Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc ngày 27.8 thông báo tập đoàn hứng chịu khoản lỗ mới trong 6 tháng đầu năm.
AFP trích dẫn một thông báo được đăng trên trang web của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông cho hay khoản lỗ từ tháng 1-6 của tập đoàn bất động sản Evergrande lên tới 33 tỉ nhân dân tệ (4,53 tỉ USD), so với 66,4 tỉ nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái.
Trong một hồ sơ thị trường chứng khoán vào tháng trước, Evergrande cho biết đã lỗ 81 tỉ USD vào năm 2021 và 2022.
Cũng theo thông báo ngày 27.8, tính thanh khoản của Evergrande đang giảm dần, chỉ với 556 triệu USD tài sản bằng tiền mặt, so với khoảng 2 tỉ USD vào năm ngoái. Tình hình có thể sẽ phức tạp hơn trong việc trả nợ trong những tháng tới, theo AFP.
Từng là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, Evergrande đang chìm trong biển nợ và trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng bất động sản mà tiếp tục gây thêm lo lắng trong nền kinh tế số hai thế giới.
Ước tính nợ phải trả của Evergrande hiện ở mức gần 328 tỉ USD, giảm so với mức gần 340 tỉ USD vào cuối năm 2022, theo AFP.
Tập đoàn Evergrande chính thức vỡ nợ ngày 9.12.2022 sau khi hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) hạ xếp hạng của tập đoàn này xuống thành “vỡ nợ giới hạn”.
Động thái trên được thực hiện sau khi Evergrande không thể thanh toán 1,2 tỉ USD lãi trái phiếu đáo hạn ngày 6.11 và ân hạn đến 6.12.2022. Đó là lần đầu tiên Evergrande vỡ nợ trái phiếu phát hành bằng đồng USD.
Lĩnh vực bất động sản, cùng với xây dựng chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc, là trụ cột chính cho sự tăng trưởng của đất nước này, theo AFP.
Cải cách nhà ở tại Trung Quốc vào cuối thập niên 1990 đã tạo ra sự bùng nổ trong lĩnh vực bất động sản, được thúc đẩy bởi các chuẩn mực xã hội mà theo đó việc sở hữu tài sản được xem là điều kiện tiên quyết cho hôn nhân.
Tuy nhiên, khoản nợ khổng lồ của những công ty lớn nhất trong ngành đã bị Bắc Kinh xem là rủi ro không thể chấp nhận được đối với hệ thống tài chính và sức khỏe nền kinh tế nói chung của Trung Quốc.
Để giảm nợ trong lĩnh vực bất động sản, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã dần dần thắt chặt các điều kiện để các công ty bất động sản tiếp cận tín dụng kể từ năm 2020, và sau đó là một làn sóng vỡ nợ, trong đó đáng chú ý là trường hợp của tập đoàn bất động sản Evergrande, theo AFP.
T.P