Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng dương là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của VN năm 2023.
Thủy sản, hồ tiêu… gia tăng vào thị trường hơn 1,4 tỉ dân
Theo báo cáo từ Bộ Công thương, từ tháng 1 – 11.2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ hai của VN, kim ngạch ước đạt 55,98 tỉ USD, tăng 6,2%, chiếm 17,3% tổng kim ngạch XK cả nước. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN với kim ngạch ước đạt 99,6 tỉ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo nhận định: Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường XK lớn của VN đạt mức tăng trưởng dương (XK của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Ngoài nhóm hàng trái cây như sầu riêng, thanh long của VN đã quen thuộc với người tiêu dùng Trung Quốc, nhiều mặt hàng khác của VN cũng ngày càng được sử dụng nhiều như thủy sản, hồ tiêu. Chẳng hạn, theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu VN, 10 tháng năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường XK hồ tiêu lớn nhất của cả nước khi đạt 57.723 tấn, chiếm 25,8% thị phần và tăng 265,3% so cùng kỳ năm trước. Hay thị trường này cũng chiếm tới 91,47% tỷ trọng XK mặt hàng sắn, với cao su là 71%…
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN (VASEP) thống kê tính tới hết tháng 11, XK thủy sản của VN đạt 8,2 tỉ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính XK thủy sản cả năm 2023 đạt khoảng 9 tỉ USD, giảm 18%. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt trên 1,4 tỉ USD, giảm 12% – thấp hơn mức giảm chung của cả ngành.
Trung Quốc những năm gần đây luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của VN. Trong đó, riêng đối với cá tra của VN thì Trung Quốc là thị trường chủ lực. Các doanh nghiệp (DN) trong ngành kỳ vọng kinh tế Trung Quốc ổn định hơn trong những tháng cuối năm, thu nhập và tiêu dùng của người dân nước này phục hồi sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng nhập khẩu mạnh từ nay đến tháng 2.2024 để phục vụ mùa cao điểm tiêu thụ cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe đánh giá: “Năm 2023 là một năm ngành thủy sản đối mặt với nhiều thách thức. Trong khi nhiều thị trường quan trọng sụt giảm mạnh thì Trung Quốc sụt giảm ít nhất. Vì thế, nước này đang trở thành thị trường quan trọng hàng đầu. Xét về cơ hội và tiềm năng, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng. Bởi đây là thị trường có dân số lớn và gia tăng”.
Đáng chú ý, tỷ lệ dân số tầng lớp trung lưu tăng cũng như kinh tế có triển vọng tích cực hơn sau Covid-19. Hơn nữa, xu hướng phát triển giống các nước phát triển là đang tập trung vào các ngành công nghiệp, đầu tư vào ngành thủy sản sẽ không được ưu tiên. Do đó, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước thì sẽ ngày càng tăng tỷ trọng mua hàng từ nước ngoài, trong đó VN vốn có nhiều lợi thế về thủy sản. “Nhiều DN thủy sản xác định Trung Quốc là thị trường chiến lược và tiềm năng, cần tập trung phát triển. Lượng khách hàng trung lưu ngày càng tăng nên nhu cầu về các sản phẩm chế biến sâu ngày càng cao và đây cũng là thế mạnh của DN chế biến thủy sản VN”, ông Trương Đình Hòe cho hay.
Điện thoại, sản phẩm điện tử… chiếm chủ lực
Trong số các sản phẩm xuất sang thị trường Trung Quốc, nhóm mặt hàng chủ lực có trị giá XK trên 10 tỉ USD trong 11 tháng qua là điện thoại các loại và linh kiện, đạt 15,1 tỉ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch đạt gần 12 tỉ USD…
Ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử VN, cho rằng thời gian qua, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đặt nhà máy sản xuất tại VN. Từ đó, sản phẩm điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện “Made in Vietnam” đã được bán ra thị trường thế giới ngày càng nhiều. Trong đó, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới đối với tất cả hàng hóa. Vì vậy, nhóm sản phẩm công nghệ, điện tử nói riêng của VN cũng xuất ngày càng nhiều sang thị trường này là dễ hiểu, tương tự nhiều sản phẩm máy in, xe máy hay ngay cả giày dép của các thương hiệu toàn cầu sản xuất ở VN.
Việc XK các sản phẩm công nghệ, điện tử gia tăng thúc đẩy sản xuất, nhiều công ty trong nước tham gia vào chuỗi cung cấp toàn cầu và điều đó cũng thúc đẩy các hoạt động phát triển sản xuất của kinh tế VN. Hơn nữa, mối liên kết trong chuỗi sản xuất toàn cầu như từ nguyên liệu đến bán thành phẩm và ra sản phẩm cuối cùng thường có sự giao thoa giữa VN và Trung Quốc đã diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Chuỗi liên kết này cũng khá quan trọng khi hai nước ở cạnh nhau, cũng là một yếu tố để các tập đoàn thương hiệu toàn cầu xem xét khi lựa chọn đặt nhà máy sản xuất ở VN, tận dụng các lợi thế về vận chuyển hàng hóa từ VN xuất sang thị trường Trung Quốc hay ngược lại mua nguyên vật liệu, bán thành phẩm… sang VN hoàn thiện.
Ông Đỗ Khoa Tân nhấn mạnh: Tầng lớp người tiêu dùng trung lưu tại Trung Quốc đã tăng nhanh và nhu cầu tiêu dùng hàng hóa rất lớn. Chính vì vậy, hầu như không có một tập đoàn sản xuất nào trên thế giới có thể “bỏ lơ” thị trường Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc càng trở nên quan trọng trong chuỗi sản xuất cả về tiêu thụ lẫn cung cấp nguyên vật liệu cho nhiều ngành sản xuất của VN. Quan trọng là DN Việt sẽ phải liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế nói chung, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của thế giới và từ đó giúp gia tăng giá trị cho DN.
T.P