Trong phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu (ngày 18-19/9/2023) nhằm đánh giá lại việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Ông Antoni Guterres đã gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp khi tuyên bố rằng, cho dù đã đi được quá nửa thời gian, nhưng chỉ có 15% các mục tiêu của SDG đang được thực hiện đúng lộ trình.
Nhiều mục tiêu khác đang đi chệch hướng. Thế giới đối mặt với nguy cơ bỏ lại phía sau các mục tiêu của SDG và cần có kế hoạch “giải cứu” cho một chương trình toàn cầu mang tính nhân văn to lớn nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho thế giới vào năm 2030.
Không làm tổn hại đến tương lai
Theo định nghĩa của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED (nay là Ủy ban Brundtland) đưa ra năm 1987 thì Phát triển bền vững (SDG) là “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai…”. Điều đó đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế phải bảo đảm đồng bộ với bảo đảm xã hội công bằng và gìn giữ môi trường một cách hiệu quả. Đây là sự kết hợp hài hòa ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.
Trải qua một thời gian dài, thông qua rất nhiều hội nghị khác nhau, ngày 25/9/2015 Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc với sự tham dự của 193 nước thành viên đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đây là một chương trình mang tính toàn diện, bao quát nhiều lĩnh vực, có tầm nhìn rộng lớn và lâu dài. Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững không phải là một chương trình đơn lẻ mà là sự tiếp nối, đề ra kế hoạch để từng quốc gia tiếp tục hoàn thành các công việc đang còn dang dở của Tuyên bố Thiên niên kỷ với 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc tháng 9/2000); cũng như Chương trình Nghị sự 21 nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong thế kỷ XXI (được 179 quốc gia thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất Rio de Janeiro năm 1992).
Liên hợp quốc đã xác định 17 mục tiêu mà các quốc gia phải hoàn thành vào năm 2030, trong đó có những mục tiêu then chốt như: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, đặc biệt là những người có mức sống dưới 1.25$ một ngày; Chấm dứt nạn đói và mọi hình thức suy dinh dưỡng; Bảo đảm nền giáo dục có chất lượng; Bảo đảm bình đẳng giới; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững; Giảm bất bình đẳng, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau; Thực hiện các biện pháp chống biến đổi khí hậu; Bảo vệ sự sống trên đất liền, ngăn chặn mất đa dạng sinh học; Và mục tiêu cuối cùng là khôi phục thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu để tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững.
Các mục tiêu trên chính là lộ trình đảm bảo nhất để nhân loại có thể thực hiện đúng những nghĩa vụ được nêu trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948.
Theo một số nhà nghiên cứu, nhìn chung, trong 36 mục tiêu chi tiết của 17 Mục tiêu lớn, các nhà khoa học nhận thấy, cho đến thời điểm hiện tại, thế giới chỉ có thể có khả năng đạt được hai mục tiêu kịp thời hạn, đó là tăng khả năng truy cập Internet và mạng điện thoại di động.
Với Việt Nam, ngay từ tháng 5/2017, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Ngày 14/7/2023, Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Lộ trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 với 117 chỉ tiêu như: đến 2030, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 60%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hơn 2,5 đến 3 lần so với năm 2020; tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người 7.500 USD; trị giá hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng bình quân 5 – 6%/năm giai đoạn 2026-2030.
Việt Nam luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các mục tiêu SDG trong suốt thời gian dài. Theo đánh giá của Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam thì Việt Nam đã đạt tiến bộ lớn trong những mục tiêu liên quan đến xóa đói, giảm nghèo; quyền tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh; phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng cũng như tiếp cận công nghệ thông tin và Internet.
Thách thức và hành động
Trong suốt thời gian dài, Liên hợp quốc đã đưa ra rất nhiều chương trình và nghị quyết liên quan đến SDG, các quốc gia thành viên đã chấp nhận và thông qua.
Tuy nhiên, cho đến nay, tại hầu hết các quốc gia, cho dù là quốc gia phát triển, đang phát triển, các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) và các quốc gia kém phát triển nhất (LDC) thì việc triển khai và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững đều không như mong đợi. Nhiều mục tiêu đang đi chệch hướng và bị kéo lùi lại phía sau.
Theo nhận xét của nhiều nhà khoa học thì ngoài nguyên nhân là nhiều trong số 169 “mục tiêu phụ của 17 chỉ tiêu SDG “đã không được xác định rõ ràng, không thể đo lường được hoặc không chặt chẽ về mặt khoa học” thì chúng ta có thể tập trung vào mấy nguyên nhân chính đã và đang gây khó khăn cho các quốc gia hoàn thành việc thực hiện SDG đúng hạn.
– Trước hết đó chính là sự khác biệt về nhận thức và tầm nhìn của các quốc gia đối với các mục tiêu ưu tiên của phát triển bền vững (SDG).
Trong bối cảnh thế giới vẫn còn khoảng trên 1,2 tỷ người tiếp tục sống nghèo đói đa chiều, dự đoán đến năm 2030 trên 700 triệu người vẫn phải đối mặt với nạn đói kinh niên, khoảng 330 triệu trẻ em sống trong tình trạng nghèo cùng cực (40% là ở châu Phi vùng hạ Sahara) thì ưu tiên lớn nhất đối với các quốc gia đang phát triển và kém phát triển sẽ là tập trung vào vấn đề mưu sinh.
Xóa đói nghèo là điều kiện tiên quyết để nhiều quốc gia có thể khởi đầu sau đó duy trì và thúc đẩy phát triển bền vững. Các quốc gia trên tập trung vào các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Lấy tăng trưởng GDP làm cán cân và thước đo, bỏ qua các yếu tố bền vững,không quan tâm đầy đủ và không tập trung nguồn lực và tài chính để duy trì sự cân bằng giữa các cam kết giảm đói nghèo với giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Việc đưa ra những chính sách phát triển kinh tế nóng vội, ngắn hạn để phát triển nông nghiệp, khai thác vô độ tài nguyên thiên nhiên, phá rừng để trồng trọt được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 1/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu và làm thế giới mỗi năm, mất một diện tích rừng nhiệt đới lớn bằng diện tích đất nước Sri Lanka (65,610 km²).
Hơn ba tỷ người dân trên thế giới vẫn không được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản vì không có nước và không có nước sạch, đặc biệt ở khu vực Bắc Phi.
Trong khi đó, tại những quốc gia phát triển mà ở đó vấn đề đói nghèo đã cơ bản được giải quyết thì các cường quốc lại thi nhau chạy đua vũ trang, hạt nhân, thám hiểm mặt trăng, làm mưa hạt nhân để phục vụ mục tiêu địa chính trị, cạnh tranh giữa các cường quốc tất cả đang để lại những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường.
Nhiệt độ Trái đất đã tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học dự đoán tương ứng với mỗi một độ C ấm lên, cường độ mưa trong bão mạnh sẽ tăng 7%.
Liên hợp quốc đã tổ chức rất nhiều hội nghị và thông qua rất nhiều nghị quyết về môi trường nhưng như một nghịch lý,thế giới ngày càng làm ra nhiều của cải hơn,với tăng trưởng GDP cao hơn,khoa học kỹ thuật phát triển hơn thì môi trường đang đối mặt với nguy cơ ngày càng bị hủy hoại nhiều hơn.
Có thể khẳng định rằng tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị liên đới và đều phải chịu trách nhiệm trong một mức độ nào đó về tình trạng thời tiết cực đoan khi không nghiêm túc thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo,thu giữ khí carbon, giảm phát thải khí nhà kính, dẫn đến những thảm họa khủng khiếp trên khắp các châu lục thời gian qua,số người bị chết, bị đói, di cư ngày càng tăng.
Để giải quyết mâu thuẫn trên, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế kiến nghị cần phải có cách tiếp cận mới về tăng trưởng kinh tế và tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia. Không thể chỉ coi GDP là thước đo duy nhất cho sự thịnh vượng của một quốc gia mà cần bổ sung thêm các chỉ số khác về sự phát triển bền vững liên quan đến con người, sự bình đẳng, bảo vệ môi trường, xã hội, điều kiện sống. Không thể có phát triển bền vững nếu không giải quyết đồng bộ vấn đề môi trường.
– Vấn đề nguồn nhân lực đang được đặt ra và là thách thức lớn với nhiều quốc gia trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.Đây là công cụ quan trọng nhất,quyết định đến mọi yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và thành công của mỗi quốc gia.Đây cũng là nhu cầu cấp bách nhất của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thế giới đã bước qua giai đoạn nguồn nhân lực giá rẻ để đặt chân vào giai đoạn cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.
Theo thống kê của ManpowerGroup Việt Nam, sự chuyển đổi sang kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 30 triệu việc làm mới và trở thành nguồn tạo việc làm hàng đầu trên toàn cầu trong 5 năm tới. Dự đoán lĩnh vực sản xuất ghi nhận có nhu cầu việc làm xanh cao nhất (30%), sau đó là năng lượng (20%), sức khỏe (18%) và công nghệ (16%).
Chính vì thế, tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm phải coi việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho kinh tế xanh như một chiến lược phát triển quan trọng nhất bởi không có nguồn nhân lực đủ, đúng, đạt yêu cầu đòi hỏi thì không thể hoàn thành việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Đào tạo nguồn nhân lực cần được bắt đầu từ rất sớm, cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nền kinh tế xanh.
Để phục vụ cho nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai, yếu tố cần và đủ là phải xóa bỏ sự bất bình đẳng trong thu nhập giữa các quốc gia cũng như giảm bớt “sự nghèo đói về giáo dục” để tất cả trẻ em và thanh niên, người lao động đều được hưởng lợi bình đẳng từ nền giáo dục công.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tại các quốc gia có thu nhập thấp, trẻ em thuộc các hộ gia đình giàu có nhất được hưởng lợi gấp 6 lần từ kinh phí tài trợ cho giáo dục công so với những học sinh nghèo nhất. Ở các quốc gia có thu nhập cao, tỉ lệ này là từ 1,1 đến 1,6 lần.
Một trong những lỗ hổng lớn cho quá trình thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững đó chính là chưa có sự hợp tác toàn cầu, như cần phải có, đặc biệt của các cường quốc. Mỗi quốc gia theo đuổi lợi ích riêng, chiến lược riêng và chính sách phát triển khác nhau.
Điều này thể hiện rất rõ qua việc tham dự khóa họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc thường niên lần thứ 78 vừa qua, cũng như Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững.
Tổng thống Mỹ Joe Biden là nguyên thủ quốc gia duy nhất trong số năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an tham dự. Sự vắng mặt của cả bốn nguyên thủ Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc tại Hội nghị đã được các nhà quan sát cho rằng đó là những chỉ dấu của “sự ít coi trọng” đối với vai trò của Liên hợp quốc cũng như thiếu sự quan tâm đối với những vấn đề toàn cầu trong đó có việc thực hiện các mục tiêu SDG.
Xu hướng chung hiện nay là các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc tập trung và lựa chọn những diễn đàn và Thượng đỉnh phụ thuộc vào các ưu tiên chiến lược quốc gia, và ở đó họ sẽ có vai trò nổi bật hơn, thu được nhiều lợi ích hơn. Ví dụ Trung Quốc tập trung vào mở rộng nhóm BRICS, Pháp quan tâm đến Diễn đàn Paris vì Hòa bình và Thượng đỉnh Paris, Hiệp ước mới về Tài chính Quốc tế (6/2023)…
Chính điều này đã và đang làm giảm uy tín và vai trò của Liên hợp quốc, người cầm cân nảy mực cho các mục tiêu phát triển bền vững cũng như điều phối, kết nối và tập hợp lực lượng toàn cầu.
– Vấn đề tài chính, khâu then chốt để triển khai việc sớm đạt được các chỉ tiêu của SDG thế giới đang đặt ra rất nhiều vấn đề. Thế giới đang rất cần sự cam kết hỗ trợ của các quốc gia thành viên với kế hoạch phục hồi SDG ít nhất là 500 tỷ đô la mỗi năm, kèm theo cơ chế xóa nợ và đặc biệt phải có việc cải cách toàn diện cơ cấu của các tổ chức tài chính quốc tế đang bị đánh giá là không công bằng và lạc hậu trong khi hệ thống tài chính quốc tế hiện nay không có khả năng thích ứng với nhiều cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các quốc gia đã mắc nợ quá mức.
Thế giới cần tạo hơn 400 triệu việc làm bền vững mới đặc biệt là trong các nền kinh tế xanh, chăm sóc và kỹ thuật số và hơn bốn tỷ người đang cần được đầu tư an sinh xã hội trong khi các cơ chế viện trợ chính thức từ các nước phát triển đang có nguy cơ giảm dần.
Chính vì thế việc tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, được vay dài hạn với lãi xuất thấp, thiết lập các mối quan hệ đối tác thật sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật phù hợp cho các nước đang phát triển, các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) và các quốc gia kém phát triển nhất (LDC) rất cấp bách và cần một nhạc trưởng đứng ra điều phối.
– Cần chấm dứt xung đột. Thế giới cần một môi trường ổn định, hòa bình và không có xung đột để phát triển. Không thể có phát triển bền vững nếu như chúng ta phải sống trong bầu không khí hoảng loạn và luôn bị đe dọa bởi các cuộc chạy đua vũ trang và nguy cơ xung đột bùng nổ, bất cứ lúc nào, tại bất cứ châu lục nào.
Tình hinh địa chính trị thế giới đang đầy bất ổn, cuộc chiến tại Ukraine vẫn tiếp diễn, ngày càng căng thẳng hơn, nguy cơ xung đột tại khu vực Đông Bắc Á và Biển Đông, các cuộc binh biến tại châu Phi, vùng Kavkaz và gần đây nhất là cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tại dải Gaza đang thu hút tất cả sự quan tâm và tiền của của cả nhân loại. Đây chính là những yếu tố ngăn cản việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian qua và trong tương lai gần.
Số tiền khổng lồ hàng trăm tỷ đô la tiêu hao trong cuộc chiến tại Ukraine đã có thể cứu sống được vài trăm nghìn người chết của mỗi bên và dành cho phát triển bền vững.
– Và điểm cuối cùng khi đề cập đến các nguyên nhân ngăn cản việc thực thi SDG chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng có những nguyên nhân vượt quá tầm kiểm soát của con người. Đó là những biến động không lường trước được như động đất, sóng thần, thiên tai, lũ lụt.Tuy nhiên, nếu như việc dự báo và đối phó với thiên tai tốt hơn thì về cơ bản đã có thể tránh được nhiều thiệt hại nặng nề về con người như ở Lybia vừa qua.
Tóm lại SDG “mang theo hy vọng, ước mơ, quyền và kỳ vọng của người dân trên khắp thế giới”, hoàn toàn phù hợp với các nghĩa vụ của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đó cũng chính là lộ trình, mục tiêu mà tất cả các quốc gia phải phấn đấu.
Thế giới là một ngôi làng, tác động qua lại lẫn nhau. Không một quốc gia nào có thể sống yên ổn trên ốc đảo riêng biêt,chính vì thế cần sự chung tay góp sức của tất cả các quốc gia trong việc thực hiện chương trình này.
Từ nay đến năm 2030 thời gian không còn nhiều, tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần dựa trên điều kiện cụ thể của mình để tiếp tục xây dựng các chiến lược cụ thể, đưa ra các cam kết hành động mạnh mẽ để hiện thực hóa tầm nhìn của Chương trình phát triển bền vững vì con người và hành tinh, vì hòa bình và thịnh vượng và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả chúng ta.
T.P