Nếu như trong thập kỷ trước, các công ty công nghệ Trung Quốc là những “đầu tàu” thu hút nguồn vốn nước ngoài cũng như cơ hội hợp tác kinh tế, thì giờ đây, những đối tượng được “săn đón” hàng đầu lại là các công ty xe điện và nhà sản xuất pin.
Kế thừa “ngai vàng” từ các công ty công nghệ
Theo các dữ liệu kinh tế, các công ty sản xuất xe điện và pin của Trung Quốc đang thu hút nhiều sự chú ý từ các quỹ tài sản có chủ quyền, các đối tác nước ngoài cũng như nhiều nhà đầu tư sáng giá.
Nhờ nhu cầu lớn từ người tiêu dùng và sự tăng trưởng trong xuất khẩu, ngành công nghiệp này đã trở thành “điểm sáng” trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tương đối ảm đạm, khi Bắc Kinh thúc đẩy làn sóng sử dụng năng lượng sạch.
Dữ liệu từ nhà nghiên cứu đầu tư Preqin cho thấy, các công ty khởi nghiệp liên quan đến xe điện của Trung Quốc, bao gồm cả các nhà sản xuất pin, đã thu hút được 15,2 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm vào năm ngoái. Con số này là một kỷ lục đối với lĩnh vực này, đặc biệt khi tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2019.
Theo đó, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã nhận được nguồn tài trợ từ cả các nhà sản xuất ô tô nước ngoài như Volkswagen của Đức, hay từ “gã khổng lồ” chip Intel, nhờ đó mở rộng nhanh chóng cả về quy mô nhân sự và hoạt động.
Tháng 7/2023, nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen đã mua 5% cổ phần công ty sản xuất xe điện Trung Quốc XPeng với giá 700 triệu USD, để cùng phát triển xe cho thị trường Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 6, một quỹ do chính phủ Abu Dhabi điều hành đã đầu tư hơn 700 triệu USD để mua cổ phần chiến lược tại nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc NIO.
BYD, nhà sản xuất xe điện bán chạy nhất Trung Quốc được hỗ trợ bởi nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffett, đã tăng số lượng nhân viên hơn 50% lên hơn 630.000 chỉ trong 12 tháng, tính đến tháng 6 năm nay.
Sự chuyển đổi sang ngành công nghiệp xanh đã khiến những công ty khổng lồ như BYD và Contemporary Amperex Technology (CATL) – nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất đất nước, đứng vào hàng ngũ các công ty tư nhân quan trọng và có giá trị nhất Trung Quốc.
Sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của các lĩnh vực xe điện tại Trung Quốc hiện tại khiến người ta nhớ tới thời kỳ “vàng son” của lĩnh vực internet trong khoảng thập kỷ trước.
Ở thời điểm đó, những công ty như Alibaba, Tencent đã trở thành “hòn ngọc quý” của giới doanh nhân Trung Quốc, thu hút đầu tư và thu hút nhân tài trước khi bị cơ quan quản lý “chấn chỉnh” và sự sụt giảm về nhu cầu khiến tốc độ tăng trưởng của các công ty này bị chững lại.
Theo dữ liệu của Preqin, nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp internet Trung Quốc đã sụt giảm vào năm ngoái, giảm 84% so với thời hoàng kim năm 2018 xuống còn 5,8 tỷ USD.
“Người kế vị” được ủng hộ mạnh mẽ
Trong hơn một thập kỷ, các nhà chức trách Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng trong ngành xe điện bằng các khoản trợ cấp cho người tiêu dùng và các mục tiêu về năng lượng sạch. Đất nước này hiện là thị trường lớn nhất thế giới về xe điện, cũng chính là loại hình công nghệ cao, năng lượng xanh mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hướng tới.
Năm 2022, cứ 4 chiếc ô tô mới được bán ở Trung Quốc thì sẽ có 1 chiếc là xe điện, và hầu hết được sản xuất bởi các công ty trong nước hoặc các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Theo dự báo của các nhà phân tích, 80% số ô tô mới bán ra tại Trung Quốc vào năm 2030 sẽ là xe điện.
Sự phát triển của ngành xe điện Trung Quốc mạnh mẽ đến nỗi Tesla, công ty xe điện hàng đầu thế giới, đã đặt nhà máy sản xuất lớn nhất của mình tại Thượng Hải, và liên tục tung ra các chương trình giảm giá nhằm “chiều lòng các “thượng đế” tại thị trường tỷ dân.
Trong khi đó, các nhãn hiệu xe điện của Trung Quốc như BYD, NIO, hay Geely’s Zeekr đang có mặt tại các đại lý trên khắp nước Đức, Nhật Bản và Mexico. CATL và các nhà sản xuất pin khác như Gotion High-Tech đang nhận được đơn đặt hàng toàn cầu và mở rộng hoạt động ở châu Âu và Mỹ.
Daryl Liew, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư tại SingAlliance, cho biết: “Nếu nhìn vào lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu, xe điện là lĩnh vực mà chúng ta có thể khẳng định rằng Trung Quốc đang dẫn đầu”.
Các nhà quản lý quỹ cho biết họ tự tin về triển vọng tăng trưởng dài hạn của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc, dựa trên xu hướng điện khí hóa toàn cầu và tốc độ đổi mới công nghệ ô tô trong nước. Theo đó, Trung Quốc đã soán ngôi Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong năm nay, chủ yếu do nhu cầu tăng vọt từ Nga và xe điện.
Để đạt được những thành tựu này, không thể không kể tới sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình từ chính quyền Trung Quốc. Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã tiết lộ các khoản giảm thuế ước tính trị giá lên tới 72 tỷ USD trong 4 năm tới để thúc đẩy doanh số bán xe điện và xe plug-in hybrid.
Môi trường cạnh tranh mới, cơ hội mới
Tất nhiên, sự phát triển “như vũ bão” của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc cũng đem lại những thách thức mới liên quan tới việc tranh giành thị phần và giá cả.
Theo đó, để chiếm được thị phần tại “miếng bánh lớn” Trung Quốc, Tesla đã không ngại giảm giá các mẫu xe điện tại thị trường này. Động thái này có thể khiến cuộc chiến giá cả tại Trung Quốc thêm khốc liệt, gây tổn hại cho các công ty nhỏ hoặc mới nổi.
Mặc dù vậy, sức uy hiếp từ các đối thủ lớn không khiến các “tân binh” trong ngành chùn bước. Bằng chứng là, vẫn có gần 19.000 công ty khởi nghiệp liên quan đến ngành xe điện đã đăng ký tại Trung Quốc vào năm ngoái, gấp hơn 5 lần so với 3 năm trước đó.
Trong một hệ sinh thái với rất nhiều công ty cạnh tranh thị phần, người tiêu dùng Trung Quốc chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, với rất nhiều sự lựa chọn về mẫu mã và giá cả, đồng thời cũng góp phần đẩy mạnh mục tiêu “xanh” của đất nước này.
T.P