Sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor cùng nhiều công trình khác đang được kỳ vọng sẽ giúp Campuchia trở thành quốc gia phát triển trong khu vực và thế giới.
Biểu tượng mới của Campuchia
Các máy bay đã bắt đầu hạ cánh xuống sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor, biểu tượng mới nhất của kế hoạch đổi mới đất nước của Campuchia. Cùng với nhiều công trình khác, sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor là niềm hy vọng giúp phát triển đời sống và kinh tế của đất nước Đông Nam Á này.
Sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor được xây dựng trong ba năm với chi phí khoảng 1 tỷ USD. Nó đã bắt đầu hoạt động vào tuần trước và sẽ chính thức khánh thành vào tháng 11 tới.
Sân bay mới rộng 700ha cách Siem Reap khoảng 40km và được phát triển bởi liên doanh các tập đoàn Trung Quốc gồm Tập đoàn Đầu tư Vân Nam, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Vân Nam và Tập đoàn Sân bay Vân Nam. Liên doanh này sẽ vận hành sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor theo hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao kéo dài 55 năm.
Sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor được xây dựng để phục vụ 7 triệu hành khách mỗi năm, và đóng vai trò là cửa ngõ vào khu phức hợp đền Angkor Wat, điểm thu hút du lịch lớn nhất của Campuchia. Quốc gia này đang cố gắng thu hút khách du lịch trở lại sau nhiều năm gián đoạn liên quan đến Covid-19, trong đó tập trung đặc biệt vào khách du lịch Trung Quốc.
Ông Sinn Chanserey Vutha, phát ngôn viên của Ban Thư ký Hàng không Dân dụng Campuchia, cho biết sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor thay thế sân bay do tập đoàn Vinci của Pháp điều hành.
Cơ sở trước đây do Sân bay Campuchia điều hành, trong đó 70% thuộc sở hữu của Vinci Airports và 30% thuộc sở hữu của liên doanh Malaysia-Campuchia. Ông Vutha cho biết một ủy ban đã được thành lập để giải quyết khoản bồi thường trị giá 63 triệu USD cho việc chấm dứt hợp đồng sớm.
Tờ Khmer Times nhận định sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor là một trong những nhân tố vàng có thể giúp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng du lịch tốt hơn trong tương lai.
Sân bay này sẽ thu hút các hãng hàng không quốc tế mới khai thác các chuyến bay thẳng đến tỉnh Siem Reap, trung tâm du lịch của đất nước, qua đó thúc đẩy du lịch và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Campuchia.
Tham vọng tỷ USD của Campuchia
Trong những năm qua, Campuchia đã nhận được hàng tỷ USD tài trợ từ Trung Quốc cho các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng. Phần lớn trong số đó, bao gồm cả sân bay mới, đều nằm trong khuôn khổ của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), dự án mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt nhiều tâm huyết trong thập kỷ qua.
Tính từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023, Campuchia đã phê duyệt 191 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất của Campuchia.
Trong diễn đàn BRI mới diễn ra ở Trung Quốc, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã ký một số biên bản ghi nhớ về các dự án tiềm năng. Ông đã gặp các quan chức chính trị hàng đầu và đại diện của các công ty nhà nước của Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Kỹ thuật Máy móc Trung Quốc (CMEC), Kỹ thuật & Xây dựng Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (CNEE), Tập đoàn Datang Trung Quốc, Genertec International và Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC).
Trong các cuộc gặp gỡ này, hai bên đã đề cập đến kế hoạch đầu tư vào năng lượng tái tạo, lĩnh vực khí đốt, trung tâm quản lý dữ liệu, nâng cấp nguồn cung cấp nước và các tuyến đường sắt mới.
Thủ tướng Hun Manet cũng đã khẳng định về tham vọng hiện đại hóa mạng lưới đường sắt hiện có của Campuchia. Quốc gia Đông Nam Á này muốn xây dựng các tuyến đường sắt mới, mở rộng đến thành phố Bavet ở gần biên giới Việt Nam và trung tâm du lịch Siem Reap.
Ông Hun Manet cũng đã gặp Li Kuo, chủ tịch Tập đoàn Metro Trung Quốc, công ty quan tâm đến việc xây dựng các tuyến đường sắt hạng nhẹ đến sân bay Siem Reap và một sân bay khác đang được xây dựng ở Phnom Penh.
“Sáng kiến Vành đai và Con đường mang lại cho nhiều nước đang phát triển, bao gồm cả Campuchia, nhiều lợi thế như phát triển cơ sở hạ tầng vật chất, tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng kinh tế, hội nhập khu vực và toàn cầu”, Thủ tướng Manet nói trong bài phát biểu tại sự kiện.
T.P