Một nghi can xả súng làm 2 người bị thương ở tỉnh Saitama, Nhật Bản, trước khi trốn vào một bưu điện và bắt giữ con tin.
Ngày 31-10, chính quyền xác nhận một tay súng đã bắt giữ một số người làm con tin bên trong một bưu điện ở tỉnh Saitama sau khi xả súng ở một nơi khác.
“Vào khoảng 14h15 chiều hôm nay (5h15 GMT), một người đã bắt con tin và ẩn náu tại bưu điện ở khu vực Chuo 5 thuộc thành phố Warabi… Có vẻ hung thủ có súng”, Hãng tin AFP dẫn thông báo của chính quyền thành phố.
Theo Đài NHK, cảnh sát nhận được thông báo vào khoảng 13h chiều (giờ địa phương) rằng có tiếng súng ở Bệnh viện Đa khoa Toda Chuo tại thành phố Toda. Một nhân viên bệnh viện kể lại rằng đạn bắn từ phía ngoài đường vào trong bệnh viện. Hai người bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Xả súng làm 2 người bị thương, nghi can tiếp tục bắt giữ con tin ở Nhật Bản
Tay súng, được cho là khoảng 40-50 tuổi, bỏ trốn bằng xe máy. Sau đó, một bưu điện ở thành phố Warabi, cách bệnh viện nói trên khoảng 1,5km, đã gọi báo về một người đàn ông mang súng xuất hiện tại đây.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy người đàn ông bên trong bưu điện đội mũ bóng chày, mặc áo trắng, bên trong áo khoác tối màu và mang vật giống như một khẩu súng có dây đeo cổ.
Nhật báo Yomiuri đưa tin khoảng 10 nhân viên bưu điện có thể đang ở bên trong tòa nhà, đồng thời cho biết có thể người đàn ông này mang theo dầu hỏa.
Cảnh sát đang kêu gọi người dân địa phương tránh xa khu vực và nhân viên bệnh viện làm theo hướng dẫn của chính quyền. Đài NHK đưa tin Sở Cảnh sát Tokyo đã cử một đơn vị chuyên trách xử lý các tình huống và sự cố liên quan đến bắt cóc con tin đòi tiền chuộc.
Nhật Bản được đánh giá là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới nhờ luật kiểm soát súng nghiêm ngặt. Luật pháp về cơ bản cấm công dân sở hữu, mang theo hoặc mua bán súng. Nhập khẩu các bộ phận của súng cũng là bất hợp pháp, trừ khi người đó có giấy phép sử dụng súng.
Trong khoảng một thập kỷ qua, các vụ án liên quan đến xả súng ở nước này dao động từ 10 đến 50 vụ mỗi năm, hầu hết có liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức.
Vào năm 2021, dữ liệu của cơ quan cảnh sát Nhật Bản cho thấy có 177.719 khẩu súng được cấp phép, chủ yếu phục vụ mục đích săn bắn.