Một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu
cá tra Việt Nam
có thể phải chịu mức thuế chống bán phá giá (CBPG) lên tới 130% khi
xuất sang thị trường Mỹ.
Theo Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP),
mặc dù Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chưa có thông báo chính thức về việc
xem xét hành chính lần này, nhưng khả năng một số DN bị áp
thuế ở mức 130% là quá cao.
VASEP cho biết, đây là mức thuế CBPG cao nhất
trong 6 lần xem xét của DOC đối với các DN Việt Nam kể từ năm
2003. Mức thuế này áp dụng cho cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ
trong giai đoạn 1/8/2008 đến 31/7/2009.
Theo thông lệ, muốn điều tra biên độ phá
giá với một quốc gia mà Mỹ chưa công nhận là nền kinh tế thị trường
như Việt Nam, DOC sẽ lấy căn cứ từ một quốc gia thứ 3 để so sánh giá
thành (nuôi trồng, chế biến…) sản phẩm với giá bán tại thị trường
Mỹ.
Trong những lần xem xét trước, Bangladesh là
quốc gia được DOC căn cứ để so sánh biên độ phá giá cá tra Việt Nam.
Tuy nhiên lần này, DOC lấy Philippines
làm quốc gia thay thế. Nhận định về việc thay đổi này, VASEP cho
rằng, DOC hoàn toàn không công bằng với các DN Việt Nam.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết
thêm, lấy Philippines thay thế hoàn toàn không phù hợp vì giá thức ăn
cho cá ở Việt Nam chỉ khoảng 0,5 USD/kg, trong khi Philippines gần 2
USD/kg. Ngoài ra, phí lao động, phí quản lý DN tại nước này cũng cao
hơn hẳn Việt Nam.
“Hơn nữa, DOC mới chỉ lấy cơ sở thực
tế từ 36 ao nuôi của Philippines, với sản lượng khoảng 12 tấn, trong
khi đó sản lượng của Việt Nam hơn 1 triệu tấn. So sánh này quá khập
khiễng và vô lý. DOC không thể lấy giá bán lẻ để so sánh cho giá
bán sỷ!”, ông Hòe cho biết.
Một luật sư đến từ Công ty luật
Grunfeld, Desiderio, Lebowitz, Silverman & Klestadt LLP (Mỹ) – ông Andrew
B.Schroth cho biết, sở dĩ có việc kết luận áp thuế sơ bộ này với
cá tra Việt Nam vì DOC đang đứng trước áp lực của Hiệp hội cá da
trơn của Mỹ.
Các DN Mỹ khó khăn trong việc cạnh tranh
với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, nhất là khi ngành cá da trơn nước
này muốn gia tăng thị phần tại thị trường trong nước thì ngày càng
có nhiều nhà xuất khẩu cả tra của Việt Nam hơn.
Theo luật sư này, trong số 12 DN xuất
khẩu cá tra của Việt Nam có mức thuế chuyên biệt (0 – 0,52%) sẽ có
khoảng 5 – 6 DN sẽ phải chịu mức thuế CBPG cao ngất ngưởng nếu kết
quả sơ bộ này thành hiện thực vào tháng 3/2011. Các bị đơn bắt buộc
của lần xem xét này chịu mức thuế lên đến 4,22 USD/kg (bằng khoảng
130% so với giá bán sang Mỹ).
Ông Andrew B.Schroth cho biết thêm, các DN cá tra
Việt Nam còn 3 tháng để kháng lại quyết định của DOC. Hiện cơ quan
luật này đang thu thập những dữ liệu thay thế từ Philippine và sẽ
chính thức làm việc với DOC… giúp DN Việt Nam phản đối lại quyết
định của DOC.
Dù không khẳng định sẽ lật ngược tình
thế 1800, đưa lại mức thuế về 0%, nhưng theo vị luật sư này
mức thuế chính thức cũng sẽ không vượt qua mức 100%. “Các DN
cần được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các Bộ (NN-PTNT, Công thương, Tài
Chính) để có được những dữ liệu thuyết phục trong lần phản kháng
tới”, ông Andrew đề xuất.
Ông Dương Ngọc Minh, Trưởng ban điều hành
xuất khẩu cá tra vào thị trường Nga cho biết, việc áp thuế này không
phải là thảm họa đối với con cá tra Việt Nam, nhưng không thể để tạo
tiền đề cho những lần xem xét sau này.
Song, ông Minh cũng khuyến cáo các DN và
người nuôi không quá hoang mang trước thông tin này vì còn thời gian (3
tháng) để chuẩn bị những cứ liệu cần thiết chứng minh cá tra không
bán phá giá tại thị trường Mỹ.
Theo ông Minh, hàng loạt thị trường khác
đang có mức tăng trưởng mạnh, khi thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm giá
trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường đã vượt mức 1 tỷ USD, dự
kiến cả năm sẽ đạt trên 1,5 tỷ USD.
Một số thị trường có mức tăng mạnh như
EU (12%), Mehico hơn 20%, Ai Cập trên 50%… riêng với thị trường Nga, theo
thông tin mới nhất mà đơn vị này có được thì mùa vụ đánh bắt cá
tại Nga giảm khoảng 30% sản lượng so với năm trước.
Ông Minh cho rằng, với tình hình mất mùa như
vậy, lượng cá của Nga chỉ đủ tiêu thụ nội địa, trong khi đó loại cá
này được xuất khẩu sang Trung Quốc, EU… Đây là cơ hội để các DN cá
tra của Việt Nam đẩy mạnh thị phần ở những thị trường mà Nga bỏ
trống vì mất mùa.