Trên một hòn đảo lộng gió cách Seattle khoảng 80 km về phía bắc có một trạm giám sát của Hải quân Mỹ. Trong nhiều năm, nhiệm vụ của nơi này là theo dõi di chuyển của cá voi và đo nhiệt độ nước biển.
Mỹ hồi sinh hệ thống do thám tuyệt mật để đối phó Trung Quốc ảnh 1
Tàu ngầm Trường Chinh 11 của Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc duyệt binh hải quân ngoài khơi thành phố cảng phía đông Thanh Đảo, để kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân vào tháng 4/2019. (Ảnh: Reuters)
Tháng 10 năm ngoái, Hải quân Mỹ đặt tên mới cho đơn vị, thể hiện rõ hơn nhiệm vụ hiện tại của lực lượng này: Bộ Tư lệnh giám sát dưới biển.
Reuters dẫn thông tin từ 3 người nắm rõ kế hoạch cho biết, việc đổi tên trạm theo dõi ở căn cứ hải quân trên đảo Whidbey là một phần thuộc dự án quân sự lớn của Mỹ, nhằm hồi sinh chương trình do thám chống tàu ngầm của Mỹ từ sau Chiến tranh Lạnh.
Sự hồi sinh của chương trình trị giá hàng tỷ đô la, có tên là Hệ thống giám sát tích hợp dưới biển (IUSS), diễn ra trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại về nguy cơ xung đột nổ ra ở khu vực đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Dự án cải tạo IUSS chưa từng được báo chí đưa tin trước đây. Nó liên quan đến việc hiện đại hóa mạng lưới cáp gián điệp âm thanh dưới nước hiện có của Mỹ và trang bị thêm cho đội tàu giám sát các loại cảm biến tiên tiến và micro dưới biển, nhằm tăng cường khả năng do thám kẻ thù. Mỹ đã đồng ý bán cho Úc công nghệ tương tự để giúp đồng minh tăng cường khả năng phòng thủ ở khu vực Thái Bình Dương.
Đổi mới đáng kể nhất trong hệ thống do thám đại dương của Hải quân Mỹ là đầu tư vào công nghệ mới để thu nhỏ và toàn cầu hóa các công cụ giám sát dưới biển truyền thống.
Ba nguồn tin cho biết, mạng lưới cáp gián điệp cố định ban đầu nằm ở những vị trí bí mật dưới đáy đại dương, được thiết kế để theo dõi đội tàu ngầm của Liên Xô cách đây 7 thập kỷ.
Kế hoạch của Hải quân Mỹ bao gồm việc triển khai một đội tàu lặn không người lái xuống biển để lắng nghe tàu địch; đặt các cảm biến “vệ tinh dưới nước” để quét tàu ngầm; sử dụng vệ tinh để xác định vị trí tàu bằng cách theo dõi tần số vô tuyến; và sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với con người tự làm.
Sự tồn tại của IUSS chỉ được công bố vào năm 1991, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhưng những thông tin cụ thể về hoạt động của lực lượng này vẫn được giữ bí mật.
Reuters cho biết họ tập hợp các chi tiết về IUSS qua các cuộc phỏng vấn với hơn chục người tham gia, bao gồm 2 nhân viên hải quân đang làm về giám sát dưới biển, cố vấn cho Hải quân Mỹ và một số nhà thầu quốc phòng tham gia vào các dự án.
Hãng tin này cũng xem xét hàng trăm hợp đồng của Hải quân Mỹ, phát hiện ra ít nhất 30 thỏa thuận liên quan đến chương trình giám sát đã được ký kết trong 3 năm qua với các tập đoàn quốc phòng lớn và nhiều hãng khởi nghiệp về phát triển thiết bị không người lái dưới biển và xử lý AI. Việc xem xét dữ liệu theo dõi tàu và hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hoạt động đặt cáp dưới nước bí mật của Hải quân Mỹ.
IUSS thuộc quyền chỉ huy của Đại úy Stephany Moore, một sĩ quan tình báo kỳ cựu của Hải quân Mỹ. Chương trình thuộc quản lý của Lực lượng tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, do Chuẩn đô đốc Richard Seif đứng đầu.
Hai ông Moore và Seif từ chối yêu cầu phỏng vấn. Trả lời câu hỏi của báo chí, người phát ngôn của Lực lượng tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết họ không thể nói chi tiết về hệ thống giám sát dưới biển của mình vì “lý do an toàn hoạt động”.
Tim Hawkins, người phát ngôn của Hạm đội 5 Mỹ, trụ sở tại Trung Đông và là người chỉ đạo các cuộc thử nghiệm thiết bị không người lái trên biển của Mỹ, cho biết hải quân đang cải thiện khả năng giám sát từ “không gian đến đáy biển”, với mục đích vẽ ra bức tranh rõ ràng nhất về hoạt động quy mô toàn cầu.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang phát triển chương trình gián điệp hàng hải của riêng mình, được gọi là Vạn lý tường nước, hai nguồn tin của Hải quân Mỹ cho biết.
Hệ thống đó đang được xây dựng, bao gồm các dây cáp được trang bị cảm biến nghe sóng siêu âm đặt dọc đáy biển ở Biển Đông, nơi đang có những tranh chấp căng thẳng. Trung Quốc cũng xây dựng một đội tàu ngầm không người lái dưới nước và trên biển để truy tìm tàu ngầm của đối phương.
Chương trình của Trung Quốc kéo dài ra tận Thái Bình Dương. Năm 2018, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết họ đã vận hành hai cảm biến dưới nước: một ở rãnh Mariana, điểm sâu nhất được biết đến trên Trái đất; một chiếc ở gần Ya – hòn đảo thuộc Liên bang Micronesia.
Theo các nguồn tin từ Hải quân Mỹ, dù Trung Quốc nói rằng những cảm biến này phục vụ mục đích khoa học nhưng chúng có thể phát hiện chuyển động của tàu ngầm gần căn cứ hải quân của Mỹ trên đảo Guam thuộc Thái Bình Dương.
Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về những thông tin này.