Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐối thoại với Triều Tiên là cách duy nhất

Đối thoại với Triều Tiên là cách duy nhất

Chẳng có chứng cứ về việc những biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong nhiều năm qua đã tác động tới hành vi của Triều Tiên.

BBC ngày 7/5 đưa tin, một nhóm những nhà khoa học từng đoạt giải Nobel đã kêu gọi quốc tế nới lỏng lệnh cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên. Phát biểu trong một cuộc họp tại bắc Kinh sau khi đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng, những nhà khoa học này cho rằng lệnh trừng phạt đã gây nguy hại đến sức khỏe của người dân Triều Tiên và ảnh hưởng tới giới khoa học tại quốc gia này.

“Chúng tôi đến Bình Nhưỡng không phải để chỉ trích chính phủ Triều Tiên. Chúng tôi thực sự đến để đối thoại và trao đổi với sinh viên… Bạn không thể biến thuốc kháng sinh thành bom hạt nhân… Bạn không gây sức ép cho người khác bằng cách làm họ trở nên đau ốm”, “nhà Nobel” hoá học 2004 Aaron Ciechanover đã phát biểu như vậy. 

Chuyến thăm này được tổ chức bởi Qũy Hòa Bình thế giới (IPF). Phái đoàn gồm có Giáo sư Finn Kydland, người đoạt giải Nobel kinh tế, Richard Roberts, người được giải Nobel Y khoa, Aaron Ciechanover, người giành giải Nobel Hóa học, Hoàng tử Afred của Liechtenstein và Chủ tịch IPF, ông Uwe Morawetz.

Lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn đã được thắt chặt thêm vào năm nay sau khi nước này tuyên bố đã tiến hành thử bom hydro và phóng tên lửa đạn đạo. Chuyến thăm của những nhà khoa học gần với dịp Đại hội đảng Lao động Triều Tiên, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un ca ngợi “đại thành công” của đất nước về lĩnh vực hạt nhân.

Lệnh trừng phạt được Liên Hợp Quốc chấp thuận bao gồm lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu sử dụng cho việc sản xuất quân sự và hạt nhân, cũng như hạn chế hàng xa xỉ và lĩnh vực ngân hàng.

Nghị quyết này nhấn mạnh, lệnh trừng phạt loại này đã trừ tác động nhân đạo không mong muốn đối với dân thường, những người hiện đang đối mặt với khó khăn về tài chính và thiếu thốn thực phẩm, theo BBC.

Ai cũng hiểu rằng lệnh cấm vận đối với một quốc gia, một nhà nước hay một chế độ luôn là sản phẩm của chính trị, dù nó được thực thể, định chế hay tổ chức nào ra quyết định và áp đặt. Đặc biệt với việc theo đuổi chính sách phát triển vũ khí hạt nhân của nhà nước Triều Tiên thì lệnh cấm vận đối đất nước này là sự kiềm chế về chính trị của cộng đồng quốc tế.

Và hầu hết hậu quả của những lệnh cấm vận đều làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của những người dân thường, bởi họ là những người nhận lãnh trực tiếp nhất tác động kép của lệnh cấm vận. Tác động từ lệnh cấm vận của quốc tế và tác động ngược của biện pháp chống cấm vận của chính quyền. Vì vậy, người dân mới là những người trực tiếp bị cấm vận.

Bởi vậy dù dựa trên bất cừ cơ sở nào, vì bất cứ lý do gì thì những khuyến cáo của những nhà khoa học về tác hại của lệnh cấm vận mà quốc tế đang áp đặt đối với xứ Bắc Hàn đều là những lời góp ý có giá trị và cần lắng nghe đối với nhừng cá nhân, những tổ chức luôn nhìn nhận và sử dụng lệnh cấm vận như công cụ hữu hiệu cho mục đích chính trị của mình.   

Cấm vận là hành động chủ quan, trái với nguyên lý tồn tại của thực thể chính trị

Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển luôn là những nguyên lý cơ bản của sự tồn tại thế giới, xã hội và con người. Những đối thủ – đối tác, cạnh tranh – triệt hạ, hội nhập – cô lập…đều là những hệ quả của những nguyên lý cơ bản này.

Các thực thể, chủ thể không thể tồn tại độc lập mà luôn có mối liên hệ qua lại với nhau và cùng phát triển.

Khi những chủ thể, thực thể phát triển thì những tác động qua lại giữa các chủ thể, thực thể hay mối quan hệ cũng được nâng tầm. Vì vậy, tất cả những sự quản chế với cá nhân, phong toả với tổ chức hay cầm vận với quốc gia, chế độ nào đó đều là ngăn chặn sự tác động của mối quan hệ, kiềm chế sự phát triển của các chủ thể ấy.

Đây là một hành động chủ quan nhằm hạn chế giá trị của những nguyên lý khách quan nên luôn trái quy luật của sự tồn tại và chắc chắn sẽ không mang lại kết quả như người áp đặt mong muốn. Bởi lẽ chính trị cũng là một khoa học, vì vậy những thực thể chính trị cũng ra đời và tồn tại theo nguyên lý cơ bản.

Phái đoàn những nhà khoa học đến Bình Nhưỡng và có ý kiến nới lỏng lệnh cấm vận đối với Triều Tiên. Ảnh: BBC.

Nhà nước là thực thể chính trị của nhân dân, hay nói cách khác nhân dân là nền tảng cho sự ra đời và tồn tại của nhà nước, của chế độ chính trị. Nhân dân là lực lượng quyết định sự tồn tại của nhà nước. Nhà nước và nhân dân là lý do cho sự tồn tại của nhau. Khi cấm vận nhà nước nghĩa là thực hiện cấm vận đối với nhân dân.

Bởi thế, dù nguyên nhân của bất cứ lệnh cấm vận nào đều xuất phát từ nhà nước – nghĩa là xung đột lợi ích chính trị, nhưng mục đích thì lại luôn hướng tới nhân dân. Cho nên nhân dân các quốc gia bị cấm vận luôn là người lãnh nhận hậu quả nặng nề và trực tiếp nhất từ tác động của lệnh cấm vận khi nó được áp đặt và kiệm soát thực thi. 

Từ trước tới nay, khi khái niệm cấm vận được sử dụng cho hành động hạn chế quan hệ hay cô lập các quốc gia vì những xung đột chính trị thì người dân các quốc gia ấy luôn phải đứng ra gánh hậu quả. Và có thể khẳng định rằng, chưa một nhà nước nào, một chế độ nào bị sụp đổ vì cấm vận.

“Điều này xảy ra với các biện pháp trừng phạt do Mỹ hậu thuẫn nhằm vào Iraq trong những năm 1990. Các biện pháp trừng phạt gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với rất nhiều người dân vô tội. Joy Gordon của Đại học Loyola ở Chicago đã ước tính rằng các biện pháp trừng phạt này khiến 670.000 – 880.000 trẻ em tử vong”, theo Rethinking Sanctions, 11/01/2016.

Thậm chí Giáo sư Kenneth Rogoff, Đại học Harvard còn nhận định: “Những tác động của lệnh trừng phạt thường khá đáng thất vọng – tới mức mà các học giả đã đi đến kết luận rằng, các biện pháp này thường được áp đặt để chính quyền có thể tỏ vẻ trước người dân trong nước là họ đang làm một điều gì đó, như lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba”.

Tóm lại, người ta không nhìn thấy sự hợp lý trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt, vì vậy nó không thể đạt được mục tiêu khi người ta muốn áp đặt. Nhưng tác động trái chiều của lệnh cấm vận thì buộc người ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc, thậm chí cần thiết phải có một cách tiếp cận mới về khái niệm và tác dụng của lệnh cấm vận, theo như lời cựu Tổng thư kÝ Liên Hợp Quốc Kofi Annan.

Những phản tác dụng của cấm vận

Việc người dân vô tội nhận lãnh hậu quả do ảnh hưởng của lệnh cấm vận là một trong những tác dụng không mong muốn của các cá nhân hay tổ chức thực hiện việc áp đặt lệnh cấm vận lên các thực thể chính trị. Tuy nhiên, đó không phải là tác dụng ngược của lệnh cấm vận, bởi lẽ người ta biết rõ điều ấy trước khi áp đặt cấm vận.

Những phản tác dụng của lệnh cấm vận thể hiện ở việc tương kế tựu kế của lực lượng cầm quyền và cảm giác thất vọng của người dân khi phải khổ sở vì cấm vận. Đây là hệ quả của tâm lý “cái khó ló cái khôn” thời cấm vận. Cái khôn “ló” ra được bao nhiêu, gây phản tác dụng như thế nào phụ thuộc vào tài năng của lãnh đạo và khả năng của lực lượng cầm quyền.

Khách du lịch nước ngoài tới Triều Tiên – dù bị kiểm soát – chứng tỏ lệnh cấm vận không phải luôn có tác dụng. Ảnh: Reuters.

Song dù phản tác dụng đạt mức độ nào thì cũng đều là vô hiệu hoá tác dụng của cấm vận, thậm chí làm chệch hướng mục tiêu, đổi hướng mục đích của cấm vận. Vì vậy, cấm vận là con dao hai lưỡi và áp đặt lệnh cấm vận được xem là chơi dao hai lưỡi nên luôn có nguy cơ bị đứt tay với phản tác dụng của lệnh cấm vận.

Điều dễ nhận ra nhất ở việc áp đặt lệnh cấm vận luôn là mục đích gián tiếp, mượn tay nhân dân trừng phạt chính quyền nước bị cấm vận, thông qua việc gây chia rẽ mối quan hệ chính quyền – nhân dân, từ đó gây bất ổn xã hội. Tuy nhiên, khi người dân chịu cực khổ vì cấm vận thì họ chỉ nghĩ được là do cấm vận nên cuộc sống của họ phải khốn khó.

Và đó là cơ hội cho chính quyền thực hiện hành động vì dân của mình với phương châm: hành động nhỏ, hiệu quả cao và ý nghĩa lớn. Đó là tác dụng của “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi người dân đã mệt mỏi vì cấm vận thì chính quyền chỉ cần sử dụng nguồn lực ít nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất. 

Và hiệu quả cao nhất nhìn thấy sẽ là sự đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền và nhân dân thời cấm vận. Khi nấc thứ nhất của thang nhu cầu – nhu cầu vật chất – còn chưa được thoả mãn thì người dân đâu còn nghĩ gì tới những nấc thang khác. Thế là chính quyền và người dân có thể chung tay vượt qua nghịch cảnh và mục đích luôn là chiến thắng kẻ thù đã làm hại cho người dân đất nước.

“Tôi nghĩ thông báo về vụ thử hạt nhân lại phát một thông điệp rằng Triều Tiên là một cường quốc mà các nước phải quan tâm. Họ muốn phần còn lại của thế giới phải nhìn nhận họ một cách nghiêm túc”, Mike Chinoy, tác giả của cuốn sách “Sự sụp đổ: Câu chuyện bí mật của khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên” đã bình luận về thông báo của Triều Tiên trong vụ thử thành công bom nhiệt hạch, theo CNN ngày 7/1/2016.

Những cái phản tác dụng này vô hiệu hoá rất hiệu quả mục tiêu của cấm vận đối với các nước mà nền chuyên chế của chính thể còn mạnh mẽ hay lãnh đạo có tài và chính quyền có sức mạnh. Cấm vận có thể kéo lùi sự phát triển của một quốc gia, một đất nước đến hàng thập kỷ, có thể khiến cho người dân các quốc gia bị cấm vận không tiếp xúc được với nền văn minh nhân loại. 

Và đó có thể xem là kết quả thiết thực của việc áp đặt lệnh cấm vận, xong đó cũng là điểm tối nhất, sự nhẫn tâm nhất của việc áp lệnh cấm vận đối với một quốc gia, một đất nước. Tính hai mặt của cấm vận luôn là những thôi thúc, những nhắc nhở đối với những cá nhân, tổ chức muốn sử dụng lệnh cấm vận làm công cụ giải quyết những xung đột chính trị.

“Mọi lựa chọn đối với Triều Tiên đều tồi tệ. Cộng đồng quốc tế chẳng có chứng cứ về việc những biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc trong nhiều năm qua đã tác động tới hành vi của Triều Tiên, ngay cả khi chúng gây tổn thất đối với nền kinh tế Triều Tiên ở mức độ nào đó.

Vì thế, áp đặt thêm lệnh trừng phạt sẽ không thể dẫn tới kết quả mà các nhà lãnh đạo thế giới mong muốn. Đối thoại với Triều Tiên là cách duy nhất”, Chinoy kết luận.

Người viết cho rằng, việc áp lệnh cấm vận chỉ đơn thuần là sử dụng các công cụ mang tính chính trị để giải quyết hay kiềm chế những xung đột mang tính chính trị. Vì vậy phải vận dụng, sử dụng cấm vận làm sao chỉ ảnh hưởng tới những thực thể chính trị gây hậu hoạ cho thế giới, cộng đồng hay những thực thể chính trị khác.

Nếu cấm vận ảnh hưởng tới những lực lượng khác, những thực thể khác trong xã hội, nhất là dân thường vô tội thì đó là hành động nhẫn tâm. Và như lời của Giáo sư Richard Roberts, người từng được giải Nobel Y khoa: “Sự cấm vận này thực sự làm tổn thương những nhà khoa học và đó là một điều đáng xấu hổ”.   

Tóm lại, khi những nhà khoa học lên tiếng về những tác động trái chiều về lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, thì không phải vì họ thiện cảm với bộ máy chính quyền Bình Nhưỡng, mà đó là lời cảnh báo về một hành động cực đoan trái quy luật, trái nguyên lý của sự tồn tại và phát triển của thế giới.

Bởi lẽ ấy cấm vận và việc áp đặt lệnh cấm vận không phải là việc làm chuẩn xác và cần thiết. Nó sẽ không lại kết quả như mong muốn của bất kỳ ai, tổ chức nào muốn sử dụng nó cho lợi ích của riêng mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới