Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhiều địa phương nợ lương công chức 3-6 tháng

Nhiều địa phương nợ lương công chức 3-6 tháng

Tài chính của Trung Quốc đang trong khủng hoảng, liên tục xuất hiện tin tức về việc cắt giảm lương và nợ lương trong các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương. Gần đây nhất là vụ việc một bệnh viện công cấp huyện ở thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông đã không trả lương trong 8 tháng, nhân viên của bệnh viện này buộc phải xuống đường biểu tình để bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Một bệnh viện công cấp huyện ở thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã không trả lương trong 8 tháng. Mơi đây, nhân viên của bệnh viện này đã buộc phải xuống đường biểu tình để bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang không ngừng suy thoái, chính quyền các nơi đang gặp khó khăn về tài chính, nhân viên các cơ quan nhà nước đang đứng trước nguy cơ bị cắt giảm, nợ lương.

Nhân viên y tế bị nợ lương

Vào ngày 12/9, một lượng lớn video được đăng tải trên Internet cho thấy các nhân viên của Bệnh viện Nhân dân số 2 thuộc huyện Quyên Thành, thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông xuống đường biểu tình và di chuyển đến chính quyền quận để đòi lương. Được biết, nhân viên bệnh viện đã bị nợ lương 8 tháng.

Đoạn video cho thấy hàng trăm nhân viên y tế đã tập trung tại tòa nhà bệnh viện và sau đó tuần hành trên vỉa hè, cuối cùng di chuyển tới bên ngoài cổng chính của trụ sở chính quyền huyện, tại hiện trường có nhiều nhân viên an ninh canh gác.

Theo thông tin được lan truyền trên mạng, do bệnh viện này xây dựng cơ sở mới nên đã gây thiệt hại lớn và đang trên bờ vực phá sản. Trên nền tảng cầu cứu của truyền thông Trung Quốc (nơi người dùng có thể đăng thông tin về những bất công, bất bình để tìm kiếm sự giúp đỡ) đã xuất hiện các khiếu nại về nạn tham nhũng y tế trong bệnh viện này, bệnh viện đã nợ lương nhân viên 7 tháng liền; liên tiếp 9 tháng không bồi hoàn chi phí nằm viện cho bệnh nhân; thiết bị nhập khẩu trị giá hàng chục triệu nhân dân tệ bị bỏ lại dưới tầng hầm của bệnh viện, chúng đã rỉ sét và mốc meo.

Thông tin công khai cho thấy, Bệnh viện Nhân dân số 2 của huyện Quyên Thành là bệnh viện được chỉ định bảo hiểm y tế cho công nhân viên chức làm việc tại các thị trấn của huyện này. Đây là bệnh viện đa khoa cấp 1A tích hợp điều trị y tế, phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng.

Theo Bộ Y tế Trung Quốc, các bệnh viện ở Trung Quốc được phân thành bệnh viện cấp 1, cấp 2, cấp 3 dựa trên khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và nghiên cứu y tế (cấp 3 là cao nhất). Bệnh viện cấp 1 thường là bệnh viện cấp thị trấn, có sức chứa dưới 100 giường. Bệnh viện cấp 2 là bệnh viện liên kết với một thành phố tầm trung, hoặc quận, huyện, có từ 100 đến dưới 500 giường bệnh. Bệnh viện cấp 3 là bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, tuyến tỉnh, tuyến quốc gia, có công suất trên 500 giường bệnh.

Ngoài ra, dựa trên mức độ cung cấp dịch vụ, quy mô, công nghệ y tế, thiết bị y tế, quản lý và chất lượng y tế, 3 thứ hạng kể trên còn được chia thành 3 cấp nhỏ là A, B và C (A là cao nhất).

Cụ thể, các cấp bệnh viện ở Trung Quốc từ thấp đến cao lần lượt là 1C, 1B, 1A, 2C, 2B, 2A, 3C, 3B, 3A. Bệnh viện Trung Quốc còn một cấp đặc biệt, cũng là cấp cao nhất, gọi là 3AAA. Vậy nên hệ thống bệnh viện Trung Quốc được gọi chung là “3 thứ hạng 10 cấp độ”.

Một tài liệu tuyên truyền được bệnh viện này công bố vào tháng 7 năm nay cho thấy, bệnh viện hiện có 32 phòng, khoa, thực tế mỗi năm có thể tiếp nhận 700 bệnh nhân nội trú, có 425 nhân viên đương chức và 65 người đã nghỉ hưu. Tài liệu này cũng cho biết bệnh viện đang xây dựng khuôn viên mới với diện tích đất là 60 mẫu, tổng diện tích xây dựng là 80.550 mét vuông. Một trong những tòa nhà điều trị nội trú đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6/2021.

Tài xế buýt bị nợ lương

Hôm 10/9, một cư dân mạng được cho là tài xế buýt ở Thiên Tân đã đăng bài cầu cứu trên mạng xã hội và cho hay, ông đã bị nợ lương kể từ tháng Sáu tới nay, công ty cũng ngừng đóng bảo hiểm y tế cho nhân viên.

Bài viết này đã được lan truyền rộng rãi trên Internet Trung Quốc và nhận được sự quan tâm. Có cư dân mạng chất vấn: Trung Quốc là quốc gia thu thuế cao nhất trên thế giới, thu nhập tài chính hàng năm đều đứng đầu thế giới, tiền thuế thu vào mỗi năm của chính quyền đều tăng, tại sao ngay cả ngành giao thông công cộng cũng không lo được, hàng triệu triệu tệ tiền thuế mỗi năm đã tiêu vào đâu?

Trước đó vào hôm 2/9 và 4/9, hai cư dân mạng khác ở Thiên Tân cũng đăng bài nói rằng họ bị Công ty Buýt Thiên Tân nợ 3 tháng lương của tháng Sáu, tháng Bảy và tháng Tám, bảo hiểm y tế cũng không được đóng nữa.

Hồi tháng 8, công ty xe buýt ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông cũng nợ lương nhân viên tới 5 tháng, khiến các tài xế phải đăng bài trực tuyến kêu gọi đình công. Mặc dù các chuyến xe buýt của thành phố không bị đình chỉ nhưng tần suất chạy đã giảm đi rất nhiều.

Giáo viên nghỉ hưu bị nợ lương
Mới đây, một đoạn video được đăng tải trên mạng cho thấy các giáo viên đã nghỉ hưu ở thành phố Cửu Đài, tỉnh Cát Lâm đã cùng nhau đến chính quyền thành phố để phản đối vì không được nhận lương hưu hàng tháng.

Nhân viên đài phát thanh và truyền hình bị nợ lương

Ngoài ra hôm 5/9 trên Internet còn lan truyền đoạn video quay cảnh một nhóm người cầm biểu ngữ trước Cục Phát thanh và Truyền hình thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây để đòi lương. Trên tấm biểu ngữ có dòng chữ: “Nửa năm chưa trả lương! Chúng tôi còn phải sinh tồn! Khẩn cầu quan phụ mẫu phân xử cho chúng tôi!”.

Theo cư dân mạng đăng tải video này lên, những người đòi lương trong nhóm này đều là nhân viên của hệ thống phát thanh và truyền hình Quế Lâm. Do chính quyền địa phương gặp khó khăn về tài chính nên những nhân viên này đã hơn nửa năm nay chưa nhận được lương, sinh kế của họ đang gặp khó khăn. Trong cơn tuyệt vọng, mọi người đã tập trung trước cổng Cục Phát thanh Truyền hình để giăng biểu ngữ và đòi lương tập thể.

Tập đoàn Phát thanh và Truyền hình là doanh nghiệp nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trên thực tế, cục phát thanh và truyền hình ở các tỉnh, thành là các doanh nghiệp độc quyền, nhân viên trong hệ thống này luôn được trả lương cao và có chế độ đãi ngộ tốt. Muốn vào làm ở một đơn vị như vậy thì thường phải có ban bệ, có người hậu thuẫn hoặc đút tiền “đi cửa sau” thì mới vào được. Giờ đây, ngay cả những đơn vị như vậy cũng đang trì hoãn việc trả lương cho nhân viên, nó đang làm lộ ra phần nổi của tảng băng chìm trong cuộc khủng hoảng tài chính địa phương ở Trung Quốc.

Nhân viên sở thú bị nợ lương, đến động vật cũng thiếu thức ăn

Cũng trong ngày 5/9, có cư dân mạng đã đăng tải bài viết cho hay, tại sở thú ở Công viên Đông Sơn, thành phố Ngõa Phòng Điếm thuộc thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, những nhân viên chăm sóc và cho động vật ăn đã không nhận được lương trong 6 tháng, ngoài ra các con vật cũng sắp hết thức ăn, cần được giúp đỡ khẩn cấp.

Kênh thông tin “Tân Hoàng Hà” trực thuộc tờ Nhật báo Tế Nam đưa tin vào ngày 6/9 rằng đã phỏng vấn một nhân viên của Cục Phát triển Nhà ở và Đô thị – Nông thôn thành phố Ngõa Phòng Điếm, đây là đơn vị cấp trên của Văn phòng Quản lý Công viên. Ông này nói rằng đã biết về tình trạng nợ lương ở Công viên Đông Sơn, do vẫn chưa nhận được nguồn hỗ trợ tài chính của địa phương nên mới dẫn đến tình trạng trên. Vị này cho biết cấp trên sẽ tiếp tục hỗ trợ Văn phòng Quản lý Công viên để có được kinh phí hoạt động.

Theo tờ Tân Kinh Báo (The Beijing News), Văn phòng Quản lý Công viên thuộc Cục Phát triển Nhà ở và Đô thị – Nông thôn thành phố Ngõa Phòng Điếm cho biết, kinh phí hoạt động hàng ngày của vườn thú chủ yếu đến từ phân bổ ngân sách của chính quyền, xác thực có tồn tại sự việc nhân viên vườn thú bị nợ lương và động vật bị thiếu thức ăn, hiện đang phối hợp giải quyết nguồn vốn.

Sau khi vụ việc được phanh phui trên mạng xã hội, nó cũng thu hút được sự chú ý rộng rãi. Một tài khoản Weibo có gắn huy hiệu màu cam (chữ “V”), tức là tài khoản được xác minh và có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc, bình luận: “Cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến cả động vật”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới