Nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam cao nhất cũng chỉ đạt 6%, tức không đạt mục tiêu 6,5%.
Phát biểu tại phiên toàn thể “Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2023” diễn ra chiều ngày 19/9, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2-5,5%.
Ở kịch bản tiêu cực, nếu kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn và Việt Nam tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới thì GDP dự báo chỉ tăng 4,4-4,5%.
Trường hợp kinh tế thế giới sớm phục hồi, các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, liên kết vùng, thúc đẩy hai động lực chính là Hà Nội và TP.HCM) được khai thác triệt để, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt 5,5-6%.
“Nếu Việt Nam có thể củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, mức tăng trưởng có thể cao hơn”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.
Đối với năm 2024 và 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiểm soát và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về tốc độ tăng trưởng.
“Ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, cả ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.
Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với ba động lực truyền thống này mà không có chính sách khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh, chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được.
Tại phiên khai mạc buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 là hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.
“Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Để lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh việc nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu và đẩy mạnh thương mại dịch vụ.
T.P