Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững vấn đề chí tử trong địa lý của TQ

Những vấn đề chí tử trong địa lý của TQ

Trung Quốc có hơn 5.000 năm lịch sử, là một trong bốn nền văn minh cổ đại lớn của Phương Đông, gồm có Lưỡng Hà, Ai Cập, Ấn Độ và Hoàng Hà. Trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc luôn là một cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên thế giới. Trung Quốc có được thành công như vậy một phần lớn đến từ địa lý, với khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ được bảo vệ từ nhiều hướng và tương đối an toàn trước kẻ thù. Tuy nhiên, nước – bao gồm cả biển và sông – đang là vấn đề lớn với sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai.

Những vấn đề từ cả ba hướng

Lịch sử Trung Quốc là sự mở rộng từ khu vực Đồng Bằng nằm giữa sông Hoàng Hà và Trường Giang ra cả ba hướng là Bắc, Tây và Nam. Lãnh thổ Trung Quốc ngừng mở rộng khi gặp những rào cản về địa lý không thể vượt qua và họ sẽ phải tạo ra những vùng đệm an toàn.

– Khu vực lõi của Trung Quốc nằm giữa hai con sông lớn là Trường Giang và Hoàng Hà, vốn có đất đai màu mỡ, khí hậu tương đối ôn hòa, đủ sức sản xuất lương thực nuôi sống 1,4 tỷ người. Trung Quốc có dân số lớn nhất thế giới một phần bởi địa lý, từ xa xưa đã thuận lợi cho nông nghiệp, sản xuất lương thực.

Phía Bắc

Phía Bắc Trung Quốc tồn tại hai cường quốc: Một trong quá khứ, một trong hiện đại. Đầu tiên phải kể đến Đế quốc Mông Cổ tung hoành khắp Châu Á – Châu Âu vào thế kỷ thứ 13 và 14: Trung Quốc cũng đã trở thành nạn nhân của vó ngựa Mông Cổ. Vùng đồng bằng Hoa Bắc với dòng sông Hoàng Hà có diện tích rất lớn, đất đai màu mỡ phục vụ tốt cho canh tác nông nghiệp, nuôi sống rất nhiều triệu người. Đó là khu vực cực tốt cho dân cư sinh sống, nhưng cũng là nơi dễ dàng triển khai lực lượng kỵ binh hùng mạnh. Trong lịch sử, người Kim với thiết bị hùng mạnh và sự nhu nhược của nhà Tống vẫn băng băng đi qua khu vực Hoa Bắc và suýt chút nữa làm chủ toàn bộ Trung Hoa. Vài trăm năm sau, người Mãn Thanh sau khi được Ngô Tam Quế mở cửa Sơn Hải quan đã chiếm lĩnh thành công Bắc Kinh và sau đó là toàn bộ thiên hạ của người Hán.

– Kế đến là khu vực Đông Bắc, chính là nơi phát tích của rất nhiều triều đại của Trung Quốc. Trong lịch sử chỉ có Chu Nguyên Chương là người duy nhất khởi binh từ phía Nam thực sự thành công. Còn lại hầu hết các thế lực của người Trung Hoa nếu muốn làm chủ thiên hạ thì phải chiếm được vùng này đầu tiên. Nguyên nhân chính là bởi vùng đồng bằng màu mỡ được cung cấp bởi sông Hoàng Hà có thể nuôi sống hàng chục triệu dân, cung cấp hàng chục vạn lính. Địa lý vừa đủ tốt để nuôi quân nhưng cũng khắc nghiệt với mùa đông lạnh giá. Các cuộc tấn công của người Thảo nguyên dễ tạo nên người dân có tinh thần chiến đấu. Chuyện này đã thể hiện rất rõ từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc.

Triều Tiên, giữa vai trò cực kỳ quan trọng, giống như một tấm lá chắn bên sườn của người Trung Quốc. Chiếm giữ được toàn bộ bán đảo này gần như không có một chướng ngại vật nào đủ để ngăn cản các đạo quân tiến tới đánh chiếm Trung Hoa từ hướng Đông Bắc. Nó giống như vai trò của Ba Lan và Ukraine với nước Nga ngày nay.

Vì lẽ đó, trong quá khứ các triều đại của Trung Hoa luôn tìm cách kiểm soát bán đảo này ở mức độ cao hơn so với Đại Việt ở Việt Nam.

Các vua của Triều Tiên trong quá khứ thậm chí còn không được xưng vương, chỉ được mặc áo đỏ tức là ngang hàng với quan tam phẩm trở lên của triều đình Trung Quốc, không được mặc áo vàng như Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể thấy rõ nhất là cuộc chiến tranh Triều Tiên. Đứa con trai của Mao Trạch Đông cũng đã ngã xuống ở vùng đất này cùng với vô số lính Quân Giải phóng Trung Hoa để đảm bảo một vùng đệm cho đất nước của mình.

Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, việc tấn công Trung Quốc từ phía Bắc không khác nào tự sát. Bởi những đội quân này sẽ phải vượt qua sa mạc Gobi khắc nghiệt.

Phía trên Mông Cổ là Nga, một cường quốc hiện đại. Nga và Trung Quốc tiếp giáp nhau khu vực ở Hắc Long Giang bên bờ Thái Bình Dương, một phần khu tự trị Nội Mông, và một phần nhỏ trên khoảng 40km gần với Kazakhstan.

Tuy nhiên, vùng Viễn Đông của Nga có khí hậu khá khắc nghiệt và dân số chưa tới 10 triệu người so với khoảng hơn 100 triệu người chỉ riêng vùng Mãn Châu của Trung Quốc. Dải đất hẹp tiếp giáp giữa hai nước có thể ở điểm yếu nhưng Matxcơva hiện nay không có đủ tiềm lực cũng như lý do để tấn công Trung Quốc. Cuộc xung đột Ukraine cũng đang đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông của Nga chắc chắn sẽ phải dựa vào sự giúp sức của Bắc Kinh.

Phía Tây

Nhắc tới khu vực phía Tây của Trung Quốc hẳn là không thể không kể tới cao nguyên Tây Tạng. Nó có thể xem như một hệ thống phòng thủ vĩ đại gần giống như vùng Siberia của Nga vậy. Nắm được khu vực này từ thời nhà Thanh. Trung Hoa đã có một hệ thống phòng thủ khó có thể có một đạo quân nào di chuyển được qua khu vực này để chinh phạt lãnh thổ Trung Hoa từ hướng Tây.

Về cơ bản, phía Tây là khu vực gây ra nhiều sự đau đầu nhất với chính quyền Trung Quốc bởi hai nguyên nhân: 1) là nó quá xa chính quyền trung ương và 2) nó từng là lãnh thổ của các quốc gia hùng mạnh trong quá khứ và thuộc quyền cai trị của các dân tộc với nền tảng văn hóa bền vững, điển hình là Tây Tạng và phần nào đó là Tân Cương.

Phía Tây Trung Quốc tiếp giáp với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Afghanistan và Pakistan. Trong quá khứ, đây từng là con đường tơ lụa và hiện tại có thể là một điểm yếu của Trung Quốc thời hiện đại. Tuy nhiên, chắc chắn Kazakhstan không đủ khả năng để thách thức cường quốc số 2 thế giới. Đồng thời, tương tự như Nội Mông, cơ sở hạ tầng khu vực này khá kém phát triển và quãng đường cần di chuyển để tới được vùng lõi của Trung Quốc lên tới hàng ngàn cây số. Tương tự Afghanistan, Pakistan và Kyrgyzstan đều có đường biên giới ngắn với địa hình hiểm trở.

Tuy nhiên, vấn đề của Trung Quốc không đến từ bên ngoài mà đến từ chính khu tự trị Tân Cương của họ. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt; cũng như thúc đẩy người Hán di dân sang Tân Cương để ổn định tình hình kinh tế – chính trị. Tân Cương là cầu nối giữa Trung Quốc với các thị trường Trung Á, Trung Đông và châu Âu; biến nơi đây thành trung tâm của sáng kiến Vành Đai và Con Đường (viết tắt là BRI).

Đây là trung tâm hậu cần lớn nhất trong số các nước BRI. Trong số 6 hành lang kinh tế BRI được lên kế hoạch có 3 hành lang sẽ đi qua Tân Cương; bao gồm Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan; nối Kashgar ở Tân Cương với Cảng Gwadar ở Pakistan. Một trung tâm phân phối cũng đang được lên kế hoạch tại Khorgos trên biên giới giữa Tân Cương và Kazakhstan. Bắc Kinh hy vọng rằng Tân Cương có thể đóng một vai trò như một trung tâm vận chuyển và trung tâm thương mại, hậu cần, văn hóa khu vực.

Trong năm 2017, khoảng 66 tỷ USD được đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Tân Cương; tăng 50% so với năm trước. Đường bộ và đường sắt cao tốc được xây dựng để kết nối khu vực này với các khu vực khác của Trung Quốc. Hay nói đúng hơn, Trung Quốc muốn lên thành đại ca của thế giới thì không thể không có Tân Cương. Vai trò của nó không thua kém gì Tây Tạng. Tây Tạng giúp Trung Quốc nâng cao gối mà ngủ nhưng nó sẽ chỉ biến họ thành cường quốc khu vực khi kiểm soát nguồn nước xung quanh. Còn nếu muốn tranh đoạt thiên hạ rộng lớn, họ cần có Tân Cương là cầu nối sẽ đưa sức ảnh hưởng của mình đi khắp mọi nơi. Tập Cận Bình dường như đang biến mình thành một Hán Vũ Đế thứ hai của Trung Quốc. Tập Cận Bình có lẽ vẫn chưa quên bài học của những năm 60 – 70 của thế kỷ trước; khi Liên Xô đã biến Tân Cương thành một con dao để kiềm chế Trung Quốc.

Sau năm 1949, dù không trở thành một quốc gia độc lập nhưng có quyền tự trị; đó là một bước tiến dài trong hành trình ngàn năm thoát Hán của người Duy Ngô Nhĩ. Sau năm 1949, nhìn vào Tân Cương chúng ta sẽ thấy rằng: về mặt danh nghĩa nó là một khu tự trị; nhưng trên thực tế nó có các lực lượng ly khai trong chính quyền; có dân số áp đảo của người Duy Ngô Nhĩ so với người Hán. Đây chính là thế cục được Liên Xô tạo ra tại Tân Cương. Không biết vô tình hay cố ý, nhưng Stalin đã mài Tân Cương thành một lưỡi dao; tuy không đủ kết liễu nhưng đủ làm rỉ máu và kìm hãm Trung Quốc. Vào cuối những năm 1950, mâu thuẫn Trung – Xô bắt đầu căng thẳng; hai bên tố cáo nhau là kẻ phản bội lại chủ nghĩa Mác – Lênin.

Liên Xô đã kích động phong trào ly khai và viện trợ cho một số tổ chức Hồi giáo tại Tân Cương, giống như một con dao để kiềm chế Trung Quốc khiến họ không dám có cuộc phiêu lưu quân sự nào lớn vì lo bên trong đất nước còn có nội loạn chưa xong.

Hiện nay cũng đang có phong trào đòi độc lập cho Tân Cương và nó không yếu ớt như Tây Tạng. Tân Cương thực sự là cơn đau đầu kinh niên của Trung Quốc vì nơi đây đang tồn tại quá nhiều lực lượng Hồi giáo vũ trang chống lại chính quyền.

Phía Nam

Khu vực phía Nam tuy giáp với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam hay Miến Điện nhưng điạ thế khu vực này khiến nó không thể trở thành một mối đe dọa với Trung Hoa. Địa lý phức tạp chỗ này ngăn cản quân đội Trung Quốc tấn công và cũng ngăn cản luôn các quân đội nước khác làm điều tương tự với Trung Quốc.

Một đạo quân từ phía Nam đánh lên, vượt qua được khu vực rừng núi khi tới được khu vực đồng bằng sông Dương Tử sẽ chạm trán với một biển người khổng lồ hết lớp này tới lớp khác trong khi hậu cần thì lại không thể đáp ứng được nổi trong một cuộc chiến lâu dài. Vùng đồng bằng sông Hồng hay dọc sông Mê Kông dù màu mỡ nhưng không thể nuôi được dân số khổng lồ như khu vực Hoàng Hà và Dương Tử, dĩ nhiên là không thể cung cấp nguồn lực cho một cuộc Bắc phạt. Các vùng đồng bằng của Miến Điện cũng tương tự như vậy. Đây cũng là lý do giải thích nguyên nhân mà tại sao người Việt và người Miến không thể đánh lên phía Bắc như người Thảo nguyên Nam Hạ.

Tiếp theo, hãy nói một chút tới Việt Nam. Địa lý đã cho Việt Nam thêm một điều thú vị nữa. Đứng từ góc nhìn của Thiên triều, Việt Nam khi xưa là Đại Việt, là một địa điểm tuyệt vời, không phải là về mặt quân sự mà là về kinh tế. Người du mục thì luôn muốn vượt Vạn Lý Trường Thành của người Hán để tìm nơi ấm áp hơn cho chăn thả, thì người Hán cũng muốn lãnh thổ của nước Việt nơi mà không có tuyết rơi để phục vụ cho hoạt động nông nghiệp.

Hoàng Hà và Dương Tử tuy màu mỡ nhưng lại vô cùng hung dữ, thường xuyên vỡ đê lũ lụt khiến rất nhiều lần Trung Quốc rơi vào thảm cảnh nạn đói diễn ra và sau đó là nội loạn khởi nghĩa. Vùng đồng bằng sông Hồng tuy nhỏ nhưng đủ màu mỡ để cung cấp thừa lương thực cho mật độ dân số vốn không quá đông trong quá khứ của người Việt. Đó là lý do vì sao mà các vua chúa của Hán tộc luôn muốn chiếm lấy vùng này để cung cấp thêm lương thực cho người Hán.

Nước là mạch sống

94 % dân số của Trung Quốc sống ở phía đông, khu vực chỉ chiếm 47 % diện tích cả nước. Nơi đây có những đồng bằng phì nhiêu, khí hậu tương đối ôn hòa và đặc biệt là có nhiều con sông lớn. Trung Quốc thời cổ đại dựa vào dòng nước sông để phát triển. Các vương quốc lớn của họ thường xuất hiện tại châu thổ của 4 con sông: Hoàng Hà, Trường Giang, Châu Giang và Hắc Long Giang. Sông là mạch nguồn của sự sống, cung cấp phù sa màu mỡ cho nông nghiệp và đóng vai trò như tuyến giao thương quan trọng. Vào cuối thời Xuân Thu, Ngô Vương Phù Sai đã đặt nền móng cho Đại Vận Hà, kênh đào đầu tiên trong lịch sử nhân loại, có chiều dài khoảng 1800km, kết nối sông hoàng Hà và Trường Giang.

Như chúng ta đều biết, Ấn Độ và Trung Quốc đều khó có thể tấn công nhau qua Cao nguyên Tây Tạng. Vậy thì tại sao Bắc Kinh nhất quyết phải kiểm soát cho bằng được khu vực này? Câu trả lời chính là ở nguồn nước.

3 con sông lớn nhất là Trường Giang, Hoàng Hà và Châu Giang của Trung Quốc đều bắt nguồn từ Cao Nguyên Tây Tạng. Quốc gia đông dân nhất thế giới Trung Quốc chỉ chiếm có 6% lượng nước ngọt trên toàn cầu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới World bank, mỗi người dân của Trung Quốc chỉ có khoảng 2.005 mét khối nước ngọt, bằng 1/3 so với mức trung bình của toàn cầu. Bởi vậy, Bắc Kinh nhất quyết phải kiểm soát được khu vực nóc nhà của thế giới để đảm bảo sự sống của mình.

Ngoài việc sử dụng quân đội, Trung Quốc cũng có những cách thức mềm mỏng hơn để gia tăng tầm ảnh hưởng ở Tây Tạng như là xây dựng cơ sở hạ tầng.

Lịch sử Trung Quốc chứng minh, triều đại nào không giải quyết các vấn đề trị thủy gây ra lũ lụt thì ngay sau đó đều dẫn tới các cuộc nổi dậy và khởi nghĩa. Chính vì thế, chính quyền của Trung Quốc hiện đại luôn ý thức được công tác trị thủy.

Các công trình thủy lợi khổng lồ điển hình là Đập Tam Hiệp luôn là một giải pháp tốt, vừa để phát điện, vừa giúp điều tiết, giữ gìn nguồn nước quý giá.

Trong thế kỷ 20, một sự kiện đã làm thay đổi cán cân quyền lực giữa phe Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản, đã góp phần đem lại chiến thắng cho phe của Mao Trạch Đông, cũng lại liên quan tới vấn đề này. Đó là sự kiện Hoa Viên Khẩu. Năm 1938 để ngăn chặn bước tiến của quân Nhật, quân Quốc dân Đảng, dưới sự chỉ đạo của Tưởng Giới Thạch, đã phá một đoạn đê trên sông Hoàng Hà gần khu vực Trịnh Châu. Hành động này tuy cản được bước tiến của quân Nhật nhưng đã mang lại một thiệt hại vô cùng to lớn cho người dân Trung Quốc. Sau sự kiện này, Quốc Dân Đảng đã tuyên bố rằng có 12 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận lụt.

Uớc tính số người chết là khoảng 800.000 người. Chính từ sự kiện này góp phần khiến lòng dân đã hướng về Đảng Cộng Sản mà quay ra thù ghét Quốc Dân Đảng giúp Mao Trạch Đông đã lật ngược thế cờ, đánh bại Tưởng Giới Thạch trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy dòng nước và lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào tới lịch sử của người dân Trung Hoa.

Biển là tương lai

Nếu nó sông làm mạch sống của Trung Quốc, thời cổ đại, thì biển chính là sinh mệnh của Trung Quốc thời hiện đại.

Tác giả Tim Marshall cuốn “những tù nhân địa lý” cho biết: trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc chưa từng là một cường quốc hải quân thực thụ do lãnh thổ rộng lớn và các tuyến hàng hải đối tác thương mại thường ngắn. So với nước Nga vốn phần lớn là các cảng đóng băng – TQ sở hữu đường bờ biển dài 18.000 km với nhiều cảng rất tốt.

Tuy nhiên, Trung Hoa vào giai đoạn phong kiến lại không để tâm tới chuyện này. Thời Tần Thủy Hoàng cũng từng có chuyện các thuyền lớn theo lệnh vua đi tìm thuốc trường sinh bất lão. Thời Vĩnh Lạc nhà Minh có hạm đội vươn buồn khắp Ấn Độ Dương. Dù vậy, nó chỉ là ham muốn nhất thời của các vị hoàng đế, lý do đơn giản là không cần thiết khi mà việc kiểm soát đại dương căn bản không ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng hay kinh tế xã hội của người Trung Quốc đương thời.

Ở thời trung đại, cướp việc Nhật Bản dù hành hành dọc duyên hải nhưng vẫn không thể gây đe dọa tới sự tồn vong của vương triều hay sự giàu có của nhà Minh sau này do không đủ lực đánh vào sâu trong đất liền.

Thời kỳ Thế chiến thứ hai, quân Nhật dù có ưu thế vượt trội nhưng cũng đã yếu dần sau trận Vũ Hán. Trong khi đó, các mối đe dọa lớn chủ yếu lại đến từ thế lực Thảo Nguyên phương Bắc.

Tới đầu thời kỳ cận đại, các đế chế phương Tây dù kiểm soát mặt biển nhưng vẫn không phải là đối thủ của Trung Quốc xét về quân số nếu đánh quá xông vào đất liền. Thế nên khác với Ấn Độ, không một quốc gia phương Tây nào có thể nuốt trọn và nô dịch được toàn bộ Trung Quốc.

Thêm vào đó, xét về mặt kinh tế, Trung Quốc có đủ các tài nguyên cần thiết để phát triển và không cần phải dùng thuyền đi khám phá.

Với giới thương nhân mà nói, chỉ riêng việc buôn bán dọc theo đường sông giữa các địa phương với nhau cũng đã đủ giàu rồi, chả cần phải buôn bán với nước ngoài.

Chỉ sau này, khi người Anh dùng thuốc phiện đầu độc người Trung Quốc, thì thặng dư thương mại mới nghiêng về phía họ. Người Trung Quốc dùng cả núi bạc trắng để mua thuốc phiện và người Anh thì có thể dùng chính số bạc này để mua hàng hóa từ người Trung Quốc.

Không có động lực về phát triển kinh tế lẫn quân sự, lại phải lo quá nhiều chuyện khác nhau, các vương triều phong kiến đều tạm gác chuyện kiểm soát biển khơi sang một bên.

Tuy nhiên, thiên triều thượng quốc đã phải trả một cái giá cực đắt cho chuyện này khi cuộc chiến tranh nha phiến diễn ra. Một đế chế hùng mạnh, cai trị lãnh thổ rộng lớn đã không thể ngăn cản được quân đội phương Tây vốn nhỏ hơn nhiều về số lượng. Kết quả của hơn 3 thế kỷ thám hiểm khám phá tạo tiền đề để phát triển khoa học kỹ thuật, người Trung Quốc bắt đầu nếm trải giai đoạn trăm năm quốc sỉ và cũng từ đó họ mới bắt đầu nhận ra giá trị quan trọng của đường bờ biển.

Tuy nhiên, mọi thứ đã quá muộn khi những hải cảng quan trọng đều thành tô giới hay nhượng địa của người Tây Dương.

Nhận thức rõ từ trong quá khứ, Trung Hoa sau năm 1949 đã quyết tâm bảo vệ được bờ biển hay đi xa hơn là kiểm soát các tuyến đường thương mại quan trọng vốn không phải của mình. Tuy nhiên, dù các tô giới của người phương Tây được trả lại, thì giấc mơ tiến ra biển của Trung Quốc cũng đã không thành công khi họ bị khóa chặt bởi lớp lớp phòng thủ được xây dựng bởi người Mỹ – siêu cường nổi lên sau Thế chiến 2. Thêm vào đó, những biến động tiêu cực của cuộc Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa đã làm chuyện này phải lùi lại thêm một thời gian nữa.

Không chỉ giới lãnh đạo của Trung Quốc nhìn ra vấn đề này, người Mỹ cũng đã thấy và đó là lý do vì sao họ thiết lập vành đai bao vây đường bờ biển của người Trung: Đó là Hàn Quốc và Nhật Bản, Okinawa, Đài Loan và Philippines.

Tất cả các con đường hướng ra đại dương phía Đông của Trung Quốc đều bị khóa chặt bởi các căn cứ quân sự và đồng minh của Hoa Kỳ. Trước tình hình đó, người Trung Quốc bắt đầu nhìn xuống phía Nam – vùng biển Đông của người Việt. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và hải chiến Gạc Ma năm 1988, cùng sự kiện giàn khoan năm 2014. Dĩ nhiên, giấc mơ này khó mà thành sự thực khi mà người Việt Nam sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới