Dữ liệu hải quan Nga cho thấy xuất khẩu thực phẩm đã mang về nguồn thu lớn cho ngân sách nước này, bên cạnh các mặt hàng chủ lực như dầu và khí đốt. Trong bối cảnh mới, vị thế của Nga đối với nguồn cung lương thực toàn cầu đang tăng lên.
Trong cuộc phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti của Nga mới đây, quyền Giám đốc Cơ quan Hải quan Liên bang Nga (FCS) Ruslan Davydov cho biết xuất khẩu thực phẩm của Nga đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng, trở thành nguồn thu ngân sách lớn thứ ba của đất nước này sau dầu khí.
“Xuất khẩu tổ hợp nông-công nghiệp của chúng tôi đang tăng trưởng tốt. Tổng thống Vladimir Putin đã nói về điều này, chúng tôi thực tế đã vượt mục tiêu xuất khẩu so với năm ngoái. Hiện nay, chúng tôi chủ yếu xuất khẩu ngũ cốc và những mặt hàng khác như bơ, dầu thực vật, hướng dương. Đây có lẽ là những sản phẩm xuất khẩu chính của chúng tôi”, ông Davydov nói.
Theo người đứng đầu ngành hải quan Nga, các nhà nhập khẩu thực phẩm lớn nhất của Nga là Trung Quốc, các nước Trung Đông, Ai Cập và Kazakhstan.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Nga cho thấy nước này đã cung cấp 60 triệu tấn ngũ cốc trị giá 41,6 tỷ USD cho thị trường nước ngoài trong năm nông nghiệp 2022-2023 (từ 1/7/2022 đến 30/6/2023).
Năm 2022, Nga đã thu hoạch vụ mùa kỷ lục, gần 158 triệu tấn ngũ cốc và các loại đậu, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo Viện Nghiên cứu Thị trường Nông nghiệp (IKAR), nông dân Nga dự kiến sẽ thu hoạch tới 137 triệu tấn ngũ cốc, bao gồm 88 triệu tấn lúa mì trong năm nay.
Theo các chuyên gia, vụ thu hoạch ngũ cốc bội thu của Nga đã củng cố vị thế của nước này là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới và giúp giảm bớt áp lực về giá do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra, do các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine đã bị chặn. Họ cũng chỉ ra rằng do xuất khẩu của Nga cao kỷ lục nên giá lúa mì toàn cầu hiện đang ở mức thấp nhất trong gần 3 năm.
Trong nhiều năm liên tiếp Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất trên thế giới và hiện đang chiếm đến 20% thị trường toàn cầu. 138 quốc gia là khách hàng của ngũ cốc Nga.
Quyết định ngừng gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen của Nga hồi tháng 7 đã khiến cho thị trường lương thực toàn cầu căng thẳng trở lại sau hơn hai tháng dần ổn định. Theo các chuyên gia, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sụp đổ là đòn giáng mạnh vào thị trường lương thực thế giới.
T.P