng tự nuôi sống người dân. Chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào nước khác nếu không thể giữ chắc được bát cơm của mình”.
Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi giành chính quyền đã có mong muốn tột độ là “ai cũng có cơm ăn áo mặc”. Người Nhật Bản dù phát triển rất sớm, rất nhanh nhưng khẩu hiệu của họ luôn là “ăn đủ no, mặc đủ ấm”.
Việt Nam có thời kỳ coi phát triển công nghiệp đặc biệt là công nghiệp nặng làm then chốt nhưng sản phẩm công nghiệp chưa có được bao nhiêu nhưng cái đói đã diễn ra nhiều thập kỷ.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng Việt Nam đã sớm có nghị quyết về “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn và nông dân). Chính vì vậy Việt Nam không chỉ thoát đói mà còn xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp, nhiều sản phẩm đúng thứ nhất thứ nhì thế giới như gạo, cà phê… chính nông dân, nông nghiệp đã làm lên kỳ tích chứ không phải công nghiệp Việt Nam.
Trong thế giới đầy bất ổn hiện nay, Việt Nam ổn định được chính là nhờ nông dân và nông nghiệp. Đừng coi nông nghiệp là thứ yếu mà phải coi là thế mạnh, đừng phí phạm đất bờ xôi ruộng mật. Hãy đầu tư nhiều hơn cho nông dân, nông nghiệp và nông thôn như chỉ thị của Đảng đã chỉ ra.
H.L