Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLiên Hợp Quốc đánh giá kinh tế Việt Nam có khả năng...

Liên Hợp Quốc đánh giá kinh tế Việt Nam có khả năng và nguồn lực

Liên Hợp Quốc đánh giá Việt Nam là một trong số những nền kinh tế mới nổi có khả năng và nguồn lực, sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ Việt Nam hiệu quả hơn nữa trong thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang và bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Ngày 16.11, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang đã tiếp bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang đánh giá cao nỗ lực của Điều phối viên Thường trú và các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trong việc hỗ trợ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ tiến trình cải tổ hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc; trong đó có bảo đảm tài chính bền vững và hoạt động hiệu quả cho hệ thống Điều phối viên thường trú.

Đại sứ mong muốn Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, các cam kết quốc tế về hành động khí hậu, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng…

Về phần mình, bà Pauline Tamesis cho biết, nhiều nước coi Việt Nam là hình mẫu trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy cải tổ hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá Việt Nam là một trong số những nền kinh tế mới nổi có khả năng và nguồn lực, khẳng định Liên Hợp Quốc cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ Việt Nam hiệu quả hơn nữa trong thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.

Bà Pauline Tamesis cũng chia sẻ mong muốn tiếp tục tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam tăng cường phát triển giáo dục – đào tạo; đồng thời mở rộng ra các lĩnh vực mới như dữ liệu lớn, dự báo chiến lược, giúp Việt Nam đạt được thêm các thành tựu về phát triển bền vững.

Cũng trong ngày 16.11, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức phiên thảo luận thường niên về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an. Phát biểu tại phiên thảo luận, Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên – Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc – khẳng định, Hội đồng Bảo an hơn bao giờ hết cần đổi mới theo hướng gia tăng tính đại diện, hiệu quả, để thích nghi và phù hợp với thực tế hiện nay.
Để làm được điều này, Hội đồng Bảo an cần mở rộng thành viên, cả thường trực và không thường trực, tăng số ghế cho các khu vực và nhóm nước chưa được đại diện một cách tương xứng.

Đại diện Việt Nam cho rằng, Hội đồng Bảo an cũng cần cải tiến phương pháp làm việc để bảo đảm tính dân chủ, minh bạch và hiệu lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Các cuộc họp công khai cần được tổ chức thường xuyên hơn, trong khi các cuộc họp và tham vấn kín cần hạn chế ở mức tối thiểu. Việc sử dụng quyền phủ quyết cần giới hạn trong phạm vi các biện pháp được quy định tại Chương VII của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Hội đồng Bảo an cũng cần tăng cường phối hợp, tham vấn Đại hội đồng, các tổ chức khu vực và các nước cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình trong các vấn đề liên quan.
Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên khẳng định, Việt Nam ủng hộ thúc đẩy tiến trình đàm phán liên chính phủ về cải tổ Hội đồng Bảo an (IGN), trong đó có việc bổ sung các thành tố cần thiết như các tiến trình thương lượng khác của Liên Hợp Quốc.

Đại diện Việt Nam đánh giá cao các sáng kiến đã được triển khai trong năm qua như truyền hình trực tuyến các cuộc họp, lập trang điện tử để lưu trữ thông tin, tài liệu của IGN.

Từ năm 1992, đề mục về cải tổ Hội đồng Bảo an được đưa vào chương trình nghị sự thường niên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trên cơ sở Nghị quyết số 47/62. Từ năm 2008, theo Quyết định số 62/557 của Đại hội đồng, tiến trình IGN ra đời và trở thành cơ chế dành riêng cho việc thảo luận các vấn đề liên quan đến cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới