Có thể nói chưa bao giờ chế độ cầm quyền ở Trung Quốc lại lâm vào tình cảnh bi đát như hiện nay, cùng với những nghi ngờ xung quanh cái chết bất ngờ của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường, cùng với nhiều tướng lĩnh cấp cao của Lực lượng Tên lửa, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc và Ngoại trưởng Tần Cương do đích thân Tập Cận Bình đề bạt lần lượt ngã ngựa; hay như sự suy thoái kinh tế, xã hội bất an, dân chúng lầm than, tham quan nhũng nhiễu… các loại tin đồn trong dân gian rợp trời dậy đất!
Vào thời nhà Đường của Trung Quốc có một người rất nổi tiếng về tài thuật số tên là Triệu Nhuy. Ông cùng với nhà thơ Lý Bạch được mệnh danh là “Thục trung nhân kiệt”, tức là hai người kiệt xuất ở đất Thục. Trong cuốn “Trường Đoản Kinh” của Triệu Nhuy, ở chương thứ 12 có tên là “Lý Loạn” (Bàn về sự rối loạn), ông đã chỉ ra những dấu hiệu rõ nét nhất về sự hưng suy hay thành bại của một quốc gia thông qua việc phân tích các kiểu quân vương và bầu không khí xã hội…
Những gì được nói trong sách đã được kiểm chứng qua hàng nghìn năm qua. So sánh những gì được nói trong chương ‘Lý Loạn’ với chính quyền Trung Quốc hiện nay, chúng ta có thể rút ra kết luận gì?
“Lý Loạn” lần đầu tiên phân chia quân chủ của một quốc gia thành 6 loại hình, đó là Vương chủ, Trị chủ, Tồn chủ, Suy chủ, Nguy chủ và Vong chủ.
“Vương chủ” dùng để chỉ một vị quân vương có tấm lòng nhân từ, có lý tưởng cao đẹp, và mọi hành động đều là vì dân.
“Trị chủ” là chỉ quân vương có tính cách rộng lượng, khắc chế được ham muốn của bản thân, không dùng cảm xúc riêng để làm các việc, chuyên cần học hỏi và tuân theo các nguyên tắc nhân từ và chính nghĩa trong công việc.
“Tồn chủ” dùng để chỉ quân vương có thể tuân theo luật lệ truyền thống mà vua trước để lại, chuyên cần chính sự, yêu thương người dân, xử lý công việc quốc gia có thể đặt việc công lên trước việc tư.
“Suy chủ” là chỉ quân vương chống lại luân thường, tranh quyền đoạt lợi, lấy việc công làm việc tư, các chính sách của họ không có cơ sở tiêu chuẩn lý luận nào.
“Nguy chủ” hiển nhiên là ám chỉ vị quân vương đang trong hiểm cảnh, các biểu hiện chủ yếu là: dục vọng lấn át lễ nghĩa, lợi ích cá nhân quan trọng hơn phúc lợi công cộng, hệ thống quốc gia đã vượt quá giới hạn, văn hóa chính trị đi ngược các quy tắc thông thường.
“Vong chủ” ám chỉ quân vương mất nước, biểu hiện chủ yếu là trọng dụng tiểu nhân tà ác, chèn ép các quan chức trung thành, tham lam vô độ, không bị ràng buộc bởi luật pháp, che đậy lỗi lầm, mắc lỗi không sửa.
“Vương chủ” có thể khiến thiên hạ hưng thịnh thái bình, “Trị chủ” có thể củng cố loại tình hình này, “Tồn chủ” có thể giữ chắc giang sơn, “Suy chủ” nếu đất nước không gặp thảm họa vẫn có thể đảm bảo an toàn được bản thân, tuy có khó khăn nhưng không gặp nguy hiểm, “Nguy chủ” chính là một khi đất nước gặp nạn thì ắt đi đến diệt vong, còn “Vong chủ” thì đi đến diệt vong là điều chắc chắn.
Như vậy, theo những gì được viết trong chương “Lý Loạn”, cấp cao nhất của Trung Nam Hải hiện nay là “Nguy chủ” hay “Vong chủ” đây? Ông Tập Cận Bình trong hai nhiệm kỳ đầu đã trọng dụng nịnh thần Vương Hỗ Ninh, nhiệm kỳ thứ ba lại trọng dụng nịnh thần khác là ông Thái Kỳ. Phần lớn các Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương cũng là những kẻ nịnh bợ không dám nói lời thẳng thắn; còn những người ủng hộ cải cách và dám lên tiếng như ông Hồ Đức Hoa – con trai ông Hồ Diệu Bang, cũng vì thất vọng mà rời xa ông Tập Cận Bình và lựa chọn im lặng.
Ngoài ra, ông Tập đã ngang nhiên sửa đổi hiến pháp và lựa chọn tái đắc cử, đồng thời cũng không giấu giếm rằng luật pháp dưới sự cai trị của ông đã trở thành vật trang trí, với một loạt các chính sách sai lầm của mình như: chính sách phong tỏa phòng chống dịch bệnh kéo dài 3 năm, chủ trương chống Mỹ đã dẫn đến sự tách rời kinh tế của Hoa Kỳ và Châu Âu, đàn áp các doanh nghiệp tư nhân, v.v., ông cũng không bao giờ xin lỗi công chúng, hơn nữa còn không ngừng điều chỉnh các chính sách đó. Loại hành vi này của ông Tập càng phù hợp với đặc trưng của “Vong chủ”. Lời tiên tri dân gian “Thiết Bản Đồ” cũng dự ngôn ông Tập sẽ là nhà lãnh đạo cuối cùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Sau khi phân tích chi tiết về các loại quân chủ, chương “Lý Loạn” phân tích 8 kiểu bầu không khí của quốc gia, đó là “Lý quốc chi phong”; “Suy quốc chi phong”; “Quai quốc chi phong”; “Loạn quốc chi phong”; “Hoang quốc chi phong”; “Phản quốc chi phong”; “Nguy quốc chi phong” và “Vong quốc chi phong”.
Biểu hiện của “Lý quốc chi phong” (Bầu không khí thái bình thịnh trị) là nhà vua và bề tôi đều gần gũi, có lễ nghi, bá quan văn võ tuy có quan điểm chính trị khác nhau nhưng họ vẫn chung sống hòa thuận, khiêm nhường nhau, không tranh quyền đoạt lợi, hết lòng chăm lo việc nước.
“Suy quốc chi phong” (Bầu không khí suy yếu) là đạo đức và trào lưu không thể thống nhất, người làm quan không được tôn trọng, quan chức cơ sở đả kích tệ nạn nước nhà, người dân bàn tán xôn xao.
“Quai quốc chi phong” (Bầu không khí không còn sự chính thường) là thân tín phản bội, người thân xa lánh, vua tôi tranh nhau ánh hào quang, quan chức tranh nhau công trạng, giới học thuật tranh đua danh tiếng, người dân tranh giành lợi ích cá nhân.
“Loạn quốc chi phong” (Bầu không khí rối ren) là dục vọng ích kỷ của quan chức cấp trên tràn lan, quan chức cấp dưới làm nhiều việc ác, pháp luật bất ổn, chính sách bất đồng.
“Hoang quốc chi phong” (Bầu không khí hoang đường): là xa xỉ bị nhầm là phồn vinh, kiêu ngạo bị nhầm là cao quý, tự do phóng túng bị nhầm là văn minh, người tuân theo lễ nghĩa bị coi là cổ hủ, và người tuân theo luật pháp được coi là tự phong bế mình.
“Phản quốc chi phong” (Bầu không khí ngược đời) là quan lại phục vụ quốc gia chỉ để trục lợi, coi việc bóc lột người dân là bản lĩnh, xem những người nịnh bợ là trung thành.
“Nguy quốc chi phong” (Bầu không khi nguy cấp) là cấp trên và cấp dưới có sự gián cách, trong ngoài nghi kỵ lẫn nhau, cáp dưới lấy lòng cấp trên, quan chức cấp cao tranh đoạt quyền lực.
“Vong quốc chi phong” (Bầu không khí diệt vong) là quan chức cấp trên không đi sâu vào tầng cơ sở để nắm rõ tình hình, ý kiến của người dân bên dưới không thể phản ánh lên trên, luật pháp quốc gia không được thi hành, ai nấy đều làm theo ý mình.
Hiện nay, bầu không khí của Trung Quốc thuộc về loại nào? Hiển nhiên, nó có đủ cả 5 bầu không khí trên.
Trong những năm gần đây, lãnh đạo ĐCSTQ thường xuyên chỉ trích vấn đề các quan chức “nằm ngửa” và bỏ bê nhiệm vụ, nhưng cũng không mấy hiệu quả. Bởi vì quan chức các cấp không có lợi ích dẫn động mà ôm giữ nguyên tắc “làm ít thì đỡ rắc rối”, khẩu hiệu càng hô hào ầm ĩ, công việc được thực hiện lại càng ít đi. Việc chính của các quan chức là lấy lòng cấp trên và làm sao để thăng tiến, còn các vấn đề an sinh xã hội và ý kiến của người dân, nó thuần túy chỉ mang tính hình thức.
Mỗi khi đất nước Trung Quốc xảy ra thảm họa đau thương, chúng ta có thể thấy rằng các quan chức Trung Quốc đến cả việc làm màu cũng không mấy hứng thú nữa. Một xã hội có bầu không khí như vậy còn có thể gắng gượng được bao lâu đây? Một đất nước có bầu không khí như vậy liệu có thể không nguy hiểm sao?
Vậy “bốn điều nguy” của đất nước là gì? Chương “Lý Loạn” cho rằng: Công khanh và tể tướng không được quần chúng ủng hộ, các bề tôi không thể đồng tâm hiệp lực, thống soái chỉ huy quân đội không đủ để khơi dậy nỗi sợ hãi của kẻ thù, người dân không màng đến sản xuất, đây chính là bốn loại nguy cơ của đất nước, và đây chính là tiêu chuẩn để nhận biết thiên hạ hỗn loạn hoặc hưng thịnh.
Nhìn lại Trung Quốc ngày nay, các quan chức cấp cao như ông Tập Cận Bình, ông Lý Cường có nhận được sự ủng hộ thật lòng của người dân hay không? Các quan chức đang bị siết cổ liệu có thể đồng tâm hiệp lực hay không? Liệu đội quân liên tục bị thanh trừng có thật sự lớn mạnh để khiến Mỹ và châu Âu phải khiếp sợ hay không? Người dân còn quan tâm đến sản xuất không? Câu trả lời hiển nhiên là không, nói tóm lại là chính quyền ĐCSTQ đang gặp nguy hiểm.
Trong cuốn “Tả Truyện” có nói rằng: “Một quốc gia khi sắp diệt vong, tất nhiên sẽ có nhiều chính sách được đưa ra”. Tác giả cuốn “Lý Loạn” cũng nhìn nhận rằng, thể chế quốc gia và trào lưu xã hội cấu thành nên mô hình quản trị. Khi thể chế hợp lý, thuận theo tự nhiên, đất nước sẽ không có sự bất ổn. Ngược lại, dù có vội vàng hấp tấp cũng không thể trị lý tốt được. Nghiêu, Thuấn đều không làm gì cả, cả hai đều rất nhàn hạ thong dong, bởi vì thể chế của họ là mô hình quản trị; Hồ Hợi và Vương Mãng bận rộn tối ngày, nhưng cũng không thể ngăn được thiên hạ loạn, bởi vì thể chế của họ là mô hình mang đến hỗn loạn.
Đây chẳng phải là trường hợp ở Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ sao? “Vong chủ” nắm quyền, và “Loạn quốc chi phong”; “Hoang quốc chi phong”; “Phản quốc chi phong”, “Nguy quốc chi phong” và “Vong quốc chi phong”” đang thịnh hành. Các chính sách mới dù liên tục được đưa ra nhưng cũng không che đậy được hiện trạng khủng hoảng và đang đi đến diệt vong.
Cách đây vài năm, trên mạng có lưu truyền bài viết có tiêu đề “Mười dấu hiệu lớn trước khi các triều đại diệt vong”, mười dấu hiệu lớn này bao gồm: Chính quyền và người dân đối đầu, xã hội bất ổn. Tư tưởng hỗn loạn, lòng người hoang mang. Tăng cường kiểm soát mọi mặt của xã hội. Tùy tiện tăng thuế, bóc lột người dân. Tiền giấy phát hành bừa bãi, đồng tiền mất giá. Giai tầng trên thì hoang dâm xa xỉ; giai tầng dưới thì khốn khổ trăm bề. Thể chế cứng nhắc và không muốn thay đổi. Giai tầng trung và giai tầng dưới không có cơ hội thăng tiến, giai tầng trên cắt đứt con đường thăng tiến của giai tầng trung và giai tầng dưới. Quân đội tham nhũng, sĩ khí không còn, tham sống sợ chết. Tô vẽ cảnh thái bình, ca tụng công đức. Mười dấu hiệu lớn này, chính quyền ĐCSTQ hiện tại đều hội tụ đầy đủ.
“Vong chủ” nắm quyền, chính quyền rơi vào “bốn điều nguy” và mười dấu hiệu lớn trước khi triều đại sụp đổ, chính quyền ĐCSTQ hiện giờ đều hội tụ đầy đủ những yếu tố này, thời gian sụp đổ của nó thật sự không còn xa nữa.
T.P