Monday, December 23, 2024
Trang chủQuân sựVũ khí - Khí tàiQuân đội Việt Nam mua 6 tàu ngầm là cần thiết

Quân đội Việt Nam mua 6 tàu ngầm là cần thiết

Liên quan đến thương vụ mua 6 tàu ngầm Kilo 636 cách đây hơn 10 năm về trước. Có thể nói việc mua tàu thì đã rõ, tàu cũng đã nhận về, nhưng các quyết định của thời điểm đó, quá trình đàm phán và nhất là giá trị hợp đồng, số lượng mua sắm vẫn là một điều gì đó khiến người ta không khỏi tò mò. Những điều này mới đây đã được giải đáp một phần trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự chiến lược Quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Bí thư Quân ủy Trung ương, được giới thiệu chính thức vào chiều 18/07.

Nội dung cuốn sách bao gồm 3 phần:

Phần thứ nhất: “Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong thời kỳ mới”, gồm 21 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của đồng chí Tổng Bí thư về đường lối quân sự chiến lược Quốc phòng và phương hướng xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Phần thứ hai: “Xây dựng các lực lượng quân đội tinh gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống”, gồm 18 bài viết, bài nói, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư – Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đối với các quân chủ binh chủng, học viện, nhà trường.

Phần thứ ba: là bài viết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “Phía Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Bí thư Quân ủy Trung ương – một người có tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng đường lối quân sự chiến lược Quốc phòng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Song song với xuất bản sách giấy truyền thống, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đồng thời cho ra mắt phiên bản điện tử cuốn sách, phục vụ độc giả miễn phí.

Về câu chuyện liên quan đến thương vụ mua 6 tàu ngầm Kilo 636, thông tin này được khái quát trong phần 3 do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thực hiện. Mời các bạn nghe một phần nội dung mà chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ rất thích.

“Bối cảnh tình hình thế giới đầu thế kỷ 21 cũng đặt ra những yêu cầu mới: Phải công khai, minh bạch hơn với quốc tế về chiến lược và chính sách quốc phòng, để góp phần củng cố lòng tin chiến lược, mở rộng hợp tác và tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, để phát triển đất nước.

Hoặc như vấn đề tổ chức lực lượng của quân đội trong bối cảnh tình hình mới đặt ra yêu cầu tinh- gọn – mạnh thì cũng phải tiếp tục làm rõ những định hướng dài hạn, nội dung, lộ trình và bước đi thế nào cho khả thi. Hay như về vũ khí trang bị, việc mua ngay một lúc 6 tàu ngầm Kilo cũng không hoàn toàn là một phương án tối ưu. Xét từ góc nhìn chung quốc tế về hiệu quả khai thác sử dụng cũng như răn đe, có thể dẫn chứng Australia là một quốc đảo nhưng thời gian đầu họ cũng chỉ thuê có một tàu ngầm 20 năm để sử dụng thử nghiệm, sau đó mới tính chuyện mua bán. Cho nên về việc Việt Nam mua một lúc 6 tàu ngầm họ đánh giá là to gan nhất thế giới. Thích là mua, vừa tốn ngân sách, vừa lo bảo đảm kỹ thuật, vừa không thiết thực. Không chỉ không hiệu quả trong chi tiêu quốc phòng mà xét về mặt quan hệ quốc tế thì cũng gây nghi ngại cho nhiều nước láng giềng. Điều đó không thể không tính tới”.

Chủ yếu nội dung bài viết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không hẳn là đi sâu vào việc mua bán vũ khí mà đưa các ví dụ để minh chứng cho chiến lược quốc phòng của nước ta trong quá trình chuyển giao cũ và mới. Dù vậy, đối với những người hứng thú với thông tin thương vụ mua bán vũ khí, chỉ một đoạn ngắn này thôi cũng đã giống như khám phá ra kho báu rồi các bạn ạ.

Từ thông tin của tướng Vịnh, chúng tôi muốn nói tới hai vấn đề. Đầu tiên, đúng là nếu nhìn vào lịch sử mua sắm vũ khí của quân đội ta, riêng với lực lượng tàu chiến, chưa bao giờ tính tới thời điểm năm 2009 và kể cả cho tới hiện tại Việt Nam chơi lớn tới vậy: Một lúc 6 tàu ngầm! Truyền thông vào thập niên 2000 chưa dám nói quá lớn vì những hạn chế của câu chuyện bí mật quân sự nhưng quả thật đó là pha chơi lớn chưa từng thấy đi vào lịch sử phát triển của Hải quân về một bước đột phá khó mà tưởng tượng nổi. Theo thông tin của Tướng Vịnh, việc Việt Nam chốt một lúc 6 tàu ngầm khiến các nước láng giềng sốc nặng cũng là một điều dễ hiểu. Bởi đúng là ngoại trừ cấp cường quốc quân sự thế giới, hầu như không quốc gia nào có nền kinh tế ngang ta hoặc kể cả gấp đôi hoặc gấp ba nước ta dám chơi lớn như thế. Không phải tính xa xôi tới tận Australia, chúng tôi có thể lấy luôn ví dụ trong khối Đông Nam Á. Trước Việt Nam, Indonesia là nước đầu tiên trong khu vực mua tàu ngầm tấn công diesel-điện hiện đại và thập niên 80 với hai chiếc tàu ngầm thuộc đề án 209-1300 do Tây Đức thiết kế, thi công bàn giao vào năm 1981. Mặc dù nhập khẩu và sử dụng tàu ngầm từ rất sớm thế nhưng 30 năm sau họ mới tiến hành kế hoạch trang bị thêm 3 chiếc tàu ngầm cải tiến từ Hàn Quốc. Với thương vụ 1,07 tỷ đô vào tháng 12/2011, đạt chế tạo 3 tàu ngầm 1.400 tấn lớp TrangMogo, một phiên bản của tàu ngầm 209 mà Hàn Quốc mua luôn bản quyền chế tạo và xuất khẩu.

Còn Indonesia là quốc gia có nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, có lực lượng hải quân được coi là hàng đầu khu vực, hơn hẳn Việt Nam về số lượng chủng loại tàu, đặc biệt là tàu chiến cỡ lớn. Thế mà cũng gần hơn 30 năm mới xây dựng lực lượng 5 tàu ngầm.

Hải quân Cộng hòa Singapore, họ cũng mua tàu ngầm trước chúng ta nhưng chọn phương án rẻ tiền và tiết kiệm. Năm 1995, họ đã mua lại 4 tàu ngầm diesel điện cỡ 1.400 tấn của Hải quân Thụy Điển, bước đầu xây dựng lực lượng tàu ngầm trong nước. Sau khi chuẩn bị tương đối đầy đủ về cơ sở hậu cần kỹ thuật cũng như đội ngũ vận hành có kinh nghiệm, năm 2005, họ tiếp tục ký mua thêm hai tàu ngầm đã qua sử dụng cũng do Thụy Điển sản xuất, lượng giãn nước khi lặn được 1.500 tấn. Đến năm 2015, họ đã cho nghỉ hưu 2 tàu ngầm 1.400 tấn mua năm 1995 và bắt đầu các đại kế hoạch nâng lực lượng tàu ngầm lên một tầm mới bằng việc đặt đóng hai tàu ngầm diesel điện thế hệ mới kiểu 218SG của Cộng hòa Liên bang Đức vào 12/2013 với tổng giá trị 1,36 tỷ đô. Đến 5/2017, họ ký mua thêm 2 chiếc nữa từ Đức và đang dự kiến sẽ đặt mua tiếp 2 chiếc nữa, nâng tổng số lượng tàu ngầm của Singapore trong tương lai lên con số 10 chiếc, đông nhất khu vực. Dù vậy, nhiều khả năng họ sẽ loại biên chế các tàu ngầm cũ và chỉ duy trì sáu tàu ngầm kiểu mới 218SG cỡ 2.200 tấn.

Đấy! đến Singapore nổi tiếng là bạo tay nhất khu vực mà mua sắm cũng từng bước một thế mới thấy Việt Nam chơi quá lớn. Do đó, theo lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: “Các nước họ bảo ta rằng to gan nhất thế giới”. E rằng không hề cường điệu một chút nào mà sự thật đúng là như vậy.

Hay như Malaysia, sở hữu một vùng biển rộng lớn nhưng cũng chỉ dám nhập khẩu hai tàu ngầm diesel điện cỡ 1.700 tấn từ Cộng hòa Pháp vào đầu thập niên 2000.

Hải quân Hoàng gia Thái Lan, một lực lượng “sừng sỏ” khu vực, là quốc gia đầu tiên sở hữu tàu sân bay Đông Nam Á. Thế nhưng, ngoài lịch sử mấy cái tàu ngầm mini thời chiến tranh thế giới thứ hai của phát xít Nhật, Hải quân Thái Lan tới thời điểm năm 2009 không có lực lượng tàu ngầm. Hiện nay. Thái Lan vẫn chưa xây dựng xong lực lượng này khi còn đang chờ Trung Quốc bàn giao tàu ngầm.

Xét trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam mạnh tay với thương vụ mua 6 tàu ngầm Kilo 636 với lượng giãn nước khi lặn là gần 4.000 tấn, lớn nhất trong thế giới tàu ngầm khu vực.

Tuy nhiên, xét theo quan điểm của tướng Vịnh, giới hạn trong thông tin về thương vụ tàu ngầm được nhận xét là tốn ngân sách, không thiết thực, gây nghi ngại cho các nước láng giềng, chúng tôi không phản bác nhận định của tướng Nguyễn Chí Vịnh. Nói gì thì nói, chúng ta cần có sự tôn trọng đối với các lãnh đạo cấp cao của quân đội. Các bạn nên nhớ rằng tướng Vịnh từng là cán bộ quân báo xuất sắc lặn lội nhiều năm ở Campuchia, sau này đã Tư lệnh ngành Tình báo Quốc phòng rồi đảm nhận vai trò Đối ngoại Quốc phòng.

Về thông tin hợp đồng tàu ngầm mà ông đưa ra, thực tế với thương vụ lên tới 2 tỷ đô la vào năm 2009, mỗi tàu ngầm có giá hơn 300 triệu đô theo các tài liệu chính thống công bố. Con số này cao hơn cả ngân sách quốc phòng giai đoạn này. Bởi theo Sách trắng Quốc phòng Việt Nam ra mắt 12/2009, ngân sách quốc phòng nước ta vào năm 2008 là 27.000 tỷ đồng, tương đương với 1,46 tỷ đô, chiếm 1,8% GDP. Kể cả năm 2009 có hơn đi nữa thì con số khó mà cao hơn 2 tỷ đô một năm. Tất nhiên, đó là theo Sách trắng. Thực tế vẫn có thể cao hơn một chút. Theo một số nhận định của quốc tế, ngân sách quốc phòng Việt Nam tính đến năm 2008 rơi vào khoảng 4,7 tỷ đô la, chiếm khoảng 5,2% GDP thực tế và con số này không có dấu hiệu giảm vào các năm tiếp theo.

Thế để chúng ta thấy tại sao Tướng Vịnh lại nói rằng thương vụ tàu ngầm tốn ngân sách. Đó là chưa nói tới câu chuyện về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Tính cái thời điểm chúng ta đặt bút ký hợp đồng mua tàu ngầm Kilo, lực lượng tàu ngầm của ta gần như là một con số 0 tròn trĩnh. Chính xác thì lúc đó ta có tổ chức một Trung đoàn Đặc công Tàu ngầm nhưng chỉ trang bị hai chiếc tàu ngầm mini của Triều Tiên với tính năng rất hạn chế, hoàn toàn không thể so được với các lớp tàu ngầm diesel-điện cỡ lớn như Kilo 636. Đi kèm với đó là cơ sở hậu cần cũng không thể tương xứng, chỉ đảm bảo cho hai chiếc tàu ngầm hơn 100 tấn. Đâu cần phải tổ chức to tát làm chi?

Vì vậy, cùng với việc mua mới tàu ngầm, chúng ta phải đầu tư rất lớn để xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng bao gồm: căn cứ tàu ngầm, trung tâm huấn luyện thủy thủ, cơ sở sửa chữa bảo dưỡng bao gồm cả việc nhập khẩu các vụ nổi phục vụ sửa chữa tàu. Đó mới là hạ tầng đảm bảo chiến đấu.

Về khí tài chiến đấu đi kèm với tàu ngầm là vũ khí, là kho tàng phục vụ bảo quản vũ khí, là các trạm chuẩn bị vũ khí. Việc đào tạo thủy thủ, trung bình một tàu ngầm được vận hành bởi 50 người. Vậy 6 tàu là 300 người. Chi phí để đào tạo một người không phải rẻ. Rồi còn lương, thưởng, phụ cấp, 300 người đó lại phải sắm thêm hàng trăm nhân sự khác tham gia công tác chuẩn bị chiến đấu, đảm bảo chiến đấu, lực lượng cảnh vệ.

Hiện nay, chúng ta vẫn còn tiếp tục công cuộc xây dựng lực lượng tàu ngầm với việc đưa vào trang bị và mua sắm thêm trang bị cần thiết cho các đơn vị cứu hộ tàu ngầm. Có thể nói là vô cùng đồng bộ nhưng cũng tốn kém vô cùng.

Dĩ nhiên không thể đổ vào hết năm 2009 mà thường hợp đồng vũ khí được trả theo từng giai đoạn, giao đến đâu trả đến đó nhưng có chia ra thì con số cũng rất cao. Xét về mặt chi phí, đúng là con số đầu tư cho thương vụ 6 tàu ngầm là quá lớn đối với ngân sách quốc phòng của ta. Cần biết rằng ngân sách đó là để cho lực lượng gần nửa triệu quân, với hàng chục nghìn đơn vị khí tài lục quân, không quân, các tàu mặt nước của hải quân chứ không phải chỉ mỗi tàu ngầm.

Nhưng tại sao ta vẫn quyết tâm tới cùng? Và tại sao lại là tàu ngầm? Có lẽ ở điểm này không cần kể lể nhiều, chúng ta đều hiểu rõ về tầm quan trọng của việc hiện đại hóa năng lực hải quân trong nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Mà kể từ năm 2009 tới nay những nguy cơ đó luôn hiện hữu trên Biển Đông, trên khu vực quần đảo Trường Sa một cách vô cùng rõ ràng.

Sự xuất hiện của sáu tàu ngầm Kilo 636 đã tạo nên một khả năng răn đe chiến lược cho Hải quân Nhân dân Việt Nam điều chưa từng tồn tại trước đó với lực lượng thuần tác chiến ven bờ nhỏ yếu, với một nhúm tên lửa nhỏ. Theo Tạp chí Quốc phòng Khánh Hòa vào năm 2014 từng nhận định rằng: “Có thể nói, sở hữu tàu ngầm Kilo thế hệ mới đối với Hải quân Việt Nam là một bước ngoặt. Nó đã mở rộng phạm vi hoạt động của Hải quân Việt Nam từ gần bờ ra xa bờ, từ trên mặt nước xuống tận đáy biển”.

Việc trang bị tàu ngầm Kilo đã khiến ngư Việt Nam có khả năng khống chế những vùng biển rộng hơn mà không cần tăng cường quá nhiều tàu mặt nước, giúp Hải quân Việt Nam có đủ khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển từ xa. Hay nói một cách khác, tàu ngầm Kilo nói riêng và vai trò của tàu ngầm nói chung hình thành khả năng tác chiến bất đối xứng tốt nhất đối với các lực lượng hải quân thiếu khả năng tác chiến mặt nước, thiếu tàu chiến cỡ lớn. Nhờ tàu ngầm, có thể san bằng khoảng cách về tác chiến tàu mặt nước, có thể vô hiệu hóa một hạm đội hải quân đối phương, công kích các mục tiêu chiến lược nằm sâu trong đất liền.

Không phải tự dưng mà dù Hải quân Nga nhiều năm nay không đạt được tiến bộ nào trong việc thiết kế tàu chiến mặt nước cỡ lớn như tàu tuần dương hay khu trục hạm hạng nặng nhưng họ vẫn được xếp vào vị trí số 2 trên mặt nước. Chính một phần nhờ vào năng lực tàu ngầm hùng mạnh. Hải quân Nga hiện có khoảng 400 tàu bè, trong đó chỉ có một tàu sân bay, 4 tuần dương hạm, 10 khu trục hạm, 11 tàu hộ vệ lớn và 81 tàu hộ tống ven bờ. Đó là một con số khiêm tốn so với 10 tàu sân bay của Mỹ, 74 tàu khu trục Aris, 17 tuần dương hạm. Nhưng Hải quân Nga vẫn còn đó 64 tàu ngầm hạt nhân và phi hạt nhân, tạo nên thế răn đe đáng kể về đối phương.

Có thể nói Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng chắc chắn ý thức được sự tốn kém với thương vụ Kilo, nhưng để bảo vệ chủ quyền thì phải đầu tư.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới