Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò gìn giữ hòa bình và ủng hộ ở Gaza thời hậu chiến, nhưng Mỹ mới là bên nắm giữ chìa khóa cho một thỏa thuận ngừng bắn.
Theo chuyên gia Carice Witte, người sáng lập một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Israel, Trung Quốc có thể đóng góp vào việc tái thiết kinh tế và chính trị của Gaza sau chiến tranh thông qua các sứ mệnh gìn giữ hòa bình và viện trợ kinh tế, nhưng khả năng tác động đến một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài lại hạn chế rất nhiều so với Mỹ.
Hôm 22/11, Israel đã phê chuẩn lệnh ngừng bắn tạm thời với Hamas để đổi lấy tự do cho hàng chục con tin bị giam giữ ở Dải Gaza. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thảo luận về việc nắm quyền ở Dải Gaza sau chiến tranh với lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế vào đầu tháng này, Bloomberg đưa tin và mô tả các cuộc đàm phán chỉ là “sơ bộ”.
Ông Chu Bo, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, cho rằng nếu lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được triển khai ở Gaza, Trung Quốc sẽ là một trong những cường quốc đi đầu trong nỗ lực bảo vệ khu vực.
“Israel khó có thể loại bỏ Hamas bằng vũ lực và sự chiếm đóng của Israel chắc chắn sẽ phản tác dụng. Điều này có nghĩa là một ngày nào đó có thể cần phải có lực lượng gìn giữ hòa bình ở đây”, ông nói.
Ông Chu, cựu đại tá của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), cho biết Trung Quốc, với tư cách là quốc gia cung cấp lực lượng gìn giữ hòa bình lớn nhất trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sẽ có đủ điều kiện để dẫn đầu các nỗ lực gìn giữ hòa bình.
Bắc Kinh có 8.000 lính gìn giữ hòa bình trong lực lượng dự phòng của Liên hợp quốc, nhưng hiện chỉ có vài nghìn lính gìn giữ hòa bình của Trung Quốc được triển khai. Trong thời gian 1992-2018, quân đội nước này đã cử hơn 35.000 binh sĩ tham gia 24 hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên khắp thế giới.
Nhưng ông Chu nói thêm rằng, Bắc Kinh không có nhiều tiếng nói đối với quyết định đồng ý ngừng bắn của Israel hoặc quản lý Gaza sau chiến tranh. Ông cũng đồng thời lưu ý, Trung Quốc không có quyền ngăn chặn Israel như Mỹ.
“Sau lệnh ngừng bắn, vai trò chính xác mà Trung Quốc có thể thực hiện sẽ phụ thuộc phần lớn vào thỏa thuận mà các bên đạt được. Vai trò của Bắc Kinh ở Gaza, dù là lực lượng gìn giữ hòa bình tiềm năng hay là bên trung gian, sẽ dựa trên giải pháp của Israel đối với khu vực”, ông nói.
Theo Bloomberg, Israel cho đến nay vẫn hoài nghi về kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế. Theo chính quyền Gaza, ít nhất 14.500 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó ít nhất 6.000 nạn nhân là trẻ em và 4.000 phụ nữ, trong các vụ tấn công của Israel. Bất chấp chỉ trích, Tel Aviv mô tả các động thái quân sự của họ ở Gaza là hành động tự vệ đáp trả “cuộc tấn công của Hamas”.
Tuvia Gering, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, nhất trí cho rằng Israel có thể miễn cưỡng chào đón một cường quốc quốc tế giám sát Gaza, với lý do tiến triển hạn chế của Lực lượng Lâm thời Liên hợp quốc tại Li Băng (UNIFIL), lực lượng gìn giữ hòa bình ở nước này.
UNIFIL được thành lập để giám sát việc rút quân Israel khỏi miền nam Li Băng sau cuộc tấn công năm 1978 của Tel Aviv. Nhiệm vụ được mở rộng để cho phép quân đội Li Băng nắm quyền ở phía nam đất nước, nhưng cũng kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn giữa Israel và nhóm Hezbollah. Nhưng mục tiêu ngừng bắn chưa đạt được.
Chuyên gia Gering cho rằng, việc UNIFIL không giữ được hòa bình giữa Israel và Hezbollah cho thấy họ “bất lực” trong việc giải quyết vấn đề theo nghị quyết của Liên hợp quốc và có thể khiến Tel Aviv nghi ngờ về uy tín của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
UNIFIL hiện có khoảng 400 quân Trung Quốc, theo dữ liệu chính thức của Liên hợp quốc. Theo chuyên gia Carice Witte, Bắc Kinh có thể đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tái thiết kinh tế ở Gaza. Bà cho biết khi chiến tranh kết thúc, Dải Gaza có thể nằm dưới ảnh hưởng của liên minh do các nước vùng Vịnh và Ai Cập dẫn đầu với “sự lãnh đạo mạnh mẽ của người Palestine”.
“Vào thời điểm đó, Trung Quốc, quốc gia ủng hộ quan điểm của Ả Rập, có thể đóng vai trò tích cực trong việc tái thiết Gaza và góp phần mang lại công việc và hy vọng cho người dân Palestine”, bà nói.
Nhưng chuyên gia Gering lưu ý, Trung Quốc hầu như không quan tâm đến đầu tư vào việc tái thiết kinh tế của Gaza. “Tôi khó có thể tưởng tượng Trung Quốc sẽ can thiệp bằng cách đưa công nhân vào khu vực này, chừng nào an ninh chính trị và vật chất không được đảm bảo”, ông Gering nói.
Chuyên gia Yahia Zoubir tại Hội đồng các vấn đề toàn cầu Trung Đông có trụ sở ở Doha, đồng ý rằng, Israel không có kế hoạch tái chiếm Gaza và quyền quản lý có thể được chuyển giao cho chính quyền Palestine. “Hamas sẽ khó bị loại bỏ hoàn toàn, nhưng nếu Israel thành công trong việc này, họ vẫn cần phải lo ngại về “các phong trào kháng chiến khác của người Palestine” có thể còn mạnh mẽ hơn Hamas”, Zoubir nhận định.
Theo ông, Bắc Kinh sẽ tiếp tục cố gắng thuyết phục các quốc gia ở Nam bán cầu nhằm chống lại Mỹ và EU. “Bắc Kinh có thể khai thác những rạn nứt trong thế giới phương Tây để gây thêm áp lực lên tiến trình chính trị… Tuy nhiên, mấu chốt nằm ở Washington”, ông nói thêm.
T.P