Monday, November 18, 2024
Trang chủQuân sựToàn cảnh sức mạnh quân sự của TQ

Toàn cảnh sức mạnh quân sự của TQ

Trung Quốc hiện đang sở hữu lực lượng quân đội thường trực lớn nhất thế giới, với khoảng 2,1 triệu quân đang tại ngũ, gấp 13 lần Đài Loan và 1,6 lần Hoa Kỳ. Là một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc duy trì ngân sách quốc phòng hàng năm lớn thứ hai toàn cầu. Ngân sách này đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua. Ba lực lượng trên biển của Trung Quốc gồm Hải quân, Tuần duyên và Dân quân Hàng hải, mỗi lực lượng đều lớn nhất thế giới về số lượng tàu. Trung Quốc cũng có lực lượng không quân lớn nhất khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, sở hữu hệ thống tên lửa chiến lược tầm trung lớn nhất thế giới và được cho là có lực lượng tên lửa đất đối không cũng lớn nhất và tinh vi nhất thế giới.

Theo báo cáo quốc phòng thường niên năm nay của Lầu Năm Góc có tên Sự phát triển quân sự và an ninh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dự kiến đến năm 2030, Trung Quốc sẽ sở hữu 1.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược, gấp 2,5 lần dự tính trước đó của Hoa Kỳ. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không giấu giếm tham vọng trở thành siêu cường quân sự đẳng cấp thế giới, có thể tiến hành chiến tranh thông minh hóa vào năm 2049, vượt qua sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của nước Mỹ, sửa đổi trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho hệ thống độc tài và lợi ích quốc gia của Bắc Kinh.

Tiềm lực quân sự của Trung Quốc

PLA có khởi nguồn từ cuộc nổi dậy Nam Xương năm 1927, do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động chống lại lực lượng Quốc dân Đảng, biến cố khơi mào cho cuộc nội chiến Quốc-Cộng Trung Hoa kéo dài đến tận tháng 5/1950.

Ngày 1/8/1927, hơn hai vạn quân do Chu Ân Lai và Chu Đức chỉ huy đã đánh chiếm thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Nhưng chỉ sau 2 ngày, đã phải tháo lui sau khi Chính phủ Quốc dân Đảng điều động quân đội bao vây thành phố. Ngày 7/8, tướng Quốc dân Đảng là Trương Phát Khuê dẫn quân vào Nam Xương. Sau đó, tiến hành truy kích quân Đảng Cộng sản Trung Quốc . Trên đường rút về Tĩnh Cương Sơn, Quân cộng sản bị tấn công dọc đường, chịu thiệt hại nặng nề. Kể từ năm 1933, ngày 1/8 được Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức lấy làm ngày thành lập Hồng Quân Công nông Trung Quốc. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đổi tên thành Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). PLA đóng vai trò quan trọng trong việc đưa lực lượng cộng sản lên nắm quyền tại Trung Hoa năm 1949, sau khi Tưởng Giới Thạch cùng khoảng 2 triệu người Quốc dân Đảng rời đại lục, chạy sang đảo Đài Loan. Các chỉ huy mang tính biểu tượng của PLA là Mao Trạch Đông và sau đó là Đặng Tiểu Bình đã nắm quyền tại Trung Hoa đại lục trong gần nửa thế kỷ, với tư cách là các nhà lãnh đạo thế hệ thứ nhất và thứ hai.

Tháng 12/1929, trong cuộc họp lần thứ 9 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại huyện Cổ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Tại đây, Mao Trạch Đông trong khi nói chuyện với các binh sĩ của Tập đoàn quân số 4 đã làm rõ vai trò của quân đội: Đó là “chủ yếu phục vụ các mục tiêu chính trị, quyền lực chính trị đẻ ra từ nòng súng”. Có lẽ, đây là một trong những câu nói được lưu truyền rộng rãi nhất trong số tất cả các phát ngôn được cho là của Mao. Kể từ đó đến nay, quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội đã trở thành bất di bất dịch. Quyền lực chỉ huy quân đội thuộc về Quân ủy Trung ương Trung Quốc, chứ không phải Bộ Quốc phòng.

Cơ cấu lãnh đạo quân sự tối cao của lực lượng vũ trang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Quân ủy Trung ương Trung Quốc, gồm hai cơ cấu bên dưới là Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Quân sự Trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy vậy, trên thực tế, đây chỉ là một cơ cấu hai nhãn hiệu. Nhân sự của hai cơ cấu này về cơ bản là giống nhau. Đứng đầu là Chủ tịch quân Ủy Trung ương, một chức vụ quyền lực tối quan trọng tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Đặng Tiểu Bình được phục vị trở thành lãnh đạo tối cao Trung Quốc vào năm 1978 và ngồi vào ghế Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Từ năm 1979 đến năm 1989, lần lượt Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng Đặng Tiểu Bình vẫn giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đặng chỉ trao chức vụ này cho Giang Trạch Dân năm 1989, sau khi họ Giang ủng hộ Đặng thảm sát sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn.

Năm 2002, Giang Trạch Dân rời khỏi các chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhưng vẫn nắm giữ ghế Chủ tịch Quân ủy Trung ương đến năm 2004 mới trao lại cho Hồ Cẩm Đào.

Tiếp theo là Phó Chủ tịch: Thượng tướng Hứa Kỷ Lượng, Nguyên Tư lệnh Không quân PLA, Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Nguyên Chủ nhiệm Bộ phát triển trang bị Quân ủy Trung ương. Các Ủy viên: Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Tên lửa, Thượng tướng Lý Tác Thành, Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp, nguyên Tư lệnh Quân chủng Lục quân, Đô đốc Miêu Hoa, Chủ nhiệm Bộ Công tác chính trị Quân ủy Trung ương, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân, Thượng tướng Trương Thăng Dân, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Quân ủy Trung ương.

Cuối tháng 5 năm nay, theo thông tin từ Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Louis Austin đã 3 lần thử cố gắng liên lạc với người đứng đầu quân đội Trung Quốc, nhưng đã liên tục bị từ chối với lý do liên lạc không đúng địa chỉ. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc xác nhận thông tin này và cho biết ông Austin đã cố gắng liên lạc với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng, trong khi theo nguyên tắc nên tìm đến Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa.

Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng cách tiếp cận của ông Austin với ông Hứa là không chuyên nghiệp, vi phạm nghi thức ngoại giao và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy vậy, trên thực tế, cơ cấu quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta không thấy khó hiểu trước việc tại sao ông Austin lại tìm kiếm liên lạc với ông Hứa Kỳ Lượng vốn là người gần gũi hơn với ông Tập Cận Bình, người nắm quyền lực của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc trên thực tế.

Năm 2016, theo chương trình cải tổ quân đội tham vọng nhất sau 6 thập kỷ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã chuyển sang cơ cấu chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy. Từ đó hình thành cục diện mới, gọi là “Quân ủy quản tổng, chiến khu chủ chiến, quân chủng chủ kiến”. Có nghĩa là gì? Quân ủy Trung ương quản lý khối cơ quan chức năng được cơ cấu lại từ 4 cơ quan trực thuộc trước đó bao gồm Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị, chuyển thành 15 đơn vị trực thuộc mới, bao gồm 1 Văn phòng, 6 Bộ, 3 Ủy ban và 5 Cục.

Toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc cũng được phân chia lại địa bàn tác chiến. Giải thể hệ thống 7 Đại trong khu, thay thế bằng 5 Quân khu lớn, gọi là Ngũ Đại Chiến khu. Mỗi chiến khu tổ chức theo cơ cấu Bộ tư lệnh, chịu trách nhiệm chỉ huy tác chiến liên hợp, điều phối hoạt động của các đơn vị như là Hải quân, Lục quân, Không quân trong khu phụ trách. Còn các Quân chủng sẽ chỉ làm chức năng hàng ngày xây dựng quân đội, không còn đảm nhiệm chỉ huy tác chiến.

Sau đây là khái quát về 5 Đại Chiến khu hiện tại của Trung Quốc:

• Chiến khu Đông Bộ: Bộ tư lệnh đặt tại Nam Kinh. Quản lý 3 Tập đoàn quân, một hạm đội hải quân, một sư đoàn không quân hải quân, 2 lữ đoàn viễn chinh biển, 2 sư đoàn không quân, 2 căn cứ không quân đang hoạt động và 1 căn cứ tên lửa. Chiến khu Đông Bộ chịu trách nhiệm về vùng biển Hoa Đông và có khả năng thực hiện quyền kiểm soát hoạt động đối với các vấn đề quốc phòng liên quan đến Đài Loan và Nhật Bản, bao gồm các tình huống xảy ra trong và xung quanh Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư.

• Chiến khu Nam Bộ: Bộ tư lệnh đặt tại Quảng Châu. Quản lý hai Tập đoàn quân, 1 hạm đội hải quân, 3 lữ đoàn viễn chinh biển, 2 căn cứ không quân và 2 căn cứ tên lửa. Chiến khu Nam Bộ có định hướng về Biển Đông, an ninh biên giới Đông Nam Á và các tranh chấp lãnh thổ, hàng hải trong khu vực, bao gồm cả cái gọi là “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố chủ quyền phi pháp. Chiến khu Nam Bộ cũng chỉ huy các đơn vị đồn trú của PLA tại Hồng Kông và Ma Cao đồng thời hỗ trợ chiến khu Đông Bộ trong bất kỳ hoạt động nào chống lại Đài Loan

• Chiến khu Tây Bộ: Về mặt địa lý, đây là chiến khu lớn nhất trong Ngũ Đại Chiến khu. Bộ tư lệnh đặt tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Quản lý 2 tập đoàn quân, 2 quân khu, 3 căn cứ không quân và 1 căn cứ tên lửa. Chiến khu Tây Bộ chịu trách nhiệm về các vấn đề xung đột với Ấn Độ. Đồng thời, thực hiện các hành động trấn áp tại Khu tự trị Tân Cương và Tây Tạng.

• Chiến khu Bắc Bộ: Bộ tư lệnh đặt tại Thẩm Dương. Quản lý 3 Tập đoàn quân, 1 hạm đội hải quân, 2 lữ đoàn viễn chinh biển, 1 sư đoàn máy bay đặc nhiệm, 2 căn cứ không quân và 1 căn cứ của lực lượng tên lửa chiến lược. Khu vực chịu trách nhiệm của Chiến khu Bắc Bộ bao gồm phần lớn biên giới của Trung Quốc với Mông Cổ và Nga, Triều Tiên và Biển Hoàng Hải.

• Chiến khu Trung Ương: Bộ tư lệnh đặt tại Bắc Kinh. Quản lý 3 Tập đoàn quân, 2 căn cứ không quân và 1 căn cứ tên lửa. Mặc dù có trách nhiệm vùng ven biển, nhưng chiến khu này lại thiếu 1 Hạm đội hải quân trực thuộc. Chiến khu Trung Ương chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và dự bị chiến lược cho các chiến khu khác.

Về quân số của Quân đội Trung Quốc:

Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện đang duy trì lực lượng quân đội thường trực lớn nhất thế giới. Nhưng xét trên tổng quy mô bao gồm cả lực lượng quân dự bị và bán quân sự thì Trung Quốc hiện chỉ Xếp thứ năm sau nước láng giềng Ấn Độ và thậm chí sau cả Hàn Quốc. Lực lượng dự bị quân sự khổng lồ lên đến hơn 3 triệu quân của Hàn Quốc được lý giải là do vào thời điểm hiện tại, chiến tranh hai miền Triều Tiên mới chỉ dừng lại ở tuyên bố ngừng bắn, chưa có hiệp ước hòa bình chính thức. Nghĩa là bán đảo Triều Tiên thực tế vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh. Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu toàn bộ nam giới là công dân đến tuổi trưởng thành phải thực thi nghĩa vụ quân sự bắt buộc, không có ngoại lệ, trừ một số rất ít trường hợp đặc biệt được miễn hoặc là đặc cách giảm thời gian tại ngũ theo quy định của Hiến pháp.

Liên bang Nga, đang đứng đầu thế giới về quy mô quân đội với tổng quân số lên đến 5,9 triệu quân. Tuy nhiên, nước này chỉ xếp thứ tư về mức độ chi tiêu quốc phòng hàng năm.

Về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc

Theo ước tính của Tổ chức Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhome (SIPRI), Trung Quốc hiện đang duy trì vị thế là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, với 252 tỷ đô la vào năm 2020, so sánh với con số 778 tỷ đô la cùng năm 2020 của Hoa Kỳ. Dường như mức chi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc khá là khiêm tốn. Tuy vậy, theo các tổ chức nghiên cứu công, chi tiêu thực tế liên quan đến quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể cao hơn từ 1,1 đến 2 lần so với ngân sách chính thức của nước này. Nếu điều chỉnh theo sức mua tương đương (PPP), chi tiêu quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm ngoái là 518 tỷ đô, cao hơn gấp đôi so với ước tính của SIPRI. Tuy nhiên, chi phí quân sự thực tế của Trung Quốc rất khó tính toán, phần lớn là do nước này thiếu minh bạch và nhiều khoản chi thực tế bị che giấu.

Nhà phân tích thời sự Đông Phương còn đi xa hơn khi cho rằng ngân sách quốc phòng trên thực tế của Trung Quốc có thể đã vượt qua Mỹ.

Năng lực tên lửa và hạt nhân của Trung Quốc

Phát hiện bùng nổ nhất trong báo cáo năm 2021 của Lầu Năm Góc về Sự phát triển quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là thuộc về lĩnh vực hạt nhân. Trung Quốc trước nay không tiết lộ gì về kho vũ khí hạt nhân của họ. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính số đầu đạn của Bắc Kinh sở hữu vào năm 2020 chỉ khoảng dưới 200, trong khi SIPRI cho rằng con số này là 320 và đã tăng lên 350 vào năm nay. Mức tăng trung bình hàng năm là khoảng 10%, nhanh nhất thế giới. Liên bang Nga hiện là nước sở hữu kho hạt nhân lớn nhất thế giới, với 6.255 đầu đạn. Mỹ đứng thứ hai, Pháp thứ ba và Trung Quốc đứng thứ tư nhưng có thể đã soán vị trí của Pháp vào thời điểm hiện tại.

Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tăng tốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình, Mỹ và Nga đã đồng ý gia hạn Hiệp ước cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) tới năm 2026, nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang. Theo đó, cả Mỹ và Nga đều không được phép triển khai nhiều hơn 1.550 đầu đạn chiến lược. Đây là điều kiện thuận lợi để Bắc Kinh thu hẹp khoảng cách, thậm chí đạt được thế cân bằng hạt nhân nhất định với Mỹ vào năm 2030.

Thỏa thuận giữa các quốc gia về hạn chế sở hữu vũ khí hạt nhân là một câu chuyện nhiều rắc rối. Nhưng để hình dung, chúng ta có thể nhìn vào một vài con số như sau: Năm 2019, nước Mỹ sở hữu khoảng 6.185 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 3.800 đầu đạn dự trữ và 1.365 đầu đạn được triển khai chiến lược. Con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với thời kỳ đỉnh cao những năm Chiến tranh Lạnh, khi đó Mỹ sở hữu lên đến 31.225 đầu đạn hạt nhân vào năm 1967 và 22.217 đầu đạn vào năm 1989. Như vậy, chúng ta có thể thấy là đã giảm rất nhiều.

Trong khi đó, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ước tính sẽ gia tăng đáng kể trong vài năm tới. Năm 2027, nước này có thể sở hữu 700 đầu đạn hạt nhân được chuyển giao, đến năm 2030, sẽ có ít nhất là 1.000 đầu đạn, vượt xa con số 400 đầu đạn mà Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán hồi năm ngoái.

Theo các nhà phân tích, chính sách vũ khí hạt nhân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện đang ưu tiên duy trì một lực lượng hạt nhân có thể sống sót sau cuộc tấn công đầu tiên và đủ sức mạnh đáp trả nhiều đợt phản công sau đó. PLA có thể lựa chọn các mục tiêu tấn công hạt nhân để giảm leo thang và quay trở lại một cuộc xung đột vũ trang thông thường, với một lực lượng còn lại đủ để răn đe đối thủ.

Ai kiểm soát kho vũ khí hạt nhân tại Trung Quốc?

Tại Trung Quốc, nhiệm vụ kiểm soát các kho vũ khí hạt nhân, gồm cả nhiệt hạt nhân và hạt nhân thông thường, thuộc về Lực lượng tên lửa giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là PLARF). Một lực lượng quân sự cấp quân chủng của PLA. PLARF được thành lập vào năm 2016 trong đợt cải tổ quân đội đầy tham vọng của chế độ, thay thế cho Quân đoàn Pháo binh số 2 (SAC). Cùng đợt cải tổ này, một lực lượng hỗ trợ đặc biệt khác cũng được thành lập: Quân chủng chi viện chiến lược (PLASSF), nhằm tăng cường khả năng tác chiến điện tử và chiến tranh mạng.

Hiện tại, quân đội Trung Quốc gồm tất cả 5 quân chủng: Đó là Lục quân, Hải quân, Không quân, Tên lửa và Chi viện chiến lược. Ngoài ra, còn có Lực lượng bảo vệ hậu cần trực thuộc Quân ủy Trung ương. Trong chiến tranh, Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Vũ Cảnh) sẽ trở thành một nhánh của PLA. Lực lượng này thành lập vào năm 1983 và có căn cứ ở khắp Trung Quốc, chủ yếu để siết chặt kiểm soát an ninh nội địa và đàn áp các cuộc nổi dậy như ở Tây Tạng và Tân Cương.

Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Trung Quốc (PLARF)

Quân chủng Tên lửa PLARF có trụ sở chính là tại Nhai Đảo, Thanh Hà, Khu Hải Điến, thành phố Bắc Kinh. Chịu sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, vấn đề hạt nhân tại nước này xưa nay chưa từng được giao cho PLA, mà vẫn là độc quyền của các lãnh đạo tối cao Đảng Cộng sản Trung Quốc, như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình.

Mặc dù sở hữu ít đầu đạn hạt nhân hơn Hoa Kỳ, nhưng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất là lĩnh vực Trung Quốc đang chiếm ưu thế. Theo Hiệp ước lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), ký với Liên Xô năm 1987, Mỹ bị cấm triển khai tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất.

Washington đã rút khỏi hiệp ước này vào tháng 8/2019, dưới thời tổng thống Donald Trump. 4 tháng sau Mỹ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) lần đầu tiên kể từ những năm 1980. Tuy nhiên, hiện tại, Trung Quốc vẫn vượt trội về loại tên lửa này.

• Tên lửa đạn đạo liên lục địa, hay còn gọi là tên lửa đạn đạo vượt đại châu, thường được gọi tắt là ICBM (Intercontinental Ballistic Missile), để chỉ chung những tên lửa đạn đạo có tầm bắn khoảng trên 5.500 km, được chế tạo để mang nhiều đầu đạn hạt nhân cùng một lúc. ICBM được cho là lực lượng mang tính hủy diệt nhất nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân toàn diện, do sở hữu tốc độ lớn, tầm bắn xa và năng lực chứa nhiều đầu đạn hạt nhân. Những ICBM nổi bật của Trung Quốc gồm có Đông Phong 41, Đông Phong 31 (DF-31) hay là Đông Phong 5B (DF-5B).

