Sunday, November 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThan đá của tương lai’ châm ngòi cuộc chiến mới giữa Mỹ...

Than đá của tương lai’ châm ngòi cuộc chiến mới giữa Mỹ và TQ

Tập đoàn pin lithium Albemarle Corp. của Mỹ đã thất bại trong việc mua lại doanh nghiệp sở hữu mỏ lithium tiềm năng nhất tại Australia. Điều này đã góp phần khiến tham vọng thống trị lĩnh vực pin lithium của Mỹ chững lại một bước và tụt lại so với Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đều không ai chịu nhường ai trong cuộc chiến lithium.

Vào tháng 3/2023, Albemarle đã bày tỏ mong muốn mua lại công ty Liontown Resources Ltd của Australia, doanh nghiệp sở hữu mỏ lithium tiềm năng nhất quốc gia này.

Tuy nhiên, sau khi tỷ phú Gina Rinehart, bà trùm khai mỏ của Australia trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Liontown với 19,9% cổ phần công ty, thương vụ mua bán lớn nhất ngành khai thác quặng pin kể trên đã không thể thành hiện thực.

Thương vụ với Liontown đổ bể khiến tập đoàn pin của Mỹ phải tìm kiếm các khu mỏ khác ở Australia. Tuy nhiên, trước mắt, tập đoàn pin của Mỹ khó có thể tìm thấy được một ứng viên tiềm năng như Liontown. Điều này cũng làm tham vọng kiểm soát chuỗi cung ứng lithium của Mỹ gặp trở ngại, nhất là trong bối cảnh các cường quốc trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc đang dốc hết sức trong cuộc đua này.

Lithium là một thành phần quan trọng trong sản xuất pin lithium-ion được sử dụng ở nhiều thứ, từ điện thoại di động đến ô tô điện. Liên hợp quốc từng ví lithium như “vàng trắng” và là “trụ cột của nền kinh tế không nhiên liệu hóa thạch”.

Lithium được xem là nguồn khoáng sản của tương lai và có tầm quan trọng như than đá trong cuộc cách mạng công nghiệp hóa diễn ra vào 2 thế kỷ trước. Chỉ trong vòng 2 năm, giá của lithium đã tăng hơn 500% và sự phát triển của xe điện dự kiến sẽ khiến nhu cầu về lithium tăng gần gấp 5 lần vào năm 2030.

Tầm quan trọng của lithium đã châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh mới giữa các cường quốc, trong đó căng thẳng nhất là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả hai đều nỗ lực “chạy đông, chạy tây” để tìm kiếm lợi thế.

Trung Quốc hiện đang kiểm soát và tinh chế 60% sản lượng lithium của thế giới. Vào năm 2020, sản lượng sản xuất lithium của Trung Quốc đã cao gấp 15 lần so với Mỹ. Chỉ 5 công ty của Trung Quốc đã chịu trách nhiệm cho khoảng 3/4 sản lượng lithium toàn cầu.

Sự thống trị này không xảy ra một cách ngẫu nhiên hay mang tính may rủi. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã chi hơn 60 tỷ USD để xây dựng chuỗi cung ứng lithium trong khi các khoản đầu tư của Mỹ vào ngành công nghiệp này lại đang thụt lùi về phía sau.

Không chỉ phát triển ở trong nước, Trung Quốc còn để mắt đến các mỏ quặng lithium ở các quốc gia khác từ rất sớm, nhất là ở các khu vực có trữ lượng lithium dồi dào như châu Mỹ Latinh và châu Phi.

Các công ty Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào nguồn cung lithium ở châu Phi và châu Mỹ Latinh ngay từ khi giá lithium còn đang ở mức thấp. Ông Hadley Natus, chủ tịch của Tantalex, một nhóm khai thác lithium ở Cộng hòa Dân chủ Congo thừa nhận rằng Trung Quốc đã bỏ tiền vào lithium rất lâu trước khi có người khác làm vậy.

Theo dữ liệu do Rystad và Benchmark tổng hợp, trong hai năm qua, các công ty Trung Quốc đã chi 4,5 tỷ USD mua cổ phần tại gần 20 mỏ lithium, hầu hết ở khu vực châu Mỹ Latinh và châu Phi bất chấp nhiều quốc gia có lịch sử bất ổn về chính trị và đi theo chủ nghĩa dân tộc tài nguyên.

Các công ty Trung Quốc cũng xâm nhập Zimbabwe, nơi được ước tính có trữ lượng lithium chưa được khai thác lớn nhất châu Phi. Vào tháng 3 năm nay, nhà máy cô đặc lithium đầu tiên do Trung Quốc sở hữu ở châu Phi đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm tại Arcadia, Zimbabwe.

Sau Zimbabwe, Namibia là quốc gia tiếp theo lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư Trung Quốc. Công ty Huayou Cobalt của Trung Quốc đã giành được chỗ đứng tại Erongo với khoản đầu tư nhỏ nhưng mang tính biểu tượng vào Askari, một công ty khai thác lithium. Xinfeng, một công ty thăm dò Trung Quốc hoạt động tại Erongo, đã khai thác hàng chục nghìn tấn quặng lithium thô và vận chuyển sang Trung Quốc.

Sau khi Argentina, quốc gia chiếm 21% trữ lượng lithium toàn cầu, tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc thì tháng 7/2022, một công ty Trung Quốc đã hoàn tất thỏa thuận trị giá gần 1 tỷ USD để tiếp quản một công ty lithi của Argentina.

Các công ty khai thác mỏ Trung Quốc cũng đang nhắm đến và cam kết đầu tư hàng triệu USD vào nhiều dự án khai thác lithium mới ở Argentina.

Một tập đoàn lớn của Trung Quốc là Tsingshan Holding hứa hẹn đầu tư 120 triệu USD vào nhà máy xử lý clo kiềm ở Jujuy và 770 triệu USD vào dự án lithium Salar Centenario-Ratones ở tỉnh Salta. Dự án này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2024 với công suất 24.000 tấn mỗi năm.

Vào cuối năm 2023, mỏ lithium Olaroz-Cauchari thuộc sở hữu của công ty Exar với hai cổ đông lớn nhất là Jiangxi Ganfeng Lithium Co. Ltd (Trung Quốc) và Lithium Americas Corp (Canada) sẽ đi vào hoạt động và gửi 40.000 tấn lithium/năm sang Trung Quốc như một phần của thỏa thuận.

Tại Bolivia, nơi chiếm 1/5 trữ lượng lithium toàn cầu, một tập đoàn Trung Quốc cũng đã đạt được một thỏa thuận ở La Paz về phát triển 2 nhà máy lithium. Doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào giai đoạn đầu tiên của dự án.

Ông Jorge Serrano, chuyên gia an ninh và thành viên nhóm cố vấn của Ủy ban Tình báo Quốc hội Peru nhận định hầu hết các mỏ lithium tại tam giác lithium, bao gồm Argentina, Bolivia và Chile – nơi chiếm khoảng 55% trữ lượng thế giới đều có sự hợp tác với các công ty Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc đang ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng và sự thống trị của mình trên thị trường lithium toàn cầu thì Mỹ cũng đang dốc hết sức để bắt kịp đối thủ trong cuộc đua này.

Mặc dù có nguồn lithium tới 9,1 triệu tấn, nhiều hơn con số 5,1 triệu tấn của Trung Quốc nhưng trữ lượng lithium có thể khai thác hiện tại của Mỹ chỉ ở mức 750.000 tấn và Mỹ chỉ có một mỏ lithium duy nhất đang hoạt động ở bang Nevada.

Cuộc chiến lithium của Mỹ thực sự bắt đầu dưới thời của Tổng thống Donald Trump khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, phát triển chính sách chiến lược nhằm kiểm soát trữ lượng lithium của thế giới.

Theo ông Trump, Mỹ cần phải phát triển một chính sách táo bạo hơn trong bối cảnh Trung Quốc đang đạt được nhiều tiến bộ trong ngành công nghiệp lithium và việc quốc gia châu Á kiểm soát lithium có thể trở thành mối đe dọa đối với an ninh, ngành công nghiệp và các lợi ích chiến lược của Mỹ.

Chưa kể, ngày càng nhiều bang của Mỹ như California và New York lên kế hoạch ngừng bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2035.

Điều này đồng nghĩa với Mỹ đang phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm và phát triển các mỏ lithium. Lo ngại tình trạng thiếu hụt lithium trầm trọng hơn vào cuối thập kỷ này còn khiến cả các nhà sản xuất ô tô như General Motors đầu tư vào các mỏ lithium.

Trước những tiến bộ đáng kể của Trung Quốc tại các khu vực quan trọng trong khai thác lithium, Mỹ đã phản ứng bằng cách tận dụng quyền lực chính trị ở những nơi có thể để ngăn chặn các công ty Trung Quốc.

Tại Mexico, nơi có trữ lượng lithium lên tới 1,7 triệu tấn – “miếng bánh ngọt” mà cả Mỹ và Trung Quốc đều đang khao khát, Mỹ đã nỗ lực ngăn chặn một công ty Trung Quốc tham gia khai thác lithium tại đây.

Canada cũng đã yêu cầu 3 công ty Trung Quốc thoái vốn khỏi các công ty khoáng sản với lý do an ninh quốc gia. Cả Mexico và Canada đều tham gia thỏa thuận USMCA với Mỹ và khi vắng bóng các doanh nghiệp Trung Quốc, những mỏ lithium của 2 quốc gia này sẽ “cởi mở” hơn với đầu tư của Mỹ.

Vào cuối tháng 3/2023, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có chuyến công du châu Phi kéo dài một tuần. Trong cuộc gặp Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan ngày 30/3, Phó tổng thống Harris cho hay, Tanzania đang xây dựng một cơ sở chế biến khoáng sản quan trọng với sự hỗ trợ của Mỹ và cơ sở này sẽ cung cấp niken cấp pin cho Mỹ cũng như thị trường toàn cầu vào năm 2026.

Trước đó, vào cuối năm ngoái, Mỹ đã ký kết một biên bản ghi nhớ với CHDC Congo (DRC) và Zambia nhằm giúp hai nước này thiết lập chuỗi cung ứng mới về pin cho xe điện. Điều này có thể giúp Mỹ đặt một chân vào thị trường lithium dồi dào tại đây.

Một mặt tích cực tham gia vào khai thác mỏ lithium ở nước ngoài và cố gắng giảm thiểu sức ảnh hưởng của Trung Quốc, mặt khác, Mỹ cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung lithium nội địa.

Đầu năm 2021, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê duyệt kế hoạch khai thác mỏ lộ thiên trị giá 1 tỷ USD tại đèo Thacker, Nevada, trong một khu đất thuộc sở hữu của nhà nước rộng hơn 2.000 ha. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi lên nắm quyền, cũng đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch còn đang dang dở.

Các dự án khai thác, chiết xuất lithium mới và tiềm năng đang trong những giai đoạn phát triển khác nhau của Mỹ ở các bang bao gồm Nevada, North Carolina, California và Maine.

“Cơn khát” lithium buộc cả Mỹ và Trung Quốc phải “chạy Đông, chạy Tây” để tìm nguồn cung. Thế nhưng, khi Trung Quốc đã cắm rễ sâu ở nhiều quốc gia có trữ lượng lithium dồi dào thì dường như Mỹ mới chỉ bắt đầu rời khỏi vạch xuất phát.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới