Từ năm 2020, Trung Quốc đã đề ra “hai mục tiêu carbon”, gồm đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Việc thực hiện sáng kiến “thay nhựa bằng tre” rõ ràng có thể hỗ trợ thúc đẩy đáng kể quá trình này.
Từ xưa đến nay, các sản phẩm được làm từ cây tre đã quen thuộc với người dân, đặc biệt là tại các nước nhiệt đới. Trong tương lai, tre có thể hiện diện trong đời sống như một “vật liệu xanh”, thay thế cho đồ nhựa vốn đang gây nên những tác hại đáng kể với môi trường. Trung Quốc – đất nước có lượng tre đứng đầu thế giới – vừa tuyên bố khởi động một chương trình hành động “thay nhựa bằng tre” trong 3 năm, trong đó trọng tâm là xây dựng hệ thống công nghiệp “thay nhựa bằng tre”.
Cuộc cách mạng giảm ô nhiễm nhựa ở đất nước tỷ dân
“Thay nhựa bằng tre” là sáng kiến do chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Mây tre đan Quốc tế phối hợp phát động cách đây đúng một năm, tức tháng 11/2022, nhằm thúc đẩy giảm ô nhiễm nhựa, ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.
Ngày 7/11 vừa qua, nước này vừa chính thức tuyên bố khởi động một kế hoạch hành động trong vòng 3 năm liên quan đến sáng kiến này. Trọng tâm của kế hoạch là xây dựng hệ thống công nghiệp “thay nhựa bằng tre”, bao gồm trồng tre, chế biến sâu và mở rộng thị trường. Mục tiêu là nâng cao động năng, năng lực sản xuất và hiệu quả của việc “thay nhựa bằng tre” để giảm ô nhiễm nhựa.
Theo kế hoạch này, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ bước đầu hình thành hệ thống công nghiệp “thay tre bằng nhựa”, chất lượng sản phẩm, chủng loại sản phẩm, quy mô công nghiệp và hiệu quả tổng hợp được nâng cao hơn, thị phần các sản phẩm tre chủ lực tăng đáng kể. Giá trị gia tăng tổng hợp của các sản phẩm “thay nhựa bằng tre” chính sẽ tăng hơn 20%, tỷ lệ sử dụng tổng hợp nguyên liệu tre tăng 20 điểm phần trăm so với năm 2022.
Theo đó, Trung Quốc sẽ triển khai 7 hành động lớn liên quan đến ngành công nghiệp tre, trong đó bao gồm việc cải tiến đổi mới khoa học công nghệ, bồi dưỡng hệ sinh thái công nghiệp, thúc đẩy kết nối sản xuất và tiêu thụ, thiết lập kịch bản thay thế trọng điểm, xây dựng các vùng đặc trưng, hướng dẫn tuyên truyền trong xã hội và hợp tác giao lưu quốc tế. Các hành động này được thực hiện nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn tại hiện nay trong phát triển ngành công nghiệp tre ở Trung Quốc, như quy mô nhỏ, sản lượng thấp, giá thành cao, công nghệ và trang thiết bị lạc hậu…
Kế hoạch hành động cũng công bố danh mục các sản phẩm chính “thay nhựa bằng tre” (phiên bản 2023), liên quan đến 3 loại sản phẩm chính gồm nhu yếu phẩm hàng ngày, sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng, trong đó có việc thay thế hoàn toàn đồ nhựa bằng các sản phẩm bằng tre và sử dụng các vật liệu composite làm từ tre để “giảm nhựa”.
“Thay nhựa bằng tre” ở Trung Quốc: vai trò hỗ trợ của chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp
Từ năm 2020, Trung Quốc đã đề ra “hai mục tiêu carbon”, gồm đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Việc thực hiện sáng kiến “thay nhựa bằng tre” rõ ràng có thể hỗ trợ thúc đẩy đáng kể quá trình này. Ngoài ra, các vùng có tre thường ở nông thôn Trung Quốc. Do vậy, nếu phát triển tốt, ngành công nghiệp này còn có thể hỗ trợ nước này thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn và xây dựng văn minh sinh thái.
Trong khi đó, ngành công nghiệp tre có liên quan tới 20/31 tỉnh, thành và khu tự trị của Trung Quốc, trong đó có 8 tỉnh chủ yếu tập trung ở miền Nam, gồm Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây và An Huy chiếm tới 90% tổng diện tích tài nguyên tre.
Nhận thức được việc chuyển đổi từ nhựa sang tre còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục, chính phủ Trung Quốc đã công bố một kế hoạch với lộ trình tương đối cụ thể. Chẳng hạn như, trong 3 năm tới, nước này đặt mục tiêu xây dựng từ 5-10 cơ sở xúc tiến ứng dụng “thay nhựa bằng tre” ở những khu vực có nguồn tài nguyên tre phong phú và nền tảng tốt trong ngành tre. Các cơ sở này sẽ triển khai nghiên cứu và phát triển công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm và xây dựng thương hiệu nhằm củng cố nền tảng phát triển “thay nhựa bằng tre” ở các địa phương.
Kế hoạch cũng nêu rõ, chính quyền địa phương có thể đưa việc trồng rừng tre đạt tiêu chuẩn vào phạm vi hỗ trợ chính sách tài chính trung ương về trồng rừng và cải thiện chất lượng rừng. Hướng dẫn các tổ chức tài chính phát triển các sản phẩm tài chính dành riêng cho “thay nhựa bằng tre”. Đưa các sản phẩm “thay nhựa bằng tre” vào phạm vi hỗ trợ mua sắm chính phủ và tăng cường mua sắm đối với các sản phẩm này. Khuyến khích các tổ chức công tích cực mua các sản phẩm “thay nhựa bằng tre”.
Trung Quốc là quốc gia có nguồn tài nguyên tre phong phú. Trong số 1642 loài tre trên thế giới, Trung Quốc chiếm tới 51%, tức 837 loài với diện tích 7,56 triệu ha, tổng sản lượng hàng năm đạt 150 triệu tấn tre nguyên liệu.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp ở nước này tập trung phát triển các sản phẩm tre, từ bộ đồ ăn như đũa, thìa, đĩa…, đồ nội thất, hàng dệt may đến nội thất ô tô, thiết bị thể thao, vật liệu xây dựng, thậm chí cả bàn phím và chuột bằng tre. Đến nay, Trung Quốc đã có hơn 10.000 doanh nghiệp chế biến tre.
Tuy nhiên, mức độ phổ biến của các sản phẩm này vẫn chưa cao, lý do chính là do giá thành cao, trong khi nguyên nhân của giá thành cao là công nghệ chưa hoàn thiện và quy mô sản xuất chưa được mở rộng. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tập trung gây dựng một số doanh nghiệp đầu ngành trong sản xuất các sản phẩm “thay nhựa bằng tre”, xây dựng các thương hiệu lớn, thông qua các hỗ trợ chính sách về nhân tài, vốn, dự án, thị trường, cũng như thuế và tài chính…, thúc đẩy ngành công nghiệp “thay nhựa bằng tre” trở thành động lực mới trong xây dựng mô hình phát triển mới ở các vùng được mệnh danh là quê hương của tre và trên cả nước. Mục tiêu của Trung Quốc là nâng tổng giá trị sản lượng ngành tre lên hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 137 tỷ USD) vào năm 2035.
Lai tạo giống tre và những mục tiêu xa hơn
Trung Quốc vẫn đang trong quá trình xây dựng hệ thống ngành công nghiệp “thay nhựa bằng tre”. Nước này vẫn đang đứng trước hàng loạt bài toán về công nghệ và giá thành sản phẩm. Điều quan trọng là Trung Quốc đã xác định được mục tiêu và quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp này với bước đi và lộ trình cụ thể, nhằm biến tiềm năng thành lợi thế và động lực phát triển mới.
Xác định để phát triển ngành công nghiệp tre cần có những giống tre phù hợp, Trung Quốc đã bắt tay vào việc lai tạo giống tre. Nguồn gen tre ở Trung Quốc rất phong phú nhưng để lai tạo được những giống tre tốt không hề đơn giản. Khó khăn lớn nhất là tre khó nở hoa. Có những loại tre chu kỳ ra hoa lên tới 60 năm, điều đó có nghĩa là về cơ bản không thể lai tạo được tre trong tự nhiên.
Để làm được điều này, Trung Quốc đã tìm ra các công nghệ mới rút ngắn thời gian nở hoa của tre. Viện Thực vật học Côn Minh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã có thể làm cho tre có thể ra hoa trong ống nghiệm với thời gian chỉ khoảng vài tháng đến một năm, tạo tiền đề cho việc lai tạo các giống tre mới, nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau đối với vật liệu tre.
Ngoài ra, Trung Quốc không chỉ tập trung phát triển ngành công nghiệp tre ở trong nước, mà còn hướng tới các mục tiêu xa hơn. Trong kế hoạch 3 năm tới, nước này sẽ phối hợp với Tổ chức Mây tre đan quốc tế khuyến khích các cơ sở nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra toàn cầu, xây dựng các thương hiệu mang tầm quốc tế. Dựa vào lợi thế về công nghệ, thiết bị và nhân tài, hỗ trợ các nước có nguồn tài nguyên tre dồi dào phát triển ngành công nghiệp “thay nhựa bằng tre”.
T.P