Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThủy điện trên sông Hồng: Điều nguy hiểm nhất

Thủy điện trên sông Hồng: Điều nguy hiểm nhất

Theo người tham gia đề xuất dự án đập dâng sông Hồng, các thủy điện cho lượng điện năng nhỏ trong khi vùng hạ lưu suy kiệt vì không có phù sa.

Đồng bằng sông Hồng kiệt phù sa

GS.TS Trương Đình Dụ, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là người tham gia đề xuất dự án đập dâng trên sông Hồng.

Tuy nhiên, khi trao đổi về dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện do Công ty TNHH Xuân Thiện (thuộc Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất, ông tỏ ra rất thận trọng bởi dự án sẽ tác động lớn đến môi trường, sinh thái, đời sống của người dân vùng ĐBSH.

Theo GS.TS Trương Đình Dụ, dự án do Xuân Thiện đề xuất có mục tiêu chính là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng – Việt Trì và Hà Nội – Lạch Giang, còn thủy điện chỉ là kết hợp.

Tổng mức điện năng dự án này dự kiến cung cấp không nhiều và hoàn toàn có thể sản xuất bằng nguồn khác, trong khi đó nếu xây dựng 6 thủy điện trên sông Hồng sẽ vô cùng phức tạp.

Nhà khoa học chỉ ra một số điểm quan trọng mà chủ đầu tư phải tính toán và trả lời được trước khi thực hiện dự án.

 

Thứ nhất, công trình có đảm bảo thoát lũ không? Một khi xây thủy điện, các trụ van của công trình sẽ chiếm mất diện tích lòng sông khiến mùa mưa khó thoát lũ. Vì vậy, chủ đầu tư phải đảm bảo về mùa lũ sẽ trả lại diện tích lòng sông tự nhiên.

“Chúng tôi đề xuất thời gian tới Hà Nội cần làm các đập dâng trên sông Hồng. Công trình này có kết cấu đặc biệt, cao khoảng từ 6-10m và không có trụ gì. Về mùa khô, đập được dựng lên giữ nước. Và khi mùa lũ đến, đập được cho nằm rạp xuống đáy sông, trả lại diện tích lòng sông bình thường như khi không có công trình”, ông Dụ cho biết.

Thứ hai, công trình phải đảm bảo khi dâng nước lên không gây ngập lụt cho thượng lưu, khiến mất đất, mất dân.

Thứ ba, đây là điểm được GS.TS Trương Đình Dụ đặc biệt nhấn mạnh. Thông thường, về mùa lũ, phù sa sẽ chảy hạ lưu, bồi đắp cho vùng châu thổ sông hồng. Tuy nhiên, khi xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn như Hòa Bình, Sơn La, phù sa đã bị giữ lại rất nhiều. Chưa kể, tình trạng khai thác cát tự do càng làm cho lòng sông Hồng bị xói nghiêm trọng.

Giờ đây, nếu xây dựng hàng loạt thủy điện trên sông Hồng nữa, các công trình này sẽ tiếp tục giữ toàn bộ bùn cát và phù sa còn lại khiến dòng chảy trong veo, các vùng hạ lưu bị xói sâu. Đặc biệt, toàn bộ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng bị “đói” phù sa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và tương lai không xa, vựa lúa của khu vực sẽ mất.

Do đó, chủ đầu tư làm thế nào phải điều tiết công trình để đảm bảo dòng chảy tự nhiên của sông Hồng, đặc biệt là về mùa mưa. Nhưng làm được điều này rất khó bởi một khi xây dựng thủy điện, chủ đầu tư luôn muốn tích nước để phát điện, kéo theo ảnh hưởng đến lượng bùn cát và phù sa về hạ lưu.

“Như vậy, trước khi làm dự án này, chủ đầu tư phải chứng minh nhiều mặt: tính thoát lũ, đảm bảo phù sa cho hạ lưu, không gây ngập úng… Các tỉnh vùng thượng lưu có thể muốn có dự án này vì về mùa khô, họ vẫn được đảm bảo có nước, chưa kể các hồ sẽ tạo nên cảnh quan môi trường sinh thái rất đẹp. Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là các vùng hạ lưu sẽ không có phù sa về mùa mưa”, ông Dụ nhấn mạnh.

Cẩn trọng khi giao nguồn nước vào tay tư nhân

Theo GS.TS Trương Đình Dụ, trước đây Bộ GTVT từng có một dự án trên sông Hồng nhưng mục đích là để phát triển giao thông thủy và họ đề xuất làm các bậc âu thuyền, tuyệt đối không đề xuất làm thủy điện.

Tuy nhiên, với dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện, ông Dụ cho rằng, nhà đầu tư muốn làm các đập thủy điện để có thêm lãi, bên cạnh thu nhập chính từ phí giao thông.

“Chủ trương làm thủy điện trên sông Hồng rất phản cảm vì lượng điện năng không được bao nhiêu, trong khi nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến vùng hạ lưu. Như đã nói ở trên, về mùa khô, nước sông Hồng trong do phù sa về rất ít, chỉ còn hy vọng vào mùa mưa. Nhưng khi có lũ lớn, thủy điện mới xả nước, còn bình thường họ ngăn lại, từ Hà Nội trở xuống sẽ không có phù sa”, GS.TS Trương Đình Dụ nói.

Bởi thế, ông hết sức lo ngại nếu nguồn nước quan trọng như sông Hồng lại giao cho một doanh nghiệp tư nhân, quyền mở/xả nước nằm trong tay họ. Chưa kể, theo đề xuất, dự án sẽ được đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng-sở hữu-vận hành) tức là sẽ không có thời hạn, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư có thể sở hữu hoàn toàn sông Hồng.

“Nguồn nước sông Hồng là tài sản của quốc gia, không thể giao hẳn cho tư nhân để họ khai thác mãi, muốn làm gì thì làm. thậm chí chuyển nhượng cho ai cũng được. Nếu họ chuyển nhượng cho nước ngoài thì coi như ta mất chủ quyền.

Như chuyện bùn cát, phù sa có về được hạ lưu không, cái này thuộc về quy trình vận hành, một khi đã giao vào tay tư nhân, ai kiểm soát được quy trình ấy? Về mùa mưa đang lẽ để dòng chảy tự nhiên nhưng nhà máy thủy điện cứ giữ nước để phát điện, ai kiểm soát được?

Việt Nam có rất nhiều dự án cầu, đường do tư nhân đầu tư, nhưng sau khi khai thác trong vòng mấy chục năm, hoàn vốn xong họ phải bàn giao công trình lại cho Nhà nước. Với công trình nằm trên sông cũng phải vậy”, GS Dụ nhấn mạnh.

Phải nghiên cứu thật kỹ dự án này, thậm chí thuê các chuyên gia trong và ngoài nước chứng minh tính khả thi, hiệu quả của nó. Trước khi quyết định xây dựng công trình cần có một quy hoạch hoàn chỉnh, trong đó giải quyết tất cả các vấn đề nêu trên, nếu thấy thỏa đáng thì mới làm, còn nếu lợi thì ít mà cái mất thì nhiều thì tốt nhất nên dừng lại, GS.TS Trương Đình Dụ nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới