Liên quan tới hoạt động nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mới đây, truyền thông Indonesia đã đăng tải một thông tin đáng chú ý. Cụ thể, hãng tin Compat dẫn lời lãnh đạo Công ty PT Sari Bahari – một doanh nghiệp quốc phòng tư nhân Indonesia – cho hay: họ đã xuất khẩu thành công 500 quả bom huấn luyện cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tổng giám đốc PT Sari Bahari, ông Bucha Pratama, cho biết: “Một trong những sản phẩm của công ty này là bom tập P100 đã được xuất khẩu sang Việt Nam vào tháng 8/2023. Chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây. Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ hướng tới việc chế tạo bom thông minh”. Ông Bucha nói với các phóng viên tại nhà máy PT Sari Bahari ở Pakis, Đông Java ngày 10/10.
P100 Practi là loại bom huấn luyện dành cho máy bay chiến đấu. Theo kế hoạch, loại bom này sẽ được sử dụng để huấn luyện cùng các tiêm kích Su-30MK2 của lực lượng Không quân Việt Nam. Đồng thời, các hình ảnh của Compat cho thấy lãnh đạo của doanh nghiệp quốc phòng Indonesia đứng bên cạnh các quả bom tập P100 được sơn cờ Việt Nam.
Quả bom sản xuất nguyên bản này được sử dụng như một giải pháp thay thế cho việc huấn luyện thường xuyên của phi công không quân Việt Nam, đặc biệt là nâng cao năng lực cho các phi công tiêm kích MiG và Sukhoi, ông Ricky Hendrick, giám đốc PT Sari Bahari, cho biết.
Cũng theo vị này, P100 là bom huấn luyện có hàm lượng nội địa hóa lên tới 82,77%. Đây là kết quả khảo sát của Bộ Công nghiệp Indonesia. Loại bom này được sản xuất lần đầu tiên vào năm 2007, sau đó được phát triển cùng với Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Không quân Indonesia.
Trong khi đó, Đại tá Anang Setionean, nhà phân tích về công nghệ tại Bộ Quốc phòng Indonesia cho hay, hoạt động xuất khẩu có ý nghĩa quan trọng đối với nước này: “Khi chúng ta đang tăng cường sản xuất trong nước các loại vũ khí chủ yếu, điều này làm tăng sự tự tin của chúng tôi. Đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo bom.” Anang tuyên bố.
Cũng theo vị này, chính phủ – và trong trường hợp này là Bộ Quốc phòng – luôn ủng hộ sự tiến bộ về tính độc lập của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.
Còn Đại tá Thủy quân lục chiến Dianchi Hutanto – Tùy viên quân sự Đại sứ quán Indonesia tại nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiết lộ, lý do chính quyền Việt Nam chọn mua thiết bị quốc phòng Eurasia: “Vì Không quân Việt Nam có bay chiến đấu Su-30 và PT Sari Bahari đã có thể chế tạo các loại bom huấn luyện đáp ứng các tiêu chuẩn này”.
Về phần boom tập P100, theo cổng thông tin điện tử của PT Sari Bahari, kiểu bom này có trọng lượng 100 đến 125 kg, dài 1,1m, đường kính 273mm, chiều dài cánh đuôi 550 mm. Ngoài bom tập P100-120, nhà sản xuất cho biết họ đã phát triển phiên bản P100-120L có thể sử dụng trong chiến đấu. Kể từ năm 2008, bom P100 đã được cung cấp cho Không quân Indonesia sử dụng trên tiêm kích Su-27SK và Su-30MK2. Loại bom này cũng tương thích cho việc huấn luyện phi công F-5.
Theo báo cáo, Không quân Indonesia có nhu cầu đến hơn 700 quả bom huấn luyện mỗi năm. Được biết, bom tập hay bom huấn luyện có chức năng nhiệm vụ đúng với tên gọi của nó, nó sử dụng trong việc huấn luyện phi công thả bom chiến đấu, loại này có cùng kích thước và trọng lượng nhẹ hơn một chút so với bom chiến đấu. Khi nổ, tạo ra khói mù để xác định vị trí.
Mặc dù bom thông thường có xu hướng rẻ hơn nhiều so với bom có điều khiển, nhưng nếu quy đổi ra đồng đô la thì con số không dưới vài chục ngàn đô một quả. So với bom chiến đấu ưu điểm của bom tập là rẻ hơn nhiều, có thể mua số lượng lớn để phi công huấn luyện với cường độ cao hơn. Theo nguồn tin từ Indonesia, bom tập P100 của họ có giá chỉ hơn 1.000 đô. Ông Ricky Egam, Tổng giám đốc PT Sari Bahari giai đoạn năm 2008 tuyên bố bom huấn luyện nhập khẩu từ Nga có giá tới 4.000 đô một đơn vị, trong khi cùng giá đó có thể mua đến bốn quả bom P100. Như vậy, không loại trừ khả năng có đến hai yếu tố khiến Việt Nam quyết định chọn bom tập do Indonesia sản xuất: Một, giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ Nga. Hai, trong bối cảnh hiện nay, việc tìm nguồn hàng thay thế hàng Nga là việc cần thiết nhằm đối phó với các biện pháp bao vây, cấm vận, ngạt nghèo từ Mỹ đối với quan hệ nhập khẩu vũ khí từ Nga.
Bên cạnh đó, chắc hẳn không ít người đã và đang cảm thấy bất ngờ về việc Việt Nam mua các trang thiết bị quân sự từ Indonesia mà không phải là từ các nền quốc phòng hùng mạnh hơn. Thực ra phải thừa nhận rằng, nếu so về năng lực sản xuất vũ khí, Indonesia có bề dày lịch sử phát triển công nghiệp quốc phòng lâu hơn, lớn hơn, mạnh hơn Việt Nam. Chúng tôi không thể tìm được một tài liệu chính xác về thời điểm Indonesia bắt đầu phát triển nền công nghiệp quốc phòng mang tính chiều sâu. Tuy nhiên, ít nhất cũng rơi vào trước thời điểm thập niên 90, có thể là từ thập niên 80 cho tới nay, nói không ngoa thì Indonesia hiện là quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Cho tới hiện nay, Indonesia đã sản xuất và đưa vào trang bị hàng loạt chủng loại vũ khí từ hạng nhẹ tới hạng nặng, bao gồm các loại vũ khí bộ binh cho lực lượng quân sự và hành pháp, bao gồm súng ngắn, súng tiểu liên, súng trường tiến công, súng trường bắn tỉa, trung liên, đại liên, súng phóng lựu.
Trong đó, từ năm 1991, lực lượng vũ trang Indonesia đã bắt đầu đưa vào trang bị khẩu Pindad SS1, một thiết kế của nhà máy Pindad trên cơ sở mua bản quyền thiết kế khẩu FN FNC của Bỉ. Đến năm 2006, phiên bản SS2 được chấp nhận biên chế. Về cơ bản vẫn dựa trên thiết kế của Bỉ nhưng có học hỏi thêm một số ưu điểm từ khẩu M16A2 cũng như súng trường AK. Tháng 5/2021, trên 50.000 khẩu SS2 đã được các lực lượng vũ trang Indonesia đặt hàng. Ngoài ra, có nguồn tin về việc Quân đội Lào đã đặt mua số lượng nhỏ SS2.
Kể ra, bạn Lào cũng hay. Hiện nay, họ ngoài súng trường AK tiêu chuẩn thì có một số lượng nhỏ súng trường QBZ 95 của Trung Quốc, rồi Việt Nam lại tặng cho Lào một số ít súng trường Daniac hồi năm 2019. Rồi họ mua thêm Pindad SS2.
Về hỏa lực mang vác bộ binh, họ sản xuất được các loại súng cối cỡ 60 đến 81 ly. Về vũ khí hạng nặng, họ đã hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để sản xuất xe tăng hạng trung nhưng đặc biệt nhất là việc thiết kế và đưa vào sản xuất quy mô lớn xe bọc thép trở quân 6×6 bánh Pindad APS Anoa từ năm 2008. Đến nay, họ đã đưa vào trang bị 400 xe bọc thép loại này với tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao. Đây là một thành công lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia. Mặc dù là tân binh trong việc sản xuất xe bọc thép, họ cũng mạnh dạn đưa Pindad Anoa ra thị trường xuất khẩu và bước đầu đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các nước trong khu vực và thế giới Trung Đông. Dĩ nhiên, chưa có đơn hàng nào rõ ràng.
