Triều Tiên, một quốc gia không có vua, không theo thể chế quân chủ. Thế nhưng, hành trình cầm quyền hơn 70 năm của các thế hệ lãnh đạo đất nước luôn khiến cả thế giới phải nhìn bằng ánh mắt lạ lùng. Bởi vì kết quả của quyền lực này là đặc trưng văn hóa, xã hội, cùng truyền thống tôn trọng các bậc lãnh tụ đến mức cuồng tín.
Người Triều Tiên tôn kính dòng họ Kim, một chuỗi thế hệ cai trị Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, bắt đầu từ Kim Nhật Thành (tức Kim II Sung) vào năm 1948.
Từ đó tới nay, Kim Jong-In (tức ông Kim Chính Nhật), rồi tới Kim Jong-Un (tức ông Kim Chính Ân) lần lượt lên nắm quyền lãnh đạo tối cao. Tuyệt nhiên không có tổ chức chính trị nào khác tồn tại ở Triều Tiên.
Qua gần 100 năm lãnh đạo đất nước, thời kỳ của ông Kim Jong-Un hiện nay nhận được nhiều sự chú ý của thế giới, bởi sự theo đuổi rất nhiệt tình chương trình hạt nhân. Triều Tiên muốn cạnh tranh với các thế lực bên ngoài, bao gồm cả cường quốc là Mỹ và đồng minh của họ ở mặt trận Thái Bình Dương là Hàn Quốc – một kẻ thù không đội trời chung với Triều Tiên. Vậy, với cuộc chạy đua hạt nhân diễn ra kịch tính như vậy, một cuộc chiến tranh hạt nhân trong tương lai liệu có thể xảy ra hay không?
Sự tôn sùng gia tộc họ Kim qua nhiều thập niên
Năm 1950, Kim Nhật Thành tiến hành Chiến tranh Triều Tiên với ý đồ thống nhất hai miền thành một quốc gia, song không thành công. Kim Nhật Thành phát triển một loại hình tư tưởng của cá nhân ông gọi là Thuyết Tư tưởng chủ thể. Sau này được các thế hệ con cháu là Kim Chính Nhật và Kim Chính Ân tiếp tục áp dụng để lãnh đạo Triều Tiên. Thời điểm này, bắt đầu xuất hiện những bức tượng đầu tiên của Kim Nhật Thành. Tư tưởng của Kim Nhật Thành đã phát huy tác dụng sau cuộc thanh trừng hàng loạt vào năm 1953. Sự tôn kính của người dân Triều Tiên đối với gia đình cầm quyền, gia tộc Kim, đã tồn tại trong nhiều thập niên và có thể được tìm thấy trong nhiều ví dụ về văn hóa Triều Tiên. Mặc dù không được chính phủ thừa nhận, thế nhưng có nhiều người sẽ nhận sự trừng phạt khá nặng khi không thể hiện sự tôn trọng chế độ. Sự tôn kính này mạnh mẽ tới nỗi đã trở thành một trong những nét văn hóa của người dân, bắt đầu ngay sau khi Kim Nhật Thành lên nắm quyền vào năm 1948 và ngày càng được mở rộng đáng kể sau khi ông qua đời vào năm 1994.
Kim Nhật Thành đã nuôi dưỡng và phát triển thứ chủ nghĩa sùng bái cá nhân, dẫn tới sự cai trị tuyệt đối của họ Kim suốt 46 năm và mở rộng tới cả gia đình nhà Kim, bao gồm mẹ của Kim Nhật Thành – Bà Kang Pan-sok được mệnh danh là “Mẹ của Triều Tiên”, anh trai là chiến sĩ cách mạng và vợ là “Mẹ của Cách mạng”. Điểm trung tâm của sự trung thành tuyệt đối trong Tư Tưởng Chủ Thể là Suneon, 4 năm sau khi Kim Nhật Thành qua đời, Hiến pháp Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã quy định gọi Kim Nhật Thành là “Chủ Tịch vĩnh viễn”. Con trai ông, Kim Chính Nhật trở thành “Lãnh đạo đáng kính”.
Năm 1967, ông Kim Chính Nhật được bổ nhiệm vào Bộ Phận Tuyên Truyền và Thông Tin Nhà Nước, nơi ông bắt đầu tập trung sự nghiệp để phát triển sự tôn kính của cha mình. Khoảng thời gian này, danh hiệu Suneon – lãnh tụ vĩ đại hay lãnh đạo tối cao, bắt đầu được sử dụng như một cụm từ phổ biến.
Đến năm 1975, Kim Chính Nhật được gọi là “Trung tâm của Đảng”. Năm 1977, sự xác nhận đầu tiên về sự kế vị của Kim Chính Nhật được công bố trong một cuốn sách nhỏ, chỉ định Kim Chính Nhật là người kế thừa duy nhất của Kim Nhật Thành, rằng ông là một người phục vụ trung thành của cha mình và được thừa hưởng đức tính của cha mình, tất cả các đảng viên đã cam kết trung thành với Kim Chính Nhật.
Họ cũng được khuyến khích để hỗ trợ quyền lực tuyệt đối của ông này và tuân theo mọi mệnh lệnh của ông vô điều kiện. Nhà lãnh đạo tối cao đương nhiệm của Triều Tiên ngày nay là Kim Chính Ân. Ông dường như đã khéo léo xử lý các vấn đề chính trị thông qua việc cải tổ các cấu trúc của đảng và quân đội, đẩy nhanh việc xây dựng năng lực hạt nhân và tên lửa.
Vào năm 2013, Đảng lao động Triều Tiên đã sửa đổi 10 nguyên tắc để thiết lập một hệ thống tư tưởng nguyên khối. Đóng vai trò là cơ quan pháp lý chính và khuôn khổ của đất nước để yêu cầu sự phục tùng tuyệt đối với lãnh đạo Kim Chính Ân.
Hiến pháp năm 1972 của Triều Tiên kết hợp các ý tưởng của Kim Nhật Thành là nguyên tắc chỉ đạo duy nhất của nhà nước và các hoạt động của ông là di sản văn hóa duy nhất của người dân.
Người dân là những tín đồ trung thành
Người ta có thể dễ dàng vẽ tranh biếm họa về sự kỳ quặc của các vị lãnh đạo Triều Tiên, thế nhưng không được phép vẽ trên đất nước của họ. Ông Kim Jong-un với kiểu tóc úp bát thời trang thập niên 1930, người ta cho rằng mái tóc đó là nhằm khiến ông Kim trông giống ông nội Kim Nhật Thành của mình người sáng lập chế độ. Cùng bộ quần áo kiểu ông Mao Trạch Đông lỗi thời và thân hình thấp bé mập mạp khiến ông trông gần như là một nhân vật hoạt hình. Thế nhưng ở phía Bắc bán đảo Triều Tiên, người dân trịnh trọng coi ông Kim là một thiên tài có quyền lực tuyệt đối.
Đối với một vài người, cũng có thể là rất nhiều người Triều Tiên dường như họ đã thực sự tin vào sự thần thánh của triều đại họ Kim – điều mà cũng giống như bao sự thần thánh hóa khác, hay thậm chí là cả các niềm tin tôn giáo được cấu thành từ các mảnh ghép nhỏ của nền văn hoá, của tín ngưỡng và những truyền thống khác. Đức tin sùng bái đối với nhà họ Kim vay mượn một chút từ chủ nghĩa Stalin, một chút từ Đạo Cơ đốc cứu thế, một chút từ sự thờ phụng ông bà tổ tiên kiểu Khổng giáo, một chút từ tục nhập đồng (shamanism) bản địa và một chút từ sự tôn thờ hoàng đế của người Nhật – những người đã cai trị bán đảo Triều Tiên vào nửa đầu của thế kỷ 20.
Cha của ông Kim – ông Kim Jong Un được cho là sinh ra trên núi Paektu. Đó là một nơi thiêng liêng mà một người gấu có tên là Tangun, cha tổ của vương quốc Triều Tiên đầu tiên đã sinh ra và hơn 4000 năm trước. Thời khắc lúc ông Kim Jong in, người được gọi là lãnh tụ kính yêu sinh ra đã khiến tiết trời mùa đông chuyển sang mùa xuân và được rọivào bởi một vì sao sáng trên thiên đường. Tất cả những điều này nghe có vẻ là khôi hài, nhưng những câu chuyện về các phép màu của bất kỳ một tín ngưỡng nào cũng đều như vậy cả. Vấn đề là người dân Triều Tiên tin vào những điều đó. Nếu xét trên những phương diện này, người Triều Tiên không hề kỳ quặc hơn các tín đồ ở bất kỳ nơi nào khác. Thường thì có những lý do hợp lý giải thích tại sao các tín ngưỡng nhất định lại có một sức hút mạnh mẽ như vậy. Hồi giáo và Cơ đốc giáo tìm thấy những người sẵn sàng cải sang đạo của mình trong số những người bị xã hội ruồng bỏ và những người bị áp bức. Bởi họ tìm được bình đẳng dưới con mắt của Chúa. Trong khi đó, cốt lõi của tín ngưỡng sùng bái lãnh tụ ở Triều Tiên là nhận thức về sự thuần khiết sắc tộc, ý thức về việc bảo vệ chủ nghĩa dân tộc thiêng liêng trước các thế lực thù địch bằng mọi giá.
Tương tự như Ba Lan – đất nước có hình tượng Cơ đốc đậm nét về tinh thần hy sinh vì dân tộc – thì bán đảo Triều Tiên đã có lịch sử bị đô hộ bởi các cường quốc, chủ yếu là từ Trung Quốc nhưng ngoài ra thì còn có cả Nga và đáng chú ý nhất là Nhật Bản từ khi nước này tiến hành các cuộc xâm lược tàn bạo vào thế kỷ thứ 16.
Người Mỹ là những kẻ đến sau. Tuy vậy, lòng hận thù chủ nghĩa đế quốc của Mỹ cũng công khai tại Triều Tiên không chỉ xuất phát từ cuộc chiến tranh Triều Tiên dã man trong quá khứ, mà còn xuất phát từ chính lịch sử lâu dài bị ngoại bang đàn áp của Triều Tiên.
Sự đô hộ của các cường quốc ngoại bang đã tạo nên hai thái cực hợp tác và đấu tranh trong lịch sử Triều Tiên. Một số thành phần trong giai cấp thống trị thuộc các triều đại khác nhau của Triều Tiên đã chọn bắt tay với các cường quốc bên ngoài; còn một số khác thì lại chọn đấu tranh chống lại các thế lực ngoại bang. Điều này cũng sản sinh ra tại Triều Tiên những mối thù sâu sắc giữa chính những người dân Triều Tiên với nhau. Kim Nhật Thành bắt đầu sự nghiệp của mình với tư tưởng hợp tác Stalin đã lựa chọn rất kỹ lưỡng, giúp đỡ và hỗ trợ ông lên làm lãnh đạo của chế độ Cộng sản ở Triều Tiên. Điều này khiến huyền thoại về ông Kim như là một vị anh hùng chống Nhật trong Thế chiến 2 và về sau là chống lại người Mỹ với những kẻ hợp tác với ngoại bang Hàn Quốc trở nên quan trọng hơn.
Chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên với lòng tôn sùng tinh thần tự chủ được biết đến với tư tưởng chủ thể Juche vừa mang tính tôn giáo lại vừa mang tính chính trị; bảo vệ triều đại nhà họ Kim được xây dựng như một biểu tượng của sự phản kháng Triều Tiên trước các thế lực ngoại bang là một nhiệm vụ thiêng liêng. Và khi sự thiêng liêng đó tiếp quản nền chính trị, việc thỏa hiệp gần như trở nên bất khả thi. Người ta có thể thương lượng về những xung đột lợi ích; nhưng không thể thương lượng với các vấn đề được coi là linh thiêng. Triều Tiên có thể đã lường trước được những diễn biến tiêu cực từ những thế lực thù địch ngoại bang; cho nên một đất nước nhỏ bé không còn người anh cả như Liên Xô để dựa vào như trước đây đòi hỏi quốc gia này phải có một sách lược đúng đắn để đảm bảo an ninh an toàn cho cả dân tộc và con đường họ chọn chính là theo đuổi các chương trình hạt nhân, vốn là một nỗi khiếp sợ của cả nhân loại. Một khi cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra, chỉ bằng cách này Triều Tiên mới tìm được chỗ đứng trên lĩnh vực quân sự của thế giới; cũng như răn đe, đảm bảo an toàn cho chính mình từ các cường quốc hiếu chiến bên ngoài.
Cuộc chạy đua hạt nhân với Mỹ
Ở bên kia bán cầu, quay về những năm mà Donald Trump còn là ông chủ Nhà Trắng, ông xuất thân vốn dĩ là một nhà phát triển bất động sản. Ông tin rằng mọi thứ đều có thể mang ra thương lượng được. Trong kinh doanh không có gì là thiêng liêng cả. Tư tưởng để tạo nên một thỏa thuận của Trump đó là lấn át các bên khác bằng sự đe dọa và chiêu trò. Vì thế mà Trump đã hứa một ngày nào đó trong tương lai sẽ hủy diệt Triều Tiên hoàn toàn.
Khó có thể tưởng tượng rằng ông Kim Jong-Un với tư cách là người bảo vệ thần thánh cho nhân dân của mình sẽ có thể bị thuyết phục ngồi xuống bàn đàm phán vì những lời hăm dọa lớn tiếng như vậy. Tuy vậy, sau cùng các dòng trạng thái nhuốm màu thù địch trên Twitter và những lời phát biểu công khai đầy nạt nộ của Trump đã được đính chính sau đó bởi các thành viên cấp cao trong nội các của Mỹ thông qua các bài phát biểu thận trọng hơn. Vì thế, ông Kim có lẽ cũng chẳng coi trọng những lời hăm dọa đó; mà có thể là nghĩ rằng những lời Trump nói chỉ là dọa dẫm, chiêu trò và Trump chắc chắn sẽ chẳng bao giờ dám thực hiện những lời đe dọa của mình.
Suy nghĩ này có thể thúc đẩy ông Kim tiến hành những hành động đáp trả khác chẳng hạn như là nhắm một quả tên lửa vào đảo Guam, căn cứ quân sự của Mỹ. Hành động có thể sẽ khiến Mỹ cảm thấy phải đáp trả tương xứng, hậu quả gây ra sẽ thật thảm khốc đối với không chỉ những người dân Triều Tiên tin vào sứ mệnh thiêng liêng của nhà họ Kim mà còn đối với cả hàng triệu người dân Hàn Quốc, những người chỉ sống cách bên dưới Triều Tiên khoảng 35 dặm mà cũng không hề sùng bái chế độ họ Kim.
Thực tế, trong năm 2022, Triều Tiên đã phóng tổng cộng ít nhất là 95 tên lửa, nhiều hơn bất cứ một năm nào khác. Một điều đáng nói nữa là trong đầu năm nay, ông Kim Jong-Un cũng kêu gọi tăng cường sản xuất vật liệu hạt nhân từ đó tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để có thể sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào. Triều Tiên vẫn tham vọng được công nhận là một quốc gia hạt nhân.
Tuy nhiên, thông tin về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-Un yêu cầu tăng cường kho vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân được đưa ra trong một giai đoạn rất nhạy cảm, bởi ngay trước đó 3 ngày, Tổng thống Nga Putin thông báo về kế hoạch đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus ngay trong năm nay. Vì thế mà giới phân tích phương Tây đang lo ngại khả năng Triều Tiên sẽ được trợ lực từ mối quan hệ với Nga và Trung Quốc. Mối quan hệ lâu đời giữa hai quốc gia này sẽ vừa giúp Triều Tiên có lựa chọn đa dạng hơn để khôi phục kinh tế và tài trợ thêm cho chương trình hạt nhân, vừa có thể giúp Bình Nhưỡng né tránh các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và các nước khác. Đây có thể sẽ là những điểm sáng khiến nỗ lực cô lập Triều Tiên của phương Tây trở nên khó khăn hơn.
Giữa tháng 7 năm nay, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo xuống vùng biển phía Đông của nước này, chỉ vài tiếng sau khi một tàu ngầm tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân của Mỹ cập cảng Hàn Quốc đầu tiên sau 4 thập niên. Đây được coi là động thái hăm dọa trả đũa của Bình Nhưỡng, rằng Triều Tiên sẽ không nhẹ tay nếu Mỹ và Hàn Quốc có âm mưu gì với bán đảo này. Nhưng rất nhanh chóng, cả hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã gửi công hàm phản đối các vụ phóng tên lửa thông qua các kênh ngoại giao. Trước đó vào ngày 18/7, một tàu ngầm có khả năng triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (SSBN) của Hải quân Mỹ đã ghé thăm cảng Hàn Quốc trong một động thái diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên bắn thử vật thể được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn. Tàu ngầm xuất hiện ở Hàn Quốc giữa lúc điều phối viên về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kurt Campbell đang tham dự cuộc họp đầu tiên của Nhóm Tư vấn Hạt nhân tại Seoul. Em gái của ông Kim Jong-Un, bà Kim Yo-Jong, lại cho rằng cuộc họp về chủ đề nhạy cảm ấy cùng sự hiện diện không cần thiết gồm những chiếc tàu ngầm này sẽ chỉ làm hỏng các đường dây liên lạc vốn đã bị rạn nứt giữa các bên. Mỹ sẽ không thể đạt được mục đích nào cả.
Như vậy, chưa rõ là Trung Quốc và Nga sẽ giúp đỡ Triều Tiên được bao nhiêu, nhưng rõ ràng là Triều Tiên đang bị kẹt cứng giữa hai quốc gia láng giềng. Bất kỳ động thái thể hiện khả năng hạt nhân nào của mình đều bị hai quốc gia trên phản đối kịch liệt, trong khi những nước này có lý do chính đáng cho hành động của mình, đó là sự tự vệ.
Thực chất, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ đang bên bờ vực thẳm từ lâu. Đúng là họ có thể đang chạy đua vũ trang nhưng là trong một cuộc chiến vào thời gian nào thì chưa ai khẳng định được, bởi vì những động thái đe dọa lẫn nhau của cả hai bên năm nào cũng có và chắc chắn là sẽ không dễ dàng dừng lại.
Dù vậy, trước mắt, việc bao gồm cả những cường quốc hạt nhân số 1 như Mỹ và Triều Tiên, việc trang bị vũ khí hạt nhân là điều tối cần thiết, vì nó như một lá bùa bảo hộ cho an ninh quốc gia này. Vũ khí hạt nhân là nỗi khiếp sợ của loài người, cho nên dù Mỹ có sở hữu những loại hình hạt nhân tiên tiến nhất thế giới cũng chưa chắc nước này dám đem ra trình diễn trong một cuộc chiến với Triều Tiên, bởi vì diễn biến và hậu quả của chiến tranh hạt nhân là cực kỳ thảm khốc. Triều Tiên là một quốc gia không giàu có, nhưng lại liều mình đem phần lớn nguồn lực của quốc gia để phát triển vũ khí hạt nhân, chứng tỏ Triều Tiên không còn gì để mất, sẵn sàng chơi hết mình. Sâu xa hơn, một cường quốc như Mỹ chắc chắn vẫn sẽ bị thiệt hại nặng nề sau một cuộc chiến tranh hạt nhân tốn kém và ác liệt như thế dù kết quả có ra sao, nước Mỹ có thể bị giảm đi quyền lực ở nhiều lĩnh vực và nhanh chóng bị các siêu cường tiềm năng khác soán ngôi.
T.P