Tuesday, January 7, 2025
Trang chủQuân sựLý do hệ thống phòng không Ukraine “bất lực” trước bom cũ...

Lý do hệ thống phòng không Ukraine “bất lực” trước bom cũ của Nga

Nga đã cải tiến các loại bom thông thường cũ, biến chúng trở thành mối đe dọa lớn đối với binh lính Ukraine. Những quả bom như vậy đặc biệt khó đánh chặn ngay cả với các hệ thống phòng không tiên tiến mà Kiev đang sử dụng như Patriot.

Bom lượn của Nga gắn trên Su-34.


Các chuyên gia quân sự cho rằng, những quả bom cũ từ thời Liên Xô của Nga là một thách thức lớn đối với Ukraine vì chúng rất khó bị đánh chặn ngay cả khi sử dụng những hệ thống phòng không tiên tiến nhất.

Ông Oleksiy Melnyk, thuộc Trung tâm Razumkov có trụ sở tại Kiev, đánh giá việc chống lại những quả bom thả từ trên không của Nga là “đặc biệt nan giải” đối với Ukraine.

Tên lửa phòng không công nghệ cao vốn được thiết kế để tấn công các mục tiêu nhẹ hơn và không được trang bị để chống lại những vũ khí cũ kỹ có kết cấu sắt nặng như các loại bom mà Nga đang sử dụng.

“Do đặc điểm kết cấu của bom và thực tế Nga có kho dự trữ dồi dào loại vũ khí này là vấn đề nghiêm trọng đối với Ukraine. Những quả bom đó có thể nặng từ 500-1.000kg”, ông Melnyk nói.

Ông cho rằng những quả bom “ngu” rơi tự do được thả từ máy bay khi bay ngang hoặc khi mũi máy bay hướng lên hay hướng xuống. Hướng căn chỉnh và độ cao của máy bay sẽ xác định rõ hơn quỹ đạo rơi của bom.

Thông thường, đánh bom theo cách như vậy có độ chính xác rất thấp, nhưng theo ông Melnyk, những quả bom 30-50 năm tuổi vẫn còn rất uy lực. Với kích thước lớn của một quả bom, việc phát hiện ra chúng không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào đánh chặn được chúng.

Bom hiếm khi bay trên không quá một phút và không giống như tên lửa hành trình hay máy bay không người lái (UAV) tấn công, chúng rất khó theo dõi, thường xuất hiện dưới dạng những chấm nhỏ trên màn hình radar và sớm biến mất sau đó. Các chuyên gia quân sự cho biết điều này khiến chúng trở thành loại vũ khí mà các hệ thống phòng không tiên tiến nhất Ukraine đang sử dụng, như Patriot được Mỹ cung cấp, cũng không thể đối phó được.

Việc thả bom cổ điển cũng đặt ra thách thức đối với quân đội Nga. Máy bay của họ phải bay vào vùng nguy hiểm của hệ thống phòng không đối phương để tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, Nga đã thích nghi và thay đổi chiến thuật.

Nga biến bom cũ thành bom dẫn đường có sức mạnh hủy diệt
Nga đã cải tiến những quả bom đơn giản, trang bị cho chúng hệ thống dẫn đường để tạo ra loại vũ khí thay thế hiệu quả và rẻ tiền cho tên lửa dẫn đường đắt tiền.

Hệ thống này tương tự như bộ dụng cụ JDAM-ER được Mỹ gửi cho Ukraine, giúp biến những quả bom không dẫn đường thành đạn dược dẫn đường chính xác.

Những quả bom cổ điển được trang bị bộ cánh và hệ thống dẫn đường, có thể phóng từ khoảng cách xa hơn. Chúng có thể tiếp cận mục tiêu cách xa 50km, từ vị trí nằm ngoài tầm hoạt động của hầu hết các hệ thống phòng không ở tiền tuyến. Những quả bom được cải tiến này chính xác hơn và trọng tải lớn của chúng có thể gây ra thiệt hại đáng kể.

Nga đã trang bị những bộ kit mới cho bom trọng lực FAB-500M-62 cũ từ thời Liên Xô và phóng chúng từ các máy bay Su-34 và Su-35.

“Cố gắng đánh chặn những quả bom này là không hiệu quả. Cách duy nhất để ngăn chặn là tấn công các máy bay được sử dụng để phóng những quả bom này”, ông Yury Ignat, người phát ngôn của Không quân Ukraine cho biết. Do đó, Ukraine liên tục nhấn mạnh rằng họ cần các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo trong kho vũ khí của mình.

Hồi tháng 4, tờ Kyiv Independent đưa tin rằng các loại bom dẫn đường hoặc bom lượn nâng cấp cũng đang được sử dụng để chống lại các đội hình quân sự của Ukraine nhằm “gây ra những đòn tấn công tàn khốc vào phòng tuyến và hậu phương của Ukraine”.

Những quả bom này cũng có ý nghĩa kinh tế đối với các nhà hoạch định quân sự Moscow. Theo truyền thông Nga, bộ kit dẫn đường có giá dưới 2 triệu rúp, tương đương khoảng 24.000 USD. Trong khi một tên lửa hành trình Kalibr của Nga trị giá gần 6,5 triệu USD.

“Đây là sự thay đổi của cuộc chiến trên không. Đầu tiên họ thử tên lửa hành trình và chúng tôi bắn hạ chúng. Sau đó, họ dùng UAV và chúng tôi cũng bắn hạ chúng. Họ liên tục tìm kiếm giải pháp để tấn công và chúng tôi cũng đang tìm kiếm giải pháp để đánh chặn”, Trung tá Denys Smazhnyi của Lực lượng Không quân Ukraine cho biết, theo The New York Times.

Điều gì đã xảy ra với hệ thống Patriot?
Hồi tháng 5, Ukraine tuyên bố đã đánh chặn thành công tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga bằng hệ thống Patriot. Tuy nhiên sau đó, không có tin tức nào về hệ thống phòng không này.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, cựu chuyên gia phân tích tình báo CIA Larry Johnson cho rằng hệ thống Patriot đã bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng tên lửa Kinzhal của Nga hồi tháng 5 và Mỹ không còn cung cấp hệ thống tên lửa phòng không này cho Ukraine.

“Chúng tôi đã không nghe thấy bất kỳ tin tức nào về Patriot trong nhiều tháng. Nó được gửi đến Ukraine nhưng đã bị nổ tung. Có vẻ như nó đã bị phá hủy hoặc đang được sửa chữa, nhưng chắc chắn nó không còn được sử dụng trên chiến trường”, chuyên gia Mỹ lưu ý.

Theo Johnson ông, sau sự cố này, Mỹ đã ngừng cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không Patriot và chỉ chuyển giao các thiết bị và máy móc quân sự ít quan trọng hơn cho Kiev.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới