Thursday, November 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCú phản đòn của TQ khiến Mỹ bất an

Cú phản đòn của TQ khiến Mỹ bất an

Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) đã nổi lên như một vũ khí bí mật giúp Trung Quốc vượt qua vòng phong tỏa do Mỹ thiết lập nhằm ngăn chặn tiến bộ công nghệ của nước này.

SMIC đã dự trữ máy sản xuất chip trong nhiều năm.

Cú phản đòn của Trung Quốc
“Ông lớn” công nghệ Huawei Technologies Co. đã khiến các chính trị gia từ Washington đến Tokyo phải đề cao cảnh giác khi công bố dòng điện thoại thông minh trị giá 900 USD, báo hiệu sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong công nghệ bán dẫn.

Điều này cũng đẩy nhà sản xuất chip cho Huawei là SMIC vào giữa cuộc chiến tranh giành quyền lực địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thành công của SMIC khi cung cấp bộ vi xử lý 7 nanomet tiên tiến cho Huawei đã khiến Trung Quốc được “nở mày nở mặt” còn giới chức Mỹ thì “nóng mặt”.

Những thành tựu của SMIC còn đáng ngạc nhiên hơn trong bối cảnh công ty công nghệ này bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế của Mỹ trong hơn một thập kỷ và chính thức bị đưa vào danh sách đen vào năm 2020.

Bộ Thương mại Mỹ đã kiểm soát rộng rãi việc mua bất kỳ thiết bị hoặc phần mềm nào sử dụng công nghệ Mỹ, nhưng vẫn tiếp tục cấp giấy phép cho các nhà cung cấp SMIC trong vài trường hợp nhất định.

Các nhà lập pháp Mỹ và các chuyên gia trong ngành hiện đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden có biện pháp trấn áp hơn nữa, thậm chí có nguy cơ làm căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang.

Ông Douglas Fuller, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Copenhagen cho biết: “Họ không thể làm được gì nhiều ngoài việc cứng rắn hơn với SMIC. Nếu họ không cứng rắn hơn với SMIC thì chính sách này chẳng có ý nghĩa gì cả”.

Chính phủ Mỹ cho biết chiến lược chip của họ không nhằm vào điện thoại thông minh của Trung Quốc mà là vào khả năng quân sự của nước này. Chất bán dẫn là nền tảng của ngành công nghệ từ mô hình trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây đến máy bay không người lái, xe tăng và tên lửa.

Hiện các nhà đầu tư đại lục dường như đang ăn mừng trước thắng lợi của SMIC. Kể từ khi Mate 60 Pro của Huawei xuất hiện vào cuối tháng 8, cổ phiếu của công ty đã tăng 22%, tương đương khoảng 5 tỷ USD, giá trị thị trường để trở thành công ty hoạt động tốt thứ ba trên thước đo chuẩn cho các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông.

Câu hỏi dành cho SMIC trong dài hạn là liệu họ có thể sản xuất số lượng chip phức tạp hay không hay liệu Mỹ có tiếp tục siết hạn chế hay không.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, người giám sát các hạn chế công nghệ của chính quyền ông Biden, cho biết Trung Quốc thiếu năng lực để sản xuất những bộ phận như vậy “ở quy mô lớn”.

Những người kỳ cựu trong ngành bao gồm ông Burn J. Lin, cựu phó chủ tịch Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), cho rằng Mỹ đang đánh giá thấp năng lực của các công ty Trung Quốc.

SMIC đã dự trữ máy sản xuất chip trong nhiều năm, bao gồm cả các mẫu thiết bị in thạch bản cực tím sâu của ASML Holding NV của Hà Lan được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn 7 nanomet đầu tiên trong ngành. Theo Bloomberg, SMIC đã sản xuất chip của Huawei trên máy DUV từ ASML.

Ông Lin cho biết SMIC sẽ có thể phát triển các chip 5 nanomet mạnh hơn bằng các máy ASML mà hãng đang vận hành.

Khắc tên vào truyền thuyết
Theo Bloomberg, SMIC đã “khắc tên mình vào truyền thuyết” trong ngành. Công ty được thành lập cách đây hơn hai thập kỷ bởi ông Richard Chang, người sinh ra ở Trung Quốc, lớn lên ở Đài Loan và sau đó làm việc hai thập kỷ tại Texas Instruments Inc, một trong những “ông lớn” công nghệ của Mỹ.

Ông Richard Chang đã xây nhà máy sản xuất chip trên vùng đất cằn cỗi phía đông Thượng Hải, và ngay từ đầu công ty đã được chính quyền tạo điều kiện khi cung cấp mặt bằng và miễn thuế để hỗ trợ tham vọng của mình. SMIC đã vượt qua các đối thủ như Hua Hong Semiconductor Ltd. để trở thành nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Trung Quốc.

Là một trong những nỗ lực tốt nhất của Bắc Kinh trong việc sản xuất chip tiên tiến, SMIC đã trở thành mục tiêu của Mỹ ngay sau khi thành lập.

Năm 2005, Washington tạm dừng kế hoạch mua thiết bị sản xuất chip trị giá 1 tỷ USD từ Apply Materials Inc vì sợ hãng này sẽ cạnh tranh với Micron Technology Inc.

Cùng năm đó, Đài Bắc phạt người sáng lập vì vi phạm luật đầu tư khi thành lập SMIC. Năm 2009, một tòa án ở California đã ra phán quyết rằng SMIC đã sử dụng bí mật thương mại của TSMC không đúng cách.

SMIC nhanh chóng thành lập các xưởng đúc trên toàn quốc và cạnh tranh với TSMC để giành được hợp đồng. Công ty bắt đầu thuê các giám đốc điều hành và kỹ sư người Đài Loan để giám sát việc mở rộng của mình.

Các mối quan hệ với địa phương của SMIC đã giúp nuôi dưỡng một danh sách các khách hàng tên tuổi lớn – bao gồm cả những gã khổng lồ của Mỹ từ Qualcomm đến Broadcom.

Trong quá trình đó, công ty đã giành được sự ủng hộ từ Big Fund (quỹ đầu tư chất bán dẫn chính của Trung Quốc) đến quỹ đầu tư quốc gia Singapore.

Sau đó, vào tháng 12/2020, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa SMIC vào Danh sách thực thể vì bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Trung Quốc. Công ty đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.

Việc bổ sung vào cái gọi là Danh sách thực thể có nghĩa là các công ty Mỹ sẽ cần giấy phép của Bộ Thương mại để cung cấp cho SMIC.

Những hạn chế đối với SMIC nhanh chóng trở nên chặt chẽ hơn. Vào tháng 10/2022, Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mang tính bước ngoặt, bao gồm các giới hạn bán thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho các nhà máy hoặc nhà máy sản xuất của Trung Quốc sản xuất chip ở tiến trình 14 nanomet trở xuống.

Nhưng những chính sách này cũng có sơ hở. Trong khi các quy định này tác động ngay lập tức đến các công ty sản xuất chip của Mỹ nhưng chính quyền ông Biden phải mất nhiều tháng mới thuyết phục được chính phủ Hà Lan và Nhật Bản.

Điều đó có nghĩa là các công ty ở hai quốc gia này, chẳng hạn như ASML và Tokyo Electron Ltd., có thể tiếp tục bán máy móc tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc, những người đã nhanh chóng tích trữ thiết bị. ASML có thể xuất xưởng các máy DUV tiên tiến cho đến cuối năm nay theo quy định của chính phủ.

Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định riêng của Bộ Thương mại Mỹ cũng phức tạp. Hầu hết các máy móc cung ứng cho xưởng đúc, như DUV của ASML, có thể dùng để sản xuất cả chip bị Mỹ cấm vận và chip kém tiên tiến hơn không bị cấm vận.

Theo Reuters, Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét liệu Applied Materials có bán hàng trăm triệu USD thiết bị mà không có giấy phép thích hợp cho SMIC bằng cách vận chuyển thiết bị từ Mỹ đến Hàn Quốc, sau đó đến Trung Quốc hay không.

Hiện chính quyền ông Biden vẫn đang cân nhắc cách phản ứng trước sự hợp tác của họ với Huawei, công ty cũng bị đưa vào danh sách đen. Mỹ đã tiết lộ một bộ kiểm soát chip mới vào tháng 10 này nhằm thắt chặt hơn nữa các hạn chế trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

Dù SMIC có thể phải đối mặt với các biện pháp mạnh mẽ hơn từ Washington, nhưng những thành tựu mà công ty này đang có đã đem lại hy vọng cho chiến lược xây dựng một ngành công nghệ tự chủ hơn của Bắc Kinh.

“Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc”, các nhà phân tích Charles Shum và Sean Chen của Bloomberg Intelligence cho hay.

“Con chip này cho thấy gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang tiến lên phía trước, đạt được tiến bộ trong việc lách các lệnh trừng phạt của Mỹ trong khi âm thầm theo đuổi khả năng tự cung cấp công nghệ”, các nhà phân tích nhấn mạnh thêm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới