Mặc dù nỗi khổ đợi hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) của doanh nghiệp tinh bột sắn, dăm gỗ đã lên đến nghị trường, nhưng sau các phiên thảo luận và chất vấn, câu hỏi bao giờ doanh nghiệp được hoàn thuế vẫn để ngỏ.
Lo chồng thêm lo
Đầu tuần, Báo Đầu tư một lần nữa nhận được đơn kiến nghị của Công ty cổ phần Thương mại – Xuất nhập khẩu toàn cầu An Phát (tên cũ là Công ty TNHH Thương mại và Hỗ trợ đầu tư An Phát). Nội dung vẫn là vướng mắc trong hoàn thuế VAT với các hợp đồng xuất khẩu tinh bột sắn.
Tuy nhiên, lần kiến nghị này, bên cạnh câu hỏi vẫn treo là bao giờ được hoàn thuế, thì Công ty lại bày tỏ lo ngại mới.
“Chúng tôi theo dõi phiên thảo luận kinh tế – xã hội của Quốc hội sáng ngày 2/11, trong đó có bàn những ách tắc trong công tác hoàn thuế. Giải thích lý do, Bộ trưởng Bộ tài chính cho biết, chậm hoàn thuế VAT do đã xác minh ở nước ngoài, cơ quan thuế nước ngoài trả lời doanh nghiệp này không tồn tại, có nghĩa là hợp đồng vô hiệu, mà hợp đồng vô hiệu là không hoàn được”, Công ty An Phát lý giải việc khẩn cấp gửi đơn kiến nghị.
Cũng phải nói thêm, đơn kiến nghị này cũng được gửi tới lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và tới Thủ tướng Chính phủ. Đi kèm, Công ty đã gửi các bản sao hợp đồng mua bán, xuất khẩu, hóa đơn thương mại, tờ khai hải quan, chứng từ chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng đúng tên các đối tác, khách hàng nước ngoài.
“Chúng tôi muốn gửi các chứng từ cho các cơ quan, mong nhận được câu trả lời rằng, những chứng cứ này có đủ cơ sở, tính pháp lý để khẳng định hợp đồng mua bán này là có hiệu lực hay không có hiệu lực?”, Công ty nêu rõ trong đơn kiến nghị.
Doanh nghiệp vi phạm thì bị phạt, nhưng bị nợ thì chẳng biết kêu ai
Vướng mắc trong hoàn thuế của Công ty An Phát là một trong những trường hợp được viện dẫn khi thảo luận về vấn đề này tại các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV diễn ra.
Nỗi khổ của doanh nghiệp khi phải tìm đủ mọi cách để chứng minh mình không sai, để được nhận lại phần tiền thuế đã ứng đóng trong bối cảnh cạn kiệt nguồn vốn có thể gói gọn trong câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội rằng, hoàn thuế kéo dài mấy năm thì doanh nghiệp có sống được không.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội vừa qua, câu hỏi này đã được đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) trả lời bằng tình cảnh hiện hữu của doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ Quảng Ninh.
“Đã có những doanh nghiệp phải đóng cửa; máy móc, trang thiết bị đầu tư nhiều tỷ đồng phải phủ bạt để không; đơn hàng bị hủy bỏ; nợ quá hạn tại ngân hàng phát sinh…”, bà Hà gửi thông tin đến Quốc hội.
Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) gửi tới nghị trường than phiền từ doanh nghiệp mà ông đã nhận được. Đó là, “doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì bị xử lý nghiêm, nhưng doanh nghiệp bị nợ đọng vốn xây dựng cơ bản và bị giam tiền thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn thì chẳng biết kêu ai”.
Ông Bình khẳng định, hoàn thuế là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng doanh nghiệp đang gặp quá nhiều khó khăn về thủ tục hành chính xuất phát từ các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ. Ông đã nhắc tới Báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về tính thủ công trong nghiệp vụ, sự phức tạp, chồng chéo của các văn bản, cùng việc thiếu tiêu chí về phân loại rủi ro hồ sơ hoàn thuế đã gây ách tắc lớn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nhóm 3 ngành hàng tinh bột sắn, gỗ, dăm gỗ, sản phẩm gỗ và cao su.
Doanh nghiệp cần câu trả lời ngay
Trong các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang được bàn tới, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị ưu tiên hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp, vì các vướng mắc đã được làm rõ, có phương án xử lý cụ thể.
Với trường hợp như Công ty An Phát và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn, cơ quan thuế địa phương, như Cục Thuế Lạng Sơn đề xuất xử lý dựa trên khâu kiểm soát hải quan, hơn là yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của đối tác Trung Quốc.
Ngay trong Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế VAT đối với xuất khẩu” gửi Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị giải quyết, trước ngày 31/12/2023 phải xử lý dứt điểm số hồ sơ đề nghị hoàn thuế còn tồn đọng, đặc biệt là các hồ sơ đã dừng hoàn trong một thời gian dài gây bức xúc cho doanh nghiệp. Cơ quan này cũng đề nghị cơ quan thuế phải trả lời rõ lý do nếu không giải quyết hoàn thuế và chịu trách nhiệm với quyết định đó…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các doanh nghiệp đang có hồ sơ hoàn thuế bị treo chỉ mong “có câu trả lời ngay”, để biết sẽ tiếp tục hoạt động thế nào.
T.P