Ngoài Pindad Anoa, họ còn có một loại các thiết kế xe bọc thép 4×4 hạng nhẹ như: Comar đã sản xuất được hơn 100 chiếc, APR1 sản xuất 12 chiếc, Maung sản xuất 40 chiếc
Trong khi Việt Nam mới bước đầu phát triển các phương tiện xe bọc thép chở quân bánh lốp cũng như xe chiến đấu bộ binh bánh xích trong nước. Mọi thứ vẫn còn bừa bộn và cần thời gian.
Về công nghiệp hàng không, Indonesia hiện là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đã có năng lực sản xuất các loại máy bay vận tải quân sự cũng như máy bay đa dụng hạng nhẹ cho thị trường dân sự.
Được biết, tham vọng chế tạo các phương tiện bay có người lái của họ đã diễn ra từ cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, phải đến tháng 9/1974, khi họ đạt được thỏa thuận với tập đoàn CASA của Tây Ban Nha về việc sản xuất trực thăng và máy bay vận tải quân sự hạng nhẹ thì nền công nghiệp hàng không của họ mới có bước phát triển vượt bậc.
Nhờ các thỏa thuận đạt được với nền quốc phòng châu Âu tiên tiến, họ đã nhận được các tài liệu, dây chuyền lắp ráp máy bay vận tải quân sự cũng như cung cấp các dịch vụ đào tạo, huấn luyện, sửa chữa tại Indonesia.
Đến nay, Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Indonesia (PT DI) đã và đang thực hiện việc sản xuất hàng loạt ít nhất ba dòng máy bay vận tải quân sự đắt hàng bao gồm: CASA CN 235, CN295, NC 22I. Việt Nam là một trong các bên nhập khẩu ba chiếc máy bay vận tải hạng nhẹ NC 22i từ Indonesia từ các năm trước.
Trên cơ sở các thành tựu từ việc lắp ráp máy bay trên dây chuyền hiện đại của thế giới phương Tây. Đến nay, Indonesia bắt đầu đạt được khả năng thiết kế và cải tiến một số mẫu sản phẩm. Ví dụ như: Máy bay vận tải đa dụng N219 cải tiến từ CASA C212, bay thử năm 2017. Máy bay chở khách thương mại tầm ngắn N245 cải tiến từ máy bay quân sự CN235, có khả năng chở tới 50 hành khách
Đối với công nghệ UAV, hồi năm 2019 họ lần đầu tiên ra mắt thiết kế UAV trinh sát tấn công Gelang Hitam, trang bị động cơ ROTX 915 của Áo, cho tầm bay 250km, tốc độ bay 235 km/h.
Về công nghiệp đóng tàu quân sự, Indonesia đứng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nếu chỉ xét ở các lớp tàu mà họ tự thiết kế hiện nay, Indonesia đã có năng lực tự thiết kế và thi công hàng loạt các loại tàu chiến bao gồm: Tàu tên lửa tấn công nhanh, đại diện là các lớp tàu KCR 40 cỡ 250 tấn, KCR 60 cỡ 400 tấn, và đặc biệt là tàu tàng hình ba thân KRI Karang cỡ 219 tấn với thiết kế độc đáo. Tàu tuần tra, họ đã tự thiết kế và đóng thành công hàng chục tàu tuần tra cỡ từ vài chục tới 520 tấn, nhất là tàu đổ bộ hạng trung cỡ 2300 tấn. Năm 2012, họ đã đưa vào chế tạo lớp tàu của riêng mình với số lượng 9 chiếc.
Thực ra, với tàu tuần tra Việt Nam cũng đóng được hàng trăm tàu bè cho Cảnh sát biển, Kiểm ngư và kể cả Hải quân. Nhưng trong việc thiết kế tàu tên lửa Việt Nam chưa có một thiết kế nào độc lập hoàn toàn. Hiện nay, ta đang phát triển tàu săn ngầm nhưng chưa có thành phẩm cụ thể.
Đó là với việc tự thiết kế. Ở lĩnh vực mua sắm bản quyền sản xuất, Indonesia đã có năng lực đóng trong nước các tàu đổ bộ lớn 12.000 tấn theo thiết kế của Hàn Quốc, đã bước đầu tham gia việc chế tạo tàu hộ vệ tên lửa đa năng đến 2000 tấn cũng như chế tạo tàu ngầm diesel điện cỡ 1400 tấn. Một điều đáng nể là từ các dự án mua thiết kế, họ đã gây tiếng vang trên thị trường xuất khẩu vũ khí khi đã xuất khẩu thành công tàu đổ bộ lớn 12.000 tấn lớp Makassar cho Hải quân Philippines, Peru và Myanmar là một thành tựu đáng tự hào của người Indonesia.
Việt Nam mới thực sự đầu tư mạnh cho công nghiệp quốc phòng nội địa, có lẽ chỉ trong khoảng 20 năm. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các loại trang bị vũ khí hạng nhẹ nội địa xuất hiện ngày càng nhiều, rồi gần đây là tới các loại vũ khí hạng nặng.
Nếu so sánh năng lực công nghiệp quốc phòng hai nước ở thời điểm hiện tại, chúng ta thua ở nhiều lĩnh vực, nhưng cũng hơn họ không ít thành tựu. Mà nổi bật là dự án phát triển tên lửa hành trình nội địa VCM do Viettel do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chủ trì. Đến nay, được biết là đã cơ bản hoàn thành dự án, các bước phát triển tiếp theo bao gồm việc tích hợp lên các nền tảng đang được triển khai.
Indonesia cũng tham vọng tên lửa hành trình chống hạm từ lâu, nhưng hiện tại vẫn chưa có một kết quả tương xứng. Trước đây đã có tin về việc họ muốn mua bản quyền sản xuất tên lửa C705 của Trung Quốc, nhưng sau đó là dừng lại. Tháng 4/2022, họ đã thành lập một liên minh các công ty quốc phòng với mục tiêu sao chép tên lửa hành trình chống hạm kiểu C705 của Trung Quốc để đạt được năng lực sản xuất trong nước. Trong lĩnh vực phát triển hệ thống radar cảnh giới đường không, đường biển, Việt Nam mình cũng đang có những bước tiến vững chắc công nghệ của ta xếp top đầu khu vực. Hay việc phát triển các hệ thống tên lửa phòng không, ta cũng đạt được các thành tựu trong việc phát triển hệ thống tên lửa vác vai, điều mà Indonesia chưa làm được.
Đặc biệt là việc đảm bảo kỹ thuật cho các hệ thống chiến đấu của không quân. Đành rằng ta phải nhập bom tập của Indonesia, nhưng về năng lực sửa chữa máy bay thì ta hơn. Báo Quân đội nhân dân vừa qua có hai bài viết về nhà máy A32, trong đó cập nhật tin vui về dự án sửa chữa tăng hạn sử dụng máy bay tiêm kích Su-27/30. Được biết, các máy bay Su-27SK/UBK sau đại tu tại nhà máy A32 đã và đang hoạt động tốt, đáng tin cậy tại Trung đoàn 925 sau 7 năm bàn giao
Với dự án tăng hạn sử dụng máy bay Su-30MK2, đến nay A32 đã hoàn thành và bàn giao về đơn vị chiến đấu tiêm kích Su-30 số hiệu 8534. Nói về đại tu tăng hạn tiêm kích Sukhoi (khối Su-27 và Su-30) của Nga, hiện nay ngoài Nga chỉ còn Ấn Độ hoặc Belarus làm được việc này, và Việt Nam đã ghi tên mình vào vị trí thứ tư.
Dĩ nhiên, cả hai nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Indonesia đều gặp phải một vấn đề đó là tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, đặc biệt với vũ khí hạng nặng như xe bọc thép hay máy bay, tàu chiến. Nói thẳng là phải nhập các trang bị trọng yếu như vũ khí, trang bị, động cơ, phương tiện, rồi khí tài, điện tử.
Đánh rằng phương Tây họ chuyển giao công nghệ, nhưng đời nào người ta cho hết mọi thứ. Nói chung nhập của ai thì nhập, điều quan trọng là ta có một giải pháp phù hợp bởi mục tiêu sau cùng là phải bảo vệ Tổ quốc mình mà thôi, mà muốn bảo vệ Tổ quốc thì bộ đội phải luôn sẵn sàng chiến đấu cao. Do đó công tác huấn luyện sát với thực tế là hết sức quan trọng.
T.P