Mekong là dòng sông lớn nhất Đông Nam Á, dài 4.800 km, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng ở Trung Quốc, đổ ra biển tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Dòng sông này chảy qua 6 quốc gia, lần lượt là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Sông Mekong đóng vai trò không thể thiếu đối với cuộc sống của hơn 60 triệu người dân, nhất là nguồn lợi về thủy sản, thủy điện, giao thông đường thủy và sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng ngày nay, dòng sông này đang phải đối diện với nguy cơ về suy thoái môi trường và mất đa dạng sinh học.
Hàng loạt đập thủy điện được xây dựng
Đến nay, đã có 55 đập thủy điện đang hoạt động trên dòng chính và các dòng phụ của con sông này, cùng với hàng chục con đập khác đã được quy hoạch hoặc đang được xây dựng. Thủy điện là lựa chọn hàng đầu để đảm bảo an ninh năng lượng đối với các nước ven bờ sông Mekong. Ở Trung Quốc, thủy điện được coi là nguồn năng lượng xanh là giải pháp tốt nhất để thay thế cho các nhà máy điện than. Đồng thời, các dự án thủy điện ở sông Mekong sẽ mở đường cơ hội cho sự phát triển của các khu vực phía Tây Nam.
Với Lào, nước này muốn trở thành “cục pin” của Đông Nam Á, xuất khẩu điện sang các nước láng giềng. Tại Thái Lan, những người ủng hộ việc xây dựng thủy điện nhấn mạnh việc phủ xanh Isan, vùng Đông Bắc thường bị hạn hán. Đối với Campuchia, quốc gia này chỉ xây dựng một đập thủy điện duy nhất trên phụ lưu sông Mekong vì sợ làm suy giảm nguồn thủy sản. Ở Việt Nam, 11 thủy điện được xây dựng trên sông Sêrêpôk và sông SêSan, hai phụ lưu của sông Mekong.
Theo quỹ Critical Ecosystem Partnership Fund, có nhiều nguyên nhân mà càng ngày càng có nhiều đập thủy điện được xây dựng trên lưu vực con sông này. Trong vài thập kỷ qua, lưu vực sông Mekong có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đi liền với sự gia tăng về nhu cầu điện. Trong khi đó, sông Mekong có tiềm năng thủy điện rất lớn, từ 17.630 MW cho đến 250.000 MW. Bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam có tiềm năng thủy điện ước tính là từ 50.000 cho đến 64.750 MW, với 12 con đập nằm trên các nhánh của hạ lưu sông Mekong có công suất là 1.469 MW.
Thủy điện lâu nay vẫn được coi là một nguồn năng lượng xanh, vì có thể tái tạo và không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Trên lý thuyết, các đập nước còn giúp kiểm soát dòng chảy, điều chỉnh lưu lượng nước, phòng chống lũ lụt hay hạn hán tại hạ nguồn, giúp phát triển nông nghiệp. Việc xây đập cũng nhận được sự ủng hộ từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. Thế nhưng hiện nay, Trung Quốc mới là nhà tài trợ lớn nhất cho các con đập lớn trên toàn cầu với khoảng 2500 dự án đập, tương đương với một nửa tổng số đập của thế giới. Giáo sư Marinos, từ trường Đại học John Hopkins ở Mỹ, cho biết các con đập trên dòng Mekong có ý nghĩa chiến lược, vì chúng cho phép Trung Quốc có thể quyết định sống chết của tất cả các nền kinh tế ở hạ nguồn, trên toàn bộ khu vực Đông Nam Á lục địa.
Các nước đang giữ lại bao nhiêu nước?
Theo thông tin của MDM, dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện trên sông Mekong, từ ngày 25/9 cho đến ngày 1/10 năm nay, 55 hồ thủy điện trên lưu vực sông Mekong đã giữ tới 34,6 tỷ m3 nước. Cụ thể, Trung Quốc có 11 hồ thủy điện chứa 15,06 tỷ m3 nước, tức là 62% dung tích tối đa, riêng đập Tiểu Loan đã tích tới 9,72 tỷ m3 nước, đập Nọa Trát Độ cũng chứa tới 4,18 tỷ m3 nước.
Trong khi đó, Lào có 25 hồ thủy điện và chứa tới 14,81 tỷ m3 nước, bằng 81% dung tích tối đa. Bảy hồ thủy điện của Thái Lan đang chứa tới 2,30 tỷ m3 nước, tức 70% dung tích tối đa. Campuchia có một hồ thủy điện chứa 0,77 tỷ m3 nước, bằng 74% dung tích tối đa. Việt Nam có 11 hồ thủy điện chứa tổng cộng 1,67 tỷ m3 nước, bằng 73% dung tích tối đa.
Như vậy, Trung Quốc đang nắm giữ tới 46% lượng nước được dự trữ trong các hồ thủy điện, tương đương với quốc gia đứng thứ hai là Lào với 45%. Còn 3 nước là Thái Lan, Campuchia và Việt Nam chỉ nắm giữ 9% lượng nước trong các hồ thủy điện.
Lượng nước Trung Quốc đang nắm giữ thực tế còn lớn hơn nữa, nếu xét về lượng nước mà quốc gia này đóng góp về lượng nước của sông Mekong. Trung Quốc đóng góp khoảng 16%, Myanmar 2%, Lào 35%, Thái Lan 18%, Campuchia 20% và Việt Nam 11%. Cùng giữ lượng nước tương đương, nhưng Lào là nước cung cấp nhiều nước nhất cho sông Mekong, trong khi Trung Quốc chỉ đóng góp 16%, nhưng lại giữ tới 46% lượng nước trong các hồ chứa.
Các đập thủy điện thượng nguồn tích nước khiến cho dòng chảy trên toàn bộ khu vực sông Mekong có xu hướng giảm. Đầu tháng 9 năm nay, dòng chảy tại Chiang Sen của Thái Lan bị giảm đi tới 40%. Còn mực nước tại Viêng Chăn của Lào cũng ở mức rất thấp, mực nước từ Viêng Chăn đến Đồng bằng sông Cửu Long thậm chí còn ở mức thấp kỷ lục. Việc tích trữ nước về mùa mưa gây bất lợi cho các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong, vì chúng hạ thấp mực nước sông, cũng như làm giảm các nguồn lợi của dòng chảy mùa lũ. Sản xuất lúa ở Thái Lan hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước do mực nước ở sông cực kỳ thấp. Xa hơn về phía hạ lưu, tình trạng thiếu lũ theo mùa đang khiến sản lượng đánh bắt cá và sản xuất nông nghiệp thấp hơn ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân đang sống dựa vào nguồn lợi tự nhiên của dòng sông.
Các kênh đào hút nước từ sông Mekong
Mới đây, Campuchia đã công bố xây dựng kênh đào Đế Chế Phù Nam.
Theo tính toán, con kênh này cần đến 77 triệu m3 nước để lấp đầy. Như vậy một lượng nước rất lớn sẽ bị lấy đi trước khi dòng Mekong chảy vào lưu vực thuộc địa phận Việt Nam. Dự án kênh đào Phù Nam của Campuchia không phải là con kênh đào đầu tiên lấy nước từ dòng sông Mekong. Trước đó, Thái Lan cũng đã xây dựng các con kênh để phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp ở vùng Đông Bắc. Isan là một vùng châu thổ rộng lớn trên cao nguyên Coras, bao gồm 20 tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Chiếm đến 1/3 diện tích và 1/3 dân số quốc gia này, thế nhưng đây vẫn là một vùng đất nghèo và khô hạn, dù nó được bao quanh bởi sông Mekong. Vì vậy, từ lâu, chính phủ Thái Lan đã muốn chuyển nước từ sông Mekong về tưới tiêu cho khu vực này. Năm 1992, dự án kênh đào Kong Chimun được bắt đầu, với tổng chi phí lên tới 4 tỷ đô la, lấy đi 300m3/s, trong tổng số lưu lượng 2600 m3 nước trên giây.
Hai năm sau, một dự án khác có tên là Kok Ing Nan, có trị giá lên tới 1,5 tỷ đô la, được khởi động lấy nước từ hai phụ lưu lớn của sông Mekong là sông Kok và sông Ing, ở vùng Chiang Rang thuộc Bắc Thái Lan, rồi chuyển sang sông Chao Phraya.
Theo dự kiến, con kênh đào dài hơn 100km này sẽ chuyển 2,2 tỷ m3 nước mỗi năm từ sông Mekong và sông Nan, một phụ lưu của sông Chao Phraya, nhằm cấp nước tưới cho vùng Isan khô hạn.
Năm 2008, chính phủ Thái Lan tái động dự án Kong-Chi-Mun với cái tên mới là Con Lo Chi-Mun và còn mở rộng thêm nhiều đường dẫn nước, chi phí cho dự án này lên tới 17 tỷ đô la và phải mất tới 15 năm mới hoàn thành. Từ năm 2016, Thái Lan đã bắt đầu thực hiện dự án này.
Cụ thể, Thái Lan cho xây dựng một loạt các trạm bơm và kênh dẫn nước, bao gồm cả các đường hầm dẫn nước xuyên qua lòng sông hoặc núi, vào mùa khô Kong-Chi-Mun sẽ chuyển khoảng 1.200 m3/s từ sông Mekong vào hệ thống này tương đương một nửa lưu lượng nước sông Mekong vào mùa khô .
Hiện nay, Thái Lan có 6.388 công trình tưới tiêu, nhiều nhất ở hạ lưu sông Mekong. Nước này dự định sẽ triển khai thêm 990 dự án ở vùng đông bắc, chủ yếu là chuyển nước từ sông Mekong. Campuchia có diện tích tưới tiêu là 504.245 ha, đến năm 2030 sẽ mở rộng thêm 772.419 ha. Tại Lào, diện tích tưới tiêu chủ yếu là những dải đất hẹp dọc theo các dòng nhánh và các cánh đồng lũ cạnh dòng chính sông Mekong. Đến năm 2030, Lào sẽ mở rộng diện tích tưới tiêu thêm hơn 210.000 ha.
Theo ước tính, dự án tưới tiêu của Thái Lan sẽ lấy đi 1.270m3/s từ sông Mekong, Campuchia là 500 m3/s và Lào là 240m3/s. Với các dự án từ Thái Lan, Lào và Campuchia, lượng nước chảy về đồng bằng Sông Cửu Long sẽ giảm đáng kể, khi tổng lượng nước tưới tiêu mà ba quốc gia trên đã lấy là khoảng 2.000m3/s, trong khi lưu lượng của sông Mekong vào mùa khô là 2.600 m3/s. Trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển đang dâng, đây sẽ là một rủi ro lớn cho Việt Nam.
Những tác động tiêu cực đến Việt Nam
Đồng bằng Sông Cửu Long, tuy chỉ chiếm 12% diện tích cả nước, nhưng lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng về an ninh lương thực của Việt Nam. Với dân số trên 17 triệu người, khu vực này hàng năm đóng góp đến 27% GDP, với 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Trong khi đó, tình trạng thiếu nước trong mùa khô diễn ra thường xuyên hơn, xâm nhập mặn có xu hướng phát triển sớm hơn và sâu hơn, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún có diễn biến ngày càng phức tạp, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân trong vùng. Các đập thủy điện và các kênh đào không chỉ làm giảm lưu lượng nước, mà còn làm giảm phù sa xuống vùng hạ lưu. Các đập thủy điện ở Trung Quốc giữ lại 50% lượng trầm tích, còn các đập xây trên phụ lưu của Lào và Campuchia giữ lại khoảng 5%.
Như vậy, ít nhất 50% đất nông nghiệp ở đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng do mất đất phù sa và dinh dưỡng từ các dự án thủy điện. Điều này làm cho diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp và kém màu mỡ. Sự suy giảm lương thực ngày càng cao theo thời gian khiến Tây Nam Bộ có thể không còn là vựa lúa của Việt Nam và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực.
Trước đây, lượng phù sa trên Sông Mekong chảy về đồng bằng Sông Cửu Long là khoảng 73 triệu m3/năm. Thế nhưng, đến năm 2012, chỉ còn lại 42 triệu m3. Dự báo, khi 19 dự án hồ chứa được hoàn thành, lượng phù sa chảy về nơi đây chỉ còn từ khoảng 10 đến 15 triệu m3/năm. Do phù sa bị giữ lại bởi các con đập, lượng cát thô sẽ không chảy về Tây Nam Bộ nữa. Lượng cát mất đi mà không có nguồn bổ sung sẽ phá hủy quá trình kiến tạo của vùng đất này, từ đó làm tăng tốc độ xói mòn dọc bờ biển Tây Nam Bộ.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, lượng chất dinh dưỡng đã giảm từ 4.157 tấn mỗi năm xuống chỉ còn 1.039 tấn một năm. Điều này đã làm giảm năng suất gạo từ 0,6 cho đến 1 tấn mỗi ha. Như trong đợt hạn hán ở miền Nam vào năm 2016, đã có tới 500.000 ha lúa với 200.000 tấn gạo bị thiệt hại. Cùng với đó là số thủy sản trị giá 50 triệu đô la.
Chu kỳ lũ hàng năm từ sông Mekong còn giúp đồng bằng sông Cửu Long rửa phèn, giảm mặn, cải tạo đất, góp phần nâng cao năng suất nông nghiệp. Thế nhưng, bên cạnh sự suy giảm dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong, Việt Nam cũng phải đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao vào mùa khô.
Theo báo cáo của Ủy ban sông Mekong, nếu ba dự án thủy điện của Lào là Xayaburi, Don Sahong và Pak Bong đi vào hoạt động, xâm nhập mặn trên sông Tiền và sông Hậu sẽ tăng từ 2,8 cho đến 3,8 km. Nếu chuỗi 11 đập thủy điện đi vào hoạt động, xâm nhập mặn trên sông Tiền và sông Hậu sẽ tăng từ 10 đến 18 km. Theo tính toán, khi độ mặn vượt quá 1 phần nghìn, nguồn nước sẽ không thể sử dụng để sinh hoạt. Nếu vượt quá 4 phần nghìn, cây cối không thể sinh trưởng và chết. Trên thực tế, có thời điểm ở một số địa phương Tây Nam Bộ đã có độ mặn đạt 4 phần nghìn, thậm chí có nơi lên tới 20 phần nghìn.
Năm 2016, sự xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền tới 135 km trên sông Vàm Cỏ Tây, 79 km trên sông Tiền, 78 km trên sông Hàm Luông và 81 km trên sông Cổ Chiên. Các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đã làm giảm lưu lượng nước ở hạ nguồn, khiến việc xâm nhập mặn ngày càng gia tăng và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hơn nữa, việc không có lũ cũng là một khó khăn lớn. Người dân vùng Tây Nam Bộ đã quen với việc lũ lên xuống theo mùa. Nhiều người dân sống trong vùng lũ cho biết, năm nào lũ về nhiều, nguồn thủy sản sẽ dồi dào, bà con tha hồ giăng câu, thả lưới, kéo vó. Còn năm nào lũ nhỏ, sản vật thiên nhiên giảm đi cá, tôm ít và bà con thất thu. Nhưng mất mùa tôm cá chưa đáng lo bằng việc không có lũ sẽ ảnh hưởng lớn đến vụ lúa Đông Xuân, vì nông dân sẽ tốn thêm các khoản chi phí, nhất là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Theo báo cáo của Ủy ban sông Mekong Việt Nam thực hiện vào năm 2019, các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã gây ra tác động với đồng bằng sông Cửu Long như sau:
– Tổng lượng dòng chảy trong mùa khô sẽ bị sụt giảm mạnh trong giai đoạn ngắn, có thể thấp hơn trung bình từ 45%. Trong khi tác động trong mùa lũ là khá nhỏ.
– Do thiếu nước trong mùa khô, diện tích xâm nhập mặn sẽ tăng khoảng 100.000 ha, tức 15%.
– Do bị các đập thủy điện ngăn giữ lại, nên tổng lượng phù sa, bùn cát hàng năm về đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị sụt giảm rất mạnh, mất hơn 90% lượng phù sa, bùn cát của dòng sông tự nhiên trước đây. Trong đó, các đập trên lãnh thổ Trung Quốc đã chiếm hơn 50%.
– Do phù sa, bùn cát không về được Tây Nam Bộ, nên các chất dinh dưỡng theo phù sa cần thiết để cho phát triển nông nghiệp cũng bị sụt giảm mạnh tương ứng.
– Nguồn lợi thủy sản của miền Tây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với mức sụt giảm khoảng 44%, tương đương với 305.000 tấn. Có hơn 10% tổng số loài cá sẽ bị biến mất vĩnh viễn.
– Về đa dạng sinh học, hạ lưu sông Mekong được đánh giá là có mức độ phong phú thứ hai thế giới, sau lưu vực sông Amazon. Nhưng nó sẽ bị sụt giảm tới 40% và một số loài động vật quý hiếm sẽ bị tuyệt chủng hoặc biến mất tại Việt Nam.
– Do thiếu nước và gia tăng xâm nhập mặn, cũng như sụt giảm nguồn phù sa màu mỡ của sông Mekong, nên sản lượng nông nghiệp sẽ giảm hơn 600.000 tấn mỗi năm và sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
– Do chế độ vận hành của các công trình thủy điện, nên trong mùa khô, điều kiện giao thông đường thủy ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng. Đời sống người dân phụ thuộc vào nguồn nước sông Mekong cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt trong mùa khô, do gia tăng xâm nhập mặn và thiếu nước. Ước tính có ít nhất 7 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Các giải pháp của Việt Nam
Trung Quốc và Lào sẽ tiếp tục xây dựng thêm các nhà máy thủy điện trên dòng chính, trong khi tình trạng thiếu điện ở Việt Nam ngày càng tăng nên Hà Nội đã thử một chiến lược mới. Tháng 6/2019, PV Power, một công ty con của Petrol Việt Nam, đã tổ chức một hội thảo để thảo luận việc tham gia vào dự án đập thủy điện Luông Pha Pang trên sông Mekong, PV Power được cho là nắm giữ 38% cổ phần của dự án này.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam không thể ngăn cản Lào xây dựng thêm các con đập, tốt nhất là Việt Nam nên tham gia vào các dự án này để kiểm soát việc thiết kế và vận hành các con đập từ đó có thể giảm thiểu tác động môi trường lên đồng bằng sông Cửu Long. Dù vậy, Việt Nam cũng không thể tham gia vào tất cả các dự án thủy điện và việc này cũng làm Việt Nam khó phản đối các dự án của Lào và các nước khác.
Thay vì phụ thuộc vào Lào, Việt Nam nên đa dạng hóa nguồn điện bằng các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí, hay thậm chí là điện hạt nhân. Ngay cả khi Việt Nam tham gia vào một số dự án xây dựng đập thủy điện ở Lào, họ cũng cần phải tiếp tục phản đối việc xây dựng các con đập mới trên sông Mekong. Nếu như Lào vẫn tiếp tục xây đập, Hà Nội cần yêu cầu Lào lựa chọn các thiết kế đập và công nghệ thủy điện phù hợp để giảm thiểu tác động môi trường. Bởi vì đồng bằng sông Cửu Long không chỉ quan trọng đối với an ninh lương thực của Việt Nam, mà còn là vựa lúa của cả thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia độc lập về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, cho biết: “Năm 2016, người dân ở Tây Nam Bộ chưa có nhiều kinh nghiệm để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn và bị ảnh hưởng nặng nề. Thế nhưng, sau đó, người dân miền Tây đã rút kinh nghiệm đối phó. Trong năm 2020, nhờ được cảnh báo sớm, nên người dân đã chậm xuống giống, chờ mưa, và đã hạn chế được tầm ảnh hưởng của hạn hán đến mùa vụ.
Về lâu dài, Việt Nam cần làm việc với Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia để xúc tiến các giải pháp thay thế thủy điện và các nguồn điện khác trong tương lai. Còn trước mắt, cần kiến nghị về các quốc gia thượng nguồn, trong mùa khô, không tích nước mà phải xả xuống hạ du để lưu lượng dòng chảy tự nhiên được bình thường. Đó là thông điệp duy nhất mà Việt Nam và những nước hạ nguồn sông Mekong cần gửi tới các nước thượng nguồn, dù đó là nước nào.
Chuyện không chỉ của Mekong
Không chỉ sông Mekong, sông Hồng cũng đang cạn nước. Sông Hồng cũng bắt nguồn từ Trung Quốc, và đổ ra Biển Đông. Tháng 8 /2022, mực nước sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, xuống thấp, để lộ ra những tảng đá ngầm, dù đang vào mùa lũ. Kết quả so sánh mặt cắt lòng sông của Viện Quy hoạch Thủy lợi đo vào năm 2022 cho thấy, so với năm 2010, trung bình lòng sông bị hạ thấp từ 2 đến 5m, tùy từng vị trí. Đoạn sông Hồng chảy qua Trung Quốc dài 639 km, nhưng có tới hơn 60 đập và hồ chứa. Cụ thể 41 đập thủy điện, 2 đập đa chức năng và 25 đập thủy lợi. Cơn mê cuồng xây đập và khai thác quá mức các dòng sông của Trung Quốc đang tàn phá môi trường, hủy hoại rừng, làm kiệt quệ hệ sinh thái và dẫn đến căng thẳng về nguồn nước. Điều tra về nguồn nước của Trung Quốc vào năm 2013 cho thấy, số lượng sông ngòi, không kể các suối nhỏ đã giảm hơn một nửa trong 60 năm qua, với hơn 27.000 con sông đã biến mất. Từ đó đến nay, tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.
Bên cạnh sông Mekong hay sông Hồng, Trung Quốc vẫn đang cho xây dựng hàng loạt con đập ở thượng nguồn các con sông lớn và gây mâu thuẫn với các nước láng giềng. Mới đây, Trung Quốc đã công bố cho xây dựng siêu đập có công suất lớn gấp ba lần công suất của đập Tam Hiệp trên sông Brahmaputra. Con đập lớn nhất thế giới này nằm cách biên giới Ấn Độ chỉ có 30 km. Ngay lập tức, Ấn Độ đã yêu cầu Trung Quốc phải đảm bảo quyền lợi của các quốc gia ở hạ nguồn, sẽ không bị thiệt hại bởi các hoạt động trên khu vực thượng nguồn.
Thế nhưng, không phải mỗi Trung Quốc là quốc gia duy nhất đang giết chết các dòng sông, các nước khác từ châu Á đến châu Mỹ đều nhờ các dòng sông lớn để phát điện. Việc chuyển nước tới tiêu cũng là một nguyên nhân lớn gây áp lực cho sông ngòi. Trồng trọt và chăn nuôi sử dụng 3/4 nguồn nước ngọt trên thế giới. Trong khi con người xả thải làm ô nhiễm chính nguồn nước này, tính chung gần 2/3 các con sông lớn trên thế giới đều bị biến đổi và một số sông lớn như dòng sông Nile và sông Rio Grande hiện đang có nguy cơ trở thành dòng sông chết.
Hiện tại chỉ có 21 dòng sông dài hơn 1000km vẫn đang chảy tự do từ thượng nguồn ra biển. Phần lớn các sông này đều nằm tại những vùng xa xôi như Bắc Cực hay ở lưu vực sông Amazon và sông Congo. Những nơi mà thủy điện vẫn chưa đem lại hiệu quả kinh tế.
T.P