Chuyện cũ mà luôn luôn nóng: Triều Tiên lại phóng tên lửa. Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia lại lên tiếng chỉ trích.
Vào buổi sáng 18/12, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng thêm một vật thể chưa xác định. Sự kiện này chỉ xảy ra sau vài giờ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Vụ phóng tên lửa vào ban đêm được Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, Triều Tiên thông báo: Tên lửa đạn đạo được bắn ra vùng biển phía Đông nước này.
Việc Bình Nhưỡng tiếp tục gây căng thẳng liên quan đến những đồn đoán Triều Tiên đang chuẩn bị phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Quốc gia láng giềng Nhật Bản phản ứng sớm nhất. Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shingo Miyake đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, vì đó là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có tầm bắn lên đến hơn 15.000 km. Nó có thể đến bất cứ đâu, kể cả… Mỹ. Ngay trong phiên họp sáng 18/12 của Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN đang diễn ra tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã lên tiếng phản đối việc liên tục phóng tên lửa của Triều Tiên trong mấy ngày qua.
Trước đó, khoảng 22h38 giờ địa phương, hôm 17/12, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Tên lửa bay khoảng 570 km trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông nước này.
Hành động ngang ngược của chính quyền Bình Nhưỡng đã vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đe dọa tới hòa bình, ổn định của khu vực, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các bên đối phó với hành động nguy hiểm này.
Tiếp theo Nhật Bản là Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, đây là mối đe dọa đối với các nước láng giềng. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần cần thái độ nghiêm khắc chấn chỉnh những hành động lặp đi lặp lại, bất chấp luật pháp quốc tế của Triều Tiên.
Mỹ kêu gọi tất cả các nước lên án các hành vi vi phạm của Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng ngay các hành động gây bất ổn, đàm phán một cách nghiêm túc. Bởi lúc này cánh cửa cho ngoại giao vẫn chưa đóng lại. Đồng thời, Washinghton tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh của nước này cũng như của các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thái độ của Bình Nhưỡng ra sao sau khi có phản ứng của thế giới? Họ quả quyết rằng, không ai được phép cản trở. Các vụ phóng tên lửa là hành động thực hiện quyền tự vệ chính đáng của đất nước, “nhằm ngăn chặn các động thái quân sự nguy hiểm của các thế lực thù địch và bảo vệ an ninh của Triều Tiên”.
Thậm chí, theo truyền thông Triều Tiên, nước này đã xây dựng thành công lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới theo chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Một bài báo được đăng trên tờ Rodong Sinmun – Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên- viết: “Với sức mạnh công nghiệp cách mạng của Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, lực lượng hạt nhân của đất nước đã tăng mạnh và đạt trình độ mạnh nhất thế giới một cách vững chắc”.
Tuyên bố của Bình Nhưỡng được đưa ra sau khi tình báo của Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đang ở giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho vụ phóng vệ tinh do thám quân sự lần thứ ba sau hai lần thất bại vào tháng 5 và tháng 8 năm nay. Hãng thông tấn Anadolu dẫn thông tin từ truyền thông Triều Tiên cho biết: Triều Tiên đã quyết định chọn ngày 18/11 là “Ngày công nghiệp tên lửa” để kỷ niệm vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 vào năm 2022.
Tên lửa Hwasong-17 tái khẳng định việc Triều Tiên đạt được năng lực mạnh mẽ và tin cậy, là quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa mạnh nhất, có khả năng đè bẹp bất kỳ mối đe dọa hạt nhân nào (!).
Cố nhiên, không ai có thể bơi trên sóng dữ biển khơi nhẹ nhàng như trong bể bơi. Đó chỉ là những lời huênh hoang, khoác lác. Sau tuyên bố của chính quyền Bình Nhưỡng, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã lên án việc Triều Tiên chọn ngày 18/11 là “Ngày công nghiệp tên lửa”.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc nêu rõ: “Thật đáng thất vọng và đáng chỉ trích khi Triều Tiên đang ăn mừng một hành động đe dọa không chỉ Hàn Quốc mà cả cộng đồng quốc tế, đồng thời vi phạm một cách trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm nước này phát triển tên lửa đạn đạo”.
Hiện tại, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc khẳng định đang theo dõi sát sao khả năng Triều Tiên thực hiện nỗ lực thứ ba nhằm phóng một vệ tinh do thám quân sự. Các cơ quan tình báo Hàn Quốc và Mỹ đang theo dõi các hoạt động quân sự của Triều Tiên, nhằm phát hiện dấu hiệu của các hành động khiêu khích trong dịp kỷ niệm tròn một năm phóng thử tên lửa Hwasong-17.
Vì sao Triều Tiên lại không “sợ” bất cứ cường quốc hạt nhân nào. Chẳng lẽ tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu là Liên hợp quốc bó tay?
Không lẽ nào như thế! Cách đây tròn nửa năm, vào ngày 13 và 14/6/2023, Tại Cairo (Ai Cập), các chuyên gia thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng đến từ 5 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp đã tổ chức hội nghị, bàn về “Ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân và phòng chống chạy đua vũ trang”.
Hội nghị khẳng định: “Chiến tranh hạt nhân đánh không thắng và cũng không thể đánh được”. Để ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân, điều căn bản là giữ cho chiến lược toàn cầu được ổn định và bảo đảm an ninh của các nước không bị tổn hại.
Các chuyên gia cho rằng, chỉ có như vậy thì mới làm cho vũ khí hạt nhân trước mắt “phục vụ cho mục đích phòng ngự, đe dọa để ngăn ngừa xâm lược và ngăn ngừa chiến tranh, vì mục đích lâu dài là xây dựng một thế giới không có hạt nhân”.
Quá thất vọng trước kết luận của một hội nghị bàn về một cuộc chiến tranh đáng sợ nhất trong thế giới hiện đại. Không thấy nhắc nhỏm gì đến Triều Tiên. Không thấy giải pháp gì khả dĩ để ngăn chặn cỗ máy chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang khởi động.
Thế giới đã quá nhàm chán và thất vọng trước những lời lên án, đe dọa nhưng chả khác nào “ném cát bụi tre”.
Bình Nhưỡng “tự vệ” hay châm ngòi chiến tranh? Người Nam Á có câu: chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ!
H.Đ