• Tên lửa đạn đạo tầm trung gian, gọi tắt là IRBM (Intermediate-range Ballistic Missile), có tầm bắn ngắn hơn ICBM, nằm trong khoảng 3.500 km đến 5.500 km, IRBM cần lưu ý nhất của Trung Quốc là Đông Phong 26 (DF-26).

Ngoài ra, Trung Quốc còn sở hữu các tên lửa đạn đạo tầm trung MRBM (Medium-range Ballistic Missile) có tầm bắn trong khoảng 1.000 km và 3.500 km, cùng các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn SRBM (Short-range Ballistic Missile) và tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Các ICBM của Trung Quốc có tầm bắn trên 11.000 km, có thể đạt tới hầu hết các mục tiêu trên lục địa nước Mỹ. Theo truyền thông nước này, tên lửa Đông Phong 41 (DF-41) có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân, tầm bắn lên đến 15.000 km, trở thành tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bắn xa nhất thế giới. Tầm bắn của DF-41 trong tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ là khoảng 12.000 km.

DF-41 sử dụng nhiên liệu rắn, gắn trên bệ phóng di động. Được Bắc Kinh công khai vào Lễ duyệt binh vào hồi tháng 10/2019 sau gần 20 năm phát triển bí mật.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng: DF-41 có khả năng tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ chỉ trong vòng 30 phút sau khi phóng.

Hiện tại, Bắc Kinh sở hữu khoảng 100 ICBM. Từ tháng 6 – tháng 8 năm nay, dữ liệu vệ tinh cho thấy hàng trăm hầm chứa ICBM mới đã được Trung Quốc xây dựng tại vùng sa mạc tỉnh Cam Túc, Tân Cương và Nội Mông. Trung Quốc cũng đang tập trung vào tên lửa đạn đạo tầm trung để tăng mức độ răn đe hạt nhân. Theo CSIS, Đông Phong 26 (Sát thủ diệt Guam) vì loại tên lửa này được cho là có khả năng tấn công chính xác nhằm vào căn cứ không quân chính của Mỹ trên đảo Guam. Theo giới chuyên gia, DF-26 được phát triển sau khi Bắc Kinh lo ngại Hoa Kỳ sẽ sử dụng các loại vũ khí có tầm bắn ngắn để chống lại các hạm đội Trung Quốc nếu xâm lược Đài Loan. DF-26 là hệ thống tên lửa có khả năng hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tấn công chính xác và do vậy nó được cho sẽ là hệ thống vũ khí có khả năng nhất sử dụng đầu đạn tầm trung trong thời gian tới.

Tài liệu chính thức của PLA cho biết, Bắc Kinh cũng đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm xa khác là Đông Phong 27, lớp này có tầm bắn trong khoảng 5.000 đến 8.000 km, có nghĩa là DF-27 có thể là IRDM hoặc ICBM mới.

Bộ ba hạt nhân của Trung Quốc

Báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2020 cho biết: Trung Quốc đang theo đuổi bộ ba hạt nhân và sang năm nay thì đổi thành có thể đã được thiết lập. Bộ ba hạt nhân có nghĩa là Trung Quốc hiện đã có phương tiện để phóng vũ khí hạt nhân từ cả đất liền, trên không và trên biển.

Từ đất liền, đó là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa chúng ta đã đề cập đến ở trên. Còn từ trên không, quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trước kia sử dụng máy bay ném bom hạt nhân Tân An H6A. Tuy vậy, loại này sẽ khó có khả năng vượt qua được hệ thống phòng không của các cường quốc quân sự. Hiện tại, phiên bản mới nhất của Tân An H6 là H6N được nâng cấp, sửa đổi thân máy bay với vùng bán lõm dưới bụng cho phép mang theo bên ngoài một tên lửa đạn đạo phóng từ trên không có khả năng chống lại các chiến hạm lớn, đặc biệt là tàu sân bay, H6N thuộc biên chế của lực lượng không quân trong khi thế hệ thống tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới của Trung Quốc thuộc kiểm soát của Lực lượng hải quân, chứ không thuộc về lực lượng tên lửa